Đề thi thử THPT Quốc Gia 2020 môn Văn số 12

Xuất bản: 18/03/2020 - Tác giả: Giangdh

Xem ngay đề thi thử môn văn THPT Quốc Gia năm 2020 có lời giải mẫu số 12 với bài Đọc hiểu Bàn về đọc sách và tác phẩm Vợ nhặt

Mục lục nội dung

Dưới đây là đề thi thử môn Văn 2020 THPTQG số 12 để các em tham khảo. Ôn luyện bằng cách giải các đề thi thử giúp các em thống kê lại được những kiến thức trọng tâm, qua đó chuẩn bị được tốt nhất cho kì thi. Cùng tham khảo đề thi thử THPT Quốc gia 2020 dành cho môn Ngữ văn đề số 12 cùng đáp án tham khảo dưới đây.

Đề thi thử

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm).

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Kiến thức phổ thông không chỉ cần cho công dân thế giới hiện tại, mà ngay nhà học giả chuyên môn cũng không thể thiếu được. Khoa học cận đại phân loại chặt chẽ, những người chỉ chuyên một học vấn phần nhiều khép kín trong phạm vi của mình, lấy cớ là chuyên môn, không muốn biết đến các học vấn liên quan. Điều này đối với việc phân công nghiên cứu có thể là cần thiết, nhưng đối với việc đào tạo chuyên sâu thì lại là một sự hi sinh. Vũ trụ vốn là một thể hữu cơ, các quy luật bên trong vốn liên quan mật thiết với nhau, động vào bất cứ chỗ nào đều tất liên quan đến cái khác, do đó, các loại học vấn nghiên cứu quy luật, tuy bề ngoài có phân biệt, mà trên thực tế thì không thể tách rời. Trên đời không có học vấn nào là cô lập, tách rời các học vấn khác. Ví như chính trị học thì phải liên quan đến lịch sử, kinh tế, pháp luật, triết học, tâm lí học, cho đến ngoại giao, quân sự,… Nếu một người đối với các học vấn liên quan này mà không biết đến, chỉ có học một mình chính trị học thôi, thì càng tiến lên càng gặp khó khăn, giống như con chuột chui vào sừng trâu, càng chui sâu càng hẹp, không tìm ra lối thoát…

(Chu Quang Tiềm; dẫn theo sách Ngữ văn 9 tập hai, NXBGD, 2015, trang 5).

Câu 1: (0,5 điểm). Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?

Câu 2: (0,5 điểm). Xác định phép liên kết trong câu 2 và câu 3 của đoạn trích.

Câu 3: (1,0 điểm). Trong đoạn trích, tác giả đề cập đến dạng người nào?

Câu 4: (1,0 điểm). Theo anh (chị), kiến thức phổ thông có vai trò như thế nào trong đời sống?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm).

Câu 1: (2,0 điểm).

Từ nội dung văn bản trên, anh/ chị hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày ý kiến của mình về phương pháp học tập, nghiên cứu.

Câu 2

Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân ba lần miêu tả  dòng nước mắt của bà cụ Tứ. Chiều hôm trước, khi Tràng dẫn người vợ nhặt về nhà:”Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì...Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt...”     
“Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá...

Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”.

Và sáng hôm sau, trong bữa ăn” Trống thúc thuế đấy, đằng thì nó bắt giồng đay, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống qua được các con ạ...Bà lão ngoảnh vội ra ngoài. Bà lão không dám để con dâu nhìn thấy bà khóc”.

(Kim Lân - Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.27 và tr.31)

Hãy trình bày cảm nhận của anh/chị về chi tiết dòng nước mắt của bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân.

Đáp án đề thi thử môn Văn THPT Quốc gia

I. Đọc - hiểu

Câu 1: Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ là: chính luận

Câu 2: Phép liên kết trong câu 2 và câu 3 của đoạn trích là: phép thế (Điều này)

Câu 3: Trong đoạn trích, tác giả đề cập đến dạng người là: chỉ chuyên một học vấn, khép kín trong phạm vi của mình, không muốn biết đến các học vấn liên quan.

Câu 4: Kiến thức phổ thông có vai trò trong đời sống vì trên đời không có học vấn nào là cô lập, tách rời các học vấn khác.

II. Làm văn

Câu 1: Hướng dẫn làm bài

Triển khai vấn đề cần nghị luận và đảm bảo được những nội dung chính sau:

- Bày tỏ thái độ đồng tình với nội dung đoạn trích: Việc quan tâm tìm hiểu các môn học, lĩnh vực có liên quan chính là phương pháp học tập, nghiên cứu đúng đắn, hiệu quả.

- Phê phán cách học “tủ”, học lệch, chỉ chú trọng những môn học “chính”, những nội dung “trọng tâm”…

- Xác định phương hướng: Sẽ học tập, nghiên cứu đầy đủ các lĩnh vực, các bài học, môn học có liên quan...

Câu 2: Gợi ý làm bài

a.Giới thiệu khái quát về tác giả Kim Lân và tác phẩm Vợ nhặt

b.Cảm nhận chi tiết “dòng nước mắt” của bà cụ Tứ

- Hoàn cảnh dẫn đến “dòng nước mắt”

+ Bối cảnh chung: Nạn đói khủng khiếp 1945, bức tranh thảm đạm, đầy âm khí, thê lương và chết chóc

+ Bối cảnh riêng: Gia cảnh bà cụ Tứ; bản thân Tràng lại là dân ngụ cư, nghèo khổ, thô kệch, hơi ngẩn ngơ...; “thị” thì lại lang thang, đói rách, thảm hại. Hai người gặp nhau qua câu đùa cợt của Tràng. Lần thứ hai gặp lại, người đàn bà gợi ý và được cho ăn. Cuối cùng thị đã bám lấy câu nói đùa của người ta để theo không về làm vợ. Dòng nước mắt của bà cụ Tứ đã rỉ xuống khi biết được sự việc trớ trêu này...

- Cảm nhận về dòng nước mắt:

+ Nước mắt của sự tủi thân , xót phận mình, xót thương cho các con đến thắt lòng.

  • Đau khổ khi chưa làm tròn bổn phận người mẹ. ·
  • Xót thương cho số kiếp con trai nhặt vợ trong hoàn cảnh trớ trêu, tội nghiệp
  • Thương cô con dâu hốc hác, rách rưới bị cái đói đẩy tới đường cùng phải liều thân.

+ Nước mắt vui mừng cho hạnh phúc của các con (hạnh phúc và buồn lo lẫn lộn)

+ Nước mắt lo lắng cho tương lai các con( Nỗi lo thường trực, ám ảnh, cả 3 lần dòng nước mắt của cụ đều đi kèm với nỗi lo lắng

  • Đặc biệt, trong bữa ăn sáng hôm sau, khi nghe tiếng trống thúc thuế, bà cụ lại khóc nhưng đã cố che giấu nước mắt của mình trước mặt con dâu. Giọt nước mắt cùng với hành động đó thật cảm động, là biểu hiện thật bao la, sâu sắc tình thương con của bà.

c. Nhận xét chung

- Giá trị nội dung: dòng nước mắt đã thể hiện giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc: lên án tội ác phát xít Nhật; cảm thương số phận cảnh ngộ bi thảm của người nông dân nghèo trong nạn đói; trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn người mẹ. Bà cụ Tứ cũng là mẫu hình điển hình cho những bà mẹ quê nghèo Việt Nam với tình mẫu tử sâu nặng,...

- Đặc sắc nghệ thuật: xây dựng chi tiết nghệ thuật có sức biểu đạt lớn: miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật chân thực, tự nhiên, tinh tế, đặc sắc...

------------

Trên đây là mẫu đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn số 12 với những dạng câu hỏi, dạng bài thường được ra trong các kì thi. Còn rất nhiều những bộ đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn thuộc của các tỉnh trên cả nước luôn được chúng tôi cập nhật liên tục để các em tham khảo tại đây!


Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM