Xem ngay đề thi thử tốt nghiệp THPT môn văn 2020 có đáp án của trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT từng ra. Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử THPT Quốc gia 2020 và đối chiếu với đáp án phía dưới bạn nhé.
Đề thi thử
SỞ GDĐT TỈNH ĐỒNG THÁP TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN QUANG DIÊU | ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC NĂM 2020 - LẦN 1 Môn: Ngữ văn Thời gian: 120 phút (không tính thời gian phát đề) Ngày thi: 26/6/2020 |
ĐỀ CHÍNH THỨC
(Đề gồm 02 trang)
I. ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:
Cho dù bạn đánh mất niềm tin của người khác do chủ ý phản bội, phán xét kém, sai lầm vô ý, thiếu năng lực, hay chỉ là do hiểu lầm, thì con đường khôi phục niềm tin cũng như nhau - gia tăng tín nhiệm cá nhân và hành xử theo hướng tạo ra niềm tin.
Tuy nhiên, trước hết ta cần tìm hiểu tại sao niềm tin đã bị mất để làm chìa khóa áp dụng Yếu tố cốt lõi và Hành vi nhằm khôi phục niềm tin. Nói chung, niềm tin bị mất do vi phạm bản tính (Chính trực hay Chủ đích) sẽ khó khôi phục hơn so với niềm tin bị mất do vi phạm năng lực (Khả năng hay Kết quả). Vi phạm chính trực là trường hợp khó khăn nhất trong mọi mối quan hệ, dù là quan hệ cá nhân, gia đình, công việc, tổ chức, hay trên thương trường. Bạn cũng nhớ rằng khi nói đến khôi phục niềm tin là bạn đang nói đến thay đổi cảm xúc của người khác về bạn và thay đổi mức độ tự tin dành cho bạn. Và đó là điều bạn không thể kiểm soát. Bạn không thể ép buộc người ta tin bạn. Bạn không thể buộc họ phải tin tưởng bạn. Họ cũng đang có những vấn đề khác trong cuộc đời họ khiến việc tin bạn lại càng khó khăn hơn. Hay họ nhìn nhận việc vi phạm yếu tố năng lực là vi phạm về bản tính, và làm phức tạp thêm vấn đề. Bạn nên nhớ bạn chỉ có thể làm được những gì thuộc khả năng mình. Nhưng như vậy cũng đã là nhiều. Và ngay cả khi bạn không thể khôi phục niềm tin trong một mối quan hệ hay tình huống cụ thể, khi củng cố Yếu tố cốt lõi và tạo ra thói quen trong Hành vi, bạn cũng tăng khả năng thiết lập hay khôi phục niềm tin trong những tình huống khác, những mối quan hệ khác trong cuộc đời.
Vì vậy, bạn nên nhớ rằng chúng ta không bàn đến việc “cải hóa” người khác. Bạn không làm được điều đó. Nhưng bạn có thể chứng tỏ mình là một người uy tín, xứng đáng với niềm tin và hành xử theo hướng tạo dựng niềm tin. Và kinh nghiệm cho thấy khi bạn thể hiện được như vậy theo thời gian tác dụng của nó sẽ rất lớn trong việc khôi phục niềm tin.
(Stephen M.R.Covey, trích Tốc độ của niềm tin, Trần Thị Ngân Tuyến dịch, tr.314-315, NXB Tổng hợp, TP.HCM)
Câu 1. Xác định thao tác lập luận chính trong đoạn trích trên.
Câu 2. Theo tác giả, vì sao Bạn không thể ép buộc người ta tin bạn?
Câu 3. Theo anh/chị vì sao tác giả cho rằng: Niềm tin bị mất do vi phạm bản tính (Chính trực hay Chủ đích) sẽ khó khôi phục hơn so với niềm tin bị mất do vi phạm năng lực (Khả năng hay Kết quả)?
Câu 4. Thông điệp ý nghĩa mà anh chị rút ra được từ được trích là gì? Lí giải.
II. LÀM VĂN: (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của việc tạo dựng niềm tin ở mỗi người chúng ta trong cuộc sống.
Câu 2: (5,0 điểm)
Đọc hai đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới: “Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ”
“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người đời sau trồng cây hái trái”
(Nguyễn Khoa Điềm, trích Đất Nước, tr.121, SGK Ngữ văn 12, tập 1)
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ trên. Từ đó nhận xét cái nhìn của nhà thơ về vai trò của người dân đối với đất nước.
---HẾT---
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Vậy là Đọc tài liệu đã tổng hợp giúp các em một đề thi thử tốt nghiệp THPT 2020 môn Văn khá hay của trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu ra đề. Hãy thử sức làm đề thi trong 120 phút và thử so sánh đối chiếu với đáp án chính thức bên dưới em nhé!
Đáp án
I. ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)
Câu 1.
Thao tác lập luận chính: Bình luận
Câu 2. Theo tác giả, Bạn không thể ép buộc người ta tin bạn vì:
- Họ cũng đang có những vấn đề khác trong cuộc đời họ khiến việc tin bạn lại càng khó khăn hơn.
- Hay họ nhìn nhận việc vi phạm yếu tố năng lực là vi phạm về bản tính, và làm phức tạp thêm vấn đề.
Câu 3. Tác giả cho rằng: Niềm tin bị mất do vi phạm bản tính (Chính trực hay Chủ đích) sẽ khó khôi phục hơn so với niềm tin bị mất do vi phạm năng lực (Khả năng hay Kết quả) vì:
- Vi phạm năng lực (Kết quả hay Khả năng): vừa mang tính chủ quan vừa mang tính khách quan, kết quả của một cá nhân đôi khi cũng bị chi phối bởi yếu tố bên ngoài.
- Vi phạm bản tính (Chính trực hay Chủ đích): mang tính chủ quan, xuất phát từ nhân cách, đạo đức con người.
Câu 4. Thông điệp ý nghĩa mà anh chị rút ra được từ được trích là gì?
Lí giải.
- Về hình thức:
+ HS viết 01 đoạn văn
+ Đoạn văn không quá 10 dòng
- Về nội dung:
+ HS rút ra được thông điệp ý nghĩa
+ HS lí giải hợp lí, thuyết phục
II. LÀM VĂN: (7,0 điểm)
Câu 1
a. Đảm bảo hình thức đoạn văn: HS có thể viết đoạn văn diễn dịch, qui nạp, tổng phân hợp,…; kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận, có lí lẽ dẫn chứng hợp lí, thuyết phục.
b. Xác định chính xác vấn đề nghị luận: ý nghĩa của việc tạo dựng niềm tin nơi người khác ở mỗi người chúng ta trong cuộc sống.
c. Triển khai vấn đề thành các luận điểm nhằm thể hiện suy nghĩ của bản thân về vấn đề nghị luận.
Có thể triển khai theo hướng sau:
Niềm tin là sự tin cậy, tạo dựng niềm tin là tạo nên, dựng nên sự tin cậy của người khác đối với chính mình.
- Ý nghĩa của việc tạo dựng niềm tin:
+ Bản thân nhận được sự tín nhiệm của mọi người nên dễ dàng thành công hơn trong cuộc sống; được mọi người yêu mến, quý trọng; tinh thần thoải mái, lạc quan; có cái nhìn dành cho cuộc sống và con người tích cực hơn;…
+ Việc tạo dựng niềm tin của mỗi cá nhân sẽ giúp cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, thân thiện hơn, ưu việt hơn,…
+ Tạo lập niềm tin là một việc làm khó nên bản thân cần mạnh mẽ, quyết tâm.
d. Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo qui tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
* Lưu ý: Không chấm điểm tuyệt đối những bài làm triển khai ý như một bài văn; khuyến khích những bài viết sáng tạo, thể hiện cá tính.
Câu 2.
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để thực hiện kiểu bài Nghị luận văn học về một đoạn thơ; bài viết phải có bố cục rõ ràng, đầy đủ; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài; mở bài nêu được vấn đề nghị luận, thân bài triển khai được vấn đề nghị luận, kết bài khẳng định được vấn đề nghị luận.
Thiếu mở bài hoặc kết bài, thân bài chỉ có 2 đoạn hoặc cả bài chỉ có 1 đoạn văn.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Cảm nhận 2 đoạn thơ; nhận xét cái nhìn của nhà thơ về vai trò của người dân đối với đất nước.
Xác định chưa rõ vấn đề nghị luận, chỉ nêu chung chung hoặc phầntriển khai vấn đề không thực hiện đầy đủ các yêu cầu của đề.
c. Triển khai vấn đề thành các luận điểm thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận để làm rõ vấn đề nghị luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng
- Có thể triển khai theo định hướng sau:
1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm
2. Cảm nhận hai đoạn thơ
2.1. Đoạn thơ 1:
* Nội dung: Trong bốn nghìn năm của đất nước, Nguyễn Khoa Điềm không nhắc đến các triều đại, các anh hùng nổi tiếng mà nhấn mạnh đến vô vàn những con người vô danh bình dị.
- Đất nước bốn nghìn năm là do những con người bình dị, vô danh tạo dựng, giữ gìn;
- Nhân dân chính là người đã hi sinh máu xương của mình để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, nền độc lập dân tộc;
- Niềm tự hào, tri ân của tác giả dành cho những con người vô danh nhưng đã làm nên đất nước;
* Nghệ thuật:
- Từ ngữ giàu sức gợi: năm thàng nào, người người lớp lớp,…
- Giọng thơ trữ tình chính luận.
2.2. Đoạn thơ 2:
* Nội dung: Đoạn thơ khẳng định công lao vĩ đại của nhân dân trong việc tạo ra, giữ gìn và truyền lại cho thế hệ sau những giá trị vật chất, tinh thần
- Trong từng hạt lúa bé nhỏ có công sức, tâm huyết, trí tuệ của bao thế hệ con người.
- Trong tiếng nói ta thừa hưởng từ cha ông có tình yêu và sức sống mãnh liệt của tâm hồn Việt;
- …
* Nghệ thuật:
- Hình ảnh cụ thể, giàu sức gợi: hạt lúa, ngọn lửa, giọng nói, tên xã, tên làng,…
- Biện pháp tu từ sử dụng hiệu quả: liệt kê, ẩn dụ, điệp,…
- Sử dụng sáng tạo chất liệu văn học dân gian kết hợp với hình thức thơ hiện đại.
- Giọng thơ trữ tình chính luận.
3. Nhận xét cái nhìn của nhà thơ về vai trò của người dân đối với đất nước:
- Cái nhìn của Nguyễn Khoa Điềm về nhân dân thật sự mới mẻ, toàn diện gắn liền với tư tưởng Đất nước là của nhân dân.
- Hai đoạn thơ là cách cảm nhận và suy tư mới mẻ của tác giả về nhân dân và đất nước, đất nước và nhân dân qua những vẻ đẹp được phát hiện ở chiều sâu trên bình diện lịch sử, văn hóa.
- Cái nhìn là cách cảm nhận, khám phá cuộc sống - con người của chủ thể sáng tạo nhà văn, là yếu tổ thể hiện phong cách tác giả.
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; văn giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Bài viết không sai chính tả, dùng từ, đặt câu (Hoặc có vài lỗi nhỏ không đáng kể)
* Lưu ý: Chấp nhận cách hiểu và cách trình bày khác hướng dẫn chấm nhưng đúng và thuyết phục; khuyến khích các bài viết cá tính, sáng tạo.
-/-
Các em có thể tham khảo thêm đề thi thử THPT Quốc Gia môn Văn 2020 của các tỉnh khác trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục.