Đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn Chuyên Nguyễn Trãi lần 2

Xuất bản: 04/08/2020 - Tác giả:

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn của Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) lần 1 với đề đọc hiểu Ra đi của Phùng Khắc Bắc

Mục lục nội dung

 Đáp án đề thi thử tốt nghiệp THPT môn văn 2020 của tỉnh Hải Dương dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT từng ra. Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử THPT Quốc gia 2020 và đối chiếu với đáp án phía dưới bạn nhé.

Đề thi thử

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

NGUYỄN TRÃI

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN 2

NĂM HỌC 2019 – 2020

Môn thi: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề)

(Đề thi có 02 trang)

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi nêu ở dưới:

“Con cứ đi đi rồi con sẽ hiểu.

Không có con đường nào dài bằng suy nghĩ của con đâu,

Không có cánh rừng nào nhiều cây bằng suy nghĩ của con đâu.

Con hãy đi đi!

Vượt Trường Sơn đến tận mũi Cà Mau,

Con sẽ thấy suy nghĩ của con phải gấp đi, gấp lại, như cuộn dây thừng cha đang cầm trên tay đây.

Tất cả những con đường con sẽ đi chỉ dài bằng đoạn gấp.

Còn suy nghĩ của con sẽ dài bằng cả sợi dây thừng.

(...)

Điều nhớ nhất là trung thực

Đấy, cha đã phải tự nói ra hai chữ ấy, tức là cha đã phải cắt một đoạn ruột của cha cầm trong tay để con được nhìn tận mắt.

Nói như vậy để rõ rằng cha không có lỗi

Nếu còn đi được bằng hai chân về đứng trước mặt cha, may ra con mới hiểu được một chữ.

(...)

Người ta ví chiều cao của núi Thái Sơn và cái vô tận của cái vô nguồn

Núi Thái Sơn rất cao nhưng vẫn là một chiều cao

Con không được lấy chiều cao ấy mà đo công lao của cha.

Nếu dùng chiếc cân, nếu dùng cây thước, để làm rõ ra tình yêu thì đó là điều tàn nhẫn của con người.

Hãy lương thiện hơn trong việc này nếu con không bao giờ nghĩ về cha như người đời đang nghĩ.

Hãy đi đi!

Học lấy những điều dại

Để gấp khúc những suy nghĩ của mình lại thành cuộn thừng lớn,

Lúc đó con sẽ yêu quý cha bằng cả sợi dây thừng.

(“Ra đi” - 1984 - Phùng Khắc Bắc)

Câu 1 (0,5 điểm). Ở đoạn 1, người cha đã so sánh suy nghĩ của người con với những hình ảnh nào?

Câu 2 (0,5 điểm). Theo người cha, điều nhớ nhất là gì? Người cha đã nói gì về điều nhớ nhất ấy?

Câu 3 (1,0 điểm). Anh / chị hiểu thế nào là “đi được bằng hai chân về đứng trước mặt cha”?

Câu 4 (1,0 điểm). Anh / chị có đồng tình với suy nghĩ của người cha khi nhắc con không được lấy chiều cao của núi Thái Sơn, chiếc cân, cây thước để đo công lao, tình yêu không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm).

Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh chị về thái độ, cách ứng xử nên có trước tình cảm, tấm lòng người khác dành cho mình.

Câu 2 (5,0 điểm).

Phân tích hình tượng người vợ nhặt trong truyện ngắn “Vợ nhặt” để làm rõ nét riêng của ngòi bút Kim Lân trong nghệ thuật khắc họa thân phận con người.

-Hết-

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Vậy là Đọc tài liệu đã tổng hợp giúp các em một đề thi thử tốt nghiệp THPT 2020 môn Văn khá hay tại Chuyên Nguyễn Trãi lần thi thứ 2. Hãy thử sức làm đề thi trong 120 phút và thử so sánh đối chiếu với đáp án chính thức bên dưới em nhé!

Đáp án

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Ở đoạn 1, người cha đã so sánh suy nghĩ của người con với hình ảnh con đường, cánh rừng, sợi dây

Câu 2. Theo người cha, điều nhớ nhất là sự trung thực. Với người cha, trung thực cũng có nghĩa là phơi ruột mình ra cho người khác thấy.

Câu 3. “Đi được bằng hai chân” là đi bằng chính khả năng mình.

“Đi được bằng hai chân về đứng trước mặt cha”: trở về đối diện với cha để cho cha thấy con đã có thể tự lập, có thể tự bước đi bằng chính khả năng của mình.

Câu 4. HS nêu quan điểm của bản thân. Gợi ý:

Đồng tình: không được lấy chiều cao của núi Thái Sơn, chiếc cân, cây thước để đo công lao, tình yêu bởi công lao, tình yêu mà những người thân dành cho mình là không thể và không nên đo đếm. Mọi sự đo đếm công lao, tình yêu đều là biểu hiện của sự rạch ròi, sòng phẳng đến lạnh lùng. Trong những mối quan hệ thiêng liêng, sòng phẳng rạch ròi quá cũng là bạc bẽo.

Không đồng tình: chiều cao của núi Thái Sơn, chiếc cân, cây thước thực ra chỉ là một cách nói ước lệ để khẳng định cái lớn lao của công lao, sức nặng, giá trị của tình yêu chứ không phải là sự đo đếm kiểu sòng phẳng, lạnh lùng.

Không hoàn toàn đồng tình: đồng tình là không thể dùng chiếc cân, cây thước để đo công lao, tình yêu vì mọi sự đo đếm công lao, tình yêu đều là bất nhẫn, là thái độ, cách ứng xử không nên có với những người thân. Nhưng núi Thái Sơn là một hình ảnh ước lệ, nó không có ý nghĩa đo đếm mà vốn chỉ được dùng để nhấn mạnh tầm vóc của công lao, tình yêu thương. Dùng hình ảnh ấy để nói về công lao, tình yêu không hề phản cảm.

(Học sinh được quyền chọn một trong ba thái độ và đề xuất những cách lý giải phù hợp)

II. LÀM VĂN

Câu 1. Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh chị về thái độ, cách ứng xử nên có trước tình cảm, tấm lòng người khác dành cho mình.

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận: Có đủ các phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được ý tưởng, thân đoạn triển khai được nội dung ý tưởng, kết đoạn chốt lại được nội dung đã trình bày.

b. Xác định đúng nội dung nghị luận: thái độ, cách ứng xử nên có trước tình cảm, tấm lòng người khác dành cho mình.

c. Triển khai nội dung nghị luận thành các ý cụ thể; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

- Trước hết, cần hiểu rằng, tình cảm, tấm lòng người khác dành cho mình là điều đáng quý, đáng trân trọng. Nên dù đó có phải điều mình mong đợi hay không thì cũng cần trân trọng những gì được gửi trao và tôn trọng người đã dành cho mình những điều quý giá của họ.

- Trong ứng xử, điều cần thiết nhất là phải chân thành, phải biết đem cái tình mà đối đãi. Nếu có thể đáp lại tình cảm, tấm lòng của người khác thì chính là hạnh phúc trọn vẹn. Nhưng nếu rơi vào trường hợp không thể đáp lại, thì sự thể hiện những áy náy, day dứt vì cũng là biểu hiện của cách ứng xử có văn hóa.

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2. Phân tích hình tượng người vợ nhặt trong truyện ngắn “Vợ nhặt” để làm rõ nét riêng của ngòi bút Kim Lân trong khắc họa thân phận con người.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài.

Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: hình tượng người vợ nhặt và nét riêng của ngòi bút Kim Lân trong khắc họa thân phận con người (tích hợp với phần giới thiệu - điểm phần này thuộc quỹ điểm của phần giới thiệu).

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

1. Giới thiệu (bao hàm xác định chính xác vấn đề cần nghị luận):

- Hình ảnh người phụ nữ trong văn chương và những khám phá, sáng tạo riêng của mỗi nhà văn.

- Mỗi thời kì, do điểm nhìn, do thực tế đời sống xã hội khác nhau mà mối quan tâm đối với thân phận của những người phụ nữ lao động cũng sẽ có những đổi thay mang tính tất yếu. Kim Lân, nhà văn có sở trường về truyện ngắn, nhà văn “một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu và nguyên thủy của cuộc sống” (Nguyên Hồng) đã rất thành công ở truyện ngắn “Vợ nhặt”. Ở truyện ngắn này, qua hình tượng người vợ nhặt, với tâm thế và tầm nhìn của một nhà văn sau cách mạng, Kim Lân đã thể hiện cái nhìn mới mẻ về thân phận con người trong nạn đói năm 1945.

2. Phân tích hình tượng người vợ nhặt:

2.1. Cảnh ngộ:

- Đối mặt với nạn đói khủng khiếp.

- Bơ vơ, đơn độc (dễ dàng theo không một người đàn ông xấu xí, xa lạ không

chỉ vì đói khát cùng cực mà còn vì sau lưng có lẽ không còn người thân nào).

2.2. Đặc điểm:

2.2.1. Ngoại hình: tiều tụy vì bị cái đói, cái chết vắt kiệt sự sống.

2.2.2. Nội tâm: có sự biến chuyển theo sự đổi thay của hoàn cảnh sống.

* Trước khi làm vợ Tràng:

- Đanh đá, chanh chua, chao chát, chỏng lỏn (qua cách nói năng, đối đáp với Tràng).

- Trơ trẽn (qua cách đòi ăn và cách ăn uống).

- Liều lĩnh (chạy theo Tràng khi nghe câu hò đùa “Muốn ăn cơm trắng mấy giò...”, theo không Tràng sau lời mời đùa - “có về ở với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi về”)

Tuy nhiên, có thể hiểu, những biểu hiện này có một căn nguyên sâu xa là tình trạng đơn độc, đói khát. Sự đơn độc khiến người phụ nữ sử dụng lời lẽ ghê gớm như một thứ vũ khí tự vệ, sự đói khát cùng cực khiến chị ta tạm thời gạt bỏ lòng tự trọng để bản năng lên tiếng đảm bảo nhu cầu sinh tồn... Bởi thế, những biểu hiện của chị ta không đáng ghét mà đáng cảm thông.

* Sau khi làm vợ Tràng:

- E dè, ý tứ:

+ Trên đường về, dù có bực bội trước sự tò mò của người dân xóm ngụ cư và những lời trêu đùa của đám trẻ con thì cũng chỉ dám càu nhàu rất khẽ đến mức Tràng đi ngay bên cạnh cũng không nghe thấy gì.

+ Thất vọng khi đối diện với gia cảnh tồi tàn của Tràng song vẫn cố nén tiếng thở dài trong lồng ngực.

+ Vào trong nhà chỉ dám ngồi mớm ở mép giường, tay khư khư bưng cái thúng con.

+ Bà cụ Tứ về, thị chủ động cất tiếng chào u.

- Hiền hậu đúng mực (qua cảm nhận của Tràng)

- Chăm chỉ, chịu khó (dậy sớm quét dọn nhà cửa, cùng bà cụ Tứ chuẩn bị cho bữa cơm ngày đói.

- Tế nhị, có ý thức chịu đựng và chia sẻ: ánh mắt tối lại khi đón bát cám từ tay người mẹ nhưng vẫn điềm nhiên ăn, góp chuyện trong bữa ăn ngày đói...

2.3. Thân phận:

* Trước nạn đói:

- Bèo bọt, vô nghĩa - không có tên.

- Bị nạn đói dồn đến bờ vực cuộc sống, phải chấp nhận thành “vợ nhặt” chỉ với bốn bát bánh đúc và mấy câu đùa vu vơ.

* Trong các mối quan hệ con người: Được trân trọng, yêu thương, có một gia đình đầm ấm với người mẹ hiền từ, giàu lòng thương con, người chồng có tình nghĩa, có trách nhiệm.

* Trong mối quan hệ với những vận động của xã hội (Việt Minh phá kho thóc Nhật chia cho dân nghèo): có hi vọng về một tương lai.

2.4. Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

- Tạo tình huống đặc sắc để nhân vật bộc lộ trọn vẹn đặc điểm.

- Xây dựng tương quan tương đồng giữa hoàn cảnh và tính cách (bơ vơ đơn độc - đanh đá, chanh chua; đói khát - trơ trẽn, được tôn trọng, cảm thông, thương xót - e dè ý tứ, hiền hậu đúng mực...)

- Chọn chi tiết giản dị mà đặc sắc để khắc họa tâm lý nhân vật một cách hợp

lý và thấm thía.

3. Kết luận:

- Khi miêu tả thân phận người phụ nữ, Kim Lân không chỉ nhìn thấy thảm cảnh chết đói mà còn hướng nhân vật tới một tương lai bằng những tín hiệu tốt lành, bộc lộ cái nhìn khách quan, trân trọng bên cạnh sự cảm thông, yêu thương vốn có trong những tâm hồn nghệ sĩ.

- Để lí giải những thay đổi có thể có trong cuộc sống, số phận con người, Kim Lân đã chú ý tới những tín hiệu dù còn chưa thật rõ rệt của những vận động, đổi thay trong xã hội. Đó là kết quả từ những trải nghiệm quý giá của nhà văn khi hòa mình vào đời sống cách mạng, kháng chiến.

Xem thêm tài liệu: Cảm nhận về hình tượng người vợ nhặt

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

-/-

Các em có thể tham khảo thêm đề thi thử THPT Quốc Gia 2020 môn Văn của các tỉnh khác trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM