Đề thi thử THPT Quốc Gia 2019 môn văn số 8

Xuất bản: 19/04/2019 - Cập nhật: 19/04/2021 - Tác giả:

Bộ đề thi thử môn văn THPT Quốc Gia năm 2019 có đáp mẫu số 8 kèm đáp án chi tiết, tài liệu ôn thi hữu ích cho học sinh lớp 12 trước thềm kỳ thi quan trọng.

Mục lục nội dung

>>> CẬP NHẬT: Đề thi Văn THPT Quốc gia 2019

Đề thi thử THPT QG 2019 môn Văn mẫu số 8 có đáp án là một trong những tài liệu ôn tập hữu ích dành cho các thầy cô và các em học sinh lớp 12 trong quá trình chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia sắp tới. Đề bao gồm hai phần: Đọc hiểu và Làm văn được biên soạn bám sát cấu trúc đề tham khảo môn Văn 2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo từng công bố.

>> Tham khảoBộ đề thi tham khảo môn Văn THPT Quốc gia năm 2019 

Đề thi thử THPT quốc gia môn Văn mẫu số 8

Phần I: Đọc hiểu (3đ)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Đại đa số thanh niên thời trước không ai suy nghĩ, trăn trở gì lắm về cuộc đời, vì ai đã có phận nấy.

Phận là cái phần mà cuộc sống, xã hội dành cho mỗi người: phận làm trai, phận giàu, phận nghèo, phận đàn bà, phận làm tôi,... Con nhà lao động nghèo, nhiều lắm học đến chín, mười tuổi, là đã phải lo làm ăn mong kế nghiệp cha, anh. Con nhà giàu theo học lên cao thì làm quan, kém hơn thì làm thầy. Sinh ra ở phận nào, theo phận ấy, chỉ số ít là thoát khỏi.
Trái lại, thanh niên ngày nay tuy cái phận mỗi người vẫn còn, song trước mặt mọi người đều có khả năng mở ra nhiều con đường. Ngày nay sự lựa chọn và cố gắng của bản thân, sự giúp đỡ của bạn bè đóng vai trò quyết định. Có lựa chọn tất phải có suy nghĩ, trăn trở.

Hết lớp tám, lớp chín, học gì đây? Trung học hay học nghề, hay đi sản xuất? Trai gái gặp nhau bắt đầu ngập ngừng. Yêu ai đây? Yêu như thế nào? Sức khoẻ tăng nhanh, kiến thức tích lũy đã khá, sống như thế nào đây? Ba câu hỏi ám ảnh: Tình yêu, nghề nghiệp, lối sống. Không thể quy cho số phận. Cơ hội cũng chia đều sàn sàn cho mọi người.

Thanh niên ngày xưa bước vào đời như người đi xem phim đã biết trước ngồi ở rạp nào, xem phim gì, ghế số bao nhiêu, cứ thế mà ngồi vào. Ngày nay, chưa biết sẽ xem phim gì, ở rạp nào, ngồi ghế số mấy, cạnh ai. Cho đến khi ổn định được chỗ ngồi trong xã hội, xác định đúng được vai trò và vị trí của mình là phải trải qua một thời gian dài.

Thời gian sẽ xây dựng cho mình một niềm tin và đạo lí.

Xây dựng nên thì như tàu ra biển rộng, có kim chỉ nam để xác định hướng đi; không thì như chiếc bách giữa dòng, e dè gió dập, hãi hùng sóng va.    

(Thanh niên và số phận - Nguyễn Khắc Viện, Dẫn theo Ngữ văn 11 Nâng cao, tập hai, Sđd)

Câu 1. (0,25 điểm) Trong đoạn trích trên, tác giả sử dụng phương thức biểu đạt nào là chính ?

Câu 2. (0,75 điểm) Câu văn: “Phận là cái phần mà cuộc sống, xã hội dành cho mỗi người: phận làm trai, phận giàu, phận nghèo, phận đàn bà, phận làm tôi,...”, sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Tác dụng?

Câu 3. (1,0 điểm) Căn cứ vào đoạn trích, hãy giải thích vì sao thanh niên thời nay cần phải suy nghĩ trăn trở về số phận?

Câu 4.

(1,0 điểm) Theo tác giả, những yếu tố nào có ý nghĩa quyết định đối với thành công và hạnh phúc của một con người trong thời đại ngày nay?

Phần II - Làm văn (7,0)

Câu 1 (2,0) 

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về những câu nói được gợi từ phần Đọc hiểu:

“Thời gian sẽ xây dựng cho mình một niềm tin và đạo lí.

Xây dựng nên thì như tàu ra biển rộng, có kim chỉ nam để xác định hướng đi; không thì như chiếc bách giữa dòng, e dè gió dập, hãi hùng sóng va”.

Câu 2 (5,0đ)

Cảm nhận của anh/chị về “sự kết hợp giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về Đất Nước” (theo SGK Ngữ văn 12) qua đoạn thơ sau:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…”mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó…

( Trích Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm, dẫn theo Ngữ văn 12, tập một, Sđd, tr.118)

-Hết-

>>> [HOT] Cập nhật mới nhất:

Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Văn mẫu số 8

Phần I - Đọc hiểu  

Câu 1  

Phương thức biểu đạt chính của văn bản: nghị luận.

Câu 2  

- Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: liệt kê

- Tác dụng: Nhấn mạnh số phận của con người ngày xưa do hoàn cảnh sống sắp đặt sẵn.

Câu 3  

- Thanh niên thời nay cần phải suy nghĩ, trăn trở vì có nhiều con đường, nhiều cơ hội mở ra; có điều kiện để chọn lựa, vượt thoát khỏi cái “phận” của mình... Muốn lựa chọn đúng đắn để có thành công và hạnh phúc, phải biết suy nghĩ, trăn trở...

Câu 4    

- Theo tác giả, những yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với thành công và hạnh phúc của một con người trong thời đại ngày nay không phải là cái “phận” đã được định sẵn mà chính là “sự lựa chọn và cố gắng của bản thân, sự giúp đỡ của bạn bè”.

Phần II - Làm văn 

Câu 1

Hướng dẫn làm bài

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: HS viết đúng hình thức đoạn văn, viết đúng quy định về số chữ, đảm bảo tính lôgic mạch lạc.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: tin vào chính mình, vào năng lực, trí tuệ, phẩm chất, giá trị của mình trong cuộc sống, tự đánh giá được vị trí, vai trò của mình trong các mối quan hệ của cuộc sống

c. Triển khai vấn đề nghị luận

- Niềm tin: là tin vào chính mình, tin vào năng lực, trí tuệ, phẩm chất, giá trị của mình trong cuộc sống. Đó còn là mình hiểu mình và tự đánh giá được vị trí, vai trò của mình trong các mối quan hệ của cuộc sống. Đạo lí là những cái lẽ hợp với khuôn phép, đạo đức ở đời.

- Bàn luận:

+ Niềm tin và đạo lí sẽ mang đến cho con người bản lĩnh vững vàng, sức mạnh để đương đầu và vượt qua mọi khó khăn, thử thách - như con tàu lớn không ngại sóng gió. Để có được niềm tin và đạo lí, mỗi con người phải học cách nhận thức vê bản thân và cuộc đời; phải biết suy ngẫm để lựa chọn một con đường đúng đắn; biết tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thiện tri thức và nhân cách...( dẫn chứng thực tế)

+ Phê phán những người đánh mất niềm tin và làm những điều trái với đạo lí

- Bài học nhận thức và hành động

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Câu 2

* Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: mở bài, thân bài và kết bài.

* Xác định đúng vấn đề nghị luận: Cảm xúc trữ tình và chất chính luận trong việc thể hiện những suy cảm về Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn trích.

* Đảm bảo yêu cầu về chính tả, dùng từ ngữ chính xác; diễn đạt trôi chảy, có cảm xúc; lập luận mạch lạc, thuyết phục.

* Triển khai vấn đề

a. Nêu vấn đề nghị luận

b. Giải thích ý kiến:

- Giải nghĩa từ: cảm xúc nồng nàn, suy tư sâu lắng…

- Khái quát nội dung ý kiến: Hình tượng Đất Nước trong cảm xúc và suy tư của tác giả.

c. Cảm nhận đoạn trích.

- Đất Nước không xa lạ, mơ hồ mà như một sinh thể có bắt đầu, lớn lên; có tâm hồn và khát vọng… => Tình cảm trân trọng và yêu thương.

- Cách lí giải cội nguồn Đất Nước gắn liền với những cảm nhận về chiều sâu lịch sử, văn hóa hiện hữu giữa nhịp sống quen thuộc, gần gũi của đời thường => Vừa sâu sắc, mới mẻ vừa hợp lí, gợi cảm.

- Thể thơ, giọng điệu, ngôn ngữ và việc sử dụng hợp lí chất liệu văn hóa dân gian… làm nổi bật được sự khác biệt, độc đáo trong cách cảm, cách nghĩ và cách thể hiện hình tượng.

d. Bình luận ý kiến:

- Đoạn trích thể hiện khá rõ những nét riệng trong phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm: sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng.

- Hai yếu tố trên cùng hòa quyện và tạo nên sức hấp dẫn, nét độc đáo của hình tượng thơ: Đất Nước gần gũi và thiêng liêng, quen thuộc và mới mẻ, vừa truyền thống lại vừa mang âm hưởng thời đại.

e. Khái quát lại vấn đề nghị luận

>> Tham khảoBình giảng 9 câu đầu bài thơ Đất Nước

Bài làm mẫu

Đất nước, đã từ lâu, là điểm hẹn tâm hồn của biết bao văn nghệ sĩ. Được khơi nguồn từ đề tài quen thuộc ấy, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có cho mình một lối đi riêng. Nguyễn Khoa Điềm từng chia sẻ: “Đất Nước với các nhà thơ khác là của những huyền thoại, của những anh hùng nhưng với tôi là của những con người vô danh, của nhân dân”. “Tôi cố gắng thể hiện hình ảnh Đất Nước giản dị, gần gũi nhất”. Rút ra từ trường ca “Mặt đường khát vọng”, đoạn trích “Đất Nước” là sự kết tinh của những sáng tạo dộc đáo, mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm. Với 9 câu thơ mở đầu, nhà thơ đã đưa người đọc trở về với lịch sử của dân tộc để trả lời cho câu hỏi đất nước có từ bao giờ:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

…………………………..

Đất Nước có từ ngày đó

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ trẻ thơ năm chống Mĩ cứu nước. Thơ Nguyễn Khoa Điêm lôi cuốn người đọc bởi xúc cảm lắng đọng, giàu chất suy tư. Bài thơ Đất Nước là một đoạn trích tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật độc đáo ấy. Đất Nước là phần đầu chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng” – tác phẩm được ra đời vào năm 1971, giữa lúc của kháng chiến chống Mĩ diễn ra khốc liệt.

Đất Nước bắt đầu từ một cách trang trọng mà hết sức bình dị, gần gũi:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những “cái ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bà ăn bây giờ

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Đất Nước vốn là giá trị bền vững, vĩnh hằng; Đất Nước được tạo dựng, bồi đăp qua nhiều thế hệ, được truyền từ đời này, sang đời khác: Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi. Đứng trước một Đất Nước thiêng liêng như thế, lòng thơ dâng trào niềm xúc động và thành kính. Hai từ “Đất Nước”được viết hoa một cách trang trọng. Dó là cách mà nhà thơ thể hiện niềm tự hào và lòng thành kính trước Đất Nước của mình. Khi ta cất tiếng khóc chào đời,khi ta lớn lên, Đất Nước đã hiện hữu. Đât Nước có từ bao giờ/ Suy ngẫm về cội nguồn của Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm bỗng phát hiện: Đât Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ kể/ Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bà ăn. Mẹ Đất Nước vừa cổ kính lâu đời vừa bình dị, mộc mạc hiện ra trong câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm. Đất Nước là văn hóa kết tinhtừ tâm hồn Việt. Từ truyện cao dao, cổ tích đến tục ngữ, “miếng trầu” đã là một hình tượng nghệ thuật mang tính thẩm mĩ, là hiện thân của tình yêu thương, lòng thủy chung của tâm hồn dân tộc.

Cùng với tục ăn trầu, Đât Nước còn, gắn liền với những phong tục khác:

-Tóc mẹ thì bới sau đầu

- Cái kèo cái cộ thành tên

Thân thương, mộc mạc biết chùng nào là búi tóc sau đầu của mẹ, là những nếp nhà dựng lên từ cái kèo, cái cột, mái lá, tường rơm, vách đất; là cách đặt tên con giản dị nôm na. Mộc mạc, thân thương vật như đó cũng là một phần của Đất Nước. Và Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc. Hình ảnh Đất Nước thật thân thuộc với những lũy tre xanh rì, những búp măng non bật mình vươn thẳng. Có thể thấy, từ bao đời nay, từ truyền thuyết dân gian đến tác phẩm thơ hiện đại, cây trẻ trở thành biểu tượng cho sức mạnh tinh thần quật cường đánh giặc cứu nước và giữ nước, biểu tượng phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Từ “lớn lên” được dùng rất chính xác, rạo rực niềm tin, niềm tự hào dân tộc. Giọng thơ thâm trầm, trang nghiêm làm cho suy từ về cội nguồn Đất Nước giàu chất triết luận mà vẫn thiết tha, trữ tình. Cách cảm nhận, lí giải cội nguồn Đất Nước bằng những hình ảnh binh dị, thân thuộc đã khẳng định rằng: Đất Nước gần gũi, thân thuộc, bình dị ngay trong đời sống mỗi người.

Với Nguyễn Khoa Điềm, Đất Nước còn ẩn mình trong những vật nhỏ bé nhất. Đất Nước ẩn mình trong hạt muối, nhánh gừn; đằm sâu trong tình thương mẹ cha: Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn. Được chắt lọc từ văn hóa dân gian, câuthơ trầm tích những ý từ xâu xa. Dù sống cuộc sống thiếu thốn, gian khổ, cha mẹ ta vẫn thương yêu nhau như gừng cay muối mặn, vẫn gắn bó trước sau, mặn mà, đinh ninh. Đất Nước mình giản dị thân thương là thế. Hình ảnh Đất Nước còn có trong từng bông lúa, củ khoai: Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng. Hình ảnh thơ giản dị nhưng gợi ra tập quán sản xuất gắn liền với văn minh lúa nước của dân tộc Việt Nam. Để làm ra hạt gạo trắng ngần, bát cơm thơm, người nông dân phải dầm sương, dãi nắng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, tỉ mỉ xay, giã, dần, sàng. Hình ảnh thơ gợi lên bao sự lam lũ, vất vả, nhọc nhằn cùng phẩm chất cần cù, chịu khó của những người chân lấm, tay bùn.

9 câu đầu khép lại bằng tứ thơ khái quát về thời điểm hình thành Đất Nước: Đất Nước có từ ngày đó. Ngày đó vừa là trạng từ chỉ thời gian trong quá khú vừa là một phép thế đại từ. Vậy là Đất Nước có từ khi mẹ thường kể chuyện cổ tích cho con nghe, khi dân ta biết trồng tre đánh giặc, biết tròng ra hạt lúa, củ khoai, biết ăn trầu, búi tóc, biết sống yêu thương, thủy chung. Lịch sử Đất Nước thật giản dị, gần gũi mà xa xôi, linh thiêng biết mấy.

Đoạn thơ chín câu, tám lăm chữ mà không hề có một từ Hán Việt. Ngôn ngữ thơ bình dị, gần gũi, nồng hơi thở cuộc sống. Tính chính luận đã làm sáng đẹp chất trí tuệ hài hòa với chất trữ tình đậm đà. Đoạn thơ đã “nhịp mãi một tấm lòng sứ điệp” để ta thêm yêu và tự hào vể Đất Nước.

--------------------

Với mẫu đề thi thử THPT Quốc Gia 2019 môn văn số 8, Đọc Tài Liệu hy vọng các em học sinh sẽ ôn tập tốt, rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức để vượt vũ môn thành công. Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!

- Tuyển tập đề thi thử THPT quốc gia 2020 môn Văn -

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM