Đề thi thử THPT Quốc Gia 2019 môn văn số 4

Xuất bản: 18/04/2019 - Cập nhật: 06/03/2020 - Tác giả:

Bộ đề thi thử môn văn THPT Quốc Gia năm 2019 có đáp mẫu số 4, tài liệu ôn tập hữu ích với những dạng bài hay và thường gặp trong các đề thi THPT QG.

>>> CẬP NHẬT: Đáp án Văn THPTQG 2019

Để làm quen với dạng đề thi trước khi chính thức bước vào kì thi THPT quốc gia, mời các em học sinh tham khảo đề thi thử THPT QG 2019 môn Văn mẫu số 4 có đáp án với nội dung bám sát cấu trúc đề  thi THPT quốc gia 2019 và nội dung chương trình học.

>> Tham khảo: Đáp án đề thi tham khảo môn Văn THPT Quốc gia năm 2019

Đề thi thử THPT quốc gia môn văn mẫu số 4

Phần I. Đọc – hiểu (3 điểm) 

Đọc đoạn văn bản sau và thực hiện các yêu cầu sau:

Nói về tàu điện tại Nhật, mỗi khoang tàu đều được thiết kế rõ ràng, đều có một dãy ghế ưu tiên có màu khác biệt dành cho những người có sức khỏe yếu, hoặc tàn tật gọi là “yusenseki”. Người Nhật luôn được biết đến là dân tộc có ý thức rất cao, những người khỏe mạnh lành lặn dù trên tàu có đang chật cứng cũng không bao giờ ngồi vào dãy ghế ưu tiên. Bởi họ biết chỗ nào mình nên ngồi, và chỗ nào không, cộng thêm lòng tự trọng không cho phép họ thực hiện hành vi “sai trái” ấy. Vì vậy gần như trên tàu luôn có chỗ dành cho những người thực sự cần phải ngồi riêng, như người tàn tật, người già, phụ nữ mang thai.

Thứ hai người Nhật không bao giờ muốn mình trở nên yếu đuối trước mặt người khác, nhất là người lạ. Tinh thần samurai được truyền từ đời này sang đời khác đã cho họ sự bất khuất, hiên ngang trong mọi tình huống. Bởi vậy, hành động bạn nhường ghế cho họ có thể sẽ gây tác dụng ngược so với ý định tốt đẹp ban đầu. Người được nhường ghế sẽ nghĩ rằng trong mắt bạn, họ là một kẻ yếu đuối cần được “ban phát lòng thương”.

Thứ ba dân số Nhật đang được coi là “già” nhất thế giới, tuy nhiên người Nhật không bao giờ thừa nhận mình già. Nếu bạn đề nghị nhường ghế cho người lớn tuổi, việc này đồng nghĩa với việc bạn coi người đó là già, và đây chính là mũi dao nhọn “xiên” thẳng vào lòng tự ái vốn cao ngun ngút của người Nhật. Có thể bạn có ý tốt, nhưng người được nhường ghế sẽ cảm thấy bị xúc phạm. Bỏ đi nha.

Cuối cùng xã hội Nhật Bản rất coi trọng sự  bình đẳng, muốn ai cũng được đối xử như nhau. Họ không thích sự ưu ái, nhường nhịn, bạn đến trước giành được chỗ, chỗ đó là của bạn, người đến sau sẽ phải đứng, đó là điều dĩ nhiên. Kể cả bạn có nhã ý lịch sự muốn nhường chỗ cho một thai phụ, họ cũng sẽ lịch sự từ chối mặc dù trong lòng rất mong muốn có được chỗ ngồi mà bạn đang sở hữu. Bạn đã phải bỏ ra rất nhiều công sức để chiếm được chỗ ngồi ấy và người Nhật không muốn nhận đồ miễn phí, những thứ họ không phải nỗ lực để đạt được.

(Vì sao người Nhật không nhường ghế cho người già, phụ nữ, Theo Tri thức trẻ - 20/8/2015)

Câu 1 (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?

Câu 2 (0,5 điểm). Những nguyên nhân nào khiến người Nhật không nhường ghế cho người già, phụ nữ?

Câu 3 (1 điểm). Văn hóa nhường ghế của người Nhật có gì khác với văn hóa của Việt Nam? Suy ngẫm của anh/ chị về điều đó?

Câu 4 (1 điểm) Theo anh/ chị làm thế nào để chúng ta có thể nhường chỗ cho người khác một cách có văn hóa? (Trình bày khoảng 5 - 7 dòng)

Phần II. Làm văn (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm)

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về Văn hóa giao tiếp của người Việt Nam trong xã hội được gợi ra từ đoạn trích ở phần Đọc hiểu.

Đáp án đề thi thử thpt quốc gia môn văn mẫu 1

Phần I.   Đọc - hiểu 

Câu 1    

- Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2

Nguyên nhân khiến người Nhật không nhường ghế cho người già, phụ nữ là:

+ Có dãy ghế ưu tiên có màu khác biệt dành cho người già

+ Không ai muốn là kẻ yếu đuối cần được ban phát lòng thương

+ Không ai muốn thừa nhận mình già – coi đó là xúc phạm

+ Coi trọng sự bình đẳng, muốn ai cũng được đối xử như nhau

Câu 3

Truyền thống văn hóa của người Việt Nam là tương thân tương ái, luôn động viên giúp đỡ lẫn nhau trong cụôc sống; luôn kính trọng, lễ phép với người cao tuổi. Tuy nhiên vẫn còn những hành vi xấu: đó là sự thờ ơ vô cảm, ích kỉ chỉ nghĩ đến bản thân mình; không tôn trọng người khác.

Câu 4

Sự giúp đỡ người khác không nhất thiết phải phô trương; không tỏ ra thương hại tội nghiệp khi giúp đỡ; lặng lẽ có việc bỏ đi, nhường lại chỗ trống, nhường ghế với sự trân trọng, cảm thông và thấu hiểu.

Phần II. Làm văn 

Hướng dẫn làm bài

a. Đảm bảo hình thức đoạn văn nghị luận: thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích, song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Văn hóa giao tiếp của người Việt Nam trong xã hội

c. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ…

Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau: 

1. Giải thích

Văn hóa giao tiếp nhằm chỉ quan hệ giao tiếp có văn hóa của mỗi người trong xã hội (giao tiếp một cách lịch sự, thái độ thân thiện, cởi mở, chân thành, thể hiện sự tôn trọng nhau).

2. Bàn luận

- Văn hóa giao tiếp giữa người với người trong xã hội đó là văn hóa trọng tình, trọng nghĩa, văn hóa quan tâm, yêu thương lẫn nhau: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”, “Uống nước nhớ nguồn”, …

- Văn hóa giao tiếp giữa con người và môi trường xung quanh bảo vệ môi trường, cải tạo môi trường, tiết kiệm tài nguyên, trồng cây xanh...

- Văn hóa giao tiếp đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống con người, và đặc biệt là cuộc sống hiện đại ngày nay. Văn hóa giao tiếp thể hiện rõ rệt qua thái độ, hành vi, lời nói, cử chỉ của mình là cách mà người khác đang nhìn nhận, đang nhận xét về tính cách, nhân cách của bản thân mình.

3. Bài học nhận thức và hành động

- Mỗi người tự hoàn thiện văn hóa giao tiêp của mình với mọi người, với môi trường xung quanh để tao nên một xã hội văn minh lịch sự

- Phê phán một vài đối tượng không có văn hóa giao tiếp: sống ích kỉ với mọi người, không biết yêu thương trân trọng tình người.

- Liên hệ bản thân

Lưu ý

d.  Chính tả, dùng từ, đặt câu: Không sai Chính tả, dùng từ, đặt câu (Hoặc có 1 vài lỗi nhỏ, không đáng kể)

e. Sáng tạo: Cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (thể hiện được dấu ấn cá nhân, quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc), thể hiện ý phản biện nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Bài văn mẫu

Trong cuộc sống, mỗi người giao tiếp bằng nhiều phương thức khác nhau như ngôn ngữ, cử chỉ, hành động, hay thậm chí chỉ là ánh mắt không lời. Chính vì thế từ lâu trong xã hội đã hình thành nền văn hóa ứng xử như một cách làm cho mọi người có thể cư xử có chừng mực với nhau hơn.

Văn hóa ứng xử là nét đẹp văn hóa của mỗi người cần được phát huy và rèn luyện thường xuyên. Đó thực ra chỉ là những hành vi nhỏ nhặt trong việc giao tiếp nhưng lại có vai trò quan trọng đối với đối phương và giúp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn.

Văn hóa ứng xử được hiểu là cách cư xử, giao tiếp, trò chuyện, trao đổi với nhau bằng những hành động rất đời thường hằng ngày. Tuy nhiên đối phương có thể nhìn vào đó để đánh giá được con người bạn như thế nào.

Từ việc xây dựng cho mình một thói quen ứng xử có chừng mực hằng ngày thì bạn sẽ rèn luyện được tính cách cho bản thân mình. Bạn đang tự xây dựng hình tượng của bản thân mình từ chính những hành động tưởng chừng như nhỏ nhặt đó.

Một người cư xử đúng mực luôn được yêu quý và tôn trọng, vì hành động cũng như lời nói của họ tạo nên sự thoải mái và nhã nhặn khiến đối phương hài lòng. Trong cuộc sống, chúng ta gặp gỡ rất nhiều người ở nhiều độ tuổi, nhiều ngành nghề khác nhau. Có thể chúng ta chưa hiểu họ là người như thế nào nhưng trước hết hãy tỏ ra là người lịch sự, biết quan tâm, lắng nghe những gì người khác nói. Đây chính là ấn tượng ban đầu mà bạn tạo ra cho mình và cho người khác. Bạn sẽ nhận lại được rất nhiều từ lối sống có văn hóa này.

Khi chúng ta trò chuyện, cư xử có chừng mực với đối phương thì chắc chắn họ sẽ có suy nghĩ tích cực về bạn và bắt đầu có những ấn tượng tốt.

Cư xử có văn hóa sẽ khiến bạn trở thành một người được yêu quý trong xã hội và có những bước tiến xa hơn trong sự nghiệp mà mình đang theo đuổi. Vậy tại sao bạn không rèn luyện thói quen này hằng ngày để thấy được hiệu quả của nó.

Bên cạnh những người cư xử có văn hóa thì vẫn còn tồn tại rất nhiều người không biết cư xử. Phần đông số người này ở tầng lớp thanh thiếu niên. Khi nói chuyện với người lớn thì cộc lốc, trống không, không biết thưa gửi. Điều này không những gây nên sự phản cảm khi trò chuyện mà còn khiến cho đối phương cảm thấy không hài lòng. Khi càng duy trì thói quen xấu này thì chắc chắn bạn đang biến mình thành một con người không có giáo dục. Đơn giản chỉ là lời chào, lời cảm ơn nhưng đối với họ lại quá khó khăn.

Bản thân những học sinh hiện nay đang ngồi trên ghế nhà trường thì hãy cố gắng là con ngoan trò giỏi, lắng nghe và lễ phép với cha mẹ, thầy cô giáo. Cư xử đúng mực, biết nhận sai khi mắc lỗi cũng là cách cư xử có văn hóa mà học sinh cần phát huy.

Cư xử có văn hóa hiện nay sẽ khiến cho mỗi chúng ta ngày càng hoàn thiện bản thân mình hơn và giúp cho bạn tiến xa hơn nữa trong cuộc sống.

***********

Trên đây là mẫu đề thi thử THPT Quốc Gia 2019 môn văn số 4 với những dạng bài thường gặp trong đề thi THPT Quốc gia môn Văn. Với việc ôn luyện đề thi thử, các em học sinh sẽ có thêm kiến thức, kỹ năng và hành trang vững vàng để bước vào kì thi quan trọng vài tháng tới. Chúc các em học và thi thật tốt nhé!

- Tuyển chọn đề thi thử THPT quốc gia môn văn -

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM