Đề thi thử THPT Quốc Gia 2019 môn văn số 2

Xuất bản: 18/04/2019 - Cập nhật: 06/03/2020 - Tác giả:

Tham khảo bộ đề thi thử môn văn THPT Quốc Gia 2019 mẫu số 2 có đáp án chi tiết, tài liệu giúp các em ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới.

>>> CẬP NHẬT: Đáp án Văn THPTQG 2019

Tham khảo đề thi thử THPT QG 2019 môn Văn mẫu số 1 có đáp án để ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia, giúp các em củng cố kiến thức và biết cách làm cho các dạng bài tập thường gặp trong đề thi

>> Tham khảoĐáp án đề thi tham khảo môn Văn THPT Quốc gia năm 2019

Đề thi thử THPT Quốc Gia 2019 môn văn  số 2 kèm đáp án chi tiết

PHẦN I. ĐỌC - HIỂU ( 3,0 điểm) 

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu sau :

“ Bần thần hương huệ thơm đêm
Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
Chân nhang lấm láp tro tàn
Xăm xăm bóng mẹ trần gian thưở nào ?

Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí tay bầu
Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa

Cái cò...sung chát đào chua
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết nhữnglời mẹ ru

Bao giờ cho tới mùa thu
Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
Bao giờ cho tới tháng năm
Mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

(Ngyễn Duy; Thơ Nguyễn Duy -Trần Đăng Khoa tuyển chọn, NXB Giáo dục, 1998)

Câu 1 (0, 5 điểm) Hình ảnh người mẹ được gợi lên qua những chi tiết nào?

Câu 2 (1.0 điểm) Anh/ chị hiểu như thế nào về nghĩa của từ “ đi” trong câu thơ sau:“ Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết những lời mẹ ru” ?

Câu 3

(1,0 điểm) Chỉ ra và nêu hiệu quả của phép tu từ trong đoạn thơ sau:

“Bao giờ cho tới mùa thu
Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
Bao giờ cho tới tháng năm
Mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao”

Câu 4: (0,5 điểm) Đoạn thơ gợi cho anh/chị những cảm xúc gì?

PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm): Từ ý nghĩa bài thơ trên, anh/ chị có suy nghĩ gì về tình mẫu tử trong cuộc sống? (Trình bày suy nghĩ trong đoạn văn khoảng 200 từ)

Đáp án đề thi thử THPT Quốc Gia 2019 môn văn mẫu số 2

I - Đọc - Hiểu

Câu 1. Hình ảnh người mẹ được gợi lên qua các chi tiết:

- “Nón mê” “ tay bí tay bầu”, “ váy nhuộm bùn” “ áo nhuộm nâu”

Câu 2. Nghĩa của từ đi:

- “ Ta đi trọn kiếp con người”: “Đi” nghĩa là sống, trưởng thành, là trải qua trọn kiếp người

- “cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”: “Đi” nghĩa là hiểu, cảm nhận.

=>  Ta sống trọn kiếp người cũng chưa thấu hiểu, cảm nhận được hết tình yêu thương của mẹ dành cho mình.

Câu 3. 

“Bao giờ cho tới mùa thu
Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
Bao giờ cho tới tháng năm
Mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao”

- Biện pháp tu từ nhân hóa: “ Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm”. Tác giả nhân cách hóa trái bưởi, trái hồng như hình ảnh những đứa trẻ tinh nghịch, hiếu động chơi trò đánh đu giữa trăng rằm. Câu thơ vì thế gợi hình ảnh rất sinh động, ngộ nghĩnh và gợi cảm xúc tuổi thơ trong trẻo.

Câu 4. Học sinh trình bày suy nghĩ của cá nhân, có thể nêu cảm xúc: cảm động và biết ơn sâu sắc trước hình ảnh người mẹ nghèo, lam lũ những hết lòng thương yêu, chăm lo cho con.

II - Làm văn 

Câu 1

Hướng dẫn làm bài:

1. Từ ý nghĩa bài thơ trên, anh/ chị có suy nghĩ gì về tình mẫu tử trong cuộc sống?

a. Đảm bảo hình thức đoạn văn nghị luận: thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích, song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: về tình mẫu tử trong cuộc sống

c. Triển khai vấn nghị luận: thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận theo nhiều cách nhưng có thể theo hướng sau:

Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau: 

1.Giải thích:

“Tình mẫu tử”: Là tình cảm thiêng liêng, máu thịt của người mẹ dành cho con cái. Tình mẫu tử là chỗ dựa vững chắc trong moi hoàn cảnh, là ngọn đèn chỉ đường cho con đến thành công.

2. Bàn luận

+ Biểu hiện: Chăm lo cho con từng bữa ăn giấc ngủ; Dạy dỗ con nên người; sẵn sàng hi sinh cả hạnh phúc để bảo vệ, che chở cho con; con cái lớn lên mang theo hi vọng niềm tin của mẹ; đằng sau thành công của con là sự tần tảo của người mẹ.

+ Ý nghĩa: Tình mẹ bao la không đại dương nào đếm được; đó là trái tim chỉ biết cho đi mà không bao giờ đòi lại; Mẹ luôn bao dung khi con mắc lỗi lầm làm tổn thương mẹ.

- Bàn luận mở rộng: Trong cuộc sống có những người đối xử tệ bạc với người mẹ của mình. Những người đó sẽ không bao giờ trở thành con người đúng nghĩa.

3. Bài học nhận thức và hành động

- Nhận thức: Luôn biết ơn và ghi nhớ công lao sinh hành, dưỡng dục của mẹ

- Hành động: Phấn đấu trưởng thành khôn lớn như sự báo đáp kì vọng của mẹ; Đừng làm mẹ phải buồn phiền để một ngày phải hối lỗi; biết trở về bên vòng tay mẹ dù có đi xa đến đâu.

Lưu ý:

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Không sai Chính tả, dùng từ, đặt câu (Hoặc có 1 vài lỗi nhỏ, không đáng kể)

e. Sáng tạo: Cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (thể hiện được dấu ấn cá nhân, quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc), thể hiện ý phản biện nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Bài làm mẫu:

Kỷ niệm về mẹ dồn nén để rồi cứ thế ùa vào tâm tưởng mỗi người con. Ta nhớ tới mẹ mình, không chỉ ở những lời ru mộc mạc, chân tình mà còn ở những món quà quê giản dị - đó là những “trái hồng”, “trái bưởi”, là những đêm “Mẹ ra trải chiếu, ta nằm đếm sao” và “Bờ ao đom đóm chập chờn”… Những hồi ức này khiến mỗi chúng ta như thấy một góc nhỏ của tuổi thơ mình đang hiện hữu trong những câu lục - bát tài hoa của nhà thơ.

Sợi chỉ xuyên suốt bài thơ và là nguồn cảm hứng chủ đạo của bài thơ là lời ru của mẹ. Lời ru ấy không chỉ đưa ta vào giấc ngủ khi còn ấu thơ, mà nó còn theo ta đi trọn cuộc đời: “Mẹ ru cái lẽ ở đời/Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”.

Và rồi nhà thơ đã nói lên sự lo lắng về hát ru đã và đang ngày một biến mất trong đời sống ngày nay: “Bà ru mẹ… mẹ ru con/Liệu mai sau các con còn nhớ chăng?”.

Quả thật sự lo lắng của nhà thơ là hoàn toàn có cơ sở. Ngày nay, tiếng hát ru con hầu như không còn được các bà mẹ trẻ sử dụng. “Bà ru mẹ… mẹ ru con” tưởng như là một quy luật muôn đời, bất biến, một nét đẹp văn hóa từ ngàn xưa của dân tộc, đáng trân trọng, giữ gìn và phát huy thì đang dần bị lãng quên, mai một!?

Thơ Nguyễn Duy mộc mạc, đằm thắm và thấm đậm chất trữ tình nhưng vẫn mang tính triết luận như là một tổng kết cuộc đời: “Ta đi trọn kiếp con người/Cũng không đi hết những lời mẹ ru”.

Ở đây, ta bắt gặp sự đồng điệu của Nguyễn Duy với Chế Lan Viên, dù phong cách viết giữa hai nhà thơ hoàn toàn khác nhau. Sự đồng điệu ấy thể hiện ở câu thơ của Chế Lan Viên: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con…”/“Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” là một dòng hồi ức tuyệt đẹp về người mẹ. Nhân mùa Vu Lan về, lại càng nhớ mẹ nhiều hơn, càng cám ơn nhà thơ đã cho ta những câu thơ - ca dao đẹp về mẹ. Điều đó càng nhắc nhở chúng ta: những ai còn mẹ càng phải biết trân trọng hơn đức sinh thành, dưỡng dục của mẹ. Những ai mẹ đã khuất lại càng thấy xao xuyến, nhớ mẹ tha thiết như lời ru êm dịu của những câu thơ lục bát tài hoa mà Nguyễn Duy đã sáng tạo.

------------------------------

Hy vọng mẫu đề thi thử THPT Quốc Gia 2019 môn văn số 2 trên đây sẽ là một trong những tài liệu ôn tập hữu ích để các em ôn luyện chuẩn bị cho kì thi trước mắt. Để ôn thi hiệu quả, các em có thể xem thêm nhiều đề thi thử THPT quốc gia môn văn khác. Chúc các em thi tốt và đạt kết quả cao!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM