Đề thi thử THPT Quốc Gia 2019 môn văn số 18

Xuất bản: 23/04/2019 - Cập nhật: 06/03/2020 - Tác giả:

Bộ đề thi thử môn văn THPT Quốc Gia năm 2019 có đáp án mẫu số 18, luyện đề thi thử để chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia sắp tới.

>>> CẬP NHẬT: Đề thi Văn THPT 2019

Tham khảo đề thi thử THPT QG 2019 môn Văn mẫu số 18 có đáp án nhằm chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới của học sinh khối 12. Đề thi bao gồm hai phần: phần Đọc hiểu (4 câu) và phần Làm văn (2 câu).  Đề thi thử bao gồm nhiều kiến thức đã học trong chương trình THPT giúp các em vừa ôn tập vừa rèn luyện kỹ năng và trau dồi thêm kinh nghiệm làm bài.

Đề thi thử THPT quốc gia môn Văn mẫu số 18

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Điều gì phải thì cố làm cho kì được, dù là một việc phải nhỏ. Điều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ.

Trước hết phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân. Phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn. Phải yêu và trọng lao động. Phải giữ gìn kỷ luật. Phải bảo vệ của công. Phải quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải chú ý đến tình hình thế giới, vì ta là một bộ phận quan trọng của thế giới, mọi việc trong thế giới đều có quan hệ với nước ta, việc gì trong nước ta cũng quan hệ với thế giới. 

Thanh niên cần phải có tinh thần gan dạ và sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng. Cần phải trung thành, thật thà, chính trực.

(Trích Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh – NXB Chính trị Quốc gia)

Câu 1. Đối tượng hướng đến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đoạn trích là ai? (0,5 điểm)

Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của các phép liên kết mà tác giả sử dụng. (1,0 điểm)

Câu 3. Người gửi gắm lời dạy nào thông qua đoạn trích? (0,75 điểm)

Câu 4. Nếp sống đạo đức nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? (0,75 điểm)

PHẦN II. LÀM VĂN  (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “Điều gì phải thì cố làm cho kì được, dù là một việc phải nhỏ. Điều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ.

Câu 2 (5,0 điểm):

Có ý kiến cho rằng: Với giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc thì dù viết về vấn đề gì, thơ Tố Hữu vẫn luôn dễ đi vào lòng người.

Anh, chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua 8 câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu).

- Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

- Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

(Trích Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ văn 12 Tập 1, NXB GD, 2010, Tr 109)

Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Văn mẫu số 18

Câu 1: 

Đối tượng hướng đến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đoạn trích là thanh niên.

Câu 2: 

Chỉ ra và nêu tác dụng của các phép liên kết mà tác giả sử dụng.

- Phép liên kết:

+ Phép lặp – lặp cấu trúc “Điều gì… thì phải… dù là một điều nhỏ”, lặp từ ngữ “phải…cần”.

+ Phép liên tưởng: trường từ vựng về đạo đức: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, trung thành, thật thà, chính trực.

- Tác dụng của phép liên kết: nhấn mạnh về những bài học đạo đức đúng đắn, cần thiết và gây tác động mạnh mẽ tới nhận thức, hành động của người làm cách mạng đặc biệt với thế hệ thanh niên.

Câu 3:

Người gửi gắm lời dạy nào thông qua đoạn trích?

Qua đoạn trích, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm những lời dạy sâu sắc: Tránh điều xấu, thực hiện điều tốt, yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, có tinh thần dân tộc và tinh thần quốc tế, yêu và trọng lao động, giữ gìn kỷ luật, bảo vệ của công, quan tâm đến đời sống của nhân dân, chú ý đến tình hình thế giới, có tinh thần gan dạ và sáng tạo, có chí khí hăng hái, trung thành, thật thà, chính trực.

Câu 4:

Nếp sống đạo đức nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh/chị

- Có thể lựa chọn một trong những nếp sống đạo đức như: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu và trọng lao động…

- HS trình bày suy nghĩ cá nhân, nêu rõ vì sao nếp sống đạo đức đó có ý nghĩa với em nhất?

Phần II - Làm văn 

Câu 1

Hướng dẫn làm bài

a.  Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: HS viết đúng hình thức đoạn văn, viết đúng quy định về số chữ, đảm bảo tính lôgic mạch lạc.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Giải thích:

- Điều phải: điều đúng, điều tốt, đúng với lẽ phải, đúng với quy luật, tốt với xã hội, với mọi người, với Tổ quốc, với dân tộc.

- Điều trái: việc làm sai trái, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và bị đánh giá tiêu cực.

- Nhỏ: mang tầm vóc nhỏ, diễn ra hàng ngày, xung quanh, có thể ít ai để ý. Lời dạy của Bác có ý nghĩa: đối với điều phải, dù nhỏ, chúng ta phải cố hết sức làm cho kì được, tuyệt đối không được có thái độ coi thường những điều nhỏ. Bác cũng khuyên đối với điều trái nhỏ phải hết sức tránh, tuyệt đối không làm.

Phân tích- bàn luận

- Vì sao điều phải chúng ta phải cố làm cho kì được, dù là nhỏ? Vì việc làm phản ánh đạo đức của con người. Nhiều việc nhỏ hợp lại sẽ thành việc lớn.

- Vì sao việc trái lại phải tránh, dù là nhỏ? Vì tất cả đều có hại cho mình và cho người khác. Làm điều trái, điều xấu sẽ trở thành thói quen.

- Tác dụng của lời dạy: nhận thức, soi đường đặc biệt cho thế hệ trẻ.

- Phê phán những việc làm vô ý thức, thiếu trách nhiệm.

Bài học và liên hệ bản thân:  

- Lời dạy định hướng cho chúng ta thái độ đúng đắn trong hành động để làm chủ cuộc sống, để thành công và đạt ước vọng.

- Liên hệ bản thân.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Bài làm mẫu

Bác Hồ là người luôn quan tâm dạy dỗ, giáo dục tuổi trẻ. Bác mong muốn tuổi trẻ phải cố gắng tu dưỡng, học tập và rèn luyện để trở thành những người tốt, hữu ích cho đất nước và nhân dân. Trong bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc trường Đại học Nhân dân ngày 19 - 1 - 1955, Bác nói: ‘Điều gì phải thì cố làm cho kì được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ’.

Điều phải là điều đúng, điều tốt được nhiều người công nhận, phù hợp với qui luật đời sống, với đạo đức xã hội, trở thành đường mòn trong nếp nghĩ, việc làm chung. Có những điều phải lớn lao mang tầm vóc xã hội, đất nước. Có những điều phải nhỏ bé, bình thường xảy ra trong đời sống hàng ngày, trong quan hệ giữa người với người và quan hệ giữa cá nhân và xã hội.

Điều trái là những điều sai, điều xấu vốn bị gạt khỏi nếp nghĩ, lối sống của mọi người. Có những điều trái rất lớn dẫn đến tác hại lớn, đi ngược lại đời sống của xã hội, của cộng đồng như hành động phản bội Tổ quốc, chà đạp lên lợi ích của nhân dân. Lại có những điều trái nhỏ bé như con sâu lẫn trong cành lá, làm tổn thương đến người khác, đến nhiều người như hành vi không đúng ở nơi công cộng, không tuân thủ nội qui trật tự chung. Tác hại của những điều hái ây tuy nhỏ nhưng không phải là không tổn hại đến người khác, không ảnh hưởng đến người khác.

Bác Hồ dạy chúng ta phải ‘cốlàm cho kì được’điều phải, dù là điều phải nhỏ. Đã thấy điều phải thì làm như một bản năng tự nhiên, như một ý thức tự giác, như là một sự góp nhặt tạo nên việc lớn. Thời kì Cách mạng tháng Tám mới thành công, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác và Chính phủ, nhân dân ta người có tiền thì góp tiền, người có vàng thì góp vàng ủng hộ Cách mạng. Rồi tiếp đến thời kì đầu kháng chiến, nhân dân ta đã thực hiện phong trào hũ gạo tiết kiệm. Những cố gắng nhỏ bé đã góp phần tạo nên sức mạnh to lớn của dân tộc, vượt qua khó khăn thử thách trong những ngày đầu của nhà nước Việt Nam non trẻ. Trong công cuộc xây dựng đất nước, thiếu nhi chúng ta đã hưởng ứng phong hào ‘Việc nhỏ nghĩa lớn’,góp từng cân giây, mảnh gang xây dựng nhà máy nhựa ‘Tiềnphong’…

Như thế là việc nhỏ mà không nhỏ, việc nhỏ mà cố gắng làm thì kết quả cũng to lớn. Suy ra, ý nghĩa câu nói của Bác là nhắc nhở chúng ta phải thường xuyên có ý thức làm những điều tốt, việc tốt theo tinh thần ‘góp gió thành bão’ vậy. Đối với những điều trái thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ. Đã là điều trái nhỏ, dù nhỏ mà không tránh thì nhất định sẽ làm tổn hại đến danh dự, đến lợi ích của người khác và của chung. Ra đường thấy chiếc vòi nước công cộng chảy mà không khoá lại, mỗi người vứt đi một vật nhỏ ra đường, nói năng ồn ào nơi công cộng, đi trái đường thì trật tự nơi công cộng sẽ ra sao? Một học sinh nói chuyện riêng trong lớp, quay cóp bài của người khác, vẽ bẩn ra bàn ghế thì liệu có trở thành con ngoan, trò giỏi được không?

Lời dạy của Bác nhắc nhở chúng ta trong cuộc sống hàng ngày phải cố gắng làm việc tốt, làm điều phải; cố tránh những điều trái, điều xấu dù là nhỏ. Muốn thế chúng ta phải thường xuyên tránh coi thường những cái nhỏ nhặt, phải thận trọng trong những cử chỉ, việc làm và lời nói hàng ngày, cố gắng tránh làm điều trái, làm thật nhiều điều tốt dù nhỏ bé để tạo nên thói quen tốt, tạo nên việc lớn có ý nghĩa và tác dụng cho bản thân và xã hội.

‘Tuổi nhỏ làm việc nhỏ’ theo ‘Năm điều Bác Hồ dạy’là điều kiện tốt nhất để chúng ta làm theo lời chỉ bảo chân tình của Bác. Góp nhặt, gìn giữ những điều phải, cố gắng tránh làm điều trái chính là tạo nên phẩm chất tốt và năng lực tốt cho tương lai của bản thân và xã hội.

Câu 2 

Nội dung cần đạt

a. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận:  

- Tố Hữu, một trong những lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ Tố Hữu gắn bó chặt chẽ với các chặng đường Cách mạng: gian khổ mà hào hùng, vẻ vang của dân tộc.

- Việt Bắc là một trong những thành tựu xuất sắc, kết tinh vẻ đẹp hồn thơ và phong cách nghệ thuật của Tố Hữu. viết về cuộc chía tay lịch sử giữa những người cán bộ kháng chiến với quê hương cách mạng sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi. Bài thơ không chỉ chứa đựng nội dung sâu sắc mà còn có giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết cùng nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc, tạo nên một sức hấp dẫn rất riêng. Điều này đươc thể hiện rõ nét ở 8 câu thơ đầu tiên của thi phẩm.

b. Giải thích ý kiến:

- Giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc là hai đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu. Nó được thể hiện rất rõ trong 8 câu đầu bài thơ Việt Bắc.

- Giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết là giọng thủ thỉ tâm tình; giọng của tình thương mến; đằm thắm, réo rắt, ngân nga, sâu lắng. Bài thơ nói chung, đoạn thơ nói riêng, nói đến nghĩa tình cách mạng nhưng thi sĩ lại dùng giọng, lời của người yêu để trò chuyện, giãi bày tâm sự, cảm xúc. Nó tạo nên âm hưởng trữ tình sâu đậm cùa khúc hát ân tình.

- Nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc

+ Thể thơ: Thể thơ lục bát được sử dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo.

+ Kết cấu: theo lối đốì đáp giao duyên của nam nữ trong ca dao dân ca

+ Ngôn ngữ; dung dị, sử dụng cặp đại từ nhân xưng “mình -  ta” linh hoạt.

+ Hình ảnh: gần gũi, quen thuộc, tự nhiên: Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn; áo chàm đưa buổi phân li, cầm tay nhau…

+ Nhạc điệu: ngọt ngào, lắng sâu, da diết, được tạo bởi thể thơ lục bát với cách gieo vần, ngắt nhịp, hài thanh rất nhịp nhàng, hài hoà.

c. Chứng minh:

- Bốn câu đầu là lời ướm hỏi của Việt Bắc:

+ Hai câu hỏi được láy đi, láy lại “Mình về mình có nhớ ta?”, “Mình về mình có nhớ không?” cho thấy một niềm day dứt khôn nguôi của kẻ ở. Hỏi và nhắc đến “mười lăm năm ấy” là quãng thời gian kháng chiến gian khổ, chiến khu Việt Bắc đã cưu mang, đùm bọc, chở che cho cán bộ, là căn cứ địa vững chắc của cách mạng. Hình ảnh “Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn” ngầm gợi đạo lí thuỷ chung, truyền thống ân nghĩa. Đây không phải là những câu hỏi thông thường mà là lời của tình sâu nghĩa nặng.

+ Nhịp thơ lục bát đều đặn, hài hoà tạo nên âm hưởng da diết, lắng sâu, xoáy vào lòng người đi.

- Bốn câu sau là nỗi niềm, tâm trạng của người cán bộ kháng chiến về xuôi:

+ Trước nỗi niềm của kẻ ở, người đi im lặng trong trạng thái trữ tình sâu lắng để tri âm “tiếng ai” ngân nga, đồng vọng trong lòng mình. Sự hô ứng ngôn từ (“thiết tha”- “tha thiết”) đã tạo nên mạch ngầm đồng vọng của tiếng nói tri âm. Hình ảnh “cầm tay nhau” hàm chứa nhiều cảm xúc.

+ Những từ láy “bâng khuâng”, “bồn chồn” đặt trong nhịp chẵn 4/4 và sự đối xứng của hình ảnh thơ “bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi”, diễn tả cảm xúc day dứt trong lòng người đi.

+ Nhịp chẵn lục bát đang đều đặn 2/2/2, 4/4 bỗng đổi thành 3/3/2 ở câu cuối đoạn thơ “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…” rất phù hợp với việc diễn tả sự bối rối trong lòng người.

+ Kết cấu đối đáp, cách xưng hô mình - ta khiến cho cuộc chia tay giữa Việt Bắc và những người cán bộ kháng chiến giống như cuộc chia tay của một đôi bạn tình có nhiều gắn bó sâu sắc, lưu luyến bịn rịn không nỡ rời xa.

+ Ngôn ngữ quen thuộc, hình ảnh thơ gần gũi, lối diễn đạt dung dị khiến cho lời thơ như những lời thủ thỉ, tâm tình. Cách gieo vần, ngắt nhịp, hài thanh hài hoà tạo nên nhạc điệu ngân nga, réo rắt, da diết, lắng sâu.

d. Bình luận:

Bài thơ nói chung, đoạn thơ nói riêng viết về một sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại, viết về nghĩa tình cách mạng nhưng với giọng thơ tâm tình ngọt ngào và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc đã làm cho nó không hề khô khan mà ngược lại rất dễ đi vào lòng người, khơi dậy nhiều rung động sâu sắc cho độc giả. Cũng chính nhờ đặc điểm này mà Việt Bắc không chỉ là một bản hùng ca tráng lệ, nó còn là một bản tình ca tha thiết, sâu lắng, ngọt ngào.

e. Đánh giá chung:

Giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc là đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu. Nó không chỉ là giọng điệu riêng của thơ ông mà còn góp phần làm nên sức hấp dẫn đặc biệt cho loại thơ trữ tình chính

>> Tham khảoPhân tích khổ thơ đầu bài Việt Bắc

*********

Với mẫu đề thi thử THPT Quốc Gia 2019 môn văn số 18, Đọc Tài Liệu hy vọng các em học sinh sẽ ôn tập tốt, rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức để vượt vũ môn thành công. Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!

- Tuyển tập đề thi thử THPT quốc gia 2020 môn Văn -

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM