Đề thi thử THPT Quốc Gia 2019 môn văn số 12

Xuất bản: 22/04/2019 - Cập nhật: 06/03/2020 - Tác giả:

Bộ đề thi thử môn văn THPT Quốc Gia năm 2019 có đáp án mẫu số 12, luyện đề thi thử để chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia sắp tới.

>>> CẬP NHẬT: Đề thi Văn THPT Quốc gia 2019

Đề thi thử THPT QG 2019 môn Văn mẫu số 12 có đáp án được biên soạn theo cấu trúc được dự báo cho kỳ thi THPT Quốc gia môn Toán năm nay sẽ là một trong những tài liệu hữu ích cho quá trình ôn thi của các em học sinh lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Cùng làm đề sau đó so sánh với đáp án để thử khả năng của mình em nhé!

>>

Tham khảo: Đáp án đề thi tham khảo môn Văn THPT Quốc gia năm 2019

Đề thi thử THPT quốc gia môn Văn mẫu số 12

Phần 1: Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Mong ước đầu tiên và lớn nhất của tôi là các con sẽ trở thành người tử tế, sau đó là cháu sẽ có một cuộc sống hạnh phúc.

Sau này con có trở thành bất cứ ai trên cuộc đời này, làm bất cứ công việc gì thì cũng làm việc một cách tử tế, ứng xử với bản thân, với gia đình, bạn bè, những người xung quanh, với cộng đồng và thậm chí là với cả trái đất này một cách tử tế! Việc cháu tiếp tục học ở đâu, làm việc gì là tùy vào sở thích, niềm đam mê và năng lực của cháu. Tôi và gia đình hoàn toàn tôn trọng vào sự lựa chọn và quyết định của con mình.

(Thạc sĩ Đinh Thị Thu Hoài – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Kĩ năng sống Insight, mẹ của "cậu bé vàng" Đỗ Hải Nhật Minh trả lời phỏng vấn báo Giáo dục và Thời đại số 24 ngày 28-1-2017, trang7)

Câu 1 (0,5 điểm)

Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng ở đoạn trích trên.

Câu 2 (0,5 điểm) Theo em, trình tự lập luận trong đoạn trích trên được trình bày theo phương pháp nào? (diễn dịch, quy nạp hay tổng-phân-hợp)

Câu 3 (1 điểm) Xác định nội dung cơ bản của đoạn trích?

Câu 4 (1 điểm) Là một người trẻ tuổi, anh/chị có tán đồng với mong ước về tương lai tuổi trẻ của vị phụ huynh thể hiện trong đoạn trích trên không? Vì sao?

Phần II: Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: Sau này con có trở thành bất cứ ai trên cuộc đời này, làm bất cứ công việc gì thì cũng làm việc một cách tử tế, ứng xử với bản thân, với gia đình, bạn bè, những người xung quanh, với cộng đồng và thậm chí là với cả trái đất này một cách tử tế!

Câu 2 (5,0 điểm)

Tùy bút Sông Đà là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà nhà văn Nguyễn Tuân đã thu hoạch được trong chuyến đi thực tế gian khổ và hào hứng tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi của Tổ quốc. Nơi đây, ông đã khám phá ra chất vàng của thiên nhiên cùng "thứ vàng mười đã qua thử lửa" ở tâm hồn của những người lao động.

Theo anh/chị, "thứ vàng mười đã qua thử lửa" ở nhân vật người lái đò trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân là gì? Hãy làm rõ điều đó qua những gì mà anh/chị đã biết.

Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Văn mẫu số 12

Phần I - Đọc - hiểu 

Câu 1    

Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2    

Trình tự lập luận trong đoạn trích được trình bày theo phương pháp tổng-phân-hợp

Câu 3 

Nội dung cơ bản của đoạn trích:

Những lời tâm sự (chia sẻ) của một phụ huynh: mong con trở thành người tử tế.

Câu 4 

HS nêu quan điểm cá nhân và có những lí giải thuyết phục, nhưng không thể không tán đồng. Vì đó là ý kiến đúng đắn, sâu sắc và có trách nhiệm

Phần II - Làm văn

Câu 1

Hướng dẫn làm bài

1. Yêu cầu chung: Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết

2.Yêu cầu cụ thể

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cần làm một con người tử tế.

c. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ…

* Giải thích

- Tử tế: Đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi mà lệ thường phải có để được coi trọng, có lòng tốt trong đối xử.

- Làm việc tử tế:

+ Việc tử tế: Không nhất thiết phải là những việc to tát, sang trọng mà có khi chỉ là những việc nhỏ bé, bình thường nhưng là những việc tốt, có ý nghĩa.

+ Cách làm tử tế: Có trách nhiệm đối với việc mình làm.

- Ứng xử tử tế:

+ Ứng xử có trách nhiệm, có văn hóa.

+ Trong mọi mối quan hệ, kể cả với bản thân, với trái đất.

- Nội dung ý kiến: Sau này con có thể trở thành bất cứ ai (thành vĩ nhân hay chỉ là thường dân), có thể làm việc gì (việc lớn lao hay việc nhỏ bé) không quan trọng. Quan trọng là phải tử tế, làm việc tử tế, ứng xử tử tế.

* Phân tích, bình luận

- Nêu và phân tích những biểu hiện của việc tử tế và những người tử tế.

- Tương lai là những gì sẽ diễn ra ở phía trước mà con người khó lường hết được. Vì vậy người ta thường lo lắng và chuẩn bị chu đáo hành trang cho tương lai.

- Bằng kinh nghiệm của những người đi trước, trách nhiệm đối với thế hệ sau, mong ước trên của bậc phụ huynh là rất đáng trân trọng. Đó là ý kiến đúng đắn, sâu sắc và có trách nhiệm.

+ Trước hết, đáp ứng được thực tế: "ứng vạn biến" (có thể trở thành bất cứ ai, làm bất cứ việc gì).

+ Sau nữa nó đảm bảo được chân lí "dĩ bất biến", có thể giúp con người trưởng thành, vững vàng trong mọi tình huống thử thách (làm việc tử tế, ứng xử tử tế). Dù xét ở góc độ nào đi nữa thì làm việc tử tế, ứng xử tử tế vẫn phải là thước đo giá trị con người trong mọi thời đại. Nó phải được tôn vinh.

(Thí sinh có thể có suy nghĩ khác nhưng không trái với tinh thần của câu nói, không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật)

>> Tham khảoNghị luận xã hội về người tử tế

* Bài học nhận thức và hành động

- Việc tử tế làm nên nhân cách, giá trị con người

- Phê phán những đối tượng sống ích kỉ cá nhân

- Liên hệ bản thân

Lưu ý

d. Sáng tạo: Cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (thể hiện được dấu ấn cá nhân, quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc), thể hiện ý phản biện nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Câu 2. 

Hướng dẫn làm bài

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề nghị luận, thân bài triển khai được vấn đề gồm nhiều ý/đoạn văn, phần kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Về "thứ vàng mười đã qua thử lửa" ở nhân vật người lái đò trong tùy bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

* Giới thiệu hoàn cảnh ra đời, mục đích sáng tác tập tùy bút Sông Đà của Nguyễn Tuân; hình tượng người lái đò trong Người lái đò Sông Đà.

Giải thích ngắn gọn ý nghĩa của cụm từ "thứ vàng mười đã qua thử lửa": chữ dùng của Nguyễn Tuân để chỉ vẻ đẹp tâm hồn của những con người mới, đã lao động và chiến đấu trên vùng sông núi hùng vĩ và thơ mộng (Sông Đà)

* Phân tích, chứng minh về vẻ đẹp tâm hồn của ông lái đò sông Đà:

- Ông lái đò được xây dựng như là một đại diện, một biểu tượng của nhân dân (không chi tiết tên tuổi, quê quán). Đó là một người lao động rất đỗi bình thường, hoạt động trong một môi trường lao động khắc nghiệt, dữ dội.

- Ông am hiểu đối tượng mà mình đang chinh phục: Ông hiểu tính nết con sông Đà "Lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy", ông thuộc tên từng cái thác, nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá, từng luồng sinh cửa tử nơi ải nước hiểm trở...

- Ông mưu trí và dũng cảm để vượt qua những thử thách khắc nghiệt trong cuộc sống lao động hằng ngày: Vượt qua những trùng vi thạch trận trên sông Đà một cách ngoạn mục, ông đò có phẩm chất của một người anh hùng trí dũng song toàn, của một nghệ sĩ cầm chèo vượt thác "tay lái ra hoa".

- Ông có tâm hồn bình dị: Khi những kí ức về cuộc chiến "xèo xèo tan trong trí nhớ", nhà đò trở về với cuộc sống bình yên "đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ, cá dầm xanh, về những cái hầm cá, hang cá mùa khô...", "cũng chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua".

→ Ông lái đò mang những phẩm chất cao đẹp của người lao động trong thời đại mới: giản dị mà không kém phần hùng tráng, khỏe khoắn và cũng đầy mưu trí. Đó là những con người tự do, làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời.

>> Xem thêmPhân tích hình tượng người lái đò trong Người lái đò sông Đà

* Một vài nét đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Tuân: đặt nhân vật vào những tình huống đầy cam go, thử thách để nhân vật bộc lộ tính cách, phẩm chất; phối hợp những thủ pháp tiêu biểu của các loại hình nghệ thuật khác để miêu tả và kể chuyện...

Lưu ý

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

e. Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

>> Tham khảo bài làm mẫu Phân tích chất vàng mười trong Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) để có thêm tư liệu giải đề

Bài văn mẫu phân tích thứ vàng mười đã qua thử lửa ở nhân vật người lái đò trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân

Giữa cánh đồng văn chương rộng lớn, người nghệ sĩ nhỏ bé như những hạt bụi bay lượn trong không khí để tìm chất vàng trong bộn bề của cuộc sống. Với Nguyễn Tuân, chất vàng mà ông tìm được qua chuyến đi gian khổ đó là chất vàng mười của thiên nhiên và ở đó ông đã làm nổi bật lên “thứ vàng mười đã đi qua thử lửa” ở tâm hồn của những người lao động. Điều đó được thể hiện trong tùy bút “người lái đò sông Đà” đặc biệt được tô đậm qua hình tượng người lái đò.

Văn chương chính là nguồn cảm xúc bất tận chảy trong những người nghệ sĩ, chính những cảm xúc ấy đã thôi thúc nhà văn phải tìm nguồn đề tài và cầm bút lên sáng tác. Mỗi tác phẩm ra đời là cả một quá trình thai nghén, người nghệ sĩ phải lặn ngập trong biển lớn cuộc đời để tìm cảm xúc, cũng chính vì vậy mà mỗi một tác phẩm ra đời là cả một quá trình gian khổ. Cũng như Nguyễn Tuân, tùy bút sông Đà là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà ông đã thu hoạch được trong chuyến đi gian khổ và hào hứng tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi của Tổ quốc. Chính lúc đó, ông bắt gặp một cảnh làm mạch cảm xúc của ông tuôn trào không kìm nén đó là vẻ đẹp tâm hồn của người lao động con mắt tinh tế của ông dường như nhìn thấy được vẻ tâm hồn ấy qua vẻ đẹp của thiên nhiên mà ở đó ông gọi là “thứ vàng mười đã qua thử lửa”. Tất cả được ông thể hiện qua nhân vật ông lái đò trong tùy bút “người lái đò sông Đà”. Dưới ngòi bút tinh tế của Nguyễn Tuân, dường như mọi nhân vật đều trở nên mới mẻ và độc đáo, hình tượng người lái đò chính là nhân vật điển hình cho “thứ vàng mười đã qua thử lửa” của ông.

Ở đây, “thứ vàng mười” chính là vẻ đẹp tâm hồn của người lao động mà không ai khác chính là ông lái đò, vẻ đẹp ấy đã qua thử lửa bởi chính con mắt tinh tế của Nguyễn Tuân là một ngọn lửa nóng chảy. Trong tác phẩm, Nguyễn Tuân xây dựng hình tượng người lái đò với hai tính cách đó là sự chí dũng kiên cường và chất tài hoa nghệ sĩ, hai tính cách đối lập đã làm nổi bật lên phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.

Bước vào tác phẩm, ta bắt gặp ngay ở tên đề “người lái đò sông Đà”. Ở dđây, tác giả miêu tả làm nổi bật con sông Đà nhưng đó không phải là trung tâm của tác phẩm mà cái ông muốn hướng đến là người lái đò. Ông miêu tả sâu sắc con sông Đà chỉ để làm nổi bật hình tượng người lái đò, chính nét đẹp vốn có được ẩn hiện trong con người nhỏ bé kia được tác giả khai thác đến. Nếu như sông Đà hiện lên với vẻ hùng vĩ, dữ dội thì người lái đò lại có sự chí dũng cao cường để chế ngự và sông Đà cơ vẻ đẹp nên thơ trữ tình thì người lái đò hiện lên với chất tài hoa nghệ sĩ đó là sự hòa hợp, đối xứng với thiên nhiên mà Nguyễn Tuân thấy được ở người lái đò.

Sự chí dũng, kiên cường của người lái đò được ông thể hiện ở trận thủy chiến với con sông Đà. Ở đây, có sự đối lập mà tác giả đem đến đó là giữa ông lái đò và con sông Đà. Ông lái đò là một người già yếu, nhỏ bé với sáu cánh chèo như que tre mà phải đối mặt với con sông Đà dữ dội, nước chảy hùm beo như muốn nuốt chửng người lái đò. Nhưng với sự chí dũng, kiên cường của mình, ông đã dũng cảm tiến về phía trước. Con sông Đà dữ dội, nó chia thành mấy đợt đánh và có chiến thuật riêng, đợt một nó có bốn cửa tử và một cửa sinh mà cửa sinh lại nằm phía tả ngạn, đợt hai ít cửa tử hơn và luồng sinh nằm ở phía hữu ngạn và ở đợt ba nó chỉ có hai cửa tử và luồng sinh ở đợt này lại nằm ở giữa những hòn đá tiền vệ. Nhưng với con mắt tinh tế, ông linh hoạt trong từng đợt đánh, có lần sông Đà liên tục tấn công làm người lái đò nôn nao trên chiếc thuyền nhỏ bé, chúng húc vào hông thuyền như muốn lật đổ, dù đã mệt mỏi, da tái nhợt đi nhưng với sự quyết tâm, ông lái đò ghì chặt những mái chèo để chiến đấu tiếp.

Là một người lái đò nhưng ông như một thiên hùng ca khi mà ông thuộc lòng những luồng sóng, vách đá thậm chí thuộc từng dấu phẩy, dấu chấm vì thế nên không ai làm khó được ông, cho dù con sông Đà có dữ dội đến mấy. Sau khi bị tấn công liên tiếp, ông lái đò ghì chặt mái chèo, xông thẳng lên như một viên tướng cầm quân đang thuần phục con tuấn mã, ông xông lên ngọn sóng ghì chặt nắm lấy dây cương sấn đôi nó ra để mở đường tiến. Ở sông Đà có những dãy đá được bày sẵn ra như một bát quái chở người lái đò đến nhưng sự thông minh, khéo léo, ông đã vượt qua nó một cách suôn sẻ. Là một người sống với nghề chèo đò vượt thác, người lái đò không lạ lẫm với sông nước với những trận thủy chiến như thế này. Tuy nhiên, ở ông ẩn hiện ra là vẻ đẹp của người lao động mang sắc thái của người nông dân Việt Nam cần cù, chăm chỉ, đó chính là “thứ vàng mười” được phát hiện qua con mắt tinh tế của Nguyễn Tuân như một phát hiện mới mẻ mà các nhà văn đã bỏ qua. Cùng với sự phát hiện mới mẻ ấy, qua ngòi bút của Nguyễn Tuân l;ại càng trở nên độc đáo hơn.

Không những thế, “chất vàng mười” còn được Nguyễn Tuân miêu tả ở chất nghệ sĩ tài hoa của người lái đò. Đây như một hạt ngọc ẩn sâu trong tâm hồn mà chỉ có những nhà văn chân chính mới có thể nhìn thấy. Văn chương phải có tâm hồn. Chính vì vậy, nhà văn luôn đi tìm những gì còn ẩn nấp sau tâm hồn kia như Nguyễn Minh Châu đã từng nói : “Nhà văn phải là người đi tìm những hạt ngọc ẩn dấu trong tâm hồn con người”. Ở Nguyễn Tuân, không chỉ có những người làm nghệ sĩ như ông thì mới được gọi là nghệ sĩ, những người với công việc thường ngày, họ làm hết mình với công việc của mình thì họ cũng là nghệ sĩ chân chính. Ông lái đò với nghệ thuật chèo đò vượt thác của mình, ông trở thành người nghệ sĩ chân chính. Nghề mà ông làm là một nghề mà trước Cách mạng không được coi trọng, bị xem thường. Nhưng qua đây, Nguyễn Tuân cũng cho ta thấy rằng đây không chỉ là một nghề chân chính, trong công việc ấy, ông làm trong sự im lặng như một sự cống hiến cho cách mạng, công việc ấy là công việc ông làm hàng ngày để kiếm kế sinh nhai để lo cho cả gia đình, không hcir vậy mà còn làm đẹp cho xã hội. Trước công việc ấy, ông như một người anh hùng chính nghĩa đánh bại kẻ thù để tìm đến sự vang dội, oai hùng.

Chính lúc ấy, trong nghệ thuật chèo đò của mình, người lái đò còn được hiện lên với vẻ đẹp tài hoa, đó là sau khi đánh trận thủy chiến, ông lái đò lại vào trong hang, mà mỗi khi ông đi là ông buộc một bu gà đằng sau. Đó không chỉ thể hiện đó là thời gian mà đó còn là gợi nhớ đến quê hương, nhớ đến mảnh đất sinh sống của mình. Trong cái hang ấy, tối và lạnh, ông đã đốt lửa và thấy như những làn khói của sông Đà. Cùng với con mắt quan sát tinh tế, người nông dân hiện lên như một vị thần sông nước, cùng với con thuyền bé nhỏ, như một vị tướng oai hùm giữa sông Đà dữ dội. Cũng chính có những con người như ông mà con thủy quái sông Đà mới được hàng phục, từ đó mà ta thấy cái mà Nguyễn Tuân thấy thật đẹp đẽ, một vẻ đẹp mà khó bắt gặp lần hai.

Nét đẹp của người lái đò thật mềm mại qua bút pháp của Nguyễn Tuân. Vẻ đẹp ấy được thiên nhiên làm nên như một bức chân dung vững chãi đứng ở con sông Đà. Chất vàng mười mà ông khám phá như một nét độc đáo mà chưa có nhà văn nào đụng tới. Qua ngòi bút của Nguyễn Tuân, người lái đò được hiện lên là một người lao động linh hoạt, ông chính là con người tiêu biểu trong việc chế ngự thiên nhiên, để thiên nhiên phải hằng phục và phục vụ cho con người sau này. Việc làm cao cả được Nguyễn Tuân miêu tả sâu sắc làm nên nét độc đáo của tác phẩm.

Thành công của đoạn trích cũng nhờ vào một phần vào việc sáng tạo nghệ thuật. Nghệ thuật linh hoạt, từ ngữ phong phú, hình ảnh hấp dẫn. Cách miêu tả ấn tượng cùng với đó là sử dụng biện pháp so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, đối lập làm nổi bật lên phong cách của Nguyễn Tuân và tô đậm nên “chất vàng mười đã qua thử lửa” của ông.

Khép lại bài tùy bút, đọng lại ở người đọc đó là hình tượng người lao động trong công việc chèo đò, một hình ảnh đẹp đẽ được Nguyễn Tuân khai thác làm đề tài sáng tác. Chính điều đó làm ấn tượng sâu sắc, người lái đò như tượng trưng cho người lao động Việt Nam cần cù, chịu khó, hi sinh cho quue hương, đất nước. Đồng thời qua đó còn thể hiện được tình yêu nhiên nhiên vfa con người của tác giả.

*********

Ngoài mẫu đề thi thử THPT Quốc Gia 2019 môn văn số 12, các em có thể tham khảo thêm nhiều đề thi khác được chúng tôi cập nhật liên tục tại doctailieu.com. Hy vọng Đọc Tài Liệu sẽ là bạn đồng hành mang đến nhiều tài liệu hữu ích cho các em để chuẩn bị cho kì thi quan trọng. Chúc các em thành công!

- Tuyển tập đề thi thử THPT quốc gia 2020 môn Văn -

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM