Đề thi thử THPT Quốc Gia 2019 môn văn số 11

Xuất bản: 19/04/2019 - Cập nhật: 06/03/2020 - Tác giả:

Bộ đề thi thử môn văn THPT Quốc Gia năm 2019 có đáp mẫu số 11, tài liệu ôn tập hữu ích với những dạng bài hay và thường gặp trong các đề thi THPT QG.

>>> CẬP NHẬT: Đề thi Văn THPT Quốc gia 2019

Nhằm giúp học sinh ôn tập từng bước chuẩn bị cho kỳ thi THPTQG 2019 sắp tới, Đọc Tài Liệu đã sưu tầm đề thi thử THPT QG 2019 môn Văn mẫu số 11 có đáp án làm tài liệu ôn thi cho các em học sinh lớp 12. Đây cũng là tài liệu hữu ích cho các thầy cô giáo trong quá trình dạy học, ôn thi cho các em.

>> Tham khảoĐáp án đề thi tham khảo môn Văn THPT Quốc gia năm 2019

Đề thi thử THPT quốc gia môn Văn mẫu số 11

Phần 1: Đọc hiểu (3,0đ)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Xạc xào lá cỏ héo hon 

Bàn chân cát bụi, lối mòn nhỏ nhoi 

Lặng im bên nấm mộ rồi 

Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm 

Không cành để gọi tiếng chim 

Không hoa cho bướm mang thêm nắng trời 

Không vầng cỏ ấm tay người 

Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu


Thanh minh trong những câu Kiều 

Rưng rưng con đọc với chiều Nghi Xuân 

Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân 

Phong trần còn để phong trần riêng ai 

Bao giờ cây súng rời vai 

Nung vôi, chở đá tượng đài xây lên 

Trái tim lớn giữa thiên nhiên 

Tình thương nối nhịp suốt nghìn năm xa...

(Trích Bên mộ cụ Nguyễn Du, Vương Trọng)

Câu 1. (0,5 điểm) Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn thơ trên?

Câu 2. (0,5 điểm) Những từ ngữ nào trong đoạn thơ gợi nhớ đến tiểu sử Nguyễn Du và Truyện Kiều?

Câu 3.

(1,0 điểm) Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật biện pháp tu từ từ vựng trong khổ thơ thứ hai

Câu 4. (1,0 điểm) Nhà thơ Vương Trọng muốn nói điều gì qua hình ảnh “trái tim lớn” ?

Phần II: Làm văn  (7,0)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ văn bản đọc hiểu, hãy viết đoạn văn theo lối diễn dịch (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về việc tưởng nhớ vĩ nhân trong đời sống dân tộc hôm nay.

Câu 2 (5,0 điểm):

Qua hình tượng sóng và em, Xuân Quỳnh đã nói lên thật chân thành, táo bạo, không hề giấu giếm khát vọng tình yêu sôi nổi, mãnh liệt của người phụ nữ... Hãy phân tích đoạn thơ sau đây để làm sáng tỏ vấn đề này:

Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?

Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau

Con sóng dưới lòng sâu,
Con sóng trên mặt nước,
Ôi con sóng nhớ bờ,
Ngày đêm không ngủ được,
Lòng em nhớ đến anh,
Cả trong mơ còn thức.

Dẫu xuôi về phương bắc,
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ,
Hướng về anh - một phương.

( Xuân Quỳnh, Sóng)

Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Văn mẫu số 11

Phần I - Đọc hiểu    

Câu 1  

Phong cách ngôn ngữ : Nghệ thuật

Câu 2  

- Từ ngữ trong đoạn thơ gợi nhớ đến tiểu sử Nguyễn Du: Nghi Xuân (quê hương nhà thơ)

- Những từ ngữ trong đoạn thơ gợi nhớ đến Truyện Kiều: thanh minh; câu Kiều; phong trần

Câu 3 

- Biện pháp tu từ: điệp ngữ, lặp cấu trúc (Không cành, không hoa, không vầng cỏ)

- Hiệu quả nghệ thuật: nhấn mạnh và khắc hoạ khung cảnh hoang sơ, thiếu vắng hơi ấm bàn tay chăm sóc của con người.

Nơi yên nghỉ của đại thi hào dân tộc lại hoang vắng, hoang sơ, khiến tác giả chạnh lòng, xót xa.

Câu 4 

Hình ảnh “trái tim lớn” nói về Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc, nhà thơ lớn bởi tấm lòng nhân ái bao la, mà tác phẩm là những tiếng khóc thương cho thập loại chúng sinh, cho những thân phận đau khổ, bất hạnh dưới chế độ phong kiến. Qua đó, Vương Trọng thể hiện sự cảm thông, ngưỡng mộ và ca ngợi tấm lòng nhân đạo cao cả của Đại thi hào Nguyễn Du.

Phần II - Làm văn

Câu 1

Hướng dẫn làm bài

1. Yêu cầu chung: Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết

2. Yêu cầu cụ thể

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: cần tưởng nhớ vĩ nhân trong đời sống dân tộc hôm nay

c. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ…

*Giải thích:

- Vĩ nhân là những con người vĩ đại, có công lao đóng góp trên một hoặc một vài lĩnh vực; tầm vóc lớn; có tầm ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài, được ghi công danh trong lịch sử;

- Tưởng nhớ vĩ nhân là việc mỗi người hiểu biết, ghi nhớ, biết ơn công lao của những con người vĩ đại, có vai trò quan trọng góp phần làm nên lịch sử dân tộc.

*  Bàn luận mở rộng vấn đề: 

- Việc tưởng nhớ vĩ nhân là cần thiết vì nó cho thấy hiểu biết của thế hệ sau về quá khứ, lịch sử, về những người đã làm nên lịch sử; đồng thời thể hiện lẽ sống đẹp: uống nước nhớ nguồn, lòng biết ơn…

- Là một dân tộc có truyền thống ân nghĩa thuỷ chung, nhân dân ta đều coi trọng việc tưởng nhớ vĩ nhân, thể hiện bằng thái độ và việc làm cụ thể (tuyên truyền, tái dựng cuộc đời; xây dựng tượng đài, bia mộ để ghi công…)

- Tưởng nhớ vĩ nhân còn là một cách để rèn đức tu chí luyện tài, hình thành lối sống đẹp, khát vọng vươn tới những tầm vóc lớn để nâng cao giá trị sự sống của mỗi người;

- Tuy nhiên, vẫn còn có những người chưa có ý thức, thái độ, hành động thể hiện sự tưởng nhớ vĩ nhân chân thành, đúng đắn ( không hiểu biết về lịch sử, nhầm lẫn, hiểu sai…; ích kỉ, bội bạc với quá khứ…)

* Rút ra bài học nhận thức và hành động.

- Mỗi người cần có hiểu biết sâu sắc về các bậc vĩ nhân, tự hào về lịch sử.

- Biết sống đúng, sống đẹp để xứng đáng với công lao của những bậc vĩ nhân.

Lưu ý:

d.  Sáng tạo: Cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (thể hiện được dấu ấn cá nhân, quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc), thể hiện ý phản biện nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Câu 2

Hướng dẫn làm bài

1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận về một khía cạnh nội dung trong một bài thơ.

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Những nét đẹp trong tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu được thể hiện qua hình tượng sóng và em, đồng thời đánh giá về nét đẹp tâm hồn đó trong đoạn thơ.

3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:

Triển khai các luận điểm:

a/ Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm Sóng và khái quát ý nghĩa hình tượng sóng và em trong đoạn thơ. Trích dẫn nhận định.

b/ Thân bài:

- Khái quát bài thơ, đoạn thơ

- Giải thích:

+ Hình tượng sóng và em: là hai nhân vật trữ tình trong bài thơ, có sự gắn bó chặt chẽ với nhau để gửi gắm tình yêu của người phụ nữ;

+ chân thành, táo bạo, không hề giấu giếm khát vọng tình yêu sôi nổi, mãnh liệt của một phụ nữ: là cách thể hiện mới mẻ và hiện đại về tình yêu.

- Phân tích nội dung, nghệ thuật đoạn thơ để làm sáng tỏ vấn đề …

+ Dù đang yêu và sống trong tình yêu nhưng người phụ nữ vẫn luôn trăn trở suy tư về tình yêu. Đó là niềm khắc khoải vì những câu hỏi truy tìm nguyên nhân, ngọn nguồn của tình yêu, khám phá cái duyên cớ lạ lùng của đôi lứa : “Sóng bắt đầu từ gió - …- Khi nào ta yêu nhau”. Sự bất lực trong câu trả lời góp phần kì ảo hoá tình yêu, góp phần khẳng định khát vọng muốn hiểu biết rõ hơn về tình yêu, về người mình yêu và về chính mình đã trở thành một quy luật muôn đời của đôi lứa yêu nhau.

+ Bản chất của tĩnh yêu là nỗi nhớ. Trái tim đang yêu hết mình của Xuân Quỳnh bộc lô nỗi nhớ nhung mãnh liệt không hề e ngại hạy suy tính. Nỗi nhớ bao phủ cả thời gian và không gian, choáng ngợp cả tiềm thức và lí trí. Hình tượng con sóng chưa đủ để Xuân Quỳnh bộc lộ nỗi nhớ nên nhân vật trữ tình em xuất hiện, song hành cùng sóng nhằm diễn tả nhịp đập mạnh mẽ của nỗi nhớ, diễn tả sự cùng kiệt nỗi yêu thương : “Con sóng dưới lòng sâu - … Cả trong mơ còn thức”.

+ Với người phụ nữ Xuân Quỳnh, tình yêu còn là lòng thuỷ chung, là cái bất biến giữa cuộc đời nhiều trắc trở. Sự thuỷ chung ấy là nỗi niềm thổn thức, khắc khoải vì người đàn ông của mình, người đàn ông mang lại cho Xuân Quỳnh nhiều hạnh phúc và cũng nhiều buồn đau. Sự thuỷ chung chứa đựng nhiều thách thức với hoàn cảnh, quyết liệt và mạnh mẽ : “Dẫu xuôi về phương bắc - .... Hướng về anh- một phương”.

+ Vượt lên cái hữu hạn của cuộc đời, vượt qua mọi khoảng cách về không gian, thờỉ gỉan, Xuân Quỳnh tìm đến quy luật trường tồn, vĩnh cữu của tự nhiên để bộc lộ niềm tin và cũng là khát vọng về một tình yêu tuyệt đích : “Ở ngoài kia đại dương - ... Dù muôn vời cách trở".

>> Phân tích hình tượng sóng trong bài Sóng (Xuân Quỳnh)

+  Nét nghệ thuật độc đáo của đoạn thơ :

+ + Hình tựợng sóng và em - người phụ nữ đang yêu : Sóng là sự hoá thân của Xuân Quỳnh và cũng là sự hoá thân của người phụ nữ đang yêu. Sự hoá thân này giúp Xuân Quỳnh diễn tả được mọi cung bậc phong phú, tinh tế của tình yêu: đang khắc khoải, dồn nén, rồi bất chợt tuôn trào, khi miên man dào khi cuồn cuộn dâng cao. Mặt khác, với sự hoá thân này, không gian rộng lớn cũng đầy bí hiểm của sóng bể đã trở thành không gian của tình yêu, sự vĩnh của sóng trở thành sự tuyệt đích của tình yêu .

+ Nhịp thơ 5 chữ nối tiếp nhau trùng điệp như những lớp sóng gợi liên tưởng thú vị: những lóp sóng biển say sưa dồn về đại dương, những lớp sóng lòng say mê dồn về biển cả tình yêu.

- Đánh giá chung:

+  Từ đoạn thơ, qua hình tượng sóng và em, Xuân Quỳnh đã diễn tả hết sức độc đáo quan niệm về tình yêu của phái mình. Đó là sự khao khát đi tìm nguồn gốc tình yêu; chân thành bộc lộ nỗi nhớ lạ lùng, đằm sâu; sẵng sàng vượt qua mọi thử thách của cuộc đời để có một tình yêu thuỷ chung vô bờ.

+  Vẻ đẹp hình tượng sóng và em cũng chính là vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu.

 c/ Kết bài:

- Nhận định tổng quát về đóng góp của Xuân Quỳnh trong vỉệc biểu hiện vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu.

- Nhận định tổng quát về đặc trưng của hình tượng nghệ thuật sóng trong đoạn thơ: Sự suy tư về tình yêu, nỗi nhớ mãnh liệt của một tình yêu hết mình, khát vọng về một tình yêu thuỷ chung, tuyệt đích, tất cả hoà nhập vào hình tượng sóng để khắc hoạ tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.

>> Tham khảo bài viết Cảm nhận hình tượng sóng và em trong bài Sóng (Xuân Quỳnh) để có thêm tư liệu làm bài

Lưu ý:

4. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

5. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

**********

Trên đây là mẫu đề thi thử THPT Quốc Gia 2019 môn văn số 11 với những dạng bài thường gặp trong đề thi THPT Quốc gia môn Văn. Với việc ôn luyện đề thi thử, các em học sinh sẽ có thêm kiến thức, kỹ năng và hành trang vững vàng để bước vào kì thi quan trọng sắp tới. Chúc các em học và thi thật tốt!

- Tuyển tập đề thi thử THPT quốc gia 2020 môn Văn -

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM