Đề thi thử ngữ văn 2024 mẫu số 31 có đáp án với bài đọc hiểu mới

Xuất bản: 20/03/2024 - Tác giả:

Đề thi thử ngữ văn 2024 mẫu số 31 có đáp án với bài đọc hiểu Tôi vẫn thường tự hỏi vì sao cha mẹ Việt Nam luôn khó những thứ không cần thiết và dễ

Gửi các em học sinh lớp 12 thân mến,

Nhằm hỗ trợ các em hoàn thiện hơn trong việc nâng cao kỹ năng làm đề thi, chúng tôi đã bổ sung thêm một mẫu đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn mới cho kỳ thi năm nay. Dưới đây là đề thi thử môn văn 2024 mẫu đề 26.

Cùng đi vào tham khảo chi tiết nội dung đề thi:

Đề thi thử ngữ văn 2024 mẫu số 31

A. PHẦN ĐỌC HIỂU. (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

"BỚT ẢO TƯỞNG HƠN VÀ ĐỪNG DỰA DẪM VÀO NGƯỜI KHÁC KHI ĐÃ 18 TUỔI RỒI"!

“Tôi vẫn thường tự hỏi vì sao cha mẹ Việt Nam luôn khó những thứ không cần thiết và dễ những thứ không nên dễ. Ví dụ, họ thật khó khăn trong việc không cho con đi chơi, đi làm thêm, đi gặp bạn bè, tham gia hoạt động ngoại khoá. Họ chỉ muốn con họ ở nhà, ngay dưới ánh mắt của họ, hay ngồi trong lớp học thêm, cho họ yên tâm. Ngược lại, họ thật dễ dàng trong việc không bắt con làm việc nhà, không bắt con chịu trách nhiệm cho những quyết định đơn giản hàng ngày, cho con mua những vật dụng khá đắt tiền. Họ la mắng làm con xấu hổ, nhưng ít khi phạt bằng hành động thực tế.

Tôi nghĩ, thay vì “quản” con và “chỉ”cho con nên làm gì từng bước, từng bước. Cha mẹ hãy tập cho con biết tự xác định mục tiêu, biết ra quyết định dựa trên những gì trong tầm với của mình, biết chịu trách nhiệm với quyết định mình, biết giải quyết vấn đề của riêng mình. Đừng làm giùm con, quyết định giùm con, hay sống giùm con nữa nếu không muốn nó mãi mãi không trưởng thành.

Nói thật, tôi luôn thấy chướng mắt khi thấy cha mẹ dẫn con đi nộp đơn vào trường đại học, viết đơn cho con, hỏi câu hỏi giùm con, liên lạc thầy cô thay con. Có lẽ 10 năm trước, khi con 8 tuổi, cha mẹ nên từ từ cho con tự làm những thứ nho nhỏ, thì 10 năm sau, khi con 18 tuổi, cha mẹ chỉ cần lắng nghe thông tin từ con, nghe con báo cáo, hỏi con lý do vì sao, rồi hỗ trợ tài chính với những giới hạn mà cả hai đều hiểu. Như vậy sẽ tốt hơn nhiều.

Ôi, tôi viết note này trong hai nỗi sợ, “Sợ mình bị ném đá” và “Sợ mình không được các em thương nữa. Nhưng tôi xin đính chính, tôi không ngừng yêu quý các em. Tôi chỉ muốn các em thực tế hơn, cố gắng hơn, bớt ảo tưởng hơn, có trách nhiệm hơn, và thôi đừng ngây thơ dựa dẫm vào người khác nữa khi đã 18 tuổi rồi.

Các em ơi, hãy bước vào đời với chân cứng đá mềm, hãy bắt đầu sống và viết câu chuyện của mình đi nhé."

(Hoàng Hồ Phụng; kenh14.vn/doi-song/co-giao-rmit-viet-tam-thu-bot-ao-tuong-hon-va-dung-dua-dam-vao-nguoi-khac-khi-da-18-tuoi-roi.chn)

Câu 1. Xác định thao tác lập luận chính của văn bản trích trên. (0,5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả bài viết, để con trẻ bớt ảo tưởng hơn, không dựa dẫm vào người khác, cha mẹ tập cho con làm những gì? (0,5 điểm)

Câu 3. Vì sao, tác giả bài viết khẳng định: “Đừng làm giùm con, quyết định giùm con, hay sống giùm con nữa nếu không muốn nó mãi mãi không trưởng thành.”(1,0 điểm)

Câu 4. Anh/ chị có đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết: “Tôi chỉ muốn các em thực tế hơn, cố gắng hơn, bớt ảo tưởng hơn, có trách nhiệm hơn, và thôi đừng ngây thơ dựa dẫm vào người khác nữa khi đã 18 tuổi rồi.” (1,0 điểm)

B. PHẦN LÀM VĂN. (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm của mình trước ý kiến: Đừng dựa dẫm vào người khác khi đã 18 tuổi rồi được thể hiện trong nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu trên.

Câu 2 (5,0 điểm) 

Trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ có cảnh đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích như sau:

Hồn Trương Ba: Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!

Đế Thích: Sao thế? Có gì không ổn đâu!

Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn

Đế Thích: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông. Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu!

Hồn Trương Ba: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!

Đế Thích: Nhưng mà ông muốn gì?

Hồn Trương Ba: Ông từng nói: Nếu thân thể người chết còn nguyên vẹn, ông có thể làm cho hồn người đó trở về. Thì đây (chỉ vào người mình) thân thể anh hàng thịt còn lành lặn nguyên xi đây, tôi trả lại cho anh ta. Ông hãy làm cho hồn anh ta được sống lại với thân xác này.

Đế Thích: Sao lại có thể đổi tâm hồn đáng quý của bác lấy chỗ cho cái phần hồn tầm thường của anh hàng thịt?

Hồn Trương Ba: Tầm thường, nhưng đúng là của anh ta, sẽ sống hòa thuận được với thân anh ta, chúng sinh ra là để sống với nhau....

  (Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr. 149)

Cảm nhận của anh/chị về khát vọng của nhân vật hồn Trương Ba được thể hiện qua màn đối thoại trên. Từ đó, anh/chị hãy bình luận quan niệm nghệ thuật về con người được tác giả gửi gắm qua tác phẩm.

- Hết -

Thí sinh không sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.

Đáp án đề thi thử ngữ văn 2024 mẫu số 31

A. PHẦN ĐỌC HIỂU.

Câu 1. Thao tác lập luận chính: thao tác lập luận bình luận/thao tác bình luận/bình luận.

Câu 2. Theo tác giả bài viết, để con trẻ bớt ảo tưởng hơn, không dựa dẫm vào người khác, cha mẹ tập cho con: biết tự xác định mục tiêu, biết ra quyết định dựa trên những gì trong tầm với của mình, biết chịu trách nhiệm với quyết định mình, biết giải quyết vấn đề của riêng mình.

Câu 3. 

Sỡ dĩ tác giả bài viết khẳng định: “Đừng làm giùm con, quyết định giùm con, hay sống giùm con nữa nếu không muốn nó mãi mãi không trưởng thành.” là vì:

- Cha mẹ là người thường yêu thương, chìu chuộng, bao bọc, làm thay, “làm giùm” mọi thứ cho con, khiến chúng ỷ lại, thiếu tính tự lập;

- Chính cách yêu thương ấy, khiến trẻ luôn sống dựa dẫm, ỷ lại, phụ thuộc vào cha mẹ và những người xung quanh, không trưởng thành;

- Đối diện thực tế, trẻ dễ bị hụt hẫng, dễ bị sốc và dễ dàng bỏ cuộc trước khó khăn, thiếu khả năng tự quyết định và chịu trách nhiệm.

Câu 4. Thí sinh có thể bày tỏ quan điểm riêng của mình trước ý kiến đã nêu trong đoạn trích (có thể không đồng tình hoặc đồng tình) và lí giải một cách hợp lí và có sức thuyết phục.

B. PHẦN LÀM VĂN.

Câu 1

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Thí sinh viết đúng hình thức một đoạn văn, có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, móc xích, tổng-phân-hợp hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: không nên dựa dẫm vào người khác khi đã 18 tuổi rồi.

c. Triển khai vấn đề nghị luận: Thí sinh lựa chọn các hao tác lập luận thích hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần thể hiện được quan điểm của bản thân trước ý kiến trên. Có thể tham khảo một số ý sau:

- Giải thích ý kiến:

Lời khuyên: khi đã trưởng thành, không nên sống dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác, phải sống tự lập bằng chính đôi chân của mình

- Bàn luận:

+ Tuổi 18, cái tuổi trưởng thành, sống phải có chính kiến, lập trường, bản lĩnh, chủ động suy nghĩ cho tương lai và tự làm chủ cuộc đời mình. Dựa dẫm vào người khác, con người sẽ thụ động, dễ bị hụt hẫng, dễ thất bại trước cuộc sống

+ Phê phán một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay quen với lối sống dựa dẫm, lệ thuộc vào gia đình, người khác

- Cần nhận thức hậu quả của lối sống dựa dẫm để có ý thức phát triển năng lực bản thân, rèn cho mình tính tự lập; sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp Tiếng Việt.

e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Câu 2

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài giới thiệu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài đánh giá được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Khát vọng của nhân vật hồn Trương Ba, từ đó bình luận quan niệm về con người được tác giả gửi gắm qua tác phẩm.

c. Triển khai vấn đề nghị luận: Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

* Giới thiệu ngắn gọn về Lưu Quang Vũ, vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt và khát vọng của Trương Ba qua màn đối thoại với Đế Thích

* Cảm nhận về khát vọng của hồn Trương Ba qua đoạn trích của màn đối thoại:

- Giới thiệu sơ lược về nhân vật hồn Trương Ba khi phải sống nhờ trong thân xác hàng thịt.

- Khát vọng của hồn Trương Ba:

+ Muốn được thoát ra khỏi nghịch cảnh khi sống nhờ, lệ thuộc vào thân xác hàng thịt: hồn đã ý thức được tình cảnh trớ trêu, vênh lệch giữa hồn và xác, phải sống “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”;

+ Khát vọng được sống là chính mình: Hòa hợp giữa tâm hồn và thể xác, “được là tôi toàn vẹn”; Cuộc sống có ý nghĩa khi được là chính mình: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, ... cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt”

 Khát vọng cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của con người trong cuộc đấu tranh chống lại sự dung tục, giả tạo; hướng đến sự hoàn thiện nhân cách.

- Nghệ thuật: xây dựng tình huống kịch, mâu thuẫn, xung đột kịch tính; ngôn ngữ nhân vật sinh động, mang tính triết lý; hành động kịch phù hợp với hoàn cảnh, tính cách...

* Bình luận quan niệm nghệ thuật về con người được nhà văn gửi gắm qua tác phẩm:

- Được sống làm người là đáng quý, song được sống đúng là chính mình, sống không lệ thuộc người khác cuộc sống mới có ý nghĩa;

- Sự sống chỉ có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hoà giữa thể xác và tâm hồn;

- Con người phải luôn luôn biết đấu tranh với những nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp Tiếng Việt.

e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Nguồn tài liêu: Sưu tầm và tổng hợp.

Đừng quên tìm hiểu chi tiết các nội dung đề thi thử tốt nghiệp thpt 2024 mới nhất và luyện tập với các mẫu đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2024 của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM