Đề thi thử môn văn THPT chuyên sư phạm Hà Nội lần 2 năm 2018

Xuất bản: 24/05/2018 - Tác giả:

Tham khảo đề thi thử trung học phổ thông quốc gia lần 2 môn Văn của trường chuyên Sư phạm Hà Nội năm 2018, có đáp án và hướng dẫn làm bài chi tiết.

Cấu trúc đề thi:

I. Đọc hiểu:

- Đọc kỹ đoạn văn bản cho trước và thực hiện các yêu cầu bên dưới: đặt tên văn bản, tìm phương thức biểu đạt chính, tìm phép tu từ, rút ra bài học từ nội dung văn bản.

II. Làm văn

- Viết đoạn văn ngắn phát biểu cảm nghĩ với chủ đề quan niệm về hạnh phúc.

- Viết bài văn nghị luận phân tích cảm nhận về 2 đoạn thơ cho trước: Đây thôn Vĩ Dạ Tây Tiến.

Chi tiết đề Văn thi thử trung học phổ thông quốc gia năm 2018 trường chuyên ĐHSP Hà Nội

I. Đọc hiểu (3 điểm)

Anh/chị hãy đọc văn bản sau đây rồi thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 4:

Ngày nọ, một thương nhân gửi con trai mình đến một nhà thông thái không ai bằng để nhờ ông dạy cho người con bí quyết để đạt được hạnh phúc.

Anh con trai đi ròng rã bốn mươi ngày xuyên qua sa mạc mới đến được tòa lâu đài nguy nga ngự trên núi cao. Nhà thông thái anh muốn tìm đang ở đó ... anh ta phải chờ suốt hai tiếng mới đến lượt mình được tiếp.

Nhà thông thái lắng nghe anh trình bày rồi đáp rằng hiện ông không rảnh để chỉ dạy anh về bí quyết của hạnh phúc. Ông bảo anh hãy đi xem khắp lâu đài rồi hai tiếng sau trở lại.

“Nhưng ta yêu cầu anh làm hộ một điều”, nhà thông thái nói rồi đưa cho anh một muỗng con đựng hai giọt dầu “trong lúc đi xem thì anh cầm theo muỗng này và nhớ đừng làm sánh dầu nhé”. Anh ta lên lầu, xuống lầu mắt không rời cái muỗng. Sau hai giờ anh quay lại gặp nhà thông thái. “Sao?” ông hỏi “anh đã thấy các tấm thảm Ba Tư quý giá trong phòng ăn của ta chứ? Cả cái vườn tráng lệ mà người làm vườn đã phải khổ công mười năm xây dựng? và những cuộn giấy da tuyệt hảo trong thư viện của ta nữa?” anh ta ngượng ngùng thú thật rằng chẳng hề để mắt đến gì khác vì cứ phải chăm chăm ngó nhìn muỗng dầu đã được giao phó. “Thế thì anh hãy đi thêm lần nữa và ngắm cho kỹ những thứ tuyệt mỹ trong thế giới của ta”, nhà thông thái nói. “Không thể đặt tin tưởng vào một người khi mình không hề biết người ấy sống trong một ngôi nhà như thế nào”. Yên dạ hơn, anh ta lại cầm muỗng đi một vòng. Lần này anh chăm chú xem xét những vật quý treo trên tường và trên trần nhà. Anh ngắm khu vườn có núi vây quanh với đủ thứ hoa thơm cỏ lạ và mỗi tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ đều được để đúng chỗ thích hợp. Trở lại gặp nhà thông thái, anh kể chi tiết tất cả những gì đã thấy. “Thế còn hai giọt dầu ta nhờ anh giữ đâu rồi”, nhà thông thái hỏi. Nhìn cái muỗng, anh ta hốt hoảng thấy mình đã làm sánh mất rồi. “Đây là điều duy nhất mà ta có thể khuyên anh: bí quyết của hạnh phúc là biết ngắm nhìn mọi thứ tuyệt mĩ trên thế gian này mà không hề quên hai giọt dầu trên muỗng”..

(Nhà giả kim – Paulo Coelho – Nhà XB Văn học, tr. 50, 51, 52)

Câu 1: Đặt tên và xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản

Câu 2: Chi tiết: anh con trai đi ròng rã bốn mươi ngày xuyên qua sa mạc mới đến được tòa lâu đài nguy nga ngự trên núi cao có ý nghĩa gì?

Câu 3: Chỉ ra và phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau: Đây là điều duy nhất mà ta có thể khuyên anh: bí quyết của hạnh phúc là biết ngắm nhìn mọi thứ tuyệt mĩ trên thế gian này mà không hề quên hai giọt dầu trên muỗng.

Câu 4: Nêu hai bài học mà anh/chị rút ra được từ câu chuyện.

II. Làm văn

Câu 1 (2 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày quan niệm của anh/chị về hạnh phúc.

Câu 2 (5 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau đây:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà ?”

(Trích Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử, SGK Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục )

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

(Trích Tây Tiến - Quang Dũng, SGK Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục)

----------Hết----------

Sau khi thử sức với đề thi văn của trường PTTH chuyên SP Hà Nội, học sinh có thể tham khảo lời giải hướng dẫn bên dưới để tự rút ra cách làm hay và hiệu quả nhất cho đề bài này.

học sinh thi môn văn trường chuyên ĐHSP Hà Nội

Hướng dẫn làm bài

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. Học sinh có thể đặt những cái tên khác nhau nhưng cần nêu được chủ đề văn bản: bí quyết của hạnh phúc; đảm bảo được yêu cầu của nhan đề: ngắn gọn, hàm súc. Phương thức biểu đạt chính của văn bản: tự sự.

Câu 2. Chi tiết: anh con trai đi ròng rã bốn mươi ngày xuyên qua sa mạc mới đến được tòa lâu đài nguy nga ngự trên núi cao có ý nghĩa: con đường đến với hạnh phúc thường dài với không ít những khó khăn, thử thách.

Câu 3. Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn là: ẩn dụ (hai giọt dầu trên muỗng). Tác dụng, ý nghĩa: hai giọt dầu tượng trưng cho những điều nhỏ bé, gần gũi, bình dị, dễ bị lãng quên, bỏ qua trong cuộc sống.

Câu 4.

Hai bài học có thể rút ra từ câu chuyện:

- Muốn có hạnh phúc phải biết vừa chiêm ngưỡng ngắm nhìn những thứ tuyệt mĩ, lớn lao, vừa trân trọng những thứ giản dị, nhỏ bé, gần gũi, thân thuộc.
- Con đường đi đến hạnh phúc thường dài, gian nan. Để có hạnh phúc con người cần kiên trì kiếm tìm, nỗ lực phấn đấu.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm)

Thí sinh cần bộc lộ được kỹ năng viết đoạn văn nghị luận một cách mạch lạc, chặt chẽ, bày tỏ quan điểm sống tích cực và những hiểu biết xã hội của mình.

Đây là một đề văn mở. Mỗi người có một quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Học sinh được quyền trình bày ý kiến cá nhân của mình nhưng quan niệm về hạnh phúc cần đúng đắn, nhân văn, tích cực.

Dưới đây là một số quan niệm về hạnh phúc có thể tham khảo:

+ Hạnh phúc như nước hoa, khi bạn vẩy cho người khác hương thơm sẽ lưu lại trên bàn tay.
+ Hạnh phúc giống như lửa càng chia ra lại càng được nhân lên.
+ Người hạnh phúc là người làm cho nhiều người hạnh phúc nhất.
+ Hạnh phúc phải do chính mình tạo dựng, là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu không ngừng.

Câu 2 (5 điểm)

Đây là đề văn nghị luận văn học đòi hỏi không chỉ năng lực cảm thụ mà cả tư duy và kĩ năng so sánh của học sinh. Thí sinh có thể có nhiều cách làm, nhưng cần đạt được các ý chính sau đây:

1. Đoạn thơ thứ nhất:

- Khái quát về Hàn Mặc Tử (cuộc đời ngắn ngủi nhưng nhiều bất hạnh, cuối đời sống trong cô đơn mặc cảm...), về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ (gắn với mối tình với Hoàng Cúc, thể hiện nỗi buồn cô đơn, ám ảnh tan vỡ nhưng không nguôi nhớ thương, khao khát trở về trong yêu thương “đậm đà"), về đoạn thơ (là khổ thơ cuối cùng, kết tinh tinh thần của bài thơ, xoáy sâu vào nỗi khắc khoải về một tình yêu đẹp đẽ và sự gặp gỡ, sẻ chia)

- Khổ thơ như chia thành 2 mảnh: hư và thực.

+ Hai câu đầu là “mơ”. Điệp ngữ “khách đường xa” vừa gợi hình, vừa có sức biểu cảm mạnh. Nhân vật trữ tình ngóng trông trong giấc mộng, bóng giai nhân vừa đến lại mất hút về cuối đường. Tưởng chừng “khách” chuyển thành “em” sẽ bớt khoảng cách. Nhưng “áo em trắng quá” với tất cả sự thanh khiết, trinh khiết chỉ dẫn đến khoảng cách, gợi sự bất lực; “nhìn không ra”. Em thuộc về một thế giới khác, nơi ấy không có anh.

+ Hai câu thơ sau như là sự sực tỉnh để ý thức về thực tại “ở đây”. Ngay lập tức, anh thấy sự mịt mùng “mờ nhân ảnh”. “Ở đây” là sự đối lập với ngoài kia “thôn Vĩ”, đối lập với quá khứ tươi đẹp. Câu kết là câu hỏi, là lời than não nề. Đó là sự lí giải cho việc “anh không về chơi thôn Vĩ”. Buồn, nhưng trong sâu thẳm lời thơ vẫn không nguôi khao khát vô cùng nhân văn: muốn được yêu thương với tất cả sự “đậm đà” của tình người.

2. Đoạn thơ thứ hai:

- Khái quát về tác giả Quang Dũng (nghệ sĩ đa tài, nhà thơ khoác áo lính lãng tử, hồn thơ đậm chất lãng mạn, đôn hậu...), bài thơ Tây Tiến (ra đời khi nhà thơ từng là thành viên của binh đoàn, đã rời xa chiến trường và đồng đội).

Qua nỗi nhớ “chơi vơi”, thiên nhiên miền Tây và Tây Bắc hiện ra khắc nghiệt mà hùng vĩ, thi vị; người lính trí thức hiện ra hào hùng và hào hoa), đoạn thơ (thuộc khổ hai của bài thơ, gợi nhớ giây phút chia tay bao lưu luyến, nhớ thương và sâu nặng ân tình).

- Khổ thơ là bức tranh bằng ngôn từ tài hoa chất đầy nỗi nhớ. Học sinh cần chú ý phân tích lối điệp từ, điệp cấu trúc “có thấy...”, “có nhớ...”, những hình ảnh thơ vừa thực vừa mang ý nghĩa ẩn dụ (hoa đong đưa), nét vẽ tương phản đậm chất lãng mạn...

- Đoạn thơ khắc họa vẻ đẹp của thiên nhiên thơ mộng và con người tình tứ. Đằng sau bức tranh là tâm hồn người lính trí thức nhạy cảm với cái đẹp, nhiều mộng mơ, là ánh mắt nhớ nhung, là lòng biết ơn, trân trọng của người lính Tây Tiến với đất và người Tây Bắc. Đó chính là động lực để người lính mang tâm hồn nghệ sĩ có thể vượt gian khổ, chiến đấu và chiến thắng.

3. So sánh:

* Điểm chung:

- Cả hai đoạn thơ đều khắc họa khung cảnh đẹp mênh mang, có bóng dáng giai nhân, có tình người tha thiết...

* Điểm riêng:

+ Đoạn thơ của Hàn Mặc Tử gắn với cái “tôi” của thi nhân trong phong trào Thơ mới, gắn với cuộc đời, cuộc tình buồn, vì thế lời thơ mang nỗi cô đơn, xót xa, khắc khoải....

+ Đoạn thơ của Quang Dũng gắn với vẻ đẹp của người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp, gắn với những khoảnh khắc đẹp, đáng nhớ của những người lính trí thức trong tình quân dân. Cảnh đẹp và tình người cũng đẹp, vẻ đẹp lãng mạn, ân tình... Hai đoạn thơ góp phần thể hiện phong cách của mỗi nhà thơ, làm phong phú cho nền thơ ca Việt Nam...

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM