Gửi các em học sinh lớp 12 thân mến,
Nhằm hỗ trợ các em trong việc nâng cao kỹ năng làm đề thi, chúng tôi tiếp tục cung cấp một bài thi thử môn Ngữ văn cho kỳ thi THPT Quốc gia 2024. Đây chắc chắn là một tài liệu mới nhất mà chúng tôi đã cập nhật, nhằm giúp các em tự tin và thành công trong kỳ thi sắp tới.
Dưới đây là đề thi thử môn văn 2024 của cụm trường THPT Hải Dương.
Đề văn thi thử THPT quốc gia 2024 cụm trường Hải Dương
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản:
ĐIỀU ĐẸP ĐẼ NHÂN VĂN CỦA GIÁO DỤC KHAI SÁNG
Đây là bức tranh ‘Bên cửa lớp’ của hoạ sĩ Nikolay Bogdanov-Belsky, người Nga, vẽ năm 1897.
Nhân vật chính là cậu bé học trò mới, cậu đến nhập học (có lẽ từ rất xa, bởi cậu có chiếc bao vải đựng đồ đeo trên lưng và chiếc túi quàng vai). Bức tranh vẽ đúng thời điểm mà chú bé nghèo chân trong chân ngoài ngưỡng cửa lớp học. Phân vân ngại ngùng nhưng rất khấp khởi ngong ngóng. Chú ngại bởi chú nghèo khổ rách rưới quá, bởi các bạn bên trong kia đầy đủ hạnh phúc quá. Nhưng cái dáng nghiêng mái đầu của chú hướng vào ánh sáng bên trong lớp học cho thấy chú rất khao khát học hành. Trong bức tranh này, hoạ sĩ Bogdanov dùng thủ thuật tương phản để kể một câu chuyện. Tương phản giữa cái hiện tại nghèo vá chằng vá đụp với khung cảnh sáng ngời ánh sáng tri thức bên trong ngưỡng cửa lớp học. Sự tương phản giữa cái áo cũ rách và mái đầu tròn trĩnh tuổi hoa niên với nét lượn cằm và má thanh tú thể hiện trí tuệ Trời cho. Tương phản giữa cái quần thủng với đôi giày đan bằng vỏ cây (láp-chi) đã nát do đi đường xa với những mảnh thân thể hồng hào khoẻ mạnh. Tương phản giữa đôi bàn tay chai sần nhem nhuốc vì lao động nặng nhọc với cái cách chú bé chắp tay chỉn chu trên đầu chiếc gậy.
(Tranh: At the School Door, 1897, của Họa sĩ Bogdanov (1868-1945).
Bức tranh miêu tả một khoảnh khắc rất động, khi mà đứa bé người thì ở ngoài nhưng gậy đã vào trong, tư thế đứng ở góc nghiêng tiến và mái đầu thì vừa tò mò vừa cương quyết thò vào trong lớp. Đám học trò đang được khai sáng bởi tri thức nhân loại nên hoạ sĩ vẽ chúng ngồi trong ánh sáng rất đẹp. Tuy cả đám đang say sưa làm việc của mình, vẫn có một cậu đã nhận ra có bạn mới vừa tới. Ai đã chuyển trường hồi bé đều biết rằng khi vào một lớp lạ, thế nào ngay lập tức cũng có một hai đứa lập tức cảm thấy nhau ngay, bằng giác quan thứ sáu. Những đứa học trò đồng thanh tương ứng này sẽ là bạn tri kỷ hiểu nhau thân nhau có khi tới già. Hoạ sĩ Bogdanov đã vẽ một cậu như thế đang ngồi bên trong, tia ra cậu đứng bẽn lẽn ngoài này. Bức tranh kể một câu chuyện dài, với cái kết luận lạc quan. Rằng ánh sáng tri thức chắc chắn sẽ được sẽ tưng bừng trên những mái đầu xanh hiếu học.
Hoạ sĩ Bogdanov vẽ bức này chính là tiểu sử bản thân. Ông sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khổ, nhưng may mắn gặp được người thầy giáo, giáo sư, nhà khoa học Ratrixky, người rất có tâm với việc khai sáng dạy dỗ trẻ em thường dân. Nhờ có thầy mà Bogdanov sau này đã trở thành hoạ sĩ tên tuổi tầm cỡ Thế giới. Bức tranh có ý nghĩa sâu xa ca ngợi nghề giáo, những đẹp đẽ nhân văn của giáo dục khai sáng đựng trong câu chuyện về chú bé nghèo đứng trước cửa lớp học ở một ngôi trường tỉnh xa.
(Nguồn: Chuyện thiên hạ - Cát Như)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1: Nhân vật chính trong bức tranh “Bên của lớp” của hoạ sĩ Nikolay Bogdanov-Belsky là ai?
Câu 2: Bức tranh của hoạ sĩ Bogdanov có ý nghĩa sâu xa là gì?
Câu 3: Nêu tác dụng của phép điệp cấu trúc trong đoạn văn: “Tương phản giữa cái hiện tại nghèo và chắp vá đụp với khung cảnh sáng ngời ánh sáng tri thức bên trong ngưỡng cửa lớp học. Sự tương phản giữa cái áo cũ rách và mái đầu tròn trĩnh tuổi hoa niên với nét lượn cằm và má thanh tú thể hiện tri tuệ Trời cho. Tương phản giữa cái quần thủng với đôi giày đan bằng vỏ cây (láp-chi) đã nát do đi đường xa với những mảnh thân thể hồng hào khoẻ mạnh. Tương phản giữa đôi bàn tay chai sần nhem nhuốc vì lao động nặng nhọc với cái cách chú bé chắp tay chin chu trên đầu chiếc gậy.”
Câu 4: Ngày nay, nhân loại đang được hưởng lợi ích không nhỏ từ trí tuệ nhân tạo. Theo anh/chị có thế thay thế hoàn toàn trí tuệ nhân tạo vào vị trí người giáo viên được không? Vì sao?
PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 ĐIỂM)
Câu 1 (2.0 điểm)
Anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về tầm quan trọng của giáo dục trong việc rèn luyện đạo đức, hình thành nhân cách con người.
Câu 2 (5.0 điểm)
Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi. Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, mà lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hải củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cảnh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế. Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày.
Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở cái buồng Mị nằm, kin mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cử chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi.
(Trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập hai, Nxb GDVN, năm 2016, tr.06)
Cảm nhận của anh/chị về hình tượng nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Từ đó nhận xét cách nhìn cuộc sống và con người của nhà văn Tô Hoài được thể hiện qua đoạn trích.
Đáp án đề thi thử môn văn 2024 tốt nghiệp cụm trường Hải Dương đang được cập nhật bổ sung.
Đừng quên tìm hiểu chi tiết các nội dung đề thi thử tốt nghiệp mới nhất và luyện tập với các mẫu đề thi thử thpt quốc gia môn văn 2024 của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!