Đáp án đề thi tham khảo vào 10 môn Văn tỉnh Nam Định năm 2020

Xuất bản: 23/07/2020 - Tác giả:

Đáp án đề thi tham khảo vào 10 môn Văn tỉnh Nam Định năm 2020 kèm thang điểm chi tiết giúp em nắm chắc cấu trúc đề thi.

Mục lục nội dung

Sở GD&ĐT Nam Định công bố đề thi tham khảo tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020/2021 đối với môn Ngữ văn dành cho học sinh lớp 9 như sau:

NEW: Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Nam Định 2020

Đề thi

Phần I. Trắc nghiệm (2,0 điểm)

Hãy chọn phương án trả lời đúng và viết chữ cái đứng trước phương án đó vào bài làm.

Câu 1. Phương châm hội thoại nào được thể hiện trong câu ca dao sau?

Kim vàng ai nỡ uốn câu,

Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.

 (Ca dao)

A. Phương châm quan hệ

B. Phương châm về chất

C. Phương châm về lượng

D. Phương châm lịch sự

Câu 2. Dòng nào giải thích đúng nghĩa của từ nói móc?

A. Nói chen vào chuyện của người khác khi chưa được hỏi đến

B. Nói nhằm châm chọc vào điều không hay của người khác một cách cố ý

C. Nói rành mạch, cặn kẽ, có trước có sau

D. Nói trước lời mà người khác chưa kịp nói

Câu 3. Cụm từ in đậm trong câu văn sau là thành phần gì của câu?

Hồi còn đế quốc, mỗi bận đi đâu xa, khoe làng, ông chỉ khoe cái sinh phần của viên tổng đốc làng ông.” (Kim Lân)

A. Thành phần khởi ngữ

B. Thành phần phụ chú

C. Thành phần chủ ngữ

D. Thành phần trạng ngữ

Câu 4. Các câu trong đoạn văn sau đây liên kết với nhau bằng những phép liên kết nào?

“Trong suốt tuổi thơ, có một ngọn gió không bao giờ ngưng thổi qua cuộc đời những đứa trẻ thôn quê như tôi – ngọn gió của đói rét. Lúc nào chúng tôi cũng đói, lúc nào chúng tôi cũng rét như ông bà, cha mẹ chúng tôi. Lúc nào chúng tôi cũng sống trong ngôi nhà ẩm thấp, mù tối và tiếng chó sủa suốt đêm…” (Nguyễn Quang Thiều).

A. Phép thế, phép liên tưởng

B. Phép thế, phép lặp

C. Phép nối, phép thế

D. Phép lặp, phép nối

Câu 5. Dòng nào không phải là thành ngữ trong các dòng dưới đây.

A. Lá lành đùm lá rách

B. Mắt phượng mày ngài

C. Ruột để ngoài da

D. Mẹ tròn con vuông

Câu 6. Câu văn nào sau đây có thành phần khởi ngữ?

A. Nó nhanh nhẹn nhưng hơi bừa bộn.

B. Nó là một người rất nhanh nhẹn.

C. Về sự nhanh nhẹn thì nó là nhất trong số các chị em.

D. Người nhanh nhẹn nhất nhà là nó.

Câu 7. Chỉ ra hiệu quả của phép tu từ nói giảm – nói tránh được sử dụng trong câu thơ sau:

“Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương” (Nguyễn Du)

A. Giảm đi cảm giác đau thương mất mát

B. Thể hiện thái độ nhã nhặn, lịch sự

C. Giảm đi sự đột ngột, bất ngờ

D. Thể hiện sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng

Câu 8. Trong các câu thơ dưới đây của Bằng Việt, từ nhóm nào được dùng với nghĩa chuyển?

A. Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa

B. Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

C. Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi

D. Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?

Phần II: Đọc – hiểu (2 điểm) 

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới.

Một cô bé vừa gầy vừa thấp bị thầy giáo loại ra khỏi dàn đồng ca. Cũng chỉ tại cô bé ấy lúc nào cũng chỉ mặc mỗi một bộ quần áo vừa bẩn, vừa cũ, lại rộng nữa.

Cô bé buồn tủi khóc một mình trong công viên. Cô bé nghĩ: “Tại sao mình lại không được hát? Chẳng lẽ mình hát tồi đến thế sao?”. Cô bé nghĩ mãi rồi cô cất giọng hát khe khẽ. Cô bé cứ hát hết bài này đến bài khác cho đến khi mệt lả mới thôi.

“Cháu hát hay quá!” – Một giọng nói vang lên: “Cảm ơn cháu, cháu gái bé nhỏ, cháu đã cho ta cả một buổi chiều vui vẻ”. Cô bé ngẩn người. Người vừa khen cô bé là một ông cụ tóc bạc trắng. Ông cụ nói xong liền đứng dậy và chậm rãi bước đi. Hôm sau, khi cô bé đến công viên đã thấy cụ già ngồi ở chiếc ghế đá hôm trước, khuôn mặt hiền từ, mỉm cười chào cô bé. Cô bé lại hát, cụ già vẫn chăm chú lắng nghe. Cụ vỗ tay nói lớn: “Cảm ơn cháu, cháu gái bé nhỏ của ta, cháu hát hay quá!”. Nói xong cụ già lại chậm rãi một mình bước đi.

Cứ  như vậy nhiều năm trôi qua, cô bé giờ đây đã trở thành một ca sĩ nổi tiếng. Cô gái vẫn không quên cụ già ngồi tựa lưng vào thành ghế đá trong công viên nghe cô hát. Một buổi chiều mùa đông, cô đến công viên tìm cụ nhưng ở đó chỉ còn lại chiếc ghế đá trống không.

“Cụ già ấy đã qua đời rồi. Cụ ấy điếc đã hơn hai mươi năm nay” – một người trong công viên nói với cô. Cô gái sững người, bật khóc. Hóa ra, bao nhiêu năm nay, tiếng hát của cô luôn được khích lệ bởi một đôi tai đặc biệt: Đôi tai của tâm hồn.

(Theo Hoàng Phương – Sống đẹp)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì? (0,5 điểm)

Câu 2. Nêu ý nghĩa của tình huống bất ngờ trong văn bản trên? (0,75 điểm)

Câu 3. Bài học mà em tâm đắc nhất khi đọc xong văn bản? (0,75 điểm)

Phần III: Làm văn (6 điểm)

Câu 1. (1,5 điểm)

Từ nội dung của câu chuyện trong phần Đọc – hiểu, em hãy viết một đoạn văn nghị luận với câu chủ đề: Tình yêu thương là sức mạnh giúp con người vượt qua mọi hoàn cảnh.

Câu 2. (4,5 điểm)

   “Cái cốt lõi của nghệ thuật là tính nhân đạo.” (Nguyên Ngọc).

Em hãy phân tích nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương (Trích Truyền kì mạn lục) của Nguyễn Dữ (Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2005) để làm sáng tỏ cho nhận định trên.

HẾT

Đáp án

Phần I: Trắc nghiệm (2 điểm)

Câu 1. D

Câu 2. B

Câu 3. D

Câu 4. B

Câu 5. A

Câu 6. C

Câu 7. A

Câu 8. C

Lưu ý:

- Mỗi câu trả lời đúng: 0,25 điểm

-Trả lời sai hoặc không trả lời: 0 điểm

Phần II: Đọc – hiểu (2 điểm) 

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Tự sự (0,5 điểm)

Câu 2. 

- Tình huống bất ngờ trong câu chuyện trên là: Cô gái sững người khi nhận ra người bấy lâu nay luôn khích lệ, động viên cho giọng hát của cô lại là một ông cụ bị điếc. (0,25 điểm)

-Ý nghĩa của tình huống: Ông cụ đã nghe giọng hát của cô gái không phải bằng đôi tai thông thường mà bằng tâm hồn và trái tim của mình – tâm hồn và trái tim giàu tình yêu thương. (0,5 điểm)

Lưu ý: Học sinh có thể diễn đạt khác nhưng đúng và đủ ý vẫn cho điểm tối đa

Câu 3. Học sinh tự nêu bài học mà mình tâm đắc nhất khi đọc xong văn bản (0,75 điểm).

Ví dụ như:

-    Trước khó khăn, thử thách con người cần có niềm tin, nghị lực vượt lên hoàn cảnh để chiến thắng hoàn cảnh.

-    Tình yêu thương sẽ làm nên những điều kì diệu đối với con người.

-    ……

Lưu ý: Học sinh chỉ được nêu một bài học tâm đắc nhất, nêu quá một bài học được 0,25 điểm

Phần III: Làm văn (6 điểm)

Câu 1. (1,5 điểm)

*Yêu cầu về hình thức (0,25 điểm)

-    Viết đúng hình thức đoạn văn

-    Có câu chủ đề như yêu cầu ở đề bài.

-    Đoạn văn không mắc quá 3 lỗi diễn đạt và lỗi chính tả.

Lưu ý: Nếu thiếu một trong các ý trên -0,25 điểm

*Yêu cầu về nội dung (1,25 điểm)

Đoạn văn yêu cầu bàn luận về một khía cạnh của vấn đề nên học sinh không cần làm theo cấu trúc của một bài nghị luận. Có nhiều cách lập luận khác nhau nhưng phải nêu được các ý cơ bản sau:

- Tình yêu thương sưởi ấm tâm hồn những con người cô đơn, đau khổ, bất hạnh, truyền cho họ sức mạnh, nghị lực để vượt lên hoàn cảnh. (dẫn chứng minh họa)

- Tình yêu thương tạo sức mạnh cảm hóa kì diệu đối với những con người “lầm đường lạc lối”, mang lại niềm hạnh phúc, niềm tin và cơ hội để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn. (dẫn chứng minh họa)

- Tình yêu thương giữa con người với con người là cơ sở để xây dựng một xã hội tốt đẹp, có văn hóa.

- Phê phán những con người sống vô cảm, thiếu tình yêu thương, chỉ biết chăm lo cho lợi ích cá nhân mà dửng dưng trước nỗi đau, bất hạnh của người khác….

Lưu ý: Mỗi ý cho 0,25 điểm

- Bài học rút ra: Tình yêu thương có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống, bởi vậy chúng ta hãy nâng niu hạnh phúc gia đình, hãy sống yêu thương, biết sẻ chia, đồng cảm với những cảnh ngộ trong cuộc đời, hãy cho đi yêu thương để nhận về yêu thương. (0,25 điểm)

Câu 2. (4,5 điểm)

Yêu cầu chung: Học sinh hiểu ý kiến, biết phân tích có định hướng để làm nổi bật vấn đề theo yêu cầu của đề bài, có kĩ năng làm bài nghị luận văn học: có khả năng lập ý, hệ thống hóa, cảm nhận dẫn chứng, diễn đạt...

Yêu cầu cụ thể

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,25 điểm):

- Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề

- Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết bài, Thân bài chỉ có một đoạn văn hoặc cả bài chỉ có một đoạn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm)

- Điểm 0,25: Xác định đúng vấn đề nghị luận: từ việc phân tích nhân vật Vũ Nương để thấy giá trị nhân đạo trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”

- Điểm 0: Xác định sai vấn đề nghị luận, lạc sang vấn đề khác.

c) Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ, sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm, dẫn chứng cụ thể và sinh động. Chấp nhận những cách triển khai vấn đề nghị luận khác (Phân tích nhân vật Vũ Nương rồi từ đó chỉ ra giá trị nhân đạo của tác phẩm). (3,5 điểm)

* Giới thiệu tác giả Nguyễn Dữ, tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương, nhận định, nhân vật Vũ Nương (0,25 điểm)

* Giải thích (0,25 điểm)

- Nhận định đã khẳng định yếu tố cốt lõi làm nên giá trị của một tác phẩm là giá trị nhân đạo.

- Giá trị nhân đạo trong một tác phẩm thường được biểu hiện ở nhiều phương diện khác nhau: là sự đồng cảm xót thương cho những bất hạnh của con người; là thái độ trân trọng ngợi ca vẻ đẹp, ước mơ, khát vọng của con người; là sự lên án những thế lực bạo tàn đã chà đạp thân phận con người, tước đoạt quyền sống, quyền hạnh phúc của con người...

* Biểu hiện của giá trị nhân đạo qua nhân vật Vũ Nương:

- Qua vẻ đẹp của Vũ Nương, tác giả đã trân trọng những phẩm chất đẹp đẽ của con người. (1,25 điểm)

+ Vũ Nương có tư dung tốt đẹp

+ Vũ Nương mang vẻ đẹp tâm hồn cao quý của người phụ nữ Việt Nam truyền thống:

•    Là người vợ rất mực dịu dàng, đằm thắm, thuỷ chung: biết chồng đa nghi luôn giữ gìn khuôn phép; khi chồng đi lính dặn dò những lời tình nghĩa, chu đáo “chàng đi chuyến này...cánh hồng bay bổng”; khi xa chồng luôn giữ gìn tiết hạnh, nhớ mong khắc khoải; khi bị chồng nghi oan bình tĩnh phân trần, khẳng định tấm lòng thủy chung,đau khổ, thất vọng tìm đến cái chết vì hạnh phúc tan vỡ, tình yêu không còn (bình rơi trâm gãy, mưa tạnh mây tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió...)

•    Là người con dâu hiếu thảo: chăm sóc mẹ chồng tận tình khi đau ốm, thái độ lúc nào cũng ân cần, dịu dàng, khi mẹ chồng mất hết lời thương xót, việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình.

•    Là người mẹ hết lòng vì con: yêu thương con, không muốn để con thiếu tình cảm của cha (dỗ con bằng chiếc bóng trên tường)

•    Là người phụ nữ trọng danh tiết phẩm giá: tìm đến cái chết để bảo toàn danh dự…

=> Tác phẩm đã thể hiện sự trân trọng, ngợi ca con người.

- Qua bi kịch, qua nghệ thuật xây dựng nhân vật Vũ Nương, tác phẩm đã thể hiện niềm xót thương, đồng cảm trước bất hạnh của con người. (1,25 điểm)

+ Vũ Nương phải chịu một cuộc tình duyên ngang trái: cuộc hôn nhân không bình đẳng, nàng đẹp người đẹp nết nhưng lấy Trương Sinh con nhà giàu không có học, tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức.=> Tác giả đã đồng cảm với con người không may mắn.

+ Vũ Nương phải chịu nhiều đau khổ khi chồng đi lính: nàng phải sống những ngày tháng vất vả, chờ chồng đằng đẵng, một mình chăm mẹ già, con dại. => Tác giả đã cảm thông với nỗi khổ của con người.

+ Vũ Nương bị chồng xúc phạm nặng nề, bị dập vùi tàn nhẫn, bị đẩy đến cái chết oan khuất: bị đối xử một cách bất công, vô lí, bị hiểu lầm không có cơ hội được minh oan, không có quyền được tự bảo vệ...=> Tác giả đã thể hiện sự thương cảm với con người.

+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật Vũ Nương: tác giả đã mượn yếu tố kì ảo của thể loại truyền kì để xoa dịu nỗi bất hạnh lớn lao mà Vũ Nương phải chịu: Vũ Nương trở về để được rửa sạch nỗi oan giữa thanh thiên bạch nhật, với vẻ đẹp còn lộng lẫy hơn xưa. => Sự đồng cảm, xót thương, trân trọng con người của nhà văn.

-Qua nguyên nhân dẫn đến bi kịch của nhân vật Vũ Nương, tác phẩm đã lên án những thế lực tàn bạo chà đạp lên hạnh phúc và quyền sống của con người. (0,25 điểm)

+ Truyện đã lên án xã hội phong kiến với hủ tục nam quyền độc đoán phi lí, gây nhiều bất công cho người phụ nữ mà hiện thân của xã hội ấy là nhân vật Trương Sinh, người chồng ghen tuông mù quáng, vũ phu, gia trưởng.

+ Truyện cũng tố cáo thế lực đồng tiền bạc ác: Trương Sinh con nhà giàu không có học, một lúc bỏ ra trăm lạng vàng để cưới Vũ Nương. Điều đó tạo cho Trương Sinh một cái thế bên cạnh cái thế của người đàn ông gia trưởng trong xã hội phong kiến, gây ra bi kịch cho người con gái đẹp người đẹp nết.

* Đánh giá (0,25 điểm)

-Vũ Nương là nhân vật chính. Qua nhân vật Vũ Nương ta thấy được tình cảm yêu thương, trân trọng con người của nhà văn.

-Giá trị nhân đạo là yếu tố cốt lõi làm nên chiều sâu ý nghĩa, sức sống cho tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương, làm phong phú thêm cho trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong văn học trung đại Việt Nam nói riêng và văn học dân tộc nói chung.

d) Sáng tạo (0,25 điểm):

- Điểm 0,25: Có cách diễn đạt độc đáo, sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh, các yếu tố biểu cảm…), thể hiện được quan điểm, thái độ riêng, sâu sắc của người viết nhưng không trái với chuẩn mực đạo lí, pháp luật

- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo, sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh, các yếu tố biểu cảm…), không có quan điểm, thái độ riêng, sâu sắc của người viết hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo lí, pháp luật

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm):

- Điểm 0,25: Không mắc lỗi hoặc mắc 1 số lối nhỏ về diễn đạt, dùng từ, đặt câu

- Điểm 0: Mắc nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ, đặt câu

-/-

Mong rằng với đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn của Sở Nam Định vừa ra này thì các em có thể hoàn thiện kĩ năng giải đề tốt hơn.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM