Dưới đây là phần tự luận có trong đề thi vừa diễn ra:
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN
ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2019
Môn thi: NĂNG KHIẾU BẢO CHÍ
Phần thi: Tự luận Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian phát đề)
ĐỀ CHÍNH THỨC
Câu 1: (3 điểm) Anh/chị hãy thực hiện những thay đổi cần thiết để phần văn bản dưới đây trở nên chính xác, rõ ràng, mạch lạc. Viết lại văn bản và gạch chân những nội dung thay đổi.
Ở tuổi 86, ông Cao Nhất Linh ở phố Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn ngày ngày đạp xe đến trường đi học. Nếu không có gì thay đổi, đến năm 2011, giấc mơ được cầm trong tay tấm bằng đại học của ông Linh sẽ trở thành hiện thực.
Ăn sáng xong, túi đựng đầy sách, ông Linh lại đạp xe đến trường đi học. Khi các con cháu còn say giấc, ông Cao Nhất Linh đã dậy học bài, sau đó, khe khẽ đóng cửa nhà, chạy bộ một vòng quanh con ngõ nhỏ trên phố Cổ Nhuế nơi gia đình sinh sống. Hai năm nay, từ khi ông Linh vào học tại khoa Luật Kinh tế, Trường đại học Đông Đô, thói quen đó được duy trì hằng ngày. Chỉ trừ những hôm chẳng may ốm mệt, ông Linh mới thay đổi thời gian biểu.
Có bằng đại học đâu phải là niềm mơ ước suốt đời của ông Cao Nhất Linh. Thời trẻ, cuộc sống khó khăn, bận mưu sinh nuôi gia đình cho nên ông Linh đành tạm gác việc thực hiện ước mơ của mình. Năm 2015, ông Linh làm hồ sơ thi vào Trường đại học Luật Hà Nội bị thiếu 1 điểm. Sau đó, ông nộp hồ sơ thi văn bằng hai tại Học viện Tư pháp nhưng "Người ta bảo với tôi, cần có chứng chỉ tiếng Anh và bằng đại học mới được thi", ông Linh nhớ lại. Năm 2018, ông Cao Nhất Linh đến Trường đại học Đông Đô, trình bày nguyện vọng của mình và được hiệu trưởng nhà trường đặt cách trở thành sinh viên khoa Luật Kinh tế. Năm đầu, ông Linh còn được giảm 50% học phí, năm thứ hai, nhà trường giảm 90% học phí để nữ sinh viên ít tuổi có điều kiện học tập.
Năm thứ nhất đại học, hằng ngày ông Linh âm thầm đạp xe hơn 3 km từ nhà ở Cổ Nhuế đến trường. "Khai giảng năm thứ 2 đại học, nhà trường yêu cầu tôi đọc một bài thơ. Mọi người quay phim, chụp ảnh rồi đưa lên mạng xã hội, các con tôi nhìn thấy mới biết", ông Linh nói. Nam sinh viên lớn tuổi nhất trường cho biết khó khăn lớn nhất của ông khi đi học là đối mặt với dòng xe cộ thưa thớt ở Hà Nội. Năm thứ nhất đại học, lớp học chỉ cách nhà hơn 3 km, nhưng sang năm thứ hai, chuyển lịch học, cho nên ông Linh phải đạp xe hơn 1 giờ để đến trường Ông Linh cho biết: “Khi vào lớp, tôi quyết định ngồi cuối lớp cho yên tĩnh để nghe giảng rồi ghi chép. Phần nào nghe kịp, tôi nhờ các bạn ngồi bên cạnh nhắc cho. Mắt tôi tuy kém, nhưng trí não vẫn còn minh mẫn lắm".
Khi biết bố đã được Trường đại học Đông Đô nhận vào học, các con, cháu ai cũng ngạc nhiên, tự hào về ông. Chị Cao Hải Đường, con gái ông Linh cho biết, từ lâu, bố chị luôn tâm sự với các con mong muốn được đi học của mình nhưng mọi người chỉ nghĩ ông nhiều tuổi rồi, sẽ không thực hiện được nữa. "Chúng tôi bảo sẽ đưa bố đến trường cho yên tâm, nhưng ông không chịu. Bố tôi lúc nào cũng thích tự do, làm điều mình thích", chị Đường nói.
Trong các môn học ở trường đại học, ông Linh thích nhất các môn Luật chuyên ngành. Ông bảo, chỉ đi học, nghe thầy cô giảng mới hiểu ngọn ngành, còn mua sách về đọc, chẳng hiểu được bao nhiêu. Trừ môn tiếng Anh, nhiều năm bỏ quên, tuổi cũng đã cao cho nên nam sinh viên tuổi 86 thấy khó tiếp thu. Tuy vậy, ông vẫn có thể giới thiệu những thông tin cơ bản về bản thân bằng ngoại ngữ nay.
Ông Linh tâm sự: "Tôi ước có bằng đại học không phải để lấy danh. Tôi muốn tiếp thu kiến thức từ việc học đại học và không muốn làm tấm gương về lòng hiếu học cho các cháu của mình, cho thế hệ trẻ", ông nói.
Nguồn: Chí An - Báo Nhân dân, Thứ Ba, 25/06/2019
(Một số nội dung đã được thay đổi nhằm phục vụ cho mục đích của bài thi)
Câu 2: (4 điểm)
Ngày 25/6/2019, trên đường Tân Hương (TP.Hồ Chí Minh), một xe taxi khi rẽ trái đã va chạm với một chiếc xe máy chạy cùng chiều. Đôi nam nữ trên chiếc xe máy đó bị văng lên vỉa hè sau cú tông rất mạnh. Tài xế taxi dừng lại, mở cửa bước xuống xem nạn nhân 13 giây rồi bỏ đi. Trong 10 phút đầu tiên, có ít nhất 58 người nhìn thấy nạn nhân, nhưng chỉ duy nhất một người đi xe máy dừng lại gọi điện thoại và thảo luận với nhóm người đi bộ, còn lại đều vượt qua vụ tai nạn và đi thẳng. Do không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân nữ đã tử vong tại chỗ, nạn nhân nam bị thương rất nặng sau đó được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Từ sự việc trên, bạn suy nghĩ gì về lối sống của người Việt Nam hiện đại? (Bài viết không quá 500 từ)
--------Hết---------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Gợi ý:
Bài báo gốc:
Ở tuổi 86, ông Cao Nhất Linh ở phố Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn ngày ngày đạp xe đến trường đi học. Nếu không có gì thay đổi, đến năm 2021, giấc mơ được cầm trong tay tấm bằng đại học của ông Linh sẽ trở thành hiện thực.
Sáng sớm, khi các con cháu còn say giấc, ông Cao Nhất Linh đã dậy học bài, sau đó, khe khẽ đóng cửa nhà, chạy bộ một vòng quanh con ngõ nhỏ trên phố Cổ Nhuế nơi gia đình sinh sống. Ăn sáng xong, túi đựng đầy sách, ông Linh lại đạp xe đến trường đi học. Hai năm nay, từ khi cụ Linh vào học tại khoa Luật Kinh tế, Trường đại học Ðông Ðô, thói quen đó được duy trì hằng ngày. Chỉ trừ những hôm chẳng may ốm mệt, ông Linh mới thay đổi thời gian biểu.
Có bằng đại học là niềm mơ ước suốt đời của ông Cao Nhất Linh. Thời trẻ, cuộc sống khó khăn, bận mưu sinh nuôi gia đình cho nên ông Linh đành tạm gác việc thực hiện ước mơ của mình. Năm 2015, ông Linh làm hồ sơ thi vào Trường đại học Luật Hà Nội bị thiếu 1 điểm. Sau đó, ông nộp hồ sơ thi văn bằng hai tại Học viện Tư pháp nhưng "Người ta bảo với tôi, cần có chứng chỉ tiếng Anh và bằng đại học mới được thi", ông Linh nhớ lại. Năm 2018, ông Cao Nhất Linh đến Trường đại học Ðông Ðô, trình bày nguyện vọng của mình và được hiệu trưởng nhà trường đặc cách trở thành sinh viên khoa Luật Kinh tế. Năm đầu, ông Linh còn được giảm 50% học phí, năm thứ hai, nhà trường giảm 90% học phí để nam sinh viên lớn tuổi có điều kiện học tập.
Năm thứ nhất đại học, hằng ngày ông Linh âm thầm đạp xe hơn 3 km từ nhà ở Cổ Nhuế đến trường. "Khai giảng năm thứ 2 đại học, nhà trường yêu cầu tôi đọc một bài thơ. Mọi người quay phim, chụp ảnh rồi đưa lên mạng xã hội, các con tôi nhìn thấy mới biết", ông Linh nói. Nam sinh viên lớn tuổi nhất trường cho biết, khó khăn lớn nhất của ông khi đi học là đối mặt với dòng xe cộ đông đúc ở Hà Nội. Năm thứ nhất đại học, lớp học chỉ cách nhà hơn 3 km, nhưng sang năm thứ hai, chuyển địa điểm học, cho nên ông Linh phải đạp xe hơn 1 giờ để đến trường. Ông Linh cho biết: "Khi vào lớp, tôi quyết định ngồi cuối lớp cho yên tĩnh để nghe giảng rồi ghi chép. Phần nào nghe không kịp, tôi nhờ các bạn ngồi bên cạnh nhắc cho. Mắt tôi tuy kém, nhưng trí não vẫn còn minh mẫn lắm".
Chị Cao Hải Ðường, con gái ông Linh cho biết, từ lâu, bố chị luôn tâm sự với các con mong muốn được đi học của mình nhưng mọi người chỉ nghĩ ông nhiều tuổi rồi, sẽ không thực hiện được nữa. Vì vậy, khi biết bố đã được Trường đại học Ðông Ðô nhận vào học, các con, cháu ai cũng ngạc nhiên, tự hào về ông. "Chúng tôi bảo sẽ đưa bố đến trường cho yên tâm, nhưng ông không chịu. Bố tôi lúc nào cũng thích tự do, làm điều mình thích", chị Ðường nói.
Trong các môn học ở trường đại học, ông Linh thích nhất các môn Luật chuyên ngành. Ông bảo, chỉ đi học, nghe thầy cô giảng mới hiểu ngọn ngành, còn mua sách về đọc, chẳng hiểu được bao nhiêu. Với môn tiếng Anh, nhiều năm rồi bỏ quên, tuổi cũng đã cao cho nên nam sinh viên tuổi 86 thấy khó tiếp thu. Tuy vậy, ông vẫn có thể giới thiệu những thông tin cơ bản về bản thân bằng ngoại ngữ này.
Ông Linh tâm sự: "Tôi ước có bằng đại học không phải để lấy danh. Tôi muốn tiếp thu kiến thức từ việc học đại học và muốn làm tấm gương về lòng hiếu học cho các cháu của mình, cho thế hệ trẻ", ông nói.
Nguồn: Chí An - Báo Nhân dân, Thứ Ba, 25/06/2019