Câu 1. (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Sống là không chờ đợi. Dù chỉ mấy mươi giây.
Tôi nhớ có hôm nào đó, em đã nói với tôi rằng đó là một triết lí hay, ta phải tran thủ sống đến từng giây của cuộc đời.
Nhưng em biết không, đừng vì bất cứ một triết lý nào mà gạt bỏ đi ý nghĩa của sự chờ đợi. Chờ đợi ở đây không phải là há miệng chờ sung, mà chờ đợi là một phần của bài học cuộc đời. Em sẽ bằng lòng đợi chứ nếu em biết về điều sẽ xảy ra?
…Hãy cứ bình tâm. Hãy đợi thời điểm của mình, em nhé. Hãy tận dụng khoảng lặng này để bồi đắp cho chính mình và học cách khám phá điều sẽ xảy ra. Nếu em biết suy tư, khoảng thời gian chờ đợi không bao giờ là vô nghĩa.
(Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn…- Phạm Lữ Ân,
NXB Hội nhà văn, 2016, tr.84-87)
Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích. (0,5 điểm)
Đoạn trích trên chủ yếu sử dụng phép liên kết nào? (0,5 điểm)
Em có đồng tình với triết lí “sống là không chờ đợi” ? Vì sao? (1,0 điểm)
Thông điệp chính mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc qua đoạn trích trên? (1,0 điểm)
Câu 2. (3,0 điểm)
Viết một bài văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần đọc hiểu: khoảng thời gian chờ đợi không bao giờ là vô nghĩa.
Câu 3. (4,0 điểm)
Trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!
(Trích Bếp lửa – Bằng Việt, Ngữ văn 9, Tập một,
NXB Giáo dục, 2005, tr.144)
-Hết-