Đề thi KSCL Ngữ văn lớp 9 kì 1 2024 huyện Xuân Trường

Xuất bản: 04/03/2024 - Tác giả:

Đề thi KSCL Ngữ văn lớp 9 kì 1 2024 huyện Xuân Trường dành cho các em học sinh lớp 9 tại Nam Định bổ sung vào kho tài liệu ôn tập của mình tại nhà.

Cùng Đọc tài liệu thử sức với đề thi thử tuyển sinh lớp 10 2024  theo cấu trúc đề thi tuyển sinh của tỉnh Nam Định trong những năm vừa qua. Đề thi chỉ mang tính chất tham khảo và ôn luyện kiến thức. Đặt bút làm bài thi này nhé:

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HUYỆN XUÂN TRƯỜNG 

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC KÌ I

Năm học: 2023 – 2024

MÔN: NGỮ VĂN 9

(Thời gian làm bài: 120 phút) 

Phần I. Tiếng Việt

Hãy chọn phương án trả lời đúng và viết chữ cái đứng trước phương án đó vào bài làm.

Câu 1. Từ “chiều chiều” trong câu ca dao: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.” có sử dụng:

A. Từ đồng nghĩa

B. Từ trái nghĩa

C. Từ đồng âm

D. Từ nhiều nghĩa

Câu 2. Câu tục ngữ sau liên quan đến phương châm hội thoại nào?

“Người khôn nói ít, làm nhiều.

Không như người dại nói nhiều nhàm tai.”

A. Phương châm về lượng

B. Phương châm quan hệ

C. Phương châm lịch sự

D. Phương châm về chất

Câu 3. Trong các câu văn sau (trích “Lặng lẽ Sa Pa”, Nguyễn Thành Long), câu nào sử dụng lời dẫn gián tiếp?

A. Bác lái xe bao lần dừng, bóp còi toe toe, mặc, cháu gan lì nhất định không xuống.

B. Quê cháu ở Lào Cai này thôi.

C. Sao người ta bảo anh là người cô độc nhất thế gian.

D. Anh hạ giọng, nửa tâm sự, nửa đọc lại một điều rõ ràng đã ngẫm nghĩ nhiều.

Câu 4. Dòng nào dưới đây không phải là thành ngữ?

A. Bèo dạt mây trôi

B. Chém to kho mặn

C. Chuối sau cau trước

D. Mình đồng da sắt

Câu 5. Dòng nào sau đây hoàn toàn là từ láy ?

A. Lênh đênh, xa xôi, hắt hiu

B. Ngặt nghèo, lúng túng, du dương

C. Tươi tắn, đo đỏ, đông đủ

D. Tươi tốt, lảnh lót, là lượt

Câu 6. Từ “sử thi” là thuật ngữ khoa học của ngành nào?

A. Toán học

B. Văn học

C. Lịch sử

D. Sinh học

Câu 7. Tác dụng của các biện pháp liệt kê, lặp cú pháp trong đoạn văn sau là gì?

"Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa." (Hồ Chí Minh)

A. Vạch trần bản chất phản động, lạc hậu, dối trá của bọn thực dân, phát xít và triều đình phong kiến.

B. Nêu bật những kết quả, ý nghĩa to lớn của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

C. Khẳng định vai trò to lớn của nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

D. Thể hiện những diễn biến hết sức nhanh chóng, mau lẹ của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Câu 8. Dòng nào dưới đây sắp xếp các từ đúng với trường từ vựng văn học?

A. Tác giả, tác phẩm, văn bản, tiết tấu, xung đột kịch, giọng điệu, hư cấu, nhân vật trữ tình.

B. Tác giả, tác phẩm, nhân vật, cốt truyện, tứ thơ, người kể chuyện, nhân vật trữ tình, câu văn, câu thơ.

C. Tác giả, tác phẩm, bút vẽ, cốt truyện, tứ thơ, người kể chuyện, nhân vật trữ tình, câu văn, câu thơ.

D. Tác giả, tác phẩm, biên đạo múa, nhân vật, cốt truyện, hư cấu, câu văn, câu thơ, văn bản.

Phần II. Đọc – hiểu văn bản

Đọc văn bản sau:

“Theo một nghĩa nào đó, sự bình yên trong tâm hồn được đo bằng khả năng thích nghi với hiện tại. Bất kể chuyện gì xảy ra ngày hôm qua và những gì có thể đến vào ngày mai, bạn vẫn đang sống ở hiện tại – luôn luôn là như vậy.

Tuy nhiên, chúng ta cũng dễ nhận thấy rất nhiều người vẫn thường tiêu phí thời gian để lo lắng đủ chuyện cho tương lai lẫn quá khứ, mà kết quả nhận được cũng chỉ là lo lắng khắc khoải, nản lòng, phiền muộn và càng vô vọng thêm. Đa phần chúng ta cũng không dám hài lòng với chính mình, không dám làm những việc mình thích, không dám tận hưởng hạnh phúc của hiện tại và thường cho rằng “một ngày nào đó” chắc chắn chúng ta sẽ tốt hơn hôm nay. Rủi thay, cái động lực tinh thần mách bảo bạn trông chờ vào tương lai sẽ cứ lặp đi lặp lại

ngày này qua ngày khác, và vì thế “một ngày nào đó” thật ra sẽ chẳng bao giờ đến. John Lennon từng nói: “Cuộc sống là những gì đang diễn ra trong lúc chúng ta mải mê xếp đặt những kế hoạch khác”. Và khi chúng ta đang bận vạch ra “các kế hoạch khác” thì con cái chúng ta cũng “bận” lớn lên, những người ta yêu quý dần rời xa và qua đời, chúng ta dần thay đổi và những ước mơ của chúng ta vẫn luôn treo lại đó. Nói ngắn gọn, chúng ta đánh mất những cơ hội mà cuộc sống hiện tại đang mang đến cho mình.

Cảm giác sợ hãi dường như là thách thức lớn nhất mà con người phải học cách vượt qua. Và để chống lại sự sợ hãi, cách tốt nhất là ý thức được sự hiện hữu của bản thân trong hiện tại.

Mark Twain từng nói: “Tôi đã trải qua nhiều điều tệ hại trong cuộc sống, chỉ một số ít trong đó là thật sự xảy ra.” Vì vậy, hãy luyện tập cách sống cho hiện tại. Chắc chắn nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp xứng đáng.

(Theo “Tất cả đều là chuyện nhỏ”– Richard Carlson – NXB TP Hồ Chí Minh.)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?

Câu 2. Việc trích dẫn câu nói của John Lennon và Mark Twain trong đoạn trích có tác dụng gì?

Câu 3. Em có đồng ý với quan điểm: “Cảm giác sợ hãi dường như là thách thức lớn nhất mà con người phải học cách vượt qua.” không? Tại sao?

Phần II: Tập làm văn

Câu 1.

Bằng một đoạn văn nghị luận (khoảng 13 đến 15 câu), em hãy nêu suy nghĩ về vai trò của việc luyện tập cách sống cho hiện tại.

Câu 2.

Kể lại một câu chuyện đáng nhớ mà em đã trải qua hoặc chứng kiến để lại cho em bài học sâu sắc về lòng hiếu thảo.

-------- HẾT -------

-/-

Trên đây là chi tiết đề thi thử vào lớp 10 môn văn năm 2024 mới được cập nhật, mong rằng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn tập. Đừng quên còn rất nhiều tài liêu đề thi thử vào 10 môn văn 2024 khác của các tỉnh thành trên cả nước nhé.

Xem thêm đề thi chính thức qua các năm tại Nam Định:

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM