Đề số 07 thuộc tuyển tập đề thi học sinh giỏi lớp 5 môn Tiếng việt có đáp án chi tiết là một trong những tài liệu hữu ích để giúp các em học sinh ôn tập, đạt kết quả cao cho các kỳ thi học sinh giỏi cuối cấp Tiểu học.
Cùng Đọc Tài Liệu tham khảo đề thi số 07 này nhé:
Đề thi số 07
Họ và tên HS:.......................................
Lớp :.............
ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 5
MÔN TIẾNG VIỆT
(Thời gian làm bài: 60 phút)
Phần I. TRẮC NGHIỆM (2,5điểm)
(Chọn đáp án đúng nhất trong các câu hỏi dưới đây)
Câu 1: Từ nào sau đây viết đúng chính tả?
A. trong chẻo
B. chống trải
C. chơ vơ
D. chở về
Câu 2: Từ nào dưới đây là từ ghép?
A. mong ngóng
B. bâng khuâng
C. ồn ào
D. cuống quýt
Câu 3: Từ nào dưới đây là từ ghép phân loại?
A. học tập
B. học đòi
C. học hành
D. học hỏi
Câu 4: Tiếng “ăn” nào được sử dụng theo nghĩa gốc?
A. ăn cưới
B. ăn cơm
C. da ăn nắng
D. ăn ảnh
Câu 5: Từ nào không cùng nhóm với các từ còn lại?
A. chăm chỉ
B. siêng năng
C. chuyên cần
D. ngoan ngoãn
Câu 6: Câu nào có nội dung diễn đạt chưa hợp lí?
A.Tuy vườn nhà em nhỏ nhưng có rất nhiều cây ăn quả.
B.Vì mẹ bị ốm nên mẹ đã làm việc quá sức.
C.Cây đổ vì gió lớn.
D.Mặc dù nhà ở gần trường nhưng Nam vẫn đến lớp muộn.
Câu 7: Câu nào là câu ghép?
A.Khi làng quê tôi đã khuất hẳn, tôi vẫn đăm đắm nhìn theo.
B.Khi ngày chưa tắt hẳn, trăng đã lên rồi.
C.Mặt trăng tròn, to và đỏ, từ từ nhô lên ở chân trời sau rặng tre đen mờ.
D.Đêm càng về khuya, trời càng lạnh.
Phần II: BÀI TẬP (7,5điểm)
Câu 1: (1đ) Xác định CN, VN trong các câu văn sau:
Chiều thu, gió dìu dịu, hoa sữa thơm nồng. Chiều nào, về đến đầu phố nhà mình, Hằng cũng đều nhận ra ngay mùi thơm quen thuộc ấy.
Câu 2: (0,5đ) Tìm 4 từ đồng nghĩa và trái nghĩa với từ “Nhân hậu”
Câu 3: (1,5đ) Trong bài “Tre Việt Nam” của nhà thơ Nguyễn Duy có đoạn:
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre chẳng ở riêng
Luỹ thành từ đó mà lên hỡi người.
Hãy nêu lên vẻ đẹp của đoạn thơ trên?
Câu 4: (4,5đ)
“Thế rồi cơn bão qua
Bầu trời xanh trở lại
Mẹ về như nắng mới
Sáng ấm cả gian nhà...”
(Mẹ vắng nhà ngày bão - Đặng Hiển)
Mượn lời bạn nhỏ trong bài thơ trên, em hãy hình dung và tả lại hình ảnh của mẹ lúc trở về sau cơn bão và sự ngóng chờ cùng niềm vui của gia đình khi ấy.
Hết
BÀI LÀM
......... ......... ......... ......... ......... .
......... ......... ......... ......... ......... .
......... ......... ......... ......... ......... .
......... ......... ......... ......... ......... .
Để in đề, hãy tải trực tiếp file DOC, PDF phía dưới bài viết này!
Lời giải đề thi học sinh giỏi lớp 5 môn Tiếng việt số 07
Phần I: TRẮC NGHIỆM:
Câu 1. C
Câu 2. A
Câu 3. B
Câu 4. B
Câu 5. D
Câu 6. B
Câu 7. D
Phần II: BÀI TẬP :
Câu 1:
Chiều thu, gió (CN1)/ dìu dịu(VN1), hoa sữa (CN2)/ thơm nồng(VN2). Chiều nào, về đến đầu phố nhà mình, Hằng (CN) cũng đều nhận ra ngay mùi thơm quen thuộc ấy(VN).
Câu 2:
- 4 từ đồng nghĩa với từ “Nhân hậu”: Nhân từ, nhân ái, nhân đức, nhân nghĩa,…
- 4 từ trái nghĩa với từ “Nhân hậu”: Độc ác, bạc ác, tàn ác, tàn nhẫn, tàn bạo,…
Câu 3:
Gợi ý:
Tác giả đã bộc lộ được phẩm chất cao đẹp của cây tre Việt Nam:
“ Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm, tay níu tre gần nhau thêm”
Phẩm chất đó càng được bộc lộ rõ nét đó là sự đoàn kết, đùm bọc, yêu thương, che chở, quấn quýt bên nhau:
“Thương nhau tre chẳng ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người .”
Qua đó, tác giả muốn ca ngợi truyền thống yêu nước, thương nòi của dân tộc Việt Nam.
Câu 4:
BÀI LÀM 1:
Má tôi đi làm cũng hơn tuần rồi, lúc má đi thì một cơn bão chợt ùa tới. Đến lúc má về thì cơn bão tạnh.
Cơn bão vừa đi qua, bên ngoài cây nghiêng bên này cây ngả bên kia nhìn rất đáng sợ. Trên những con đường lá cây, rác thay bừa bộn. Sau cơn bão, bầu trời trong xanh, từng tia nắng nhỏ chiếu xuống sưởi ấm giá lạnh. Bỗng anh tôi reo lên: " A! má về, má về" Tôi giật bắn người và quay nhìn theo chỉ tay của anh hai. Má về, tôi chạy thật nhanh lại chỗ má và ôm chầm lấy một cơ thể lạnh lẽo của má. Anh tôi mừng chảy cả nước mắt, ba tôi thì anh hùng hơn, ba không khóc nhưng thật ra trong ba lúc này đang thực sự lo lắng cho má tôi. Tôi sốt ruột không biết má có bị làm sao không? Và tôi biết rằng má không sao, má chỉ bị ướt thôi. Nhưng bị ướt cũng khiến cho ba cha con tôi lo lắng biết bao. Ba lại dìu má lên giường đắp chăn cho má. Tôi và anh hai thì đi lấy nước ấm cho má uống. Có vẻ như má đã khỏe lại. Rồi cả nhà cùng trò chuyện, vui đùa. Má về đem lại niềm vui hạnh phúc cho gia đình.
BÀI LÀM 2:
Mẹ tôi đi công tác được hơn một tuần rồi. Lúc mẹ đi thì cơn bão cũng vừa tới. Gió thổi ù ù, mưa tới tấp đổ xuống, cây cối ngả nghiêng, xơ xác. Ba bố con tôi ở nhà, chẳng biết làm gì, hết quanh ra lại quanh vào. Tôi nghĩ: "Giá lúc này mẹ ở nhà thì tốt biết mấy nhỉ!". Cuối cùng, cơn bão cũng qua. Bầu trời lại trong xanh trở lại. Nhưng căn nhà vẫn trống trải, buồn tênh. Ngồi trong nhà mà ai cũng ngóng ra cửa. Tôi sốt ruột chạy ra cổng. Phía xa, bóng một phụ nữ đang rảo bước, hai tay xách hai túi đồ. Tôi hồi hộp, chờ đợi. Cái bóng gầy gầy, cao cao ấy đang tiến lại gần phía tôi. Mái tóc dài buông xõa đung đưa theo nhịp bước. Hai vai người đó trĩu hẳn xuống, có lẽ do túi đồ quá nặng. Chiếc áo màu tím nhạt bó sát lấy thân hình hơi ốm. Dáng đi nhanh nhẹn, hoạt bát. Bước chân của người đó mỗi lúc một nhanh. Tim tôi như vỡ òa: Ôi, đúng là mẹ rồi! Tôi ngoái cổ vào trong nhà hét lớn: "Chị Lan ơi! Mẹ đã về!". Tôi, chị tôi, và cả bố tôi nữa, cùng chạy ào ra đón mẹ.Tôi cũng không nén nổi lòng mình, ôm mẹ, nói lớn: " Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm!". Hai chị em tôi tranh nhau đỡ đồ cho mẹ và tíu tít kể chuyện. Bố tôi thì chẳng nói gì, chỉ đưa tay đón cái túi xách từ tay mẹ, nhưng vẻ mặt không dấu nổi sự vui mừng. Mẹ nở nụ cười rạng rỡ, dắt chị em tôi vào nhà. Từ lúc mẹ bước chân vào nhà, căn nhà như gặp được tia nắng mới, sáng bừng lên.
Đến lúc này tôi mới biết mẹ quan trọng đến nhường nào. Nếu không có mẹ thì mọi thứ trở nên buồn bã và chán nản vô cùng. Mẹ có vai trò thật quan trọng trong gia đình tôi.
(Trần Thị Lan Hương)
(Nhận xét: Nếu Như Hoa tập trung vào miêu tả cảm xúc của con người và cảnh vật khi thiếu vắng mẹ và bộc lộ suy nghĩ của mình sau khi mẹ về thì Lan Hương lại tập trung cảm xúc vào miêu tả thời điểm người mẹ xuất hiện. Tâm trạng nhớ mẹ của em được thể hiện qua sự quan sát hình ảnh một bóng người "gầy gầy, cao cao" đang bước lại gần, qua trạng thái "hồi hộp, chờ đợi", rồi vỡ òa khi nhận ra mẹ. Trong bài văn, có một chi tiết rất hay là em đã khéo léo diễn đạt tâm trạng được của người bố: "chẳng nói gì" nhưng vẻ mặt lại "không dấu nổi sự vui mừng", tạo cho ý văn có chiều sâu. Tuy nhiên, bài văn của Lan Hương còn chưa thật hay do ý tưởng còn đơn điệu dẫn đến bài viết còn sơ sài. Cần bổ sung thêm một ý tưởng nữa (để phần thân bài trình bày thành 2 đoạn) thì bài văn sẽ có sức thuyết phục hơn.)
BÀI LÀM 3
Hôm qua, mây đen kèm theo mưa bão đã tràn tới quê tôi. Mẹ lại vắng nhà, ba bố con tôi nhớ mẹ lắm!
Ngôi nhà tôi đã rộng, nay càng thênh thang hơn. Gió rét và mưa rông càng làm cho nhà tôi thêm hoang vắng. Mưa cứ tuôn rào rào, rào rào, rồi lại rả rích từng cơn. Tối đi ngủ, cái giường tre mọi ngày có mẹ mềm và ấm lắm! Nhưng hôm nay mẹ vắng nhà, cái giường ấy hình như cũng nhớ mẹ, nó cứ cứng quèo. Nó cũng giống cái nhà, rộng ra nhiều lắm! Thỉnh thoảng, thằng em trai tôi cứ đòi mẹ bế. Cảnh vật như lắng lại, im lìm sau tiếng khóc đòi mẹ của em tôi.
Thế rồi bão tạnh, mưa ngớt. Mẹ tôi như một cô tiên dịu dàng và phúc hậu từ con hẻm nhỏ đi về. Bầu trời sáng trong, một vài tiếng chó sủa ở đầu ngõ. Vừa trông thấy mẹ, em tôi reo lên: "Chị ơi, mẹ đã về!". Nói xong, nó chạy ra rồi sà ngay vào lòng mẹ nũng nịu. Còn tôi, tôi không dấu nổi sự vui sướng, gọi ba: "Ba ơi! Nắng mới về, về thật rồi!". Ba tôi chạy ra liền. Mẹ ôm hai chúng tôi vào lòng, chia quà. Mẹ nắn chân, nắn tay em tôi, bảo: "Bố dạo này chăm sóc em thế nào mà vắng mẹ có mấy ngày em đã gầy đi rồi đây này!". Cả nhà tôi cùng bụm miệng cười. Mẹ đặt em tôi xuống, thay quần áo rồi nhanh nhẹn xuống bếp. Tôi cũng vào phụ giúp mẹ. Chỉ một loáng, bữa cơm đã được chuẩn bị tươm tất. Cả nhà tôi vừa ăn cơm vừa nói chuyện vui vẻ.
Có mẹ, ngôi nhà tôi luôn luôn đầy ắp tiếng cười. Có mẹ, cái giường cũng như được mềm mại hơn. Có mẹ, chị em tôi và cả ba tôi nữa, được ăn những món ăn ngon lành. Và có lẽ, chị em tôi sẽ níu chân mẹ ở nhà, không cho mẹ đi đâu nữa.
Tôi rất yêu mẹ của tôi và tôi luôn hãnh diện với bạn bè mỗi khi nhắc về mẹ. Mẹ tôi đúng là một người mẹ tuyệt vời!
(Phí Như Hoa)
(Nhận xét: Bài viết của Như Hoa đã bộc lộ được cảm xúc tự nhiên. Sự thiếu vắng của người mẹ khiến cho không chỉ con người mà cả cảnh vật cũng trở nên buồn bã. Căn nhà thì rộng "thênh thang", chiếc giường tre thì cứ "cứng quèo". Khi mẹ về, "bầu trời sáng trong", còn em đã bộc lộ niềm vui bằng chi tiết: "Cả nhà cùng bụm miệng cười" đồng thời thể hiện sự đảm đang của mẹ bằng một bữa cơm được chuẩn bị tươm tất. Mặc dù không có một từ ngữ nào tả về mẹ, nhưng người đọc vẫn hình dung được một người mẹ tần tảo,dịu dàng, đảm đang, tháo vát và chu đáo. Đặc biệt, bài văn đã hay hơn nhiều vì em đã sử dụng nghệ thuật điệp ngữ ở đoạn cuối của phần thân bài. Xuyên suốt bài văn là giọng kể mượt mà, truyền cảm. Gây được cảm tình của người đọc từ lúc mở dầu đến khi kết thúc.)
Nguồn: Sưu tầm
Trên đây là tuyển tập đề thi học sinh giỏi lớp 5 môn Tiếng việt có đáp án số 07, quý thầy cô, các bậc phụ huynh và các em có thể tham khảo thêm trọn bộ đề thi học sinh giỏi Tiếng việt 5 nữa nhé!