Đề thi học kì 2 môn Văn năm học 2019 - 2020 quận Hoàng Mai (Hà Nội)

Xuất bản: 03/06/2020 - Tác giả:

Đáp án đề thi học kì 2 môn Văn năm học 2019 - 2020 quận Hoàng Mai (Hà Nội) vừa diễn ra vào ngày 3/6/2020 mà em cần tham khảo!

Đọc tài liệu gửi tới các em đề thi học kì 2 môn Ngữ Văn dành cho học sinh lớp 9 vừa diễn ra của quận Hoàng Mai (Hà Nội). Chi tiết đề thi như sau:

Đề thi

UBND QUẬN HOÀNG MAI 

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Đề chính thức

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I NĂM HỌC 2019 - 2020

MÔN: NGỮ VĂN - LỚP 9

Thời gian làm bài: 90 phút

Ngày kiểm tra: 03 tháng 6 năm 2020

(Đề kiểm tra gồm 01 trang)

Phần I (6,5 điểm):

Mở đầu bài thơ “Viếng lăng Bác”, nhà thơ Viễn Phương đã xúc động viết:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác Và nhà thơ đã kết thúc hành trình vào lăng viếng Bác bằng bốn câu thơ:

Mai về miền Nam thương trào nước mắt 

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác 

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

(Theo Ngữ văn 9, tập 2, trang 58, 59 - NXB Giáo dục 2016)

Câu 1 (0,5 điểm). Hãy nêu hoàn cảnh sáng tác và xuất xứ của bài thơ.

Câu 2 (2,0 điểm). Hình ảnh "cây tre trung hiếu” trong khổ thơ trên có ý nghĩa gì? Hình ảnh “tre” còn xuất hiện trong những câu thơ khác của bài thơ, em hãy chép lại và nêu ý nghĩa của những hình ảnh đó.

Câu 3 (0,5 điểm). Theo em, việc tác giả lặp lại cụm từ “miền Nam” ở dòng thơ đầu và khổ thơ cuối có phải chỉ muốn nêu một địa danh không hay còn gửi gắm thêm điều gì?

Câu 4 (3,5 điểm). Dựa vào khổ thơ trên, hãy viết một đoạn văn khoảng 10 - 12 câu theo cách lập luận diễn dịch để làm rõ cảm xúc lưu luyến của nhà thơ khi sắp phải rời xa Bác và ước nguyện được gắn bó bên Người. Trong đoạn văn có sử dụng hợp lý một thành phần biệt lập phụ chú và một câu phủ định (gạch chân và chú thích rõ).

Phần II (3,5 điểm):

Văn bản “Những ngôi sao xa xôi” của nhà văn Lê Minh Khuê có đoạn:

   Chúng tôi bị bom vùi luôn. Có khi bò trên cao điểm về chỉ thấy hai con mắt lấp lánh. Cười thì hàm răng loá lên khuôn mặt nhem nhuốc. Những lúc đó, chúng tôi gọi nhau là “những con quỷ mắt đen”.

(Theo Ngữ văn 9, tập 2, trang 114 - NXB Giáo dục 2016) 

Câu 1 (1,5 điểm). “Chúng tôi” được nói tới trong đoạn trích trên là những ai? Công việc của họ là gì? Nụ cười và những lời đùa gọi nhau của các nhân vật ấy thể hiện vẻ đẹp nào ở họ?

Câu 2 (2,0 điểm). Em hãy viết một đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi nêu suy nghĩ của mình về câu hỏi: Khi nào và làm thế nào để tinh thần lạc quan trở thành sức mạnh của mỗi người?

(Giám thị coi kiểm tra không giải thích gì thêm)

Hết

Đáp án tham khảo

Phần I (6,5 điểm):

Câu 1 (0,5 điểm). Hoàn cảnh sáng tác và xuất xứ của bài thơ Viếng lăng Bác:

- Bài thơ được viết vào tháng 4 năm 1976, một năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lúc đó, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được khánh thành, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân cả nước là được đến viếng lăng Bác. Tác giả là một người con của miền Nam, từng hoạt động và chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ xa xôi. Cũng như bao đồng bào và chiến sĩ miền Nam, nhà thơ mong mỏi được ra thăm Bác và chỉ đến lúc này, khi đất nước đã thống nhất, ông mới có thể thực hiện được ước nguyện ấy. Tình cảm đối với Bác trở thành nguồn cảm hứng để ông sáng tác bài thơ này.

- In trong tập thơ “Như mây mùa xuân” (1978)

Câu 2 (2,0 điểm).

- Hình ảnh "cây tre trung hiếu” trong khổ thơ trên thể hiện ước muốn của tác giả, muốn nhập vào hàng tre bát ngát, canh giữ giấc ngủ thiên thu của Người.

Giải thích thêm: “Cây tre trung hiếu” là hình ảnh ẩn dụ thể hiện lòng kính yêu, sự trung thành vô hạn với Bác, nguyện mãi mãi đi theo con đường cách mạng mà Người đã đưa đường chỉ lối. Đó là lời hứa thủy chung của riêng nhà thơ và cũng là ý nguyện của đồng miền Nam, của mỗi chúng ta nói chung với Bác.

- Hình ảnh “tre” còn xuất hiện trong những câu thơ đầu của bài thơ:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.

- Ý nghĩa của những hình ảnh: Sự xuất hiện của hàng tre trong thơ Viễn Phương không chỉ có ý tả thực, nhà thơ đã viết hình ảnh hàng tre với bút pháp tượng trưng, biểu tượng:

+ Hình ảnh thực: Trước hết, hàng tre là hình ảnh hết sức thân thuộc và gần gũi của làng quê, đất nước Việt Nam.

+ Hình ảnh ẩn dụ: Hình ảnh hàng tre còn là một biểu tượng con người, dân tộc Việt Nam.

Từ hình ảnh hàng tre bát ngát trong sương quanh lăng Bác, nhà thơ đã suy nghĩ, liên tưởng và mở rộng khái quát thành một hình ảnh hàng tre mang ý nghĩa ẩn dụ, biểu tượng cho sức sống bền bỉ, kiên cường, bất khuất của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Dù gặp bão táp mưa sa – gặp những thăng trầm trong cuộc kháng chiến cứu nước và giữ nước, vẫn “đứng thẳng hàng”, vẫn đoàn kết đấu tranh, chiến đấu anh hùng, không bao giờ khuất phục.

Câu 3 (0,5 điểm). Theo em, việc tác giả lặp lại cụm từ “miền Nam” ở dòng thơ đầu và khổ thơ cuối không phải chỉ muốn nêu một địa danh không mà còn gửi gắm cả ý nguyện chung của đồng bào miền Nam nói riêng và đồng bào cả nước nói chung.

Câu 4 (3,5 điểm).

Yêu cầu về hình thức:

- Đoạn văn khoảng 10 - 12 câu theo cách lập luận diễn dịch

- Có sử dụng hợp lý một thành phần biệt lập phụ chú và một câu phủ định (gạch chân và chú thích rõ).

Yêu cầu về nội dung: Cảm xúc lưu luyến của nhà thơ khi sắp phải rời xa Bác và ước nguyện được gắn bó bên Người.

Gợi ý nội dung:

-  Nghĩ đến ngày mai về miền Nam, xa Bác, xa Hà Nội, tình cảm của nhà thơ không kìm nén, ẩn giấu trong lòng mà được bộc lộ thể hiện ra ngoài:

+ Câu thơ “Mai về miền Nam thương trào nước mắt” như một lời giã biệt.

+ Lời nói giản dị diễn tả tình cảm sâu lắng.

+ Từ “trào” diễn tả cảm xúc thật mãnh liệt, luyến tiếc, bịn rịn không muốn xa nơi Bác nghỉ.

+ Đó là không chỉ là tâm trạng của tác giả mà còn là của muôn triệu trái tim khác. Được gần Bác dù chỉ trong giây phút nhưng không bao giờ ta muốn xa Bác bởi Người ấm áp quá, rộng lớn quá.

- Tác giả gửi tấm lòng mình bằng cách muốn hóa thân, hòa nhập vào những cảnh vật quanh lăng để được luôn ở bên Người trong thế giới của Người:

+ Điệp ngữ “muốn làm” cùng các hình ảnh đẹp của thiên nhiên“con chim”, ”đóa hoa”, ”cây tre” đã thể hiện ước muốn tha thiết, mãnh liệt của tác giả.

+ Nhà thơ ao ước được hóa thân thành con chim nhỏ cất tiếnghót làm vui lăng Bác, thành đóa hoa đem sắc hương, điểm tô cho vườn hoa quanh lăng.

+ Đặc biệt là ước nguyện “Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này” để nhập vào hàng tre bát ngát, canh giữ giấc ngủ thiên thu của Người.

Phần II (3,5 điểm):

Văn bản “Những ngôi sao xa xôi” của nhà văn Lê Minh Khuê có đoạn:

   Chúng tôi bị bom vùi luôn. Có khi bò trên cao điểm về chỉ thấy hai con mắt lấp lánh. Cười thì hàm răng loá lên khuôn mặt nhem nhuốc. Những lúc đó, chúng tôi gọi nhau là “những con quỷ mắt đen”.

(Theo Ngữ văn 9, tập 2, trang 114 - NXB Giáo dục 2016) 

Câu 1 (1,5 điểm).

-  "Chúng tôi" được nói đến chính là ba cô gái Nho, Thao và "tôi" (Phương Định).

- Công việc của họ là quan sát máy bay địch ném bom, đo khối lượng đất đá để san lấp hố bom do địch gây ra, đánh dấu những quả bom chưa nổ và phá bom.

- Nụ cười và những lời đùa gọi nhau của các nhân vật ấy thể hiện được vẻ đẹp trong sáng, anh dũng của nữ chiến sĩ. Dù trong hoàn cảnh nào họ vẫn hiện lên hồn nhiên, nhưng có pha chút sự tinh nghịch hóm hỉnh của những cô gái với tuổi đời còn khá trẻ.

Câu 2 (2,0 điểm). Em hãy viết một đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi nêu suy nghĩ của mình về câu hỏi: Khi nào và làm thế nào để tinh thần lạc quan trở thành sức mạnh của mỗi người?

Tham khảo bài văn mẫu: Nghị luận về ý nghĩa của tinh thần lạc quan trong cuộc sống

Trên đây là đáp án đề kiểm tra học kì 2 môn Ngữ văn 9 - Quận Hoàng Mai năm học 2019/2020 chi tiết, các em có thể tham khảo thêm các bài tập khác cũng như văn mẫu lớp 9 hay do Đọc thực hiện nhé!

- Đề thi học kì 2 Ngữ văn 9 - Đọc tài liệu - 

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM