Đề thi học kì 1 Ngữ văn 9 năm 2019 của huyện Đông Anh là một trong những tài liệu giúp các em ôn luyện các dạng câu hỏi sẽ ra trong đề thi cuối học kì tốt nhất. Cùng Đọc tài liệu thử sức nhé:
Đề thi học kì 1 Ngữ văn 9huyện Đông Anh
Thời gian làm bài: 90 phút
Ngày kiểm tra: 10/12/2019
Phần I (6,0 điểm)
Trong một bài thơ, Nguyễn Duy đã nhắc đến mối quan hệ giữa người và trăng
" vầng trăng đi qua ngõ
như người dùng qua đường”
Để rồi khi gặp lại trăng, nhà thơ thấy:
"Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình."
Câu 1(1,0đ): Những câu thơ trên được trích từ bài thơ nào? Hãy nêu hoàn cảnh sáng tác của bài thơ?
Câu 2 (0,5đ): Vì sao “vầng trăng" lại trở thành người dùng qua đường"?
Câu 3 (1,5đ): Em hãy chỉ ra và phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ:
“vầng trăng đi qua ngõ
nhục người dùng qua đường"
Câu 4 (3,0đ): Từ khổ thơ trên, em hãy viết một đoạn văn tổng hợp - phân tích- tổng hợp, khoảng 10 đến 12 câu làm rõ những suy ngẫm của nhà thơ khi gặp lại trăng. Đoạn văn em viết có sử dụng câu phủ định (gạch chân dưới câu phủ định).
Phần II (4,0 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở bên dưới:
Con ơi ! Con có ý oán thầy giáo con vì người đã nóng quá. Con nghĩ lại xem đã bao nhiêu lần con gắt gỏng, mà gắt gỏng với ai ? Với cha con, với mẹ con là những người đáng lẽ con phải kính nể.
Thầy giáo con đôi khi nóng nảy, không phải là không có cớ. Đã bao nhiêu năm, người khó nhọc dạy trẻ. Trừ một vài đứa có nghĩa và ở thuỷ chung với thầy, còn phần đông là những kẻ vong ân, chúng đã phụ lòng tốt của người và không nghĩ đến công lao của người. Hết thảy bọn chúng con đều gieo cho thầy những mối ưu phiền hơn là những sự như ý. Một người hiền lành nhất trên trái đất này, ở vào địa vị thầy, cũng phải đâm ra tức giận. Lắm phen, trong mình khó xử, thầy cũng phải gắng đi làm vì không đến nỗi phải nghỉ, con có biết đâu ! Thầy gắt vì thầy đau, nhất là những khi thầy thấy các con biết rõ là thấy yếu lại thừa cơ nghịch ngợm thì thầy đau khổ biết dường nào !
Con ơi ! Phải kính yêu thầy giáo con. Hãy yêu thầy vì cha yêu thầy và trọng thầy .
Hãy yêu thầy, vì thầy đã hy sinh đời thầy để gây hạnh phúc cho biết bao nhiêu đứa trẻ sẽ quên thầy. Hãy yêu thầy vì thầy mở mang trí tuệ và giáo hoá tâm hồn cho con. Rồi đây, con sẽ trưởng thành, thầy cùng cha sẽ không còn ở trên đời này nữa, lúc ấy con sẽ thấy hình ảnh thầy thường hiển hiện ở cạnh cha, lúc ấy con sẽ thấy nét đau đớn và lao khổ trên mặt thầy làm cho con phải cực lòng mặc dầu đã cách hàng 30 năm. Rồi con tự thẹn và con ân hận đã không yêu người và trái đạo với người.
(Trích Chương 23 “Những tấm lòng cao cả” của Ét-môn-đô-đơ A-mi-xi)
Câu 1 (0,5đ): Chỉ ra những phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2 (1,5đ): Người cha đã nêu những lí do nào để khuyên người con đừng oán giận thầy vì đôi khi thầy nóng nảy?
Câu 3 (2,0đ): Từ đoạn trích trên, em hãy viết một đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy trình bày suy nghĩ về những cơ sở làm nên tình thầy trò.
--Hết--
Đáp án đề thi học kì 1 môn Ngữ văn 9 huyện Đông Anh năm 2019
Phần I.
Câu 1.
- Các câu thơ được trích từ bài thơ “Ánh trăng”.
- Hoàn cảnh sáng tác: Năm 1978, 3 năm sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tác giả đang ở thành phố Hồ Chí Minh.
Câu 2. “Vầng trăng” trở thành “người dưng qua đường” vì cuộc sống của con người đổi thay, con người sống ở nơi thành phố có đầy đủ tiện nghi, xa rời thiên nhiên, từ đó con người cũng thay đổi, trở nên bạc bẽo, lạnh lùng, vô tâm với trăng.
Câu 3.
Các biện pháp tu từ được sử dụng là:
- Nhân hoá “Vầng trăng đi qua ngõ” => trăng như một người bạn có cảm xúc, có tính cách, linh hồn.
- Ẩn dụ “Vầng trăng” cho người bạn nghĩa tình trong quá khứ
- So sánh: Vầng trăng như người dưng => diễn tả sinh động thái độ của con người với trăng, trăng trở thành người xa lạ, chưa từng quen biết.
=> Tác dụng làm nổi bật sự thờ ơ, bạc bẽo của con người đối với vầng trăng nghĩa tình trong quá khứ. Đó là thái độ đáng phê phán, đáng trách của con người.
Câu 4:
- Lưu ý về hình thức: đúng đoạn văn tổng - phân - hợp, sử dụng đúng câu phủ định và có gạch chân, chú thích, độ dài đoạn văn khoảng 10-12 câu.
- Nội dung: Cần đảm bảo các ý chính:
+ Trăng vẫn vẹn nguyên, không thay đổi nhưng con người nhận ra còn mình thì đã đổi thay, vô tình
+ Trăng có cái nhìn nghiêm khắc và bao dung, chính điều ấy làm con người giật mình thức tỉnh
+ Cái “giật mình” của con người là cái “giật mình” đáng trọng, con người biết sám hối, ăn năn, nhận ra sai lầm và biết mình cần thay đổi.
+ Nhắc nhở đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thuỷ chung.
Phần II.
Câu 1: Phương thức biểu đạt: Biểu cảm
Câu 2:
Người cha đã nêu những lý do:- Hết thảy bọn chúng đều gieo cho thầy những mối ưu phiền hơn là sự như ý. Vì thế mà 1 người hiền lành nhất cũng phải tức giận
- Lắm phen trong mình khó ở, thầy phải cố gắng đi làm vì không đến nỗi phải nghỉ. Thầy gắt vì đau, nhất là khi thấy các con biết rõ là thầy yếu mà lại thừa cơ nghịch ngợm thì thầy đau khổ biết dường nào.
- Hãy yêu thầy vì cha yêu thầy và trọng thầy
- Hãy yêu thầy vì thầy đã hy sinh cuộc đời này để gây hạnh phúc cho bao đứa trẻ quên thầy.
- Hãy yêu thầy vì thầy mở mang trí tuệ và giáo hoá tâm hồn cho con
Câu 3:
Gợi ý:
- Giải thích: cơ sở là nền tảng, là những yếu tố ban đầu hình thành nên điều gì đó
- Có những cơ sở nào hình thành nên tình thầy trò?
+ Với người thầy: là khao khát mong mỏi học sinh nên người, là tình yêu thương, sự chăm chút, quan tâm tới từng bạn nhỏ, là lo lắng cho lũ trẻ khi chúng có chuyện không vui hoặc bỏ bê học hành....
+ Với học sinh: là sự kính trọng, biết ơn, cảm phục thầy mình, là biết thương thầy khi thầy vất vả, lo nghĩ, biết giận chính mình vì đã làm thầy thất vọng....
+ Ngoài ra, cơ sở làm nên tình thầy trò còn đến từ những người xung quanh như gia đình, xã hội: cha mẹ biết răn dạy con cái phải sống “tôn sư trọng đạo”, xã hội tôn trọng đề cao người làm thầy, quan tâm tới việc học tập của từng đứa trẻ.
- Ý nghĩa của các cơ sở đó:
+ Tạo nên tình thầy trò khăng khít, quan tâm yêu thương
+ việc dạy của thầy sẽ thực sự có tâm, bởi đó là sự dạy dỗ bằng tình yêu thương
+ việc họ của trò thực sự tiến bộ, bởi có thêm động lực lớn là người thầy
- Lật lại vấn đề: trường học sẽ ra sao nếu không có cơ sở hình thành nên tình thầy trò?
Tình thầy trò không có, con người học tập như 1 chiếc máy, không được rèn về nhân cách, đạo đức, con người rất dễ suy thoái đạo đức.
- Liên hệ bản thân và rút ra bài học cụ thể.
Trên đây là đề thi học kì 1 môn Ngữ văn 9 huyện Đông Anh năm học 2019/2020 do Đọc tài liệu thực hiện, mong rằng với nội dung này sẽ giúp các em ôn tập kiến thức thi cuối kì 1 tốt hơn.
Chúc các em thi tốt!