Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn 9 quận Hai Bà Trưng năm 2019/2020

Xuất bản: 10/12/2019 - Tác giả:

Đáp án đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 quận Hai Bà Trưng năm 2019/2020 vừa diễn ra với nội dung về bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

Đề thi học kì 1 Ngữ văn 9 năm 2019 của quận Hai Bà Trưng là một trong những tài liệu giúp các em ôn luyện các dạng câu hỏi sẽ ra trong đề thi cuối học kì tốt nhất. Cùng Đọc tài liệu thử sức nhé:

Đề thi học kì 1 Ngữ văn 9
quận Hai Bà Trưng

UBND QUẬN HAI BÀ TRƯNG 

PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO

ĐỂ KIỂM TRA HỌC KỲ I NĂM HỌC 2019-2020

Môn: Ngữ văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

Ngày kiểm tra: 10/12/2019

Phần I (4 điểm). Đọc câu chuyện sau và trả lời câu hỏi:

Chuyện kể, một danh tướng có lần đi ngang qua trường học cũ của mình, liền ghé vào thăm. Ông gặp lại người thầy từng dạy mình hồi nhỏ và kính cẩn thưa:

- Thưa thầy, thầy còn nhớ con không? Con là...

Người thầy giáo già hoảng hốt:

- Thưa ngài, ngài là...

- Thưa thầy, với thầy, con vẫn là đứa học trò cũ. Con có được những thành công hôm nay là nhờ sự giáo dục của thầy ngày nào...

(Theo sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1- tr40)

Câu 1. Em hãy phân tích cách dùng từ xưng hô và thái độ của vị danh tướng trong câu chuyện trên.

Câu 2. Nêu tác dụng của dấu hai chấm được sử dụng trong câu chuyện.

Câu 3. Từ cách xưng hô và thái độ của vị danh tướng-người học trò cũ trong câu chuyện trên, em hãy nêu suy nghĩ của mình về ý kiến sau “Một ngàn lời cảm ơn không bằng một lần cúi chào thầy cũ”. (Trình bày trong một đoạn văn nghị luận khoảng 2/3 trang giấy thi).

Phần II (6 điểm)

Trong bài “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận có những câu thơ thật đẹp:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng,

Ra đậu dặm xa dò bụng biển,

Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

Câu 1. Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ.

Câu 2. Viết đoạn văn theo cách lập luận quy nạp khoảng 12 câu phân tích khổ thơ trên để thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên hòa quyện với vẻ đẹp của con người trong lao động. Trong đoạn văn có sử dụng lời dẫn trực tiếp và một cầu cảm thán (gạch dưới lời dẫn trực tiếp và câu cảm thán).

Câu 3. Trong chương trình Ngữ văn THCS cũng có một bài thơ mà hình ảnh cánh buồm được xuất hiện rất đẹp. Chép chính xác những câu thơ có chứa hình ảnh đó và cho biết nó thuộc bài thơ nào, của ai?

--Hết--

Đáp án đề thi học kì 1 môn Ngữ văn 9 quận Hai Bà Trưng năm 2019

Phần I.

Câu 1.

- Danh tướng xưng hô với người thầy: thầy - con

=> Thái độ kính trọng, lễ phép của một người trò với thầy của mình.

=> Vị danh tướng đang nắm trong tay quyền cao chức trọng, vẫn ko vì thế mà mất đi niềm kính trọng với người thầy cũ, ông đã bỏ qua địa vị mình mà đặt mình trở lại một cậu học trò từng chịu ơn dạy dỗ, đó còn là thái độ biết ơn, cảm phục thầy.

Câu 2. Tác dụng của dấu hai chấm được sử dụng trong câu chuyện: đánh dấu lời hội thoại của nhân vật

Câu 3.

- Khẳng định đồng tình với quan niệm.

- Giải thích:

+ Lời cảm ơn: là lời nói bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với người đã từng giúp mình.

+ Hành động cúi chào thầy cũ là hành động chân thành để bày tỏ tấm lòng yêu mến, luôn nhớ về người đã từng dìu dắt, dạy dỗ mình.

+ Một ngàn lời nói cảm ơn sẽ không thể giá trị bằng việc mình luôn ghi nhớ công ơn của người thầy cũ, mình biết gặp lại người từng giúp mình, biết cúi đầu chân thành tạ ơn. => câu nói đề cao thái độ biết ơn đối với thầy cô từng dạy dỗ mình

- Bàn luận

+ Lời cảm ơn chỉ là một lời nói thể hiện sự biết ơn, nhưng dù cảm ơn một ngàn lần rồi sau đó ta quên đi những người đã dạy dỗ, hoặc thờ ơ vô tâm với người thầy từng dạy dỗ thì lời cảm ơn sẽ mất giá trị

+ Cúi đầu chào thầy cũ quan trọng hơn ngàn lời cám ơn: Thầy cũ là người từng dìu dắt ta năm xưa, thế nhưng rất nhiều lí do mà con người quên đi hoặc cố tình quên đi người thầy đã giúp đỡ, dạy dỗ mình. Dù ta đã lớn, ở những vị trí khác nhau, có những thành công khác nhau nhưng điều quan trọng là gặp lại thầy cũ họ vẫn biết cúi đầu chứ không kiêu ngạo, không vì vị thế hiện tại của bản thân mà quên mất lòng kính nể biết ơn vị thầy cũ từng dạy dỗ mình.

+ Cái cúi đầu không chỉ là sự kính mến, biết ơn dành cho người có ơn với mình, người thầy đã dạy dỗ mà còn bộc lộ đây là con người biết đối nhân xử thế, trọng tình nghĩa.

+ Sống mà biết cúi đầu biết ơn mới làm nên nhân cách con người tốt đẹp, mới thực sự là người thành công.

+ Dẫn chứng: Vào ngày 20/11, những học trò cũ vẫn sắp xếp thời gian về thăm lại trường cũ, vẫn kính cẩn, kính trọng các thầy cô như ngày xưa.

- Liên hệ bản thân và rút ra bài học cụ thể.

Phần II.

Câu 1. 

Hoàn cảnh sáng tác của bài thơ: Năm 1958, khi miền Bắc đã giải phóng đang xây dựng xã hội chủ nghĩa, Huy Cận có chuyến đi thực tế ở vùng mỏ Quảng Ninh

Câu 2.

- Hình thức: đúng đoạn văn quy nạp, sử dụng và chú thích đúng lời dẫn trực tiếp và câu cảm thán.

- Nội dung:

+ Thiên nhiên: là màn đêm bao la, rộng lớn trên biển

+ Con người: tầm vóc cũng trở nên lớn lao, sánh cùng vũ trụ, con người hoà cùng thiên nhiên làm chủ thiên nhiên

+ Nghệ thuật nói quá tô đậm hình ảnh con người làm chủ thiên nhiên

+ Các từ ngữ thuộc lĩnh vực quân sự thể hiện con người đang tìm cách chinh phục thiên nhiên như một cuộc chiến hồi hộp, căng thẳng

=> Con người hiện lên là con người yêu thiên nhiên, hăng say lao động

- Nghệ thuật được sử dụng: âm hưởng thơ khoẻ khoắn, hào hùng, liên tưởng thú vị, hình ảnh thơ độc đáo, trừu tượng.

Câu 3: 

Câu thơ chứa hình ảnh cánh buồm được xuất hiện rất đẹp tương tự trong chương trình Ngữ văn THCS là:

“Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió” 

Thuộc bài thơ Quê hương của Tế Hanh.

Trên đây là đề thi học kì 1 môn Ngữ văn 9 quận Hai Bà Trưng năm học 2019/2020 do Đọc tài liệu thực hiện, mong rằng với nội dung này sẽ giúp các em ôn tập kiến thức thi cuối kì 1 tốt hơn.

Chúc các em thi tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM