Đề thi học kì 1 Ngữ văn 9 năm 2019 của tỉnh Đồng Nai là một trong những tài liệu giúp các em ôn luyện các dạng câu hỏi sẽ ra trong đề thi cuối học kì tốt nhất.
Thời gian làm bài là 90 phút, cùng Đọc tài liệu thử sức nhé:
Đề thi
SỞ GD & ĐT ĐỒNG NAI ĐỀ CHÍNH THỨC | KIỂM TRA HỌC KÌ I, LỚP 9, NĂM HỌC 2019-2020 MÔN: NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 90 phút (Không kể thời gian giao đề) |
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
Người đàn bà ẵm con cong môi lên đỏng đảnh:
- Có giết được thằng nào đâu. Cả làng chúng nó Việt gian theo tây còn giết gì nữa! Cổ ông lão ngẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi:
- Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ lại…”
- Thì chúng tôi vừa ở dưới ấy lên đây mà lại. Việt gian từ thằng chủ tịch mà đi cơ ông ạ. Tây vào làng, chúng nó bảo mang vác cờ thần ra hoan hô. Thằng chánh Bệu thì khuân cả tủ chè, đỉnh đồng, vải vóc lên xe cam-nhông, đưa vợ con lên vị trí với giặc ở ngoài tỉnh mà lại.
Có người hỏi:
- Sao bảo làng chợ Dầu tinh thần lắm cơ mà?…
- Ấy thế mà bây giờ đổ đốn ra thế đấy!
Ông Hai trả tiền nước, đứng dậy, chèm chẹp miệng cười nhạt một tiếng, vươn vai nói to:
- Hà, nắng gớm, về nào…
(Trích Làng, Kim Lân, SGK Ngữ văn 9, tập 1, trang 165-166)
Câu 1. (0.75 điểm) Kim Lân đã đặt nhân vật ông Hai vào tình huống nào? Việc tạo tình huống như vậy nhằm mục đích gì?
Câu 2. (0.75 điểm) Câu văn “- Hà, nắng gớm, về nào. " có phải là một câu đối thoại không? Vì sao?
Câu 3. (0.5 điểm) Cho biết tác dụng của dấu chấm lửng trong câu vẫn sau: “- Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ lại..."
Câu 4. (1.0 điểm) Xác định và nêu vai trò của các yếu tố miêu tả được sử dụng trong đoạn trích.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm) Từ ngữ liệu ở phần Đọc hiểu, hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bảy cảm nhận về nhân vật ông Hai.
Câu 2. (5,0 điểm) Viết bài văn thuyết minh về Truyện Kiều của Nguyễn Du.
---HẾT---
Đáp án tham khảo
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1.
Nhà văn Kim Lân đã đẩy nhân vật vào một tình huống truyện đầy bất ngờ, éo le và gay gắt: ông Hai là một người rất yêu và tự hào về làng chợ Dầu của mình. Nhưng ông lại nghe được cái tin làng chợ Dầu theo giặc từ miệng của những người dân tản cư.
Tình huống truyện đầy gay cấn này giúp tạo nên một nút thắt cho câu chuyện. Qua đó tạo điều kiện để diễn biến tâm lí gay gắt, những mâu thuẫn giằng xé trong nhân vật ông Hai, làm bộc lộ sâu sắc tình cảm yêu làng, yêu nước ở ông.
Câu 2
Câu “Hà, nắng gớm, về nào…” ông Hai tự nói với chính mình.
Đây không phải là một câu đối thoại vì nội dung của câu nói không liên quan đến nội dung câu chuyện mà hai người phụ nữ đang trao đổi, câu nói của ông cũng không hướng tới một người tiếp chuyện cụ thể nào và sau câu nói cũng không có ai đáp lại.
Câu 3
Dấu chấm lửng có tác dụng:
- Đánh dấu lời nói ngập ngừng, đứt quãng của ông Hai.
- Qua đó thể hiện tâm trạng: hoài nghi, ngờ ngợ của ông Hai trước cái tin làng Chợ Dầu theo Tây.
Câu 4.
Các lựa chọn một yếu tố miêu tả được sử dụng trong đoạn trích.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
Gợi ý: Cảm nhận về nhân vật ông Hai khi nghe tin làng theo giặc:
- Tình huống đoạn trích: Khi đang vui mừng tin thắng trận ở khắp nơi thì ông Hai nghe tin làng chợ Dầu theo giặc làm Việt gian -> ông bất ngờ, choáng váng (Cổ ông nghẹn ắng lại, không thở được).
- Ông cố trấn tĩnh bản thân như thể không tin vào những điều vừa nghe thấy nhưng người phụ nữ tản cư khẳng định chắc chắn khiến ông Hai càng thêm sững sờ, ngượng ngùng, xấu hổ (ông cố làm ra vẻ bình thản, đánh trống lảng ra về).
→ Tác giả diễn đạt cụ thể nỗi lo lắng, sợ hãi tới mức ám ảnh thường xuyên của ông Hai, trong tâm trạng ông lúc nào cũng thường trực nỗi đau xót, tủi hổ trước tin làng mình theo giặc.
Xem thêm: Cảm nhận về tình yêu làng của ông Hai
Câu 2.
Dàn ý tham khảo thuyết minh về Truyện Kiều của Nguyễn Du:
I, Mở bài
- Giới thiệu tác gia Nguyễn Du: là đại thi hào dân tộc , là danh nhân văn hóa thế giới.
- Giới thiệu về “Truyện Kiều”: là kiệt tác của Nguyễn Du, là tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
II, Thân bài
* Nguồn gốc của Truyện Kiều
- Tên gọi: Đoạn Trường Tân Thanh nhưng dân gian ta quen gọi thân thuộc là Truyện Kiều.
- Tác phẩm được viết vào khoảng thời gian sau khi Nguyễn Du đi sứ ở Trung Quốc trở về (1814 – 1820). Lấy cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc nhưng Nguyễn Du đã thay đổi một số chi tiết và cả những điều mới mẻ về một nàng Kiều Việt Nam.
* Nội dung của tác phẩm
- Truyện Kiều, đúng như tên gọi của nó, đây là câu chuyện kể về cuộc đời nàng Thúy Kiều – một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, con gái cả của gia đình nhà họ Vương. Câu chuyện được chia ra làm 3 phần:
+ Phần một – Gặp gỡ và đính ước
+ Phần hai – Gia biến và lưu lạc
+ Phần ba - Đoàn tụ
* Giá trị tác phẩm
- Giá trị nội dung:
+ Thể hiện khát vọng về tình yêu tự do và ước mơ công lí.
+ Là tiếng kêu thương đến đứt ruột cho thân phận con người, đặc biệt là người phụ nữ tài sắc trong xã hội phong kiến.
+ Là bản cáo trạng đanh thép tội ác của các thế lực đen tối trong xã hội cũ. Nguyễn Du phê phán mạnh mẽ sự “lên ngôi” của thế lực đồng tiền.
+ Là bức chân dung tinh thần tự họa của Nguyễn Du, với “con người mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”, trái tim chan chứa tình yêu thương con người.
Giá trị nghệ thuật
:+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật
+ Nghệ thuật tự sự mới mẻ
+ Thể loại
+ Ngôn ngữ trong sáng,điêu luyện, giàu sức gợi tả gợi cảm; ẩn dụ, điển cố,...
+ Giọng điệu cảm thương rất phù hợp với chủ nghĩa nhân đạo thống thiết của Nguyễn Du.
* Ý nghĩa của Truyện Kiều
- Trong đời sống người dân: Truyện Kiều còn là đề tài cho nhiều loại hình nghệ thuật như thơ ca, âm nhạc, hội họa…
- Trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Du: Tác phẩm đã khẳng định tài năng và vị trí của ông – đại thi hào dân tộc.
III, Kết bài
- Khẳng định lại vai trò và giá trị của Truyện Kiều.
- Nêu cảm nghĩ của bản thân về tác phẩm.
Trên đây là đề thi học kì 1 môn Ngữ văn 9 tỉnh Đồng Nai năm học 2019/2020 do Đọc tài liệu thực hiện, mong rằng với nội dung này sẽ giúp các em ôn tập kiến thức thi cuối kì 1 tốt hơn.