Đề thi học kì 1 Ngữ văn 12 năm 2020 của tỉnh Đồng Nai

Xuất bản: 06/01/2021 - Tác giả:

Đề thi học kì 1 Ngữ văn 12 năm 2020 có đáp án tham khảo của tỉnh Đồng Nai giúp các em thử sức với một số dạng câu hỏi sẽ thi THPTQG.

Để giúp các em ôn tập môn Văn kì thi tốt nghiệp THPT sắp tới thì Đọc tài liệu xin gửi tới các em một đề thi khảo sát kết thúc học kì 1 của tỉnh Đồng Nai, cùng tham khảo nhé:

Đề thi

SỞ GD&ĐT ĐỒNG NAI

ĐỀ CHÍNH THỨC

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I, NĂM HỌC 2020 - 2021

Môn: NGỮ VĂN - KHỐI 12 

Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

Đề kiểm tra có: 01 trang.

I. Đọc hiểu (3.0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

Em chẳng còn bé bỏng như xưa 

Chiếc khăn quàng em đeo đã bắt đầu thấy chật 

Những trang giấy cứ cồn trên mặt đất 

Đường hành quân dẫn đến mọi chân trời 

Cao hơn trang thơ, hơn cả cuộc đời 

Là Tổ quốc đang một còn, một mất 

Em nghĩ thế. Và những ngày thắng giặc 

Cứ âm vang như những tiếng trống trường 

Đêm em nằm thao thức với quê hương 

Mỗi vì sao gợi một miền Đất Nước

8-1972

(Trích Thư thơ, Trần Đăng Khoa, NXB Giáo dục, 2007, trang 310) 

Câu 1. (0.5 điểm) Đoạn trích được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. (0.5 điểm) Hình ảnh Chiếc khăn quàng em đeo đã bắt đầu thấy chật biểu thị điều gì?

Câu 3. (1.0 điểm) Trong đoạn thơ, nhân vật trữ tình bộc lộ thái độ và tình cảm gì đối với đất nước?

Câu 4. (1.0 điểm) Anh/ Chị có đồng ý với quan điểm của tác giả thể hiện trong hai câu thơ sau? Vì sao?

Cao hơn trang thơ, hơn cả cuộc đời 

Là Tổ quốc đang một còn, một mất

II. Làm văn (7.0 điểm) 

Câu 1. (2.0 điểm)

Từ ngữ liệu phần Đọc hiểu, viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) với chủ đề: Đất nước trong tôi.

Câu 2. (5.0 điểm) Cảm nhận của anh chị về đoạn thơ sau:

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ

(Trích Sóng, Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập 1,

NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, trang 155). 

- HẾT -

Đáp án tham khảo đề thi học kì 1 ngữ văn 12 tỉnh Đồng Nai năm 2020

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. Thể thơ: Tự do

Câu 2. Hình ảnh “Chiếc khăn quàng em đeo đã bắt đầu thấy chật” biểu thị: em nay đã lớn, đã trưởng thành trong suy nghĩ.

Câu 3. Nhân vật trữ tình em bộc lộ tình cảm yêu mến và thái độ thái độ trăn trở với số phận của đất nước.

Câu 4. Thí sinh tự do bày tỏ quan điểm riêng của mình và lí giải phù hợp.

Gợi ý:

- Đồng tình

- Lý giải:

+ Số phận Tổ quốc luôn là vấn đề hệ trọng nhất, vì nó liên quan đến số phận của cả dân tộc chứ không phải riêng mình ai.

+ Trang thơ và cuộc đời chỉ có thể được gìn giữ, trở nên tươi đẹp nếu Tổ quốc bình yên, và ngược lại.

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

1. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn:

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích hoặc song hành.

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Đất Nước trong tôi

3. Triển khai vấn đề cần nghị luận:

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách, nhưng phải làm rõ được cảm nhận của bản thân về Đất Nước. Có thể theo hướng sau:

- Đất nước:

+ là nơi đã sinh ra, là quê hương, là cội nguồn gốc rễ.

+ là màu da vàng, là mái tóc đen, là dáng hình nhỏ bé.

+ là màu cờ đỏ thắm ta vẫn ngước nhìn lên mỗi tiết chào cờ.

+ là tà áo dài thướt tha, dịu dàng, tà áo truyền thống tôn lên những đường nét quyến rũ nhưng vẫn rất kín đáo của người phụ nữ Việt Nam.

+ là những món ăn quen thuộc không điểm hết được tên: rau muống luộc chấm tương, canh riêu cua mồng tơi ăn với cà muối, bánh chưng xanh, thịt mỡ dưa hành mỗi độ xuân về.

- Đất nước là nơi hun đúc, hình thành nên bản sắc của mỗi cá nhân.

- Mỗi cá nhân cần biết yêu đất nước, cần biết cống hiến, hy sinh cho đất nước.

Câu 2 (5,0 điểm)

1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận:

Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận về nội dung và nghệ thuật của 2 khổ thơ đầu trong bài “Sóng” của Xuân Quỳnh.

3. Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm:

a. Giới thiệu khái quát về tác giả Xuân Quỳnh và bài thơ “Sóng”

b. Cảm nhận đoạn thơ:

Nội dung chính: Bản chất, quy luật của “sóng” và “em”

- Khổ 1:

+ Sử dụng nghệ thuật tương phản: dữ dội – dịu êm, ồn ào – lặng lẽ, từ đó khái quát trạng thái đối lập của sóng, gợi liên tưởng đến tâm lí của người phụ nữ khi yêu (khi mãnh liệt khi lại dịu dàng).

+ Nghệ thuật nhân hóa: “sông không hiểu” được bản tính của sóng, nên “sóng ” muốn tìm đến không gian rộng lớn, hành trình của sóng là hành trình khám phá chính bản thân mình, khát khao vươn tới giá trị tuyệt đích trong tình yêu của người phụ nữ.

- Khổ 2:

+ “Ôi con sóng ... và ngày sau vẫn thế”: dù trong quá khứ hay hiện tại sóng luôn dạt dào, sôi nổi, luôn khát vọng. Đó cũng là khát vọng và bản tính của người phụ nữ muôn đời.

+ “Nỗi khát vọng tình yêu ... ngực trẻ”: liên hệ tình yêu của tuổi trẻ với con sóng của đại dương, khát vọng tình yêu là khát vọng đặc trưng muôn đời của tuổi trẻ.

- Vài nét về nghệ thuật

- Đánh giá chung về đoạn thơ, bài thơ.

-/-

Trên đây là hướng dẫn chi tiết giải đề thi học kì 1 Ngữ văn 12 năm 2020 của tỉnh Đồng Nai, mong rằng với nội dung này các em đã bổ sung cho mình những kiến thức hữu ích mới cho bản thân.

- Bộ đề thi thử tốt nghiệp THPT - Đọc tài liệu - 

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM