Đề thi học kì 1 Ngữ văn 9 năm 2019 của quận Ba Đình là một trong những tài liệu giúp các em ôn luyện các dạng câu hỏi sẽ ra trong đề thi cuối học kì tốt nhất. Cùng Đọc tài liệu thử sức nhé:
Đề thi học kì 1 Ngữ văn 9quận Ba Đình
PHÒNG GIÁO DỤC ĐÀO TẠO QUẬN BA ĐÌNH ĐỀ CHÍNH THỨC | ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ Năm học: 2019-2020 Môn: Ngữ Văn 9 Ngày kiểm tra: 17/12/2019 Thời gian làm bài: 90 phút |
Phần 1 (6 điểm) Nhà thơ Nguyễn Duy viết:
Trăng cứ tròn vành anh
(Trích Ánh trăng - Nguyễn Duy, Ngữ văn 9, tập 1)
Câu 1. Viết những câu tiếp theo để hoàn thiện khổ cuối của bài thơ.
Câu 2. Nêu hoàn cảnh sáng tác của bài thơ, Hoàn cảnh sáng tác đó có ảnh hưởng như thế nào đến chủ đề của bài thơ?
Câu 3. Hành động giật mình có thể hiểu như thế nào? Ở trong khổ thơ, nhân vật trữ tình giật mình về điều gì?
Câu 4. Cảm nhận về khổ cuối bài thơ, có ý kiến cho rằng: Sự xuất hiện đột ngột của vầng trăng trong tình huống đặc biệt đã gợi lên trong lòng nhân vật trữ tình bao suy ngẫm sâu sắc. Hãy viết đoạn văn theo cách lập luận tổng hợp - phân tích - tổng hợp, khoảng 12 câu, để làm rõ ý kiến trên. Trong đoạn văn có sử dụng lời dẫn trực tiếp và một câu bị động gạch chân, chú thích rõ).
Phần II (4 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Ông Hai nghĩ rợn cả người. Cả cuộc đời đen tối, lầm than cũ nổi lên trong ý nghĩ ông. Ông không thể về cải làng ấy được nữa. Và bây giờ ra ông chịu mất hết à? Không thể được! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thừ.
(Trích Làng - Kim Lân, Ngữ văn 9, tập 1)
Câu 1. Tình huống truyện nào đã khiến nhân vật ông Hai có những suy nghĩ như vậy?
Câu 2. Những câu văn “Không thể được! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù." là lời độc thoại hay độc thoại nội tâm? Những câu văn đó thể hiện suy nghĩ gì của nhân vật ông Hai?
Câu 3. Bằng hiểu biết của em về nhân vật ông Hai trong Làng - Kim Lân kết hợp với thực tế đời sống, hãy viết một đoạn văn nghị luận khoảng 2/3 trang giấy thi trình bày suy nghĩ của em về tình cảm, trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam đối với đất nước trong giai đoạn hiện nay.
- Hết -
Ghi chú:
Điểm phần I: Câu 1(0,5 điểm) Câu 2(1,0 điểm): Câu 3(1,0 điểm): Câu 4(3,5 điểm):
Điểm phần II: Câu 1(0,5 điểm); Câu 2(1,5 điểm): Câu 3(2,0 điểm)
Đáp án đề thi học kì 1 quận Ba Đình năm 2019
Phần I.
Câu 1.
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
Câu 2.
- Hoàn cảnh sáng tác năm 1978, 3 năm sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tác giả đang ở thành phố Hồ Chí Minh.
- Hoàn cảnh này giúp ta hiểu rõ hơn về chủ đề bài thơ, 3 năm là quãng thời gian đủ để con người quen với cuộc sống mới, bắt đầu lãng quên quá khứ gian khổ, sự thay đổi môi trường từ việc hoạt động trong rừng ra thành phố đầy đủ tiện nghi dễ khiến con người đổi thay cả tính cách, thái độ với quá khứ. Qua đó tác giả nhắc nhở con người về thái độ sống ân nghĩa thuỷ chung, uống nước nhớ nguồn.
Câu 3.
- Hành động “giật mình” được hiểu là sự thức tỉnh, nhận ra mình đã sống thờ ơ, bội bạc, giật mình vì biết ăn năn, sám hối, nhắc nhở lẽ sống uống nước nhớ nguồn.
- Nhân vật trữ tình giật mình vì trong cuộc gặp gỡ bất ngờ với trăng, con người nhận ra trăng vẫn tròn đầy, vẹn nguyên, vẫn dõi theo trong khi mình đã sống bạc bẽo, vô tình, giật mình còn vì trăng chỉ im lặng, có cái nhìn nghiêm khắc và bao dung.
Câu 4.
- Hình thức: đúng đoạn tổng - phân - hợp, đoạn dài khoảng 12 câu, sử dụng và chú thích đúng lời dẫn trực tiếp, câu bị động.
- Nội dung:
Các ý chính:
+ Trăng vẫn vẹn nguyên, chung thuỷ, tròn đầy, trăng bất biến, vĩnh hằng.
+ Đối lập với trăng là con người đã vô tình, bạc bẽo
+ Trăng được nhân hoá “im phăng phắc”, không một lời trách cứ, đó còn là cái nhìn nghiêm khắc và bao dung
+ Con người “giật mình” thức tỉnh, đó là cái “giật mình” đáng trân trọng vì con người biết ăn năn, nhận ra sai lầm và có ý thức sửa chữa sai lầm
+ Khổ cuối dồn nén bao tâm sự, nhắc nhở con người về lối sống uống nước nhớ nguồn
- Nghệ thuật: giọng thơ trầm lắng, triết lí, ngôn ngữ bình dị, hình ảnh biểu tượng “trăng” sáng tạo, tứ thơ mới mẻ, chất tự sự kết hợp trữ tình.
Phần II.
Câu 1.
Tình huống đó là: ông Hai nghe tin làng chợ Dầu theo giặc từ những người dưới xuôi lên. Sau khi bị mụ chủ nhà đuổi, ông đã có sự xung đột nội tâm sâu sắc giữa việc về làng hay thù làng.
Câu 2.
- Đây là lời độc thoại nội tâm
- Qua đó ta thấy đây là cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt của ông giữa một bên là tình yêu làng, một bên là tình yêu nước. Ông là người rất yêu làng, nhưng tình tình yêu nước trong ông đã lớn hơn, bao trùm lên tình yêu làng quê. Ông đã gạt bỏ tình cảm riêng tư để hướng tới tình cảm lớn lao của chung toàn dân tộc: tình yêu nước.
Câu 3.
- Giải thích:
+ Tuổi trẻ là độ tuổi có trí tuệ, nhiệt huyết, có khả năng sáng tạo và cống hiến được dồi dào nhất.
+ Đất nước muốn phát triển mạnh mẽ thì cần người trẻ yêu nước và biết cống hiến.
- Tình cảm của tuổi trẻ Việt Nam đối với đất nước hiện nay được thể hiện như nào?
+ Mặt tích cực: nhiều bạn trẻ yêu nước, tự hào về đất nước, thương cho đất nước còn nhiều khó khăn, thương nhân dân ở nhiều vùng còn lam lũ, đói nghèo...
=> Ý nghĩa: giúp họ sống biết cống hiến, làm đẹp cho đời và đất nước, đất nước ngày một phát triển, văn minh,...
+ Mặt tiêu cực: nhiều bạn trẻ sống thờ ơ, vô cảm, không có tinh thần nỗ lực, không muốn phấn đấu vươn lên, không yêu nước, hay chê bai, chỉ trích đất nước của mình.
=> Hậu quả: cuộc sống của họ dễ thất bại, không tìm được niềm vui, ý nghĩa thực sự của cuộc sống, cuộc sống nhạt nhẽo, vô vị, ...
- Trách nhiệm của thế hệ trẻ hiện nay đối với đất nước:
+ Phải có ý thức về vai trò, trách nhiệm của mình với đất nước
+ Cần nỗ lực học tập, nỗ lực làm việc để xây dựng tương lai tốt đẹp nhằm cống hiến cho đất nước
+ Xác định cho mình cuộc sống có mục tiêu, lý tưởng cho riêng mình.
+ Quan tâm tới tình hình đất nước, tỉnh táo trước những hành động lợi dụng xấu xa của kẻ thù.
+ Phê phán những người trẻ không có lý tưởng, đua đòi học theo cái xấu, cái ác gây hại cho đất nước.
- Liên hệ bản thân.
-/-
Trên đây là đáp án đề thi học kì 1 môn Ngữ văn 9 quận Ba Đình năm học 2019/2020 do Đọc tài liệu thực hiện, mong rằng với nội dung này sẽ giúp các em ôn tập kiến thức thi cuối kì 1 tốt hơn.