Chi tiết đề thi như sau:
Trường: Tiểu học Krông Búk Tên: .......... .......... ............ Lớp: .......... | BÀI KIỂM TRA ĐỊNH KÌ GIỮA HỌC KÌ I Năm học 2019 - 2020 Môn: Tiếng việt 5 Thời gian: 90 phút |
Phần I. (4đ) Đọc – hiểu:
Đọc thầm bài văn sau:
BIỂN ĐẸP
Buổi sớm nắng sáng. Những cánh buồm nâu trên biển được nắng chiếu vào hồng rực lên như đàn bướm múa lượn giữa trời xanh.
Lại đến một buổi chiều gió mùa đông bắc vừa dừng. Biển lặng đỏ đục, đầy như mâm bánh đúc, loáng thoáng những con thuyền như những hạt lạc ai đem rắc lên trên.
Rồi ngày mưa rào. Mưa giăng giăng bốn phía. Có quãng nắng xuyên xuống biển óng ánh đủ màu : xanh lá mạ, tím phớt, hồng, xanh biếc,... Có quãng biển thâm xì, nặng trịch. Những cánh buồm ra khỏi cơn mưa, ướt đẫm, thẫm lại, khoẻ nhẹ, bồi hồi, như ngực áo bác nông dân cày xong ruộng về bị ướt.
Có buổi sớm nắng mờ, biển bốc hơi nước, không nom thấy núi xa, chỉ một màu trắng đục. Không có thuyền, không có sóng, không có mây, không có sắc biếc của da trời.
Một buổi chiều lạnh, nắng tắt sớm. Những núi xa màu lam nhạt pha màu trắng sữa. Không có gió, mà sóng vẫn đổ đều đều, rì rầm. Nước biển dâng đầy, quánh đặc một màu bạc trắng, lăn tăn như bột phấn trên da quả nhót.
Chiều nắng tàn, mát dịu. Biển xanh veo màu mảnh chai. Núi xa tím pha hồng. Những con sóng nhè nhẹ liếm lên bãi cát, bọt sóng màu bưởi đào.
Mặt trời xế trưa bị mây che lỗ đỗ. Những tia nắng dát vàng một vùng biển tròn, làm nổi bật những cánh buồm duyên dáng như ánh sáng chiếc đèn sân khấu khổng lồ đang chiếu cho các nàng tiên biển múa vui.
Thế đấy, biển luôn thay đổi màu tuỳ theo sắc mây trời. Trời xanh thẳm, biển cũng thẳm xanh như dâng cao lên, chắc nịch. Trời rải mây trắng nhạt, biển mơ màng dịu hơi sương. Trời âm u mây mưa, biển xám xịt nặng nề. Trời ầm ầm dông gió, biển đục ngầu, giận dữ,... Như một con người biết buồn vui, biển lúc tẻ nhạt, lạnh lùng, lúc sôi nổi, hả hê, lúc đăm chiêu, gắt gỏng. Biển nhiều khi rất đẹp, ai cũng thấy như thế. Nhưng có một điều ít ai chú ý là : vẻ đẹp của biển, vẻ đẹp kì diệu muôn màu muôn sắc ấy phần rất lớn là do mây, trời và ánh sáng tạo nên.
(Vũ Tú Nam)
Dựa vào nội dung bài đọc trên, em hãy khoanh vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng hoặc làm theo yêu cầu:
Câu 1: Bài văn thuộc kiểu bài gì?
A.Tả đồ vật
B. Tả cây cối
C. Tả cảnh
D. Kể chuyện
Câu 2. Khi nào thì: "Biển lặng đỏ đục, đầy như mâm bánh đúc, loáng thoáng những con thuyền như những hạt lạc ai đem rắc lên trên." ?
A. Buổi sớm nắng sáng.
B. Buổi sớm nắng mờ.
C. Buổi chiều gió mùa đông bắc vừa dừng.
D. Một buổi chiều nắng tàn, mát dịu.
Câu 3. Trong câu: “Những cánh buồm ra khỏi cơn mưa, ướt đẫm thẫm lại, khoẻ nhẹ, bồi hồi, như ngực bác nông dân cày xong ruộng về bị ướt.” Hình ảnh “Những cánh buồm” được so sánh với hình ảnh “ngực bác nông dân” dựa vào đặc điểm nào để so sánh?
A. Ướt đẫm lại
B. Bồi hồi
C. Khoẻ nhẹ
D. Cả ba ý trên.
Câu 4. Bài văn này tác giả tả cảnh biển bằng cách:
A. Tả theo trật tự thời gian trong ngày. Dùng cách liên tưởng thú vị cho ta thấy biển có tâm trạng như một con người.
B. Từng bộ phận của biến với cách quan sát độc đáo của tác giả.
C. Tả cảnh biển vào các thời điểm khác nhau. Bằng cách so sánh, nhân hoá và liên tưởng, bài văn đã cho người đọc thấy được vẻ độc đáo của biển.
D. Cả 3 ý trên đều đúng.
Câu 5. Câu: “Biển lặng đỏ đục, đầy như mâm bánh đúc, loáng thoáng những con thuyền như ...” Từ đồng âm với tiếng “đục” trong từ “đỏ đục” là:
A. Đục ngầu.
B. Đục đẽo.
C. Vẩn đục.
D. Trong đục.
Câu 6. Trong câu: “Những cánh buồm nâu trên biển được nắng chiếu vào hồng rực lên như đàn bướm múa lượn giữa trời xanh.”. Tiếng “cánh” trong từ “cánh buồm” là không giống tiếng “cánh” trong từ :
A. Cánh diều
B. Cánh hoa
C. Cánh đồng
D. Cánh én
Câu 7. Tìm các cặp từ trái nghĩa có trong hai câu sau:
a) Trời trong xanh, biển nhẹ nhàng, trời âm u, biển nặng nề.
b) Như con người biết buồn, vui; biển lúc lạnh lùng, đăm chiêu, lúc sôi nổi, ồn ã.
Câu 8. Trong câu : “Có quãng biển thâm xì, nặng trịch. Những cánh buồm ra khỏi cơn mưa, ướt đẫm, thẫm lại, khoẻ nhẹ, bồi hồi, như ngực áo bác nông dân cày xong ruộng về bị ướt.”
a) Hãy tìm từ đồng nghĩa với các từ đã gạch chân ở trên.
b) Đặt câu với mỗi từ vừa tìm được.
Phần II. (1,5đ)
Cảm thụ văn học: Trong bài “Việt Nam thân yêu” (TV5- tập 1), nhà thơ Nguyễn Đình Thi có viết:
Việt Nam đất nước ta ơi!
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn.
Cánh cò bay lả dập dờn,
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều.
Nêu những cảm nhận của em khi đọc đoạn thơ trên.
Phần III. (1,5đ) Chính tả:
Nhớ viết bài: “Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà” (Khổ thơ 2 và khổ thơ 3)
Phần IV. (31) Tập làm văn:
Đề: Hãy tả ngôi trường thân yêu mà em đã gắn bó trong nhiều năm qua.
Xem ngay bài văn mẫu: Tả cảnh ngôi trường thân yêu của em
- Hết -
Trên đây là đề thi giữa học kì 1 Tiếng Việt 5 - Tiểu học Krông Búk do Đọc tài liệu tổng hợp, đừng quên tham khảo các đề thi giữa học kì môn Tiếng Việt lớp 5 nữa em nhé!