Đề thi
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HUYỆN GIA LỘC ĐỀ CHÍNH THỨC | ĐỂ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG ĐỢT 1 NĂM HỌC 2019 - 2020 MÔN: NGỮ VĂN 9 Thời gian làm bài: 90 phút |
I- Phần 1: Đọc- hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Một người ăn xin đã già. Đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi. Ông chìa tay xin tôi.
Tôi lục hết túi nọ đến túi kia, không có lấy một xu, không có cả khăn tay, chẳng có gì hết.
Ông vẫn đợi tôi. Tôi chẳng biết làm thế nào. Bàn tay tôi run run nắm chặt lấy bàn tay nóng hổi của ông:
– Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì cho ông cả.
Ông nhìn tôi chăm chăm đôi môi nở nụ cười:
- Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi.
Khi ấy tôi chợt hiểu ra: cả tôi nữa tôi cũng vừa nhận được một cái gì đó của ông.
(Theo Tuốc- ghê- nhép)
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2 (0,5 điểm). Văn bản Người ăn xin liên quan đến phương châm hội thoại nào? Vì sao?
Câu 3. (0.5 điểm). Lời của các nhân vật trong câu chuyện trên được trích dẫn theo cách nào? Chỉ rõ dấu hiệu nhận biết.
Câu 4 (0,5 điểm). Vì sao người ăn xin và cậu bé trong truyện đều cảm thấy mình đã nhận được từ người kia một cái gì đó?
Câu 5
(1,0 điểm). Bài học rút ra từ văn bản trên?II. Phần 2: Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của tình yêu thương con người.
Câu 2. (5,0 điểm)
Cảm nhận của em về tám câu thơ cuối trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du, Ngữ văn 9, tập 1).
....... Hết .......
Hướng dẫn giải đề thi giữa kì 1 huyện Gia Lộc
I - Phần 1: Đọc - hiểu
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản: tự sự.
Câu 2: Văn bản Người ăn xin liên quan đến phương châm hội thoại lịch sự vì cả hai đều dùng cách thức tôn trọng trong giao tiếp với người đối thoại với mình.
Câu 3: Lời của các nhân vật trong câu chuyện trên được trích dẫn theo cách trực tiếp.
Dấu hiệu nhận biết: Lời nói được đặt sau dấu 2 chấm và giữ nguyên văn lời nói, vai vế của nhân vật.
Câu 4: Nhân vật “tôi” nhận được lời cám ơn từ ông lão, đồng thời nhận được bài học sâu sắc: Sự đồng cảm, tình người có giá trị hơn mọi thứ vật chất, của cải khác.
Câu 5:
Các bài học rút ra từ văn bản:- Sự quan tâm, lòng chân thành chính là món quà tinh thần quý giá nhất đối với những mảnh đời bất hạnh, nó vượt lên trên mọi giá trị vật chất khác.
- Phải biết yêu thương, chia sẻ, đồng cảm với hoàn cảnh, số phận của người khác
- Khi cho đi cũng chính là lúc ta nhận lại.
II. Phần 2: Làm văn
Câu 1.
Xem thêm tài liệu chi tiết tại:
Dàn ý tham khảo: Dàn ý nghị luận về ý nghĩa của tình yêu thương
Dàn ý tham khảo: Nghị luận về ý nghĩa của tình yêu thương trong cuộc sống
Câu 2.
I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả và đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”
- Giới thiệu đoạn thơ cuối (8 câu cuối)
- Cảm nhận chung của em về 8 câu thơ.
II. Thân bài
- Cặp lục bát 1: Cảm nhận về hình ảnh “cửa bể chiều hôm”, “cánh buồm xa xa”: gợi tả nỗi buồn của Kiều khi nghĩ về cha mẹ, những người sinh thành ra mình, nàng cảm thấy xót xa.
- Cặp lục bát 2: Cảm nhận về hình ảnh “ngọn nước mới sa”, “hoa trôi man mác”: gợi tả nỗi mông lung lo lắng của Kiều không biết cuộc đời sẽ trôi đi đâu về đâu. Tâm trạng của Thúy kiều lại trở về với thực tại của đời mình, trở về với nỗi đau hiện thực.
- Cặp lục bát 3: Cảm nhận hình ảnh “nội cỏ rầu rầu”, “chân mây mặt đất”: gợi tả sự vô định của Kiều. Từ láy rầu rầu gợi cho ta sự tàn úa đến thảm thương, màu xanh tàn úa, héo hắt.
- Cặp lục bát 4: Cảm nhận về hình ảnh “gió cuốn mặt duềnh”, “tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”: sự sợ hãi, hoảng hốt của Kiều. Sự lênh đênh trên chặng đường đời nhiều sóng gió trước mặt Kiều, cũng là những phong ba, gập ghềnh mà Kiều sẽ phải đi qua.
=> Điệp từ “buồn trông” được nhắc đi nhắc lại trong khổ thơ. Nó như tâm trạng của Kiều lúc này, đúng là “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
III. Kết bài
– Chi với 8 câu thơ nhưng Nguyễn Du đã vẽ lên được một bức tranh với những màu sắc xám lạnh, gợi tả tâm trạng vô cùng sống động, nhưng lại là cảm giác của sự thê lương ai oán.
-/-
Trên đây là đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn 9 của huyện Gia Lộc năm 2019 dành cho các em tham khảo, mong rằng nội dung bài thi này sẽ giúp các em sơ bộ giải đáp cùng ôn tập kiến thức tốt hơn!