Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn chuyên năm 2019 tỉnh Kiên Giang giúp các em học sinh cùng quý thầy cô giáo và phụ huynh tham khảo, ôn tập.
Đề thi chuyên Văn vào lớp 10 năm 2019 Kiên Giang
Đề thi vào lớp 10 môn chuyên Văn 2019 của tỉnh Kiên Giang
gồm 5 câu hỏi. Thời gian làm bài là 150 phút. Kiến thức chủ yếu trong chương trình học môn Ngữ Văn lớp 9Chi tiết đề thi như sau:
I. ĐỌC HIỂU: (2,0 điểm) Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
"Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
- Con ơi
Trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.
- Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc,
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Từ đấy người lớn hỏi tôi:
- Bé ơi, Bé yêu gì nhất?
Nhớ lời mẹ, tôi trả lời:
- Bé yêu những người chân thật
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ.
Nhưng không? Những lời dặn dò
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vời
In lên vết son đỏ chói..."
(Trích Lời mẹ dặn, Phùng Quán, NXB Hội Nhà văn, 1957)
Câu 1 (0.5 điểm): Chỉ ra và gọi tên một thành phần biệt lập có trong đoạn trích trên.
Câu 2 (1.0 điểm): Xác định và nêu tác dụng 02 phép tu từ đã được sử dụng trong văn bản.
Câu 3 (0,5 điểm): Lời dặn của người cha trong văn bản gợi cho em nhớ lời dạy nào của Bác Hồ?
II. LÀM VĂN: (8.0 điểm)
Câu 1 (3,0 điểm):
Em hãy viết bài văn bàn về “Tuổi trẻ hiện nay sử dụng hoang phí thời gian".
Câu 2 (5,0 điểm):
Cảm nhận của em về lẽ sống đẹp của con người Việt Nam qua hai tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long, Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015) và Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải, Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)./.
----Hết----
Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Văn chuyên năm 2019 Kiên Giang
Lời giải đề thi chuyên Văn vào lớp 10 năm 2019 tỉnh Kiên Giang
được biên soạn mang mục đích tham khảo:I. ĐỌC HIỂU:
Câu 1: Một thành phần biệt lập có trong đoạn trích trên: thành phần gọi đáp ("Con ơi", "Mẹ ơi", "Bé ơi")
Câu 2: 02 phép tu từ đã được sử dụng trong văn bản:
+ Đối lập: cười – khóc; yêu – ghét; ngon ngọt nuông chiều – cầm dao dọa giết.
+ Điệp cấu trúc: Dù… cũng không…
- Tác dụng: Làm cho đoạn thơ trở nên sinh động, gợi cảm, nhấn mạnh và làm rõ quan niệm sống làm người chân thật.
Câu 3: Lời dặn của người cha trong văn bản gợi cho em nhớ lời dạy của Bác Hồ: Khiêm tốn thật thà dũng cảm.
II. LÀM VĂN:
Câu 1:
Văn mẫu: Nghị luận về hiện tượng lãng phí thời gian nhàn rỗi của giới trẻ hiện nay
Câu 2 (5,0 điểm):
Dàn ý chi tiết:
1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề: “Mỗi một tác phẩm hay là lời đề nghị cho một cách sống đẹp”.
- Giới hạn vấn đề: Các tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ“ của Thanh Hải và “Lặng lẽ Sa Pa“ của Nguyễn Thành Long đã cho em hiểu về vẻ đẹp của con người, vẻ đẹp của lẽ sống hiến dâng cuộc đời.
2. Thân bài:
a. Giải thích:
- “Lẽ sống đẹp“ là cách sống của những con người có lí tưởng, có ước mơ và hoài bão. Họ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và khao khát hiến dâng cho cuộc đời những việc làm có ý nghĩa nhất của mình.
b. Phân tích:
* Lẽ sống đẹp là sống có lí tưỡng ước mơ và hoài bão , luôn yêu nghề
- Trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa, lẽ sống đẹp thể hiện ở người thanh niên 27 tuổi sống ở đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét, nơi “Bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo“. ”Công việc của anh là “Đo gió, đo mưa, đo chấn động của trái đất…”.
+ Anh sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt, công việc tẻ nhạt nhưng gian khổ nhất là chống chọi với cô đơn.
+ Suy nghĩ đúng đắn: “Mình sinh ra ở đâu ? Mình vì ai mà làm việc ?“; “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được“; “Công việc của cháu tẻ nhạt là thế chứ cất nó đi cháu buồn chết mất”
+ Anh hiểu nghĩa của công việc âm thầm của mình nhưng lại góp phần phục vụ cuộc sống sản xuất và chiến đấu của nhân dân Miền Bắc. Anh hạnh phúc với điều đấy.
* Sống đẹp còn là cách sống giàu tình cảm, chân thành và khiêm tốn
- Anh thanh niên vui thích đến cuống cuồng khi có khách đến chơi. Anh nói to cả những điều lẽ ra không nên nói. Anh chu đáo ân cần với tất cả. Một bó hoa cho cô gái, một giỏ trứng cho ông họa sĩ, gói củ tam thất cho bác lái xe… Tất cả đều thể hiện một tình cảm nồng hậu anh dành cho mọi người. (Phân tích)
- Khiêm tốn, chân thành khi anh thanh niên từ chối ông họa sĩ: “Không, không, bác đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng cho bác vẽ hơn”. Trong suy nghĩ của anh, ông kỹ sư ở vườn rau SaPa, đồng chí nghiên cứu khoa học, anh bạn làm trên đỉnh Phan-xi-păng và nhiều người khác nữa đáng được vẽ hơn vì đóng góp của họ cho đất nước. (Phân tích)
* Lẽ sống đẹp là sống có ước mơ, khát vọng mãnh liệt được cống hiến cho quê hương
- Trong Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải đã viết: “Ta làm con chim hót… xao xuyến“ (Phân tích)
+ Liệt kê các hình ảnh ẩn dụ tượng trưng đẹp, những nguyện ước khiêm tốn, chân thành
+ Đó là khát vọng sống hoà nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp, dù nhỏ bé, của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước.
- Khát khao cống hiến cả cuộc đời mình cho mùa xuân của đất nước: “Một mùa xuân... tóc bạc“ (Phân tích)
+ Sáng tạo một hình ảnh ẩn dụ tượng trưng, các tính từ, động từ thể hiện thái độ và hành động cống hiến đáng trân trọng. Hình ảnh hoán dụ, tổng kết cả cuộc đời khát khao cống hiến cho cuộc sống mến yêu.
+ Thái độ "lặng lẽ dâng cho đời” nói lên ý nguyện thật khiêm nhường nhưng hết sức bền bỉ và vô cùng đáng quý vì đó là những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời.
+ Dù nằm trên giường bệnh, lực tàn hơi kiệt nhưng nhà thơ vẫn vượt lên trên nỗi đau riêng để cống hiến cho cuộc đời. Qua đó ta thấy nghị lực, niềm tin yêu cuộc đời của nhà thơ.
* Lẽ sống đẹp còn ở những con người ngày đêm lặng thầm lo nghĩ cho đất nước
- Ông kỹ sư ở vườn rau dưới SaPa cần mẫn với công việc thụ phấn hoa như con ong lặng lẽ hút mật cho đời chỉ với mong muốn “củ su hào nhân dân miền Bắc nước ta ăn được to hơn, ngọt hơn trước”. Đồng chí nghiên cứu khoa học “mười một năm không một ngày xa cơ quan”, suốt ngày “trong tư thế chờ sét”. Anh đang cố gắng hoàn tất bản đồ sét riêng cho đất nước. Anh chính là hình ảnh của những con người quên mình vì nhiệm vụ.
->Tất cả những nhân vật trong truyện Lặng lẽ Sa Pa – từ chính tới phụ, từ trực tiếp đến gián tiếp xuất hiện qua lời kế của nhân vật khác – đều không có tên riêng. Điều đó đã góp phần làm nổi bật sự cống hiến lặng lẽ của những người lao động mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
c. Đánh giá:
- Tóm lại, Lặng lẽ Sa Pa với cốt truyện giản đơn, cuộc gặp gỡ chỉ trong ba mươi phút nhưng tác giả giúp ta khám phá ra được biết bao vẻ đẹp trong tâm hồn của những người lao động lặng thầm.
- Mùa xuân nho nhỏ là những vần thơ đẹp, các hình ảnh ẩn dụ tượng trưng đầy sáng tạo. Trong tác phẩm là tình yêu cuộc sống và khao khát cống hiến cho đời .
- Qua hai tác phẩm trong dòng văn học hiện đại đã mang lại cái nhìn đúng đắn về vẻ đẹp của nhân cách con người, về thái độ sống. Ta càng yêu quí, trân trọng, tự hào về họ.
3. Kết bài:
- Quả thực văn học có tiếng nói riêng, con đường riêng tác động vào nhận thức, tình cảm của con người.
- Chúng ta tự xây dựng cho mình những lẽ sống đẹp. Sống có ước mơ hoài bão, sống biết cống hiến cho cuộc đời.
Xem thêm: