Đề tham khảo tuyển sinh vào 10 môn Văn tỉnh Vĩnh Long năm 2020

Xuất bản: 06/05/2020 - Tác giả: Giangdh

Đáp án đề thi tham khảo tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn tỉnh Vĩnh Long năm 2020 với yêu cầu trình bày suy nghĩ về tính kiêu ngạo.

Sở GD&ĐT Vĩnh Long vừa công bố đề thi tham khảo tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020/2021 môn Văn như sau:

Đề thi tham khảo vào 10 môn Văn tỉnh Vĩnh Long năm 2020

I. ĐỌC HIỂU: (3.0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

“Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”, đúng như ông bà ta từ xa xưa đã nói. Trong xã hội hiện nay, tiếng dữ càng lan truyền nhanh hơn, rộng hơn gấp vạn lần bởi các trang mạng xã hội.

Những cái “like” vô tình, “share” theo phong trào và “comment” cố ý để gây ấn tượng đã góp phần rất lớn cho cái xấu lan xa hơn.

“Tiếng dữ đồn xa” dường như đã làm mất đi lối sống đẹp của giới trẻ ngày nay. Vậy tại sao chúng ta không làm cho “tiếng lành đồn xa”?

Theo tôi, chúng ta có thể bắt đầu ngay chính từ những trang mạng xã hội. Hãy phát động từ trường học, cơ quan, xí nghiệp đến ban ngành, đoàn thể nhân rộng các câu chuyện đẹp, hành động tử tế trên mạng xã hội, nghĩa là mọi người chỉ “like, share, comment” những tin tức, hình ảnh về việc tốt, người tốt và tuyệt đối không làm những điều này với những tin tức về cái xấu, cái ác.

Lối sống đẹp, điều thiện chỉ có thể bắt đầu khi “tai nghe, mắt thấy” thường xuyên từ những chuyện tốt đẹp.

(Chia sẻ của Lê Phương Trí, đăng trên Xây dựng lối sống đẹp: đừng vội quy chụp cho người trẻ -

Quốc Linh, www.tuoitre.vn, 19/3/2018).

Câu 1: Người chia sẻ đã nêu ra nguyên nhân nào khiến cái xấu dễ lan xa? (0,5 điểm)

Câu 2: Em hiểu như thế nào về nghĩa của từ “tiếng lành”? (0.5 điểm)

Câu 3: Vì sao “Lối sống đẹp, điều thiện chỉ có thể bắt đầu khi “tai nghe, mắt thấy” thường xuyên từ những chuyện tốt đẹp”? (1.0 điểm)

Câu 4:

a) Thế nào là khởi ngữ? (0,5 điểm)

b) Câu nào sau đây không có khởi ngữ? Chuyển câu đó thành câu có khởi ngữ. (0.5 điểm)

  • (1) - Lối sống đẹp, ta có thể bắt gặp ở mọi nơi.
  • (2) - Mọi người cần có cách ứng xử đúng đắn trước cái xấu.

II. LÀM VĂN: (7.0 điểm) 

Câu 1: (2.0 điểm)

Viết đoạn văn (khoảng 01 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về tính kiêu ngạo.

Câu 2: (5.0 điểm) 

Phân tích vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương trong đạo làm dâu, làm vợ, làm mẹ, đoạn từ khi mới về nhà.

HẾT

Đáp án đề thi tham khảo vào 10 môn Văn Vĩnh Long năm 2020

Câu 1: Người chia sẻ đã nêu ra các nguyên nhân khiến cái xấu dễ lan xa: những cái “like” vô tình, “share” theo phong trào và “comment” cố ý

Câu 2

: "tiếng lành” ở đây là chỉ những người, những việc tốt đẹp trong cuộc sống.

Câu 3: Vì sao “Lối sống đẹp, điều thiện chỉ có thể bắt đầu khi “tai nghe, mắt thấy” thường xuyên từ những chuyện tốt đẹp”?

Để có một lối sống đẹp không phải chỉ ngày một ngày hai có thể làm được, mà nó còn phải thể hiện ở nhũng hành động thực tế, mà muốn lan tỏa được những lối sống đẹp thì ta cần phải thực hiện lan tỏa để mọi người xung quanh đều có thể “tai nghe, mắt thấy”, mà việc này cần phải làm thường xuyên. đồng thời cũng cần phê phán những lối sống tiêu cực, ích kỉ, những điều xấu xa.

Ví dụ như "ATM gạo" ở Việt Nam, chỉ một hành động nhỏ của một cá nhân tới địa phương, rồi lan tỏa ra toàn quốc, giúp những ai có hoàn cảnh khó khăn trong thời kỳ đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Câu 4:

a) Khởi ngữ là thành phần câu đứng trước chủ ngữ để nêu lên đề tài được nói đến trong câu.

b) Câu không có khởi ngữ: (2) - Mọi người cần có cách ứng xử đúng đắn trước cái xấu.

Chuyển câu đó thành câu có khởi ngữ: Trước cái xấu, mọi người cần có cách ứng xử đúng đắn.

II. LÀM VĂN:

Câu 1:

Đoạn văn tham khảo:

Trong cuộc sống, biết tự tin vào bản thân là một điều tốt và cần phát huy nhưng có một số người lại biến sự tự tin ấy trở thành sự kiêu ngạo của bản thân. Kiêu ngạo dùng để ám chỉ những người luôn tự tin một cách thái quá vào bản thân, luôn coi mình là nhất mà không coi người khác ra gì. Người có đức tính kiêu ngạo luôn bảo vệ ý kiến của bản thân mà không quan tâm tới người khác. Có một số người còn thể hiện sự kiêu ngạo  bằng cách coi thường những thứ mà họ nghĩ là "thấp kém hơn mình". Như một vài người "tầng lớp trên" - người có cả tiền tài và địa vị, họ nhìn những người nghèo khổ bằng thái độ khinh khỉnh. Không ở đâu xa, ngay trong trường học, có những học sinh học rất giỏi nhưng họ lại luôn tự phụ, coi thường các bạn khác trong lớp… Kiêu ngạo, tự cao như một chất axit ăn mòn nhân cách và huỷ hoại cuộc sống của con người. Bởi sự kiêu ngạo, thói tự cao sẽ kéo theo những đức tính xấu khác như sự ích kỷ, bảo thủ. Chính vì luôn cho mình là đúng, luôn cho những thứ của mình là tốt nhất nên con người thường không muốn san sẻ những điều mình có cho bất cứ một ai khác. Cuối cùng, họ trở thành những con người cô đơn, cô độc nhất. Việc ta cần làm để tránh đi thói tự cao, kiêu ngạo chính là học cách sống chậm lại, suy nghĩ và nhìn nhận mọi việc rộng rãi hơn. Tất nhiên, bản thân chúng ta vẫn phải nỗ lực, rèn luyện để hoàn thiện bản thân, hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Câu 2: 

Phân tích vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương trong đạo làm dâu, làm vợ, làm mẹ, đoạn từ khi mới về nhà.

Tham khảo chi tiết yêu cầu phân tích trong bài văn mẫu: Phân tích nhân vật Vũ Nương

********

Trên đây là đáp án đề thi tham khảo tuyển sinh vào 10 môn Văn tỉnh Vĩnh Long năm 2020, mong rằng với nội dung này các em sẽ thử sức đề thi thử vào lớp 10 năm 2020 môn văn và ôn luyện kiến thức thật tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM