Bổ sung vào bộ đề thi thử vào lớp 10 môn Văn của Sở Bà Rịa Vũng Tàu mới nhất sẽ giúp cho các em học sinh tham khảo cũng là nhằm đánh giá chất lượng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào 10 sắp tới của toàn thể học sinh lớp 9.
Đề thi tham khảo vào 10 môn Văn mẫu số 3 này bao gồm 2 phần, thí sinh làm bài trong thời gian 120 phút. Đề thi nằm trong bộ đề thi thử vào 10 môn văn do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp.
Chi tiết đề thi thử vào lớp 10 môn văn này như sau:
Đề tham khảo vào 10 môn văn 2024 Bà Rịa Vũng Tàu số 3
I. Đọc hiểu: (3.0 điểm) Đọc văn bản sau:
Bất cứ ai cũng từng thất bại, từng vấp ngã ít nhất một lần trong đời như một quy luật bất biến của tự nhiên. Có nhiều người có khả năng vực dậy, đứng lên rồi nhẹ nhàng bước tiếp như thể chẳng có chuyện gì xảy ra, nhưng cũng có những người chỉ có thể ngồi một chỗ và vẫn luôn tự hỏi lí do vì sao bản thân lại có thể dễ dàng “mắc bẫy” đến như thế…
Bất kì vấp ngã nào trong cuộc sống cũng mang lại cho ta một bài học đáng giá: về một bài toán đã áp dụng cách giải sai, về lòng tốt đã gửi nhầm chủ nhân hay về một tình yêu lâu dài bỗng phát hiện trao nhầm đối tượng…
Đừng để khi tia nắng ngoài kia đã lên mà con tim vẫn còn băng lạnh. Đừng để khi cơn mưa kia đã tạnh mà những giọt nước mắt trên mi mắt vẫn còn tuôn rơi. Thời gian làm tuổi trẻ trôi đi nhanh lắm, không gì là mãi mãi, nên hãy sống hết mình để không nuối tiếc những gì còn lại trong quá khứ mà thôi.
(Trích Hãy học đứng lên sau vấp ngã, theo vietgiaitri.com)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 2. Tìm một câu văn nói lên thái độ tích cực và tiêu cực của con người trước thất bại.
Câu 3. Xác định và nêu tác dụng của biện pháp ẩn dụ trong các câu văn sau: “Đừng để khi tia nắng ngoài kia đã lên mà con tim vẫn còn băng lạnh. Đừng để khi cơn mưa kia đã tạnh mà những giọt nước mắt trên mi mắt vẫn còn tuôn rơi.”.
Câu 4. Em rút ra bài học gì từ văn bản trên?
II. Tập làm văn: (7.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Viết đoạn văn (khoảng 01 trang giấy thi ) nêu suy nghĩ của em về vai trò của nghị lực sống đối với con người.
Câu 2. (5.0 điểm)
Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt:
“…Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa !”
Hết
(Tải tài liệu đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 này hoàn toàn miễn phí trong file đính kèm bên dưới!)
Đáp án đề thi thử vào 10 môn văn 2024 Bà Rịa Vũng Tàu số 3
I. Đọc hiểu
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2. Câu văn nói lên thái độ tích cực và tiêu cực của con người trước thất bại là: “Có nhiều người có khả năng vực dậy, đứng lên rồi nhẹ nhàng bước tiếp như thể chẳng có chuyện gì xảy ra, nhưng cũng có những người chỉ có thể ngồi một chỗ và vẫn luôn tự hỏi lí do vì sao bản thân lại có thể dễ dàng “mắc bẫy” đến như thế…”
Câu 3.
- Ẩn dụ “ tia nắng đã lên”, “cơn mưa đã tạnh” (chỉ cơ hội, hoàn cảnh thuận lợi), “con tim băng lạnh”, “nước mắt tuôn rơi” (chỉ thái độ sống bi quan, yếu đuối)
- Tác dụng: làm cho lời khuyên dạy thêm ấn tượng, giàu hình ảnh và cảm xúc
Câu 4. Có thể có nhiều cách diễn đạt về bài học rút ra từ văn bản:
- Thất bại không phải là điều đáng sợ nên cần phải kiên trì, quyết tâm tiếp tục phấn đấu để đi đến thành công.
- Nên sống lạc quan, tích cực, cần phải biết rút kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại.
- Luôn kiên trì, nỗ lực không ngừng, coi thất bại là bài học quý giá để rút kinh nghiệm.
II. Tập làm văn:
Câu 1.
a. Yêu cầu về hình thức, kỹ năng:
- Đảm bảo đúng hình thức đoạn văn, bố cục rõ ràng; dùng từ, đặt câu chuẩn xác; chữ viết rõ ràng, sạch đẹp, đúng chính tả;
- Vận dụng tốt các thao tác lập luận như giải thích, phân tích, tổng hợp ; thể hiện được suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận.
b. Yêu cầu về nội dung: Sau đây là một số gợi ý
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: vai trò của nghị lực sống.
- Giải thích: Nghị lực là ý chí, là bản lĩnh, lòng quyết tâm vươn lên trong cuộc sống
- Bàn luận vấn đề:
+ Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng, thuận lợi mà có những lúc đầy khó khăn, thử thách, thậm chí có khi thất bại.
+ Nghị lực sống sẽ tạo ra sức mạnh giúp con người vượt qua tất cả. Nếu không có nghị lực thì chỉ chuốc lấy thất bại, bị bào mòn trong đau khổ.
+ Người có nghị lực sống là người mạnh mẽ, bản lĩnh, khẳng định được giá trị bản thân.
+ Trong cuộc sống có rất nhiều tấm gương về nghị lực vượt khó: Bác Hồ, thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí,…
- Phê phán: những người sống bi quan, nản chí, thiếu nỗ lực cố gắng vươn lên.
- Bài học: kiên trì trong học tập, rèn luyện, có bản lĩnh trước khó khăn và cả những cám dỗ cuộc đời.
- Khẳng định sự cần thiết phải rèn luyện nghị lực sống vì “ Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường.”.
Câu 2.
a. Yêu cầu về kĩ năng, hình thức
- Học sinh viết đúng kiểu bài văn nghị luận về một đoạn thơ;
- Bố cục đảm bảo 3 phần: Mở bài –Thân bài - Kết bài;
- Viết văn mạch lạc, có cảm xúc, hạn chế mắc lỗi về dùng từ, đặt câu, chính tả.
b. Yêu cầu về kiến thức
* Mở bài:
- Giới thiệu về nhà thơ Bằng Việt và bài thơ “Bếp lửa”;
- Nêu vị trí, cảm nhận chung về đoạn thơ.
* Thân bài
1. Phân tích
- Từ những hồi tưởng kỉ niệm về tuổi thơ sống với bà ở đoạn thơ trên, người cháu suy ngẫm về cuộc đời bà qua ba dòng thơ đầu:
+ phân tích giá trị biểu cảm của từ láy “lận đận”, ẩn dụ “nắng mưa” làm nổi bật một cuộc đời bà đầy vất vả, tần tảo…
+ các từ ngữ “thói quen dậy sớm, mấy chục năm rồi” thể hiện rằng suốt cuộc đời bà lo cho con cháu.
- Người cháu suy ngẫm về bếp lửa và việc bà nhóm lửa trong 5 dòng thơ tiếp theo:
+ Điệp từ “nhóm” và biện pháp ẩn dụ gợi nhiều cảm xúc và liên tưởng sâu sắc. Việc nhóm lửa của bà vừa mang ý nghĩa thực vừa mang ý nghĩa sâu xa. Bà không những là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa bền bỉ. Đó là ngọn lửa của cuộc sống, của yêu thương, của niềm tin, mơ ước bà thắp lên trong tâm hồn người cháu, tỏa sáng, dìu dắt, nâng đỡ cháu trên đường đời…
+ Câu thơ cuối với hình thức câu cảm thán, dấu gạch nối tách riêng, nhấn mạnh hai từ “bếp lửa” nói lên niềm xúc động chân thành của người cháu về bà, về mối liên hệ đầy ý nghĩa giữa cuộc đời bà và bếp lửa bình dị, quen thuộc.
2. Khái quát:
- Hình ảnh người bà hiện lên mang nhiều vẻ đẹp cao quý, tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam.
- Người cháu dành cho bà tình cảm kính yêu, trân trọng và biết ơn sâu nặng. Đó là cơ sở cho tình yêu quê hương, đất nước, biểu hiện của lẽ sống ân tình, thủy chung.
* Kết bài
- Đánh giá đoạn thơ;
- Nêu cảm nghĩ, liên hệ thực tế bản thân.
* Lưu ý: Những bài làm diễn xuôi thơ thì chấm điểm tối đa là 1,5.
-/-
Với đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2024 này, Đọc Tài Liệu hy vọng các em học sinh sẽ ôn tập tốt, rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức để vượt qua kỳ thi sắp tới một cách thành công. Em hãy truy cập doctailieu.com mỗi ngày để tham khảo thêm kho đề thi thử vào lớp 10 năm 2024 có đáp án chi tiết vô cùng phong phú của chúng tôi nhé.
Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!