Đề tham khảo 2 thi thử vào 10 môn Văn năm 2024 tỉnh BRVT

Xuất bản: 07/05/2024 - Tác giả:

Đề tham khảo 2 thi thử vào 10 môn Văn năm 2024 tỉnh BRVT có đáp án dành riêng cho các em học sinh lớp 9 tại Vũng Tàu thử sức và trải nghiệm tại nhà.

Bổ sung vào bộ đề thi thử vào lớp 10 môn Văn của Sở Bà Rịa Vũng Tàu mới nhất sẽ giúp cho các em học sinh tham khảo cũng là nhằm đánh giá chất lượng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào 10 sắp tới của toàn thể học sinh lớp 9.

Đề thi tham khảo vào 10 môn Văn mẫu số 2 này bao gồm 2 phần, thí sinh làm bài trong thời gian 120 phút. Đề thi nằm trong bộ đề thi thử vào 10 môn văn do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp.

Chi tiết đề thi thử vào lớp 10 môn văn này như sau:

Đề tham khảo vào 10 môn văn 2024 Bà Rịa Vũng Tàu số 2

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) 

Đọc đoạn trích sau đây và thực hiện các yêu cầu:

Suy nghĩ tích cực là một trạng thái tâm lý và cảm xúc tập trung vào những mặt tốt và kỳ vọng vào những kết quả tích cực. Xây dựng và duy trì một thái độ tích cực không chỉ liên quan đến những suy nghĩ vui vẻ. Nó là sự mong đợi những điều tốt (hạnh phúc, sức khỏe và sự thành đạt) và là niềm tin rằng mọi thứ - hoàn cảnh, chướng ngại và khó khăn - cuối cùng cũng sẽ đâu vào đấy.

Lạc quan không phải là lờ đi những điều tiêu cực mà là thừa nhận có tiêu cực nhưng chọn hướng tập trung vào những điều tích cực. Nói cho cùng, nó chỉ đơn giản là niềm tin cho rằng dù hoàn cảnh hiện tại như thế nào thì mọi chuyện rồi sẽ được giải quyết ổn thỏa. Tâm tích cực xuất phát từ một trái tim đầy niềm tin.

Sống tích cực có thể không dễ dàng. Lạc quan sẽ nhìn thẳng vào chướng ngại, chủ động bỏ qua chướng ngại và giữ vững niềm tin. Rắc rối xuất hiện khi chướng ngại bắt đầu che khuất tầm nhìn của lạc quan. Tính tích cực có thể bắt đầu suy yếu khi bạn bị tấn công bởi một chuỗi những tiêu cực, thất bại, thất vọng và đau lòng. Mọi thử thách mà ta phải đối mặt sẽ lấy đi của ta năng lượng, khả năng chống chọi và một chút lòng tin. Một khi nguồn lực tích cực (năng lượng, sức chống chọi, lòng tin) cạn kiệt, bi quan sẽ từ từ len lỏi vào và nắm quyền kiểm soát.

( Theo lifehack.org, 24/12/2017)

Câu 1 (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên?

Câu 2 (1,5 điểm) 

a/ Theo tác giả, thế nào là suy nghĩ tích cực?

b/ Chỉ ra và gọi tên 1 thành phần biệt lập có trong đoạn văn sau: “Xây dựng và duy trì một thái độ tích cực không chỉ liên quan đến những suy nghĩ vui vẻ. Nó là sự mong đợi những điều tốt (hạnh phúc, sức khỏe và sự thành đạt) và là niềm tin rằng mọi thứ - hoàn cảnh, chướng ngại và khó khăn - cuối cùng cũng sẽ đâu vào đấy”.

Câu 3 (1,0 điểm) Anh/chị có đồng tình với ý kiến: “Mọi thử thách mà ta phải đối mặt sẽ lấy đi của ta năng lượng, khả năng chống chọi và một chút lòng tin.” không? Vì sao?

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm) Từ nội dung Đọc hiểu, anh / chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 1 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của việc con người luôn duy trì năng lượng tích cực.

Câu 2 (5,0 điểm) Cảm nhận của em về tình cảm của bé Thu dành cho ba trong đoạn văn sau:

“…Chúng tôi, mọi người - kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lung, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:

- Ba…a…a…ba!

Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và giang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên.

Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó, vừa nói trong tiếng khóc:

- Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!

Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa…”

(Trích Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, tập 1)

Hết

(Tải tài liệu đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 này hoàn toàn miễn phí trong file đính kèm bên dưới!)

Đáp án đề thi thử vào 10 môn văn 2024 Bà Rịa Vũng Tàu số 2

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2.

a/ Theo tác giả: Suy nghĩ tích cực là một trạng thái tâm lý và cảm xúc tập trung vào những mặt tối và kỳ vọng vào những kết quả tích cực.

b/ Thành phần phụ chú:

+ hạnh phúc sức khỏe và sự thành đạt

+ hoàn cảnh, chướng ngại và khó khan

Câu 3. Thí sinh có thể đồng tình, không đồng tình hoặc đồng tình một phần nhưng phải lí giải hợp lí, thuyết phục.

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

HS viết đúng bố cục một đoạn văn, có thể trình bày đoạn văn theo lối diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích, hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: ý nghĩa của việc con người luôn duy trì năng lượng tích cực.

c. Triển khai vấn đề cần nghị luận

- HS lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề theo nhiều cách, giáo viên trân trọng những sáng tạo hợp lí của học sinh.

- HS sử dụng kiến thức và những hiểu biết về xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản, kĩ năng bày tỏ quan điểm riêng của mình để làm bài

- HS có thể triển khai vấn đề theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lý lẽ và căn cứ xác đáng, được bày tỏ quan điểm của mình nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, khách quan

- Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

- Duy trì năng lượng tích cực là luôn giữ trong mình những suy nghĩ, cảm xúc vui vẻ, tràn đầy niềm tin tưởng, lạc quan.

- Ý nghĩa của việc duy trì nguồn năng lượng tích cực

+ Giúp con người vui vẻ, lạc quan, yêu đời; tự tin vào bản thân; hứng khởi, sáng tạo trong công việc, cuộc sống; sẵn sàng đối mặt và vượt qua những khó khăn, thử thách để vươn tới thành công…

+ Giúp gắn kết con người, lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống; góp phần thúc đẩy sự phát triển; tiến bộ của xã hội

- Phê phán những con người có thái độ sống tiêu cực bi quan

- Bài học nhận thức và hành động

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

e. Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc mới mẻ về vấn đề nghị luận.

Câu 2.

a. Đảm bảo cấu trúc của một bài nghị luận văn học

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận.

c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn: vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

Có thể viết bài theo định hướng sau:

1. Mở bài:

- Giới thiệu vài nét về Nguyễn Quang Sáng và tác phẩm Chiếc lược ngà.

- Giới thiệu vấn đề nghị luận

2.Thân bài:

2.Thân bài:

a. Khái quát:

- Tác phẩm Chiếc lược ngà sáng tác năm 1966, viết trong thời gian ông trở lại  Nam bộ tham gia kháng chiến chống Mỹ. In trong tập truyện ngắn cùng tên (1969).

- Đây là truyện ngắn thành công nhất của tác giả viết về tình cảm cao đẹp trong chiến tranh. Đó là tình cha con và tình đồng đội.

- Vị trí đoạn trích thuộc khoảng giữa nó nằm trong phần thuật lại sự việc lúc anh Sáu chuẩn bị trở về đơn vị. Đó cũng là lúc tình cảm của bé Thu dành cho ba bộc lộ một cách rõ ràng, mãnh liệt và cảm động.

b. Phân tích trình bày cảm nhận: ( 3.0 điểm)

* Luận điểm 1: Tóm tắt nội dung trước: Tình cảm cha con giữa anh Sáu và bé Thu diễn ra và biểu hiện trong hoàn cảnh thật trớ trêu, éo le:

-  Anh Sau đi kháng chiến khi Thu chưa được một tuổi, năm con gái lên tám anh được nghỉ phép về thăm nhà.

- Bé Thu không chịu nhận cha vì vết thẹo trên má.

-Thu đối xử với anh Sáu như người xa lạ, đến lúc hiểu nhận ra ba thì cũng là lúc anh Sáu phải lên đường.

>>> Xem thêm cảm nhận về nhân vật bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà

* Luận điểm 2:  Tình cảm cha con mãnh liệt của bé Thu dành cho ba.

*Khi cất tiếng gọi ba:

- Anh Sáu cất tiếng chào “thôi ba đi nghe con” chỉ chờ có thế, Thu cất tiếng gọi “ba…a….a” đầy bất ngờ và xúc động, đây tiếng gọi mà bé Thu mong chờ suốt tám năm qua. Tác giả so sánh âm vang ấy như tiếng xé vì nó xé đi trái tim của người cha sau bao ngày chờ mong, xé đi ruột gan người thân và xé đi cả trái tim cô đơn bé nhỏ của bé Thu.

- Nó còn là ân hận, tiếc nuối dày vò trong lòng con trẻ trong những ngày ở gần mà không nhận ra ba. Tiếng thết ấy thật xót xa, nghẹn ngào.

*Cuống quýt thể hiện tình cảm và níu giữ ba:

- Bé Thu vội vàng cuống quýt thể hiện tình cảm với ba một cách mãnh liệt khi nó “vừa kêu vừa chạy tới”, “chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên”. “Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó”. Đó là nụ hôn chan chứa yêu thương cũng như nỗi khao khát đan xen sự ân hận, nỗi xót xa  của những ngày đã khước từ cha.

- Bé Thu nuối tiếc những ngày qua, vì yêu ba, bé Thu “không cho ba đi nữa” cho thấy em khát khao tình cha con.

- Tình cảm cha con ấy đã gây nên một cảm xúc mãnh liệt đối với những người chứng kiến: tiếng kêu của bé Thu không chỉ xé sự im lặng mà còn xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa…

c. Đánh giá nghệ thuật :

+ Tình cảm của bé Thu dành cho ba của mình được nhà văn Nguyễn Quang Sáng thể hiện trong một đoạn văn có những chi tiết chọn lọc, lời văn trữ tình, giàu cảm xúc đã tô đậm lên tình cảm cha con cao quý, đáng trân trọng…

3. Kết bài:

- Tổng kết, đánh giá chung: một đoạn văn tự sự, có tính chất trữ tình, với những chi tiết đặc sắc đã thể hiện được tình cảm chan chứa sâu nặng của cô con gái bé bỏng (bé Thu) dành cho ba của mình (anh Sáu) trong một hoàn cảnh trớ trêu, đầy kịch tính…

- Liên hệ:

Lưu ý :Trên đây chỉ là những gợi ý mang tính định hướng , tuỳ vào bài làm của học sinh, giáo viên chấm điểm cho phù hợp.

-/-

Với đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2024 này, Đọc Tài Liệu hy vọng các em học sinh sẽ ôn tập tốt, rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức để vượt qua kỳ thi sắp tới một cách thành công. Em hãy truy cập doctailieu.com mỗi ngày để tham khảo thêm kho đề thi thử vào lớp 10 năm 2024 có đáp án chi tiết vô cùng phong phú của chúng tôi nhé.

Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM