Đề thi mẫu Văn và Khoa học xã hội vào lớp 10 THPT chuyên ngoại ngữ

Xuất bản: 20/03/2021 - Tác giả:

Đề thi gồm 2 phần trắc nghiệm (20 câu) và tự luận (2 câu). Tổng thời gian làm bài là 55 phút

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI NGỮ

************

ĐỀ THI MẪU KỲ THI TUYỂN SINH TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGOẠI NGỮ NĂM 2021
-----------
MÔN THI: ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC VĂN VÀ KHOA HỌC XÃ HỘI
Thời gian làm bài: 55 phút
-----------

Nội dung đề thi

Phần 1 trắc nghiệm (20 câu)

Câu 1. Từ “thiên hướng” trong câu sau đây đồng nghĩa với ý nào ở dưới đây?

Nhưng bên cạnh cái mạnh đó cũng còn tồn tại không ít cái yếu. Ấy là những lỗ hổng về kiến thức cơ bản do thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng”, nhất là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề.

(Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới – Vũ Khoan)

A. bị định hướng theo những xu thế bên ngoài
B. xu thế chạy theo những thứ được đề cao
C. khuynh hướng nghiêng về những thứ nhất định một cách tự nhiên
D. khuynh hướng thiên vị những thứ được nhiều người ưa thích

Câu 2. Trong đoạn trích sau, tác giả đã dùng biện pháp tu từ nào dưới đây?

Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng.

(Hịch tướng sĩ – Trần Quốc Tuấn)

A. Chơi chữ
B. Nói quá
C. Nói giảm nói tránh
D. Hoán dụ

Câu 3. Các câu sau đây liên kết với nhau bằng phép liên kết nào?

Chàng trai trẻ, thay vì nói chuyện với người đồng nghiệp về trách nhiệm công việc hoặc tìm cách thảo luận về vấn đề này với cấp trên, đã tự mình gánh vác hết mọi việc. Không lâu sau, anh bắt đầu đuối sức.

(“The Present”- Quà tặng diệu kỳ, Bí mật đưa bạn đến hạnh phúc và thành công – Spencer Johnson, M.D)

A. Phép lặp và phép nối
B. Phép thế và phép lặp
C. Phép lặp và phép liên tưởng
D. Phép nối và phép thế

Câu 4. Hãy xác định một từ có nét nghĩa khác với các từ còn lại.

A. Nhấp nhô
B. Chông chênh
C. Xiêu vẹo
D. Bấp bênh

Câu 5. Biện pháp nghệ thuật tu từ nào đã được sử dụng trong những câu thơ sau?

Nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất
Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam.

(Đất quê ta mênh mông – Dương Hương Ly)

A. Ẩn dụ
B. Chơi chữ
C. So sánh
D. Nhân hóa

Câu 6. Hãy hoàn thành các câu văn sau đây.

Các bậc cha mẹ thường hay ……….. đam mê của con cái bằng cách ……… cho chúng một đam mê đầu đời: tập cho con thích vẽ, thích đàn và nhất là thích học. Đam mê học hỏi là niềm đam mê không bao giờ ………. con người.

(Theo Bửu Ý – Tạp chí Tia sáng, tháng 9/1999)

A. chuẩn bị - mớm - phản bội
B. dọn sẵn - gợi ý - bỏ rơi
C. đón đường - khơi dậy - bỏ rơi
D. đón đường - mớm - phản bội

Câu 7. Câu văn sau mắc lỗi gì?

Đến khu vực trung lộ, Anh Tuấn vuốt bóng bằng má ngoài chân trái, bay thẳng vào lưới trước sự bất lực của thủ thành.
A. Lỗi về chủ ngữ và vị ngữ
B. Lỗi dùng từ
C. Lỗi lô gíc
D. Lỗi về quan hệ từ

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ Câu 8 đến Câu 10:

Văn hoá đọc là một khái niệm có hai nghĩa, một nghĩa rộng và một nghĩa hẹp. Ở nghĩa rộng, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lí và cơ quan quản lí nhà nước. Như vậy, văn hoá đọc ở nghĩa rộng là sự hợp thành của ba yếu tố, hay chính xác hơn là ba lớp như ba vòng tròn không đồng tâm, ba vòng tròn giao nhau. Còn ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này cũng gồm ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kĩ năng đọc. Ba thành phần này cũng là ba vòng tròn không đồng tâm, ba vòng tròn giao nhau.

Muốn phát triển nền văn hoá đọc phải phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của các nhà quản lí và cơ quan quản lí nhà nước, của cộng đồng xã hội và của mỗi cá nhân trong xã hội. Nhưng trọng tâm và là mục đích cuối cùng của phát triển văn hoá đọc chính là phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi thành viên trong xã hội. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi cá nhân trong xã hội là thói quen đọc, sở thích đọc và kĩ năng đọc lành mạnh của họ. Đó chính là nền tảng của một xã hội học tập, của việc học suốt đời, một yêu cầu cũng là một thách thức của xã hội hiện đại.

(Văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam – Thư viện Quốc gia Việt Nam)

Câu 8. Đoạn trích trên có sự kết hợp giữa hai phương thức biểu đạt nào?

A. Biểu cảm và thuyết minh
B. Nghị luận và biểu cảm
C. Thuyết minh và nghị luận
D. Tự sự và thuyết minh

Câu 9. Trong đoạn trích trên, đối tượng nào KHÔNG được nhắc đến như là mục tiêu của việc phát triển văn hóa đọc?

A. Toàn thể xã hội như một khối thống nhất
B. Những người tổ chức, điều hành xã hội
C. Mỗi thành viên trong xã hội
D. Những người có sở thích đọc

Câu 10. Nội dung chính của đoạn trích là gì?

A. Nhiệm vụ và mục đích cuối cùng của văn hóa đọc
B. Bản chất và mục tiêu của phát triển văn hóa đọc
C. Nhiệm vụ của việc phát triển văn hóa đọc
D. Những yêu cầu để phát triển văn hóa đọc

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ Câu 11 đến Câu 12:

(1) Trong cuộc đời đầy truân chuyên của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với văn hóa nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới, cả ở phương Đông và phương Tây. (2) Trên những con tàu vượt trùng dương, Người đã ghé lại nhiều hải cảng, đã thăm các nước châu Phi, châu Á, châu Mĩ. (3) Người đã từng sống dài ngày ở Pháp, ở Anh. (4) Người nói và viết thạo nhiều thứ tiếng ngoại quốc: Pháp, Anh, Hoa, Nga…và Người đã làm nhiều nghề. (5) Có thể nói ít có vị lãnh tụ nào lại am hiểu nhiều về các dân tộc và nhân dân thế giới sâu sắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh. (6) Đến đâu Người cũng học hỏi, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật đến một mức khá uyên thâm. (7) Người cũng chịu ảnh hưởng của tất cả các nền văn hóa, đã tiếp thu mọi cái đẹp và cái hay đồng thời với việc phê phán những tiêu cực của chủ nghĩa tư bản. (8) Nhưng điều kì lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại [...].

(Phong cách Hồ Chí Minh – Lê Anh Trà)

Câu 11. Trong đoạn trích, tác giả chủ yếu sử dụng phép liên kết nào?

A. Phép nối
B. Phép lặp
C. Phép liên tưởng
D. Phép nghịch đối

Câu 12. Từ đoạn trích trên, em có suy nghĩ gì về vẻ đẹp của phong cách Hồ Chí Minh?

A. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại
B. Đó là sự kết hợp giữa giản dị và thanh cao
C. Đó là lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông
D. Đó là lối sống rất mới, rất hiện đại

Câu 13. Lựa chọn đáp án đúng nhất để điền vào chỗ trống
Nhà Tiền Lý : Vạn Xuân
Nhà Trần : __________
Nhà Hồ : Đại Ngu
Nhà Nguyễn : Việt Nam

A. Nam Việt 
B. Đại Việt
C. Lĩnh Nam
D. Trấn Nam

Câu 14. Hãy chọn 1 đáp án đúng để điền vào chỗ trống trong câu sau:

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2011, dân số Việt Nam vào khoảng 87,6 triệu người, trong đó,khoảng 68,45% dân cư sinh sống tại vùng ___________.

A. đồng bằng
B. thành thị
C. nông thôn
D. miền núi

Câu 15. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói:

“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Em hãy cho biết truyền thống nào của dân tộc ta được nhắc đến trong  câu nói trên?

A. Truyền thống thắng trận oai hùng
B. Truyền thống yêu nước, đoàn kết
C. Truyền thống tôn sư trọng đạo
D. Truyền thống đền ơn đáp nghĩa

Câu 16. Lời khuyên về hành vi ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 (Covid19) nào dưới đây là KHÔNG chính xác?

A. Rửa tay và tắm nhiều lần nhất có thể trong ngày
B. Đeo khẩu trang mọi lúc, mọi nơi
C. Đứng nói chuyện với nhau từ khoảng cách xa
D. Theo dõi thông tin về dịch trên các mạng xã hội

Câu 17. Hãy sắp xếp những sự kiện lịch sử sau đây theo trình tự thời gian:

1. Thành lập Diễn đàn khu vực ASEAN (ASEAN Regional Forum - ARF)
2. Ký kết hiệp định về Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (ASEAN Free Trade Area - AFTA)
3. Chính thức thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community - AEC)

A. 3-1-2
B. 2-1-3
C. 1-3-2
D. 2-3-1

Câu 18. Trong kì nghỉ lễ cuối năm sắp tới, gia đình Hoa sẽ lái xe ô tô xuyên Việt từ Hà Nội đi vào Nam và muốn lựa chọn kế hoạch đi qua các tỉnh thành của Việt Nam để có chặng đường đi ngắn nhất. Lựa chọn nào dưới đây là tối ưu?

A. Hoà Bình - Hà Tĩnh - Nha Trang - Gia Lai
B. Hoà Bình - Đà Nẵng - Hà Tĩnh - Nha Trang
C. Hoà Bình - Đà Nẵng - Gia Lai - Nha Trang
D. Hoà Bình - Gia Lai - Nha Trang - Đà Nẵng

Câu 19. Lựa chọn nào dưới đây thể hiện chính xác nhất về phẩm chất của nhà vật lý và vũ trụ học người Anh Stephen Hawking?

A. Sự dũng cảm, kiên trì vượt lên khó khăn để nghiên cứu khoa học
B. Nỗ lực áp dụng khoa học công nghệ để phát triển kinh tế toàn cầu
C. Tinh thần yêu chuộng, đấu tranh không ngừng nghỉ vì hoà bình thế giới
D. Lòng nhân hậu sử dụng phát minh, sáng chế vì người nghèo trên thế giới

Câu 20. Những hành vi nào dưới đây là hành vi bạo lực học đường?

1. Đập phá bàn ghế và khuôn viên trường học.
2. Xúc phạm và xỉ nhục bạn.
3. Mách giáo viên những thông tin tiêu cực của bạn.
4. Gây gổ và làm bạn bị thương.
5. Quấy rối tình dục trong khu vực trường học.

A. 2 – 3 – 4
B. 1 – 2 – 4
C. 2 – 3 – 5
D. 2 – 4 – 5

Phần II: Tự luận (2 câu)

Câu 1. Đọc đoạn trích sau:

Những dấu chân lùi lại phía sau
Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất
Mười tám hai mươi sắc như cỏ
Dày như cỏ
Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ
Cơn gió lạ một chiều không rõ rệt
Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất
Nơi đó nhất định mùa xuân sẽ bùng lên
Hơn một điều bất chợt

(Trích trường ca Những người đi tới biển – Thanh Thảo)

Trong khoảng 100 từ, hãy viết một văn bản trình bày cảm nhận của mình về hình ảnh thơ “Mười tám hai mươi sắc như cỏ/ Dày như cỏ/ Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ”.

Câu 2. Đọc đoạn trích sau:

Cháu giới thiệu với bác ông kĩ sư ở vườn rau dưới Sa Pa! Ngày này sang ngày khác ông ngồi im trong vườn su hào, rình xem cách ong lấy phấn, thụ phấn cho hoa su hào. Rồi, để được theo ý mình, tự ông cầm một chiếc que, mỗi ngày chín mười giờ sáng, lúc hoa tung cánh, đi từng cây su hào làm thay cho ong. Hàng vạn cây như vậy. Để củ su hào nhân dân toàn miền Bắc nước ta ăn được to hơn, ngọt hơn trước. Ông kĩ sư làm cháu thấy cuộc đời đẹp quá. Bác về Sa Pa vẽ ông ta đi, bác. Hay là, đồng chí nghiên cứu khoa học ở cơ quan cháu ở dưới ấy đấy. Có thể nói đồng chí ấy trong tư thế sẵn sàng suốt ngày chờ sét. Nửa đêm mưa gió rét buốt, mặc, cứ nghe sét là đồng chí choáng choàng chạy ra. Như thế mười một năm. Mười một năm không một ngày xa cơ quan. Không đi đến đâu mà tìm vợ. Đồng chí cứ sợ nhỡ có sét lại vắng mặt mình. Đồng chí đang làm một cái bản đồ sét riêng cho nước ta. Có cái bản đồ ấy thì lắm của lắm bác ạ. Của chìm nông, của chìm sâu trong lòng đất đều có thể biết, quý giá lắm. Trán đồng chí cứ hói dần đi. Nhưng cái bản đồ sét thì sắp xong rồi.

Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.

(Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long, Ngữ văn 9, tập một, trang 186, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)

Trong khoảng 300 từ, hãy viết một văn bản trình bày cảm nhận của mình về “cái lặng im của SaPa”.

HẾT

Đáp án - gợi ý

Phần trắc nghiệm

1C11B
2B12A
3D13B
4A14C
5B15B
6D16D
7A17B
8C18C
9D19A
10B20A

Gợi ý phần tự luận

Câu 1

Nội dung

- Khắc họa, làm nổi bật vẻ đẹp đặc trưng và sức sống mãnh liệt của tuổi mười tám đôi mươi: kiên cường, mạnh mẽ, đoàn kết, lãng mạn... (khai thác 4 từ “sắc, dày, yếu mềm, mãnh liệt”, thông qua các biện pháp nghệ thuật(hoán dụ: “mười tám đôi mươi” – “tuổi trẻ”, so sánh “như...”).

- Khẳng định giá trị của tuổi trẻ, ngợi ca, trân trọng và yêu tha thiết những năm tháng thanh xuân đẹp đẽ nhất của cuộc đời.

Tổ chức ý

- Viết thành bài văn hoàn chỉnh trong khoảng 100 từ.

- Không gạch đầu dòng khi tách ý.

- Sử dụng hiệu quả các phép liên kết.

Từ vựng, ngữ pháp

- Dùng từ, đặt câu chuẩn xác.

- Diễn đạt trong sáng, giàu cảm xúc và sáng tạo.

Câu 2

Nội dung

- Chỉ ra và phân tích đầy đủ, sâu sắc sự hi sinh thầm lặng của những con người đang ngày đêm làm việc ở Sa Pa thông qua việc phân tích nhân vật anh thanh niên, ông kĩ sư, anh cán bộ nghiên cứu sét. Họ lặng lẽ cống hiến cho nhân dân, cho dân tộc và đã dệt nên bài ca về tình yêu Tổ Quốc, tình yêu đất nước. Họ như những ngôi sao tỏa sáng trên bầu trời đêm, nhưng tỏa sáng bằng những đóng góp thầm lặng của họ.

- Qua đó nhà văn muốn nhắn gửi rằng cuộc sống của chúng ta được làm nên từ bao phấn đấu, hi sinh lớn lao và thầm lặng như những con người nơi Sa Pa lặng lẽ ấy, họ khiến cuộc sống này thật đáng trân trọng và đáng tin yêu. Đồng thời nhà văn muốn thức tỉnh ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân.

Tổ chức ý

- Đảm bảo hình thức bài văn nghị luận trong khoảng 300 từ.

- (Các) đoạn văn trong bài được trình bày theo (một trong) các mô hình cấu tạo đoạn văn: diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp... một cách hợp lý.

- Sử dụng hiệu quả nhiều phép liên kết khác nhau.

- Liên kết trong đoạn/giữa các đoạn tốt.

Từ vựng, ngữ pháp

- Dùng từ, đặt câu chuẩn xác.

- Diễn đạt trong sáng, giàu cảm xúc và sáng tạo

----------

Chúc các em ôn tập tốt và đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới. Đừng quên tham khảo thêm nhiều đề thi thử vào 10 năm 2021 có đáp án khác tại Đọc Tài Liệu

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM