Các đề đọc hiểu Vội vàng (Xuân Diệu)

Xuất bản: 29/04/2020 - Cập nhật: 17/09/2020 - Tác giả: Giangdh

Cùng tham khảo các đề đọc hiểu Vội vàng của Xuân Diệu để làm quen với các dạng câu hỏi đọc hiểu về văn bản này trong các kì thi em nhé!

Bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu thể hiện cái nhìn nhạy cảm với thời gian của tác giả và bộc lộ niềm khát khao giao cảm mạnh mẽ với cuộc đời. Để giúp bạn hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan đến bài thơ, cùng Đọc Tài Liệu tham khảo soạn bài Vội vàng cùng một số đề đọc hiểu dưới đây và xem gợi ý đáp án của từng đề bạn nhé:

Đề đọc hiểu Vội vàng - Xuân Diệu

Đề số 1

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm. 

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn.

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn, 

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều 

Và non nước, và cây, và cỏ rạng, 

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng, 

Cho no nê thanh sắc của thời tươi; 

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

(Trích Vội vàng – Xuân Diệu)

Câu 1. Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt của đoạn thơ trên. Lí giải vì sao?

Câu 2. Tìm các biện pháp tu từ được sử dụng, nêu tác dụng của nó trong đoạn thơ.

Câu 3. Đoạn thơ có đề cập đến tình yêu, theo anh/chị, ở đây là tình yêu đối với điều gì? Hãy viết một bài văn ngắn để nêu suy nghĩ của anh/ chị về tình yêu ấy.

Đáp án đề đọc hiểu Vội vàng số 1

Câu 1: Đoạn thơ trên thuộc thể thơ tự do, số câu chữ không giới hạn và được viết theo sáng tạo của nhà thơ

- Phương thức biểu đạt của đoạn thơ trên là: biểu cảm

Câu 2: Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ là:

- Biện pháp Điệp: Ta muốn, và, cho...

  • Tác dụng của biện pháp tu từ điệp là: Nhịp thơ gấp gáp, sôi nổi; ý thơ nhấn mạnh khát vọng tận hưởng vẻ đẹp cuộc đời và sống đẹp từng giây từng phút.

- Biện pháp liệt kê: mây đưa, gió lượn, cánh bướm, tình yêu, non, nước, mây, cỏ…

  • Tác dụng: Gợi tả vẻ đẹp tươi, mơn mởn, sự đa dạng, phong phú của thiên nhiên, của cuộc đời khiến nhà thơ đắm say, ngây ngất…

Câu 3: Đoạn thơ trên đề cập đến tình yêu cuộc sống cháy bỏng của Xuân Diệu.

- Các em có thể dựa vào những ý sau đây để viết bài:

a. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: tình yêu cuộc sống của con người.

b. Giải thích: Thế nào là tình yêu cuộc sống?

c. Đánh giá: Tình yêu cuộc sống là tình cảm tích cực. Vì:

  • Cuộc sống vô cùng quý giá.
  • Tính yêu cuộc sống gắn liền với những tình cảm cao cả khác: Yêu quê hương đất nước, yêu con người, yêu thiên nhiên…
  • Tình yêu cuộc sống đem lại động lực để sống tốt, sống đẹp.
  • Dẫn chứng: đoạn thơ trên, và nhiều tấm gương khác…

d. Phê phán: Thái độ sống hời hợt, sai lầm…

e. Bài học cho thế hệ trẻ: Học tập, lao động, sống hữu ích, thể hiện tình yêu cuộc sống bằng lối sống đẹp.

Đề số 2

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dƣới:

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất;

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi.

Của ong bướm này đây tuần tháng mật;

Này đây hoa của đồng nội xanh rì;

Này đây lá của cành tơ phơ phất;

Của yến anh này đây khúc tình si;

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,

Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;

(Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2007, tr.22)

Câu 1. Đoạn trích trên được trích từ tác phẩm nào? Của ai? Giới thiệu vài nét về tác giả đó.

Câu 2. Phân tích hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ được sử dụng trong bốn dòng thơ đầu. Vì sao nhân vật trữ tình lại muốn tắt nắng, buộc gió?

Câu 3. Sự thay đổi số tiếng trong câu thơ từ năm tiếng (bốn dòng đầu) sang tám tiếng (bảy dòng sau) có ý nghĩa gì?

Câu 4

. Phân tích tác dụng của điệp ngữ này đây.

Câu 5. Từ các hình ảnh ong bướm, tuần tháng mật, hoa của đồng nội, lá của cành tơ, yến anh, khúc tình si, nêu cảm nhận về vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên mùa xuân.

Câu 6. Theo nhà thơ, chuẩn mực của mọi vẻ đẹp là gì? Quan niệm đó được thể hiện ở những câu thơ nào trong đoạn trích? Phân tích những câu thơ đó để thấy được quan niệm của tác giả.

Đáp án đề đọc hiểu Vội vàng số 2

Câu 1: Đoạn trích trên được trích từ bài thơ Vội vàng của nhà thơ Xuân Diệu.

- Xuân Diệu (1916 – 1985) tên thật là Ngô Xuân Diệu, là một thành viên của tổ chức Tự Lực văn đoàn. Ông là một nhà văn hoá lớn có sức sáng tạo mãnh liệt, bền bỉ và sự nghiệp văn học phong phú.

Câu 2: Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong bốn dòng thơ đầu: điệp ngữ (tôi muốn), ẩn dụ chuyển đổi cảm giác (tắt nắng, buộc gió), điệp từ cho, đừng.

- Hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ được sử dụng trong bốn dòng thơ đầu là:

  • Điệp ngữ tôi muốn nhấn mạnh “cái tôi” chủ quan, “cái tôi” ƣớc muốn, khao khát rất đặc trưng cho ý thức cá nhân không chỉ của Xuân Diệu mà còn của văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945.
  • Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác tắt nắng, buộc gió thể hiện ước muốn phi lí của “cái tôi” chủ quan: ước muốn chế ngự, chi phối hiện tượng thiên nhiên khách quan, vĩnh hằng, bất biến.
  • Điệp từ cho, đừng mang đến sắc thái van nài, khẩn khoản, cho thấy mục đích tắt nắng, buộc gió không phải vì ghét nắng, gió mà vì một nguyên cớ rất nhân văn: muốn níu giữ lại vẻ đẹp, những “màu”, những “hương” của cuộc đời và muốn nâng niu nó, muốn trân trọng, gìn giữ những vẻ đẹp đó trong lòng.

- Tác giả muốn tắt nắng, buộc gió là để nắng đừng làm phai màu, gió đừng thổi cho hương đời bay xa. Cách nói rất thơ, rất lãng mạn của thi nhân thể hiện niềm yêu, niềm say đắm vô cùng của thi nhân. Xuân Diệu quá đắm say với hương sắc của cuộc đời nên luôn luôn muốn nâng niu, trân trọng, giữ gìn nó, luôn muốn ấp iu trong lòng, trong tâm hồn tha thiết yêu của mình.

Câu 3: Sự thay đổi số tiếng trong câu thơ từ năm tiếng (bốn dòng đầu) sang tám tiếng (bảy dòng sau) nhu để nói cho đủ, cho thỏa niềm say đắm thiên nhiên, say đắm cuộc đời trong lòng thi nhân.

Câu 4: Tác dụng của điệp ngữ này đây:

  • Gợi cảm xúc chủ quan của nhân vật trữ tình: cảm giác hân hoan, sung sƣớng, nhƣ reo lên của thi nhân.
  • Gợi sự giàu có, phong phú đến mức thừa thãi, tuyệt vời, say đắm của hương sắc cuộc đời.
  • Thể hiện cảm quan về cuộc sống của Xuân Diệu: sự hiện hữu của hƣơng sắc cuộc đời, của thiên nhiên, cuộc sống nơi trần thế, không phải ở nơi xa xôi mà gần gũi ngay trước mắt, không phải ở tương lai hay quá khứ mà ngay trong lúc này.

Câu 5: Các hình ảnh ong bướm, tuần tháng mật, hoa của đồng nội, lá của cành tơ, yến anh, khúc tình si được Xuân Diệu nhìn qua lăng kính của tình yêu, bằng ánh mắt chiêm ngưỡng yêu đương, được cảm nhận bằng trái tim mê đắm và nhất là bằng khát khao được sở hữu, chiêm ngưỡng, tận hưởng, chiếm lĩnh.

- Với các hình ảnh đó, Xuân Diệu dẫn người đọc vào một khu vườn mùa xuân không chỉ chan chứa xuân sắc mà còn phơi phới xuân tình.

Câu 6: Theo Xuân Diệu, chuẩn mực của mọi vẻ đẹp là con người, thiên nhiên muốn đẹp phải so sánh với con người

- Những câu thơ trong đoạn trích được thể hiện quan niệm đó là:

  • Và này đây ánh sáng chớp hàng mi: Ánh sáng của buổi sớm không phải tỏa ra từ mặt trời. Ánh dương buổi bình minh tuyệt vời ấy như tỏa ra sau cái chớp mắt của hàng mi thiếu nữ. Sau cái chớp mắt, ánh sáng tỏa ra muôn nơi, chan chứa khắp thế gian, đem đến sự sống, đem đến niềm yêu say đắm cho khắp thế gian.
  • Tháng giêng ngon như một cặp môi gần: Vẻ đẹp tuyệt vời của mùa xuân được cảm nhận thông qua nụ hôn mê đắm, quyến rũ, tình tứ, ngọt ngào, hạnh phúc của lứa đôi trai gái.

Đề số 3

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng,

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,

Cho no nê thanh sắc của thời tươi;

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

(Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2007, tr.23)

Câu 1. Nêu đại ý của đoạn trích.

Câu 2. Điệp ngữ ta muốn lặp đi lặp lại nhiều lần có tác dụng gì?

Câu 3. Phân tích ý nghĩa biểu đạt của các động từ: riết, say, thâu và các tính từ - từ láy mơn mởn, chuếnh choáng, đã đầy, no nê.

Câu 4. Phân tích nhịp điệu của lời thơ.

Câu 5. Vì sao tác giả lại viết xuân hồng mà không phải xuân xanh (như Nguyễn Bính) hay xuân chín (như Hàn Mặc Tử)?

Có thể bạn quan tâm: Phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

Đáp án đề đọc hiểu Vội vàng số 3

Câu 1: Đại ý của đoạn trích: cách thực hành lối sống “vội vàng” của Xuân Diệu

Câu 2: Điệp ngữ ta muốn lặp đi lặp lại nhiều lần có tác dụng nhấn mạnh khát vọng chủ quan của thi sĩ. Tác giả chuyển từ tôi ở đoạn đầu sang ta - vẫn là con người cá nhân – như để căng mình ra ôm cho trọn, cho đủ.

Câu 3: Ý nghĩa biểu đạt của các động từ: riết, say, thâu và các tính từ - từ láy mơn mởn, chuếnh choáng, đã đầy, no nê là:

- Các động từ mạnh (loại động từ tác động) ôm, riết, say, thâu chỉ hành động chiếm lĩnh, theo mức độ tăng dần, vội vàng, cuống quýt, thể hiện khát vọng giao cảm, hoà nhập với thiên nhiên, với cuộc đời đến tận độ của thi nhân.

- Các tính từ - từ láy chuếnh choáng, đã đầy, no nê chỉ mức độ tràn trề, thừa thãi, thể hiện xúc cảm cuồng nhiệt, ào ạt và sự giao cảm đã đạt đến tận độ.

Câu 4: Lời thơ có nhịp nhanh, gấp gáp. Điệp từ ta muốn cùng lối vắt dòng (Và non nước, và cây, và cỏ rạng, Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng, Cho no nê thanh sắc của thời tươi) khiến lời thơ như hối hả tuôn trào mà vẫn chưa kịp với xúc cảm say mê, dạt dào trong tâm hồn thi sĩ. Nhịp thơ góp phần thể hiện rõ sự vội vàng, cuống quýt, như chạy đua với thời gian để tận hưởng cuộc sống xanh non, biếc rờn của “cái tôi” đầy ham muốn.

Câu 5

: Xuân Diệu viết là xuân hồng chứ không phải xuân xanh (như Nguyễn Bính) hay xuân chín (như Hàn Mặc Tử) vì xuân hồng là mùa xuân đương độ đẹp nhất, “ngon” nhất, căng tràn sức sống nhất, nó đã qua cái thì xanh và còn chưa đến mức chín. Câu thơ là đỉnh điểm của cảm xúc thác lũ, vừa đầy cảm giác mê đắm vừa đảm bảo sự trong sáng, thanh sạch, rất phù hợp với quan niệm sống của thi sĩ họ Ngô.

Xem thêmSơ đồ tư duy Vội vàng

-----------

Trên đây là một số đề đọc hiểu Vội vàng của Xuân Diệu mà Đọc tài liệu đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM