Các đề đọc hiểu Tuyên ngôn độc lập

Xuất bản: 09/04/2020 - Cập nhật: 15/09/2020 - Tác giả: Giangdh

Cùng tham khảo các đề đọc hiểu bài Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh để làm quen với các dạng câu hỏi đọc hiểu về văn bản này trong các kì thi em nhé!

Văn bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh là một văn bản pháp lý khẳng định các quyền của con người cũng như dân tộc Việt Nam. Để giúp bạn hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan đến văn bản này, cùng Đọc Tài Liệu tham khảo một số đề đọc hiểu bài Tuyên ngôn độc lập dưới đây và xem gợi ý đáp án của từng đề bạn nhé:

Đề đọc hiểu Tuyên ngôn độc lập

Đề số 1

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

“…Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập.Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần, lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Câu 1. Đoạn trích trên thuộc văn bản nào? Của ai? Văn bản ra đời trong hoàn cảnh như thế nào? Hoàn cảnh ra đời giúp người đọc hiểu thêm điều gì về mục đích sáng tác của tác phẩm?

Câu 2. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản?

Câu 3. Nội dung cơ bản của đoạn trích là gì? Chỉ ra những phép liên kết được sử dụng trong đoạn trích?

Đáp án đề đọc hiểu Tuyên ngôn độc lập số 1

Câu 1:

- Đoạn trích trên thuộc văn bản "Tuyên ngôn độc lập" của Hồ Chí Minh

- Hoàn cảnh ra đời của văn bản:

  • Ngày 19/08/1945, chính quyền Hà Nội về tay nhân dân. Ngày 26/08/1945, Hồ Chí Minh từ chiến khu cách mạng Việt Bắc về tới Hà Nội và tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Người đã soạn “Tuyên ngôn Độc lập”.
  • Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Người đã đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
  • Tuyên ngôn Độc lập” ra đời trong một tình thế vô cùng cấp bách: nền độc lập vừa mời giành được bị đe dọa bởi các thế lực phản động, bọn đế quốc thực dân đang chuẩn bị chiếm lại nước ta: tiến vào từ phía Bắc là quân đội Quốc dân đảng Trung Quốc, đằng sau là đế quốc Mĩ; tiến vào từ phía Nam là quân đội Anh, đằng sau là lính viễn chinh Pháp. Lúc này thực dân Pháp tuyên bố Đông Dương là đất “bảo hộ” của người Pháp bị nhật xâm chiếm, nay Nhật đầu hàng, vậy Đông Dương đương nhiên phải trở lại với người Pháp.

- Mục đích sáng tác của tác phẩm là:

  • Tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, khẳng định quyền tự chủ và vị thế bình đẳng của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.
  • Khẳng định khát vọng độc lập, tự do và quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Xem thêm: Soạn bài Tuyên ngôn Độc lập - Phần 2: Tác phẩm

Câu 2: Phong cách ngôn ngữ của văn bản là: phong cách ngôn ngữ chính luận.

Câu 3:

- Nội dung cơ bản của đoạn trích là: Khẳng định quyền được hưởng tự do , độc lập; sự thật đã được tự do độc lập và quyết tâm bảo vệ nền tự do, độc lập ấy của dân tộc Việt Nam

- Những phép liên kết được sử dụng trong đoạn trích là:

  • Phép nối: Quan hệ từ  “và”
  • Phép lặp: Lặp lại cụm từ “Tự do, độc lập”
  • Phép thế: Dùng từ ngữ mang ý nghĩa thay thế  “ấy”

Đề số 2

Đọc đoạn trích và trả lời câu hỏi

Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.

(Trích Tuyên ngôn độc lập- Hồ Chí Minh, Ngữ văn 12, tập 1)

Trả lời câu hỏi

Câu 1: Xác định biện pháp tu từ ,phong cách ngôn ngữ trong đoạn văn bản trên?

Câu 2: Việc nhà văn láy đi láy lại “sự thật” ấy có chủ ý gì?

Câu 3: Từ quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, anh, chị hãy viết một đoạn văn ngắn ( khoảng 150-200 từ) bày tỏ suy nghĩ về tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ ngày nay?

Đáp án đề đọc hiểu Tuyên ngôn độc lập số 2

Câu 1:

- Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích là: Điệp từ (sự thật) với tác dụng khẳng định, nhấn mạnh quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.

- Phong cách ngôn ngữ trong đoạn văn bản trên là: phong cách chính luận.

Câu 2: Việc nhà văn láy đi láy lại “sự thật” ấy có chủ ý là : Bác bỏ luận điệu xảo trá của thực dân Pháp trước dư luận thế giới. Thuyết phục Đồng minh nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới ủng hộ nền độc lập của Việt Nam.

Câu 3

: Đoạn văn ngắn ( khoảng 150-200 từ) bày tỏ suy nghĩ về tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ ngày nay

- Các em được tự do bày tỏ quan điểm của mình nhưng phải có lý lẽ lập luận xác đáng.

- Có thể dựa vào những ý sau đây để viết bài:

  • Trân trọng, biết ơn thế hệ cha anh đã chiến đấu, hi sinh để bảo vệ đất nước.
  • Ra sức học tập, rèn luyện để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Gợi ý tham khảo: Nghị luận về tình yêu quê hương đất nước của thế hệ trẻ ngày nay

Đề số 3

Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi sau:

Hỡi đồng bào cả nước!

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

(Trích Tuyên ngôn độc lập- Hồ Chí Minh, Ngữ văn 12, tập 1)

Có thể bạn quan tâm: Phân tích phần mở đầu của bản Tuyên ngôn độc lập

Câu 1: Nêu những ý chính của văn bản.

Câu 2: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản. Việc dùng từ “Suy rộng ra” có ý nghĩa như thế nào?

Câu 3: Nêu ý nghĩa của đoạn trích văn bản trên.

Đáp án đề đọc hiểu Tuyên ngôn độc lập số 3

Câu 1: Những ý chính của đoạn trích trên là:

- Trích dẫn bản “Tuyên ngôn độc lập”của người Mỹ ( 1776), nói về quyền tự do, bình đẳng của “mọi người”. Suy rộng ra từ quyền tự do, bình đẳng của “mọi người” thành quyền tự do, bình đẳng của “tất cả các dân tộc trên thế giới”.

- Trích dẫn bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của cách mạng Pháp (1791) , nói về quyền tự do, bình đẳng của con người. Khẳng định “đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Câu 2:

- Phong cách ngôn ngữ của văn bản trên là: phong cách ngôn ngữ chính luận.

- Việc dùng từ “Suy rộng ra” có ý nghĩa là: Từ quyền bình đẳng, tự do của con người, Hồ Chí Minh suy rộng ra về quyền đẳng, tự do của các dân tộc. Đây là  một đóng góp riêng của Người vào lịch sử  tư tưởng nhân loại.

Câu 3: Ý nghĩa của đoạn trích văn bản trên là: Trích dẫn hai bản tuyên ngôn của Mĩ, Pháp nhằm đề cao giá trị tư tưởng nhân đạo và văn minh nhân loại, tạo tiền đề cho những lập luận tiếp theo

Xem thêmSơ đồ tư duy Tuyên ngôn độc lập

-------------

Trên đây là một số đề đọc hiểu Tuyên ngôn độc lập mà Đọc tài liệu đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM