Các đề đọc hiểu Chí phèo của Nam Cao

Xuất bản: 06/05/2020 - Tác giả: Giangdh

Cùng tham khảo các đề đọc hiểu Chí Phèo của Nam Cao để làm quen với các dạng câu hỏi đọc hiểu về văn bản này trong các kì thi em nhé!

Trên cơ sở người thật, việc thật ở làng Đại Hoàng quê mình, Nam Cao đã hư cấu, sáng tạo nên một bức tranh hiện thực sinh động về xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám với tất cả sự ngột ngạt, tối tăm cùng những bi kịch đau đớn, kinh hoàng qua tác phẩm Chí Phèo. Để giúp bạn hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan đến văn bản, cùng Đọc Tài Liệu tham khảo soạn bài Chí Phèo - Nam Cao cùng một số đề đọc hiểu dưới đây và xem gợi ý đáp án của từng đề bạn nhé:

Đề đọc hiểu Chí Phèo - Nam Cao

Đề số 1

Đọc văn bản “Chí Phèo” – Nam Cao  và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới

Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa chết mẹ nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có trời mà biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết…

(Trích “Chí Phèo” – Nam Cao)

Câu 1. Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt nào là chính?

Câu 2

. Văn bản trên nói về điều gì?

Câu 3. Tác giả đã sử dụng những kiểu câu nào?

Câu 4. Trong văn bản trên, Chí Phèo đã chửi những ai? Tiếng chửi của Chí có ý nghĩa gì?

Câu 5. Nêu 2 thành phần nghĩa trong câu sau:…hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo

Câu 6. Từ văn bản trên, em hãy chứng minh từ tiếng việt không biến đổi hình thái

Đáp án đề đọc hiểu Chí Phèo số 1

Câu 1: Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt chính là: Phương thức tự sự.

Câu 2: Văn bản trên nói về tiếng chửi của Chí Phèo, một thằng say rượu.

Câu 3: Tác giả đã sử dụng những kiểu câu khác nhau: Câu trần thuật (câu kể, câu miêu tả), câu hỏi (câu nghi vấn), câu cảm thán.

Câu 4: Trong văn bản trên, Chí Phèo đã chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn, chửi đứa chết mẹ nào đã đẻ ra thân hắn.

- Tiếng chửi của Chí Phèo đã tạo ra một màn ra mắt độc đáo cho nhân vật, gợi sự chú ý đặc biệt của người đọc về nhân vật. Tiếng chửi ấy vừa gợi ra một con người tha hóa đến độ lại vừa hé lộ bi kịch lớn nhất trong cuộc đời nhân vật này. Chí dường như đã bị đẩy ra khỏi xã hội loài người. Không ai thèm quan tâm, không ai thèm ra điều. Chí khao khát được giao hòa với đồng loại, dù là bằng cách tồi tệ nhất là mong được ai đó chửi vào mặt mình, nhưng cũng không được.

Câu 5: Hai thành phần nghĩa trong câu: …hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo là:

  • Nghĩa sự việc: nói về hành động của Chí :hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo
  • Nghĩa tình thái: thể hiện thái độ của Nam Cao khi miêu tả nhân vật: bề ngoài thì dửng dưng lạnh lùng nhưng trong sâu thẳm là sự cảm thông thương xót

Câu 6: Từ hắn được lặp lại nhiều lần, giữ nhiều chức vụ khác nhau nhưng không thay đổi về âm đọc và chữ viết.

Có thể bạn quan tâm: Phân tích quá trình thức tỉnh của Chí Phèo

Đề số 2

Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi

“Tỉnh dậy hắn thấy già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời! Có lý nào như thế được? Hắn đã già rồi hay sao? Ngoài bốn mươi tuổi đầu... Dẫu sao, đó không phải tuổi mà người ta mới bắt đầu sửa soạn. Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời. Ở những người như hắn, chịu đựng biết bao nhiêu là chất độc, đầy đọa cực nhọc mà chưa bao giờ ốm, một trận ốm có thể gọi là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều. Nó là một cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến. Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau.”

(Chí Phèo – Nam Cao)

Câu 1. Đoạn văn trên thuộc phong cách ngôn ngữ gì? Nêu nội dung của đoạn văn?

Câu 2. Nêu cụ thể những câu trần thuật, câu cảm thán, câu nghi vấn trong đoạn văn trên. Việc kết hợp sử dụng nhiều kiểu câu như vậy có tác dụng gì?

Câu 3. Hãy chỉ ra những hình ảnh ẩn dụ và hình ảnh so sánh được sử dụng trong đoạn văn trên?

Đáp án đề đọc hiểu Chí Phèo số 2

Câu 1: Đoạn văn trên thuộc phong cách ngôn ngữ là: phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

- Nội dung của đoạn văn: nói đến sự thức tỉnh của Chí Phèo.

Câu 2:

- Những câu trần thuật trong đoạn văn trên là:

  • Tỉnh dậy hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc..
  • Ngoài bốn mươi tuổi đầu... Dẫu sao, đó không phải tuổi mà người ta mới bắt đầu sửa soạn. Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời. Ở những người như hắn, chịu đựng biết bao nhiêu là chất độc, đầy đọa cực nhọc mà chưa bao giờ ốm, một trận ốm có thể gọi là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều. Nó là một cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến. Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau.”

- Những câu nghi vấn: Có lý nào như thế được? Hắn đã già rồi hay sao?

- Câu cảm thán: Buồn thay cho đời!

- Việc kết hợp sử dụng nhiều kiểu câu như vậy có tác dụng: làm cho lời kể trở nên nhiều giọng, thể hiện được nhiều cung bậc cảm xúc. Qua đó cho người đọc thấy được hiện trạng cuộc đời của Chí Phèo được soi từ nhiều góc nhìn khác nhau.

Câu 3:

- Hình ảnh ẩn dụ được sử dụng trong đoạn văn là:

  • ...cái dốc bên kia của đời..
  • cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến.

- Hình ảnh so sánh: Nó là một cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến.

  • Ở đây hình ảnh có tính ẩn dụ được dùng trong một câu văn sử dụng phép so sánh.

Đề số 3

Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời câu hỏi:

"Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có mà trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết… "

Câu 1: Văn bản trên được trích từ tác phẩm nào? Xác định vị trí của văn bản trong tác phẩm và nội dung cơ bản của đoạn trích?

Câu 2: Nhận xét về ngôn ngữ của văn bản.

Câu 3: Xác định giọng điệu của lời văn trong văn bản.

Câu 4. Theo anh/chị, ai đã đẻ ra Chí Phèo?

Đáp án đề đọc hiểu Chí Phèo số 3

Câu 1:

- Văn bản được trích từ tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao.

- Vị trí: văn bản ở vị trí mở đầu truyện ngắn Chí Phèo.

- Nội dung cơ bản của đoạn trích là: miêu tả cảnh Chí Phèo uống rượu say và vừa đi vừa chửi giữa sự thờ ơ của tất cả mọi người.

Câu 2: Ngôn ngữ trong văn bản là ngôn ngữ trần thuật nửa trực tiếp. Lời văn không đơn thuần là lời kể của tác giả (Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời.) mà là lời nhân vật (Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất!...; Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha!...). Tưởng chừng như tác giả đã nhập vào Chí Phèo để nói lên những suy nghĩ trong nhân vật. Lời văn nửa trực tiếp thể hiện sự thấu hiểu, cảm thông, yêu thương của tác giả đối với nhân vật của mình.

Câu 3

: Lời văn thuật lại tiếng chửi của Chí Phèo bằng một giọng văn kể chuyện lạnh lùng: tác giả gọi nhân vật là hắn, kể chuyện một cách khách quan, chân thực, không hề giấu giếm, che đậy hình ảnh xấu xí của nhân vật. Tuy nhiên, đằng sau lời văn lạnh lùng tƣởng nhƣ vô cảm ấy, tác giả thể hiện sự thấu hiểu, đồng cảm, yêu thƣơng dành cho nhân vật.

Câu 4: Trong văn bản, Nam Cao không nói rõ nguồn gốc của Chí Phèo: Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có mà trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết… nhưng rõ ràng Chí Phèo là một hiện tượng có thật, một sản phẩm tất yếu của xã hội thực dân nửa phong kiến ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Đẻ ra hiện tượng Chí Phèo chính là chế độ xã hội bất công thối nát đương thời.

------------

Trên đây là một số đề đọc hiểu Chí Phèo của Nam Cao mà Đọc tài liệu đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM