Đề cương ôn tập Ngữ văn 7 học kì 2 bài Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất

Xuất bản: 27/12/2019 - Cập nhật: 21/06/2022 - Tác giả: Giangdh

Tham khảo ngay đề cương ôn tập Ngữ văn 7 học kì 2 để nắm chắc hơn những kiến thức, giá trị nội dung của những câu tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất

Đề cương ôn tập Ngữ văn 7 học kì 2 năm 2019 dưới đây được Đọc tài liệu biên tập nhằm hỗ trợ các em ôn tập học kì bài Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất. Qua đó các em có thể hiểu được giá trị nội dung và nghệ thuật cũng như những kinh nghiệm xương máu mà ông cha ta muốn truyền dạy lại cho con cháu.

Đề cương ôn tập hk2 Ngữ văn 7 - Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất

I. Kiến thức chung

- Tục ngữ là những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu, hình ảnh, thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt (tự nhiên, lao động, sản xuất, xã hội) được nhân dân vận dụng vào đời sống, suy nghĩ và lời ăn tiếng nói hằng ngày.

- Bằng lối nói ngắn gọn, có vần, nhịp, giàu hình ảnh, những câu tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất đã phản ánh, truyền đạt những kinh nghiệm quý báu mà nhân dân ta quan sát, tích lũy được trong lao động, đấu tranh với thiên nhiên.

- Trong tục ngữ, các vế câu đối xứng nhau cả về hình thức và nội dung. Lập luận chặt chẽ, giàu hình ảnh. Lời trong tục ngữ cô đọng, mỗi lời như dồn nén, không có từ thừa.

- Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất là những kinh nghiệm lâu đời của nhân dân và có tính chất tập thể rút ra trong quá trình quan sát các hiện tượng thiên nhiên, quá trình dùng sức người biến đổi thiên nhiên, quá trình xây dựng kĩ thuật sản xuất.

- Xét về nội dung và hình thức, tục ngữ vừa là một thể loại của sáng tác nghệ thuật dân gian, vừa là lối nhận thức đặc biệt của con người, dựa trên cơ sở của tư duy hình tượng.

Cùng tham khảo: Soạn bài Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất

II. Phân tích văn bản

a. Tục ngữ về thiên nhiên, khí hậu

Câu 1:

“Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng,

Ngày tháng mười chưa cười đã tối”

- Biện pháp nghệ thuật sử dung: Phép đối, nói quá: tháng 5 đêm ngắn, tháng 10 đêm dài

- Ý nghĩa câu tục ngữ: giúp con người có ý thức chủ động nhìn nhận, sử dụng thời gian, công việc và chú ý đến sức khoẻ của mình vào những thời điểm khác nhau trong một năm: Câu tục ngữ còn giúp con người có ý thức về thời gian, làm việc theo mùa vụ. Tuy nhiên, do ra đời từ rất lâu, câu tục ngữ có lẽ chỉ đơn thuần là những quan sát thực tế có tính quy luật lặp đi lặp lại.

Các đề văn có thể ra về Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng

- Em hãy giải thích câu tục ngữ "Đêm tháng 5 chưa nằm đã sáng - Ngày tháng 10 chưa cười đã tối" nghĩa là gì.

- Nêu biện pháp tu từ được sử dụng trong câu tục ngữ "Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng - Ngày tháng mười chưa cười đã tối"

- Em hãy nêu ý nghĩa câu ca dao "Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng - Ngày tháng mười chưa cười đã tối và giải thích lý do em lựa chọn như vậy.

- Cảm nhận về câu tục ngữ "Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng - Ngày tháng mười chưa cười đã tối"

Câu 2:

“Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa”

- Ý nghĩa: Đêm sao dày dự báo ngày hôm sau sẽ nắng, đêm không có sao báo hiệu ngày hôm sau sẽ mưa.

=> Đây là kinh nghiệm để đoán mưa, nắng, liên quan trực tiếp đến công việc sản xuất nông nghiệp và mùa màng.

Một số đề văn có thể ra về Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa

- Em hãy giải thích câu "Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa"

- Phân tích câu tục ngữ "Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa"

- Em hãy cho biết câu tục ngữ " Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa" đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?

- Em hãy nêu ý nghĩa của câu tục ngữ "Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa"

Câu 3:

“Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ”

- Ý nghĩa câu tục ngữ: “Ráng mỡ gà” là ráng vàng tươi óng ánh. Có ráng mỡ gà xuất hiện ở trên bầu trời, lúc đó nhân dân ta biết trời sắp nổi gió to, sắp bão, cần phải chuẩn bị gìn giữ, chống đỡ, nhất là nhà tranh, vách nứa.

=> Đây là một kinh nghiệm dự đoán bão. Biết dự đoán bão sẽ có ý thức chủ động trong sản xuất, trong việc giữ gìn con người, nhà cửa, hoa màu,…

Câu 4:

“Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt”

- Ý nghĩa: Kiến ra nhiều vào thán 7 âm lịch sẽ có lụt nên đề phòng lũ lụt khi thấy hiện tượng trên.

=> Câu tục ngữ được đúc kết từ kinh nghiệm thực tế, nó nhắc nhở về ý thức phòng chống lũ lụt, loại thiên tai thường gặp ở nước ta.

Đề văn hay ra về câu tục ngữ " Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt"

- Nêu nội dung và nghệ thuật được sử dụng trong câu tục ngữ "Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt”

- Em hãy giải thích ý nghĩa câu: "Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt”

b. Tục ngữ về lao động sản xuất

Câu 5:

“Tấc đất tấc vàng” 

- Ý nghĩa: Cần hiểu “vàng” trong câu tục ngữ này có nghĩa đại diện, hoán dụ câu tục ngữ vì thế có thể hiểu rằng đất có giá trị rất lớn, đất được coi như vàng, quý như vàng.

=> So sánh đất quí như vàng: giá trị của đất đối với đời sống lao động sản xuất của người nông dân

Những đề văn hay ra về câu tục ngữ "Tấc đất tấc vàng"

- Giải thích câu tục ngữ "tấc đất tấc vàng"

- Cảm nhận của em về câu tục ngữ "tấc đất tấc vàng"

- Tìm câu tục ngữ đồng nghĩa với câu "tấc đất tấc vàng" và giải thích ý nghĩa.

- Em hãy cho biết biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu tục ngữ "tấc đất tấc vàng"

Câu 6:

“Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền”

- Ý nghĩa: Câu này nói về giá trị kinh tế khi thai thác ao, khai thác vườn, khai thác ruộng, cũng có thể nói về sự công phu, khó khăn của việc khai thác các giá trị kinh tế ở các nơi.

=> Nghề đem lại lợi ích nhiều nhất là nghề nuôi cá, sau đó là nghề làm vườn và cuối cùng là làm ruộng.

Câu 7:

“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”

- Ý nghĩa: Câu tục ngữ nói về vai trò của các yếu tố trong sản xuất nông nghiệp (trồng lúa nước) của nhân dân ta, quan trọng nhất là nước, thứ hai là phân, thứ ba là sự cần cù lao động và cuối cùng là giống lúa.

=> Giá trị của câu tục ngữ nhắc nhở người làm ruộng phải đầu tư vào tất cả các khâu, nhưng cũng phải chú ý ưu tiên, không tràn lan, nhất là khi khả năng đầu tư có hạn.

Tham khảo đề văn hay ra về câu tục ngữ “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”

- Giải thích câu “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” có nghĩa là gì?

- Em hãy cho biết ngày nay câu tục ngữ “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” có còn đúng?

- Ý nghĩa của câu tục ngữ “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” là gì?

- Bằng sự hiểu biết của mình, em hãy phân tích câu “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”

Câu 8:

“Nhất thì, nhì thục”

- Ý nghĩa: Câu tục ngữ nêu vai trò của thời vụ (kịp thời) là hàng đầu; Sau đó mới là yếu tố làm đất kĩ, cẩn thận. Thời vụ liên quan đến thời tiết, nắng mưa. Nếu sớm quá, muộn quá, cây trồng sẽ bị ảnh hưởng và có khi không cho sản phẩm.

=> Để có năng xuất cao thì cần đảm bảo đúng thời vụ và làm đất kĩ

Đề văn có thể ra cho câu tục ngữ “Nhất thì, nhì thục”

- Ý nghĩa câu tục ngữ "Nhất thì, nhì thục" là gì?

- Ông bà ta có câu "Nhất thì, nhì thục", em hãy giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ trên?

- Nêu biện pháp nghệ thuật được dùng trong câu "Nhất thì, nhì thục".

----------------

Trên đây là đề cương ôn tập học kì 2 môn Văn 7 2019/2020 bài Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất mà Đọc tài liệu muốn chia sẻ đến các em. Hy vọng đã giúp các em hiểu rõ hơn về những giá trị nội dung mà những câu tục ngữ, từ đó có thể viết được những bài văn chất lượng, đạt điểm cao cho kì thi.


Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM