Đề chuyên văn vào 10 Lào Cai năm học 2021 - 2022

Xuất bản: 05/06/2021 - Tác giả:

Đề chuyên văn vào 10 Lào Cai năm học 2021 - 2022 có đáp án tham khảo dành cho các em dự thi tuyển sinh vào 10 Chuyên Lào Cai thử sức.

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên Văn năm 2021 của trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ Hòa Bình (Hòa Bình) được ĐọcTàiLiệu cập nhật giúp các em học sinh tham khảo.

Chi tiết đề thi vào lớp 10 môn Văn như sau:

Đề chuyên văn vào 10 Lào Cai năm học 2021

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÀO CAI

KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN 

NĂM HỌC 2021-2022

Môn thi: NGỮ VĂN (CHUYÊN)

Thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)

(Đề thi gồm có 01 trang, 02 câu)

Câu 1 (4.0 điểm)

Xukhomlinxki khẳng định: Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác.

Em lựa chọn sẽ tan biến như hạt cát vô danh hay lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác? Hãy viết một bài văn nghị luận để trả lời câu hỏi trên.

Câu 2 (6.0 điểm)

Nhận xét về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh, có ý kiến cho rằng: Chất hiện thực trong thơ Hữu Thỉnh kết hợp làm một với chất trữ tình, Đằng sau cách kể tả của ông là cảm xúc của con tim lúc trầm tư, khi rộn rã. Và nhất là những ý tưởng triết luận bất ngờ với "hàng cây đứng tuổi" trước cuộc sống non tơ.

(Vũ Dương Quỹ - Lê Bảo, Bình giảng Văn 9, Trang 146, NXB Giáo dục, 2020) Qua cảm nhận của em về bài thơ, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

- Tổng hợp Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2021 -

-HẾT -

Thí sinh không được sử dụng tài liệu, Giám thị không giải thích gì thêm.

Đáp án đề chuyên văn vào 10 Lào Cai năm học 2021

Câu 1:

Cách giải:

1. Mở bài:

- Khái quát dẫn dắt vào đề

- Nêu nhận định: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác”

- Khẳng định sự lựa chọn của bản thân:

(Học sinh có thể lựa chọn bất kì quan điểm nào, lý giải)

Gợi ý: Chọn cách để lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác.

2. Thân bài:

a. Giải thích:

- Tan biến như hạt cát: Là cách sống bình thường đến mức mờ nhạt, không đặc biệt. - Để lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác: Giá trị con người được khẳng định, mang dấu ấn riêng của bản thân, không bị hòa lẫn, đánh mất minh.

->Lựa chọn để lại dấu ấn nghĩa là lựa chọn sống là chính mình, biết điểm mạnh, điểm yếu, biết khẳng định bản thân mình tạo nên giá trị không bị hòa lẫn.

b. Chứng minh:

- Mỗi người sinh ra đều có một giá trị riêng đối với bản thân họ, gia đình và xã hội.

- Thế giới rộng lớn còn con người thì nhỏ bé, nhưng không vô danh tầm thường.

- Bản thân mỗi người phải ý thức được giá trị của mình nằm ở đâu và phát triển nó: tìm ra điểm yếu và khắc phục, tìm ra điểm mạnh để phát triển.

-> Chỉ khi làm được điều đó, mỗi người chúng ta mới có thể để lại những dấu ấn tốt đẹp cho cuộc đời, khiến cho những người biết đến chúng ta phải nhớ đến với lòng yêu thương kính trọng.

(Học sinh chú ý lấy dẫn chứng rõ ràng, thuyết phục, cụ thể và gần gũi).

c. Bàn luận:

- Cần phân biệt rõ ràng giữa việc để lại dấu ấn và những việc làm lập dị, chơi trội, tiêu cực. - Dám nghĩ, dám làm. Khao khát khẳng định luôn phải đi kèm với hành động để chứng tỏ sự khẳng định bản thân ấy.

Câu 2:

1. Mở bài

- Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm.

- Giới thiệu nhận định cần chứng minh: Chất hiện thực trong thơ Hữu Thỉnh kết hợp làm một với chất trữ tình. Đằng sau cách kể tả của ông là cảm xúc của con tim lúc trầm tư, khi rộn rã. Và nhất là những ý tưởng triết luận bất ngờ với “hàng cây đứng tuổi” trước cuộc sống non tơ.

2. Thân bài

a. Giải thích ý kiến

- Chất hiện thực trong thơ Hữu Thỉnh kết hợp làm một với chất trữ tình:

+ Chất hiện thực: hiện thực đời sống được phản ánh trong tác phẩm văn học.

-> Bức tranh mùa thu đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam được nhà thơ miêu tả trong tác phẩm.

+ Chất trữ tình: vẻ đẹp của tư tưởng, tình cảm, cảm xúc được người nghệ sĩ thể hiện trong tác phẩm.

-> Bài thơ “Sang thu”có sự hòa quyện của chất hiện thực và chất trữ tình, góp phần thể hiện những cảm xúc tinh tế, nhạy cảm của Hữu Thỉnh trước khoảnh khắc giao mùa từ cuối hạ sang thu.

- Những ý tưởng triết luận bất ngờ với “hàng cây đứng tuổi” trước cuộc sống non tơ:

+ Triết: triết lí; luận: luận bàn.

+ Triết luận: những triết lí, chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ về con người, cuộc đời.

-> Hình ảnh “hàng cây đứng tuổi” là chiếc chìa khóa quan trọng, giúp người đọc khám phá và hiểu sâu hơn về tính tư tưởng, chủ đề của bài thơ.

b. Chứng minh

* Chất hiện thực trong thơ Hữu Thỉnh kết hợp làm một với chất trữ tình. Đằng sau cách kể tả của ông là cảm xúc của con tim lúc trầm tư, khi rộn rã:

- Bài thơ được viết vào năm 1977, khi tác giả tham gia trại viết văn quân đội ở một làng ngoại ô Hà Nội. Trong cái mơ hồ phảng phất của gió thu, lá thu, nhà thơ chợt nhận ra mùi thơm nồng nàn, sánh quyện của hương ổi; những chuyển mình của vạn vật trong khoảnh khắc giao mùa từ cuối hạ sang thu. Bởi vậy, xuyên suốt bài thơ chỉ có một dấu chấm khiến bài thơ như một câu chuyện nhỏ, một lời tự bạch của người chiến sĩ cụ Hồ về con người, cuộc đời.

- Cảnh sắc thiên nhiên mùa thu:

+ Hương ổi: nồng nàn, sánh quyện trong không gian.

+ Làn gió se mang hương ổi chín phả vào không gian cho ta cảm nhận một nét thu đẹp, dân dã và dịu ngọt ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ.

+ Làn sương được nhân hóa qua từ láy “chùng chình” cũng như có tâm trạng: lưu luyến, vương vấn mùa hạ.

+ Nghệ thuật nhân hóa kết hợp với từ láy “dềnh dàng” đã gợi hình ảnh những con sông mùa thu nước chảy lững lờ, khoan thai, êm ả ngỡ như đang muốn nghỉ ngơi sau mùa mưa lũ. Trái ngược với sông là bầy chim, chim bắt đầu vội vã – nhân hóa – vì khi thu sang trời màu tối nên những đàn chim sẽ phải vội vã mau mau bay về tổ ấm, cũng có thể hiểu khi thu se lạnh, đàn chim phải vội vã bay về phương Nam tránh rét.

+ Nghệ thuật nhân hóa cùng với sự liên tưởng độc đáo gợi hình dung về đám mây mỏng như dải lụa vắt ngang trời, ranh giới nửa như nghiêng về mùa hạ, nửa như nghiêng về mùa thu.

+ Thu sang nắng vẫn còn nhiều song đã bớt đi cái oi nồng, gay gắt của mùa hạ. Những cơn mưa cũng ít dần đi cũng không còn những cơn mưa rào ào ạt của mùa hạ.

- Cảm xúc của nhà thơ đi từ ngỡ ngàng, bất giác khi nhận ra những tín hiệu giao mùa (khổ 1) cho đến sự đắm say, ngây ngất trước vẻ đẹp mùa thu (khổ 2) và lắng đọng trong những suy tư sâu sắc (khổ 3).

* Những ý tưởng triết luận bất ngờ với hàng cây đứng tuổi” trước cuộc sống non tơ:

- Hình ảnh “hàng cây đứng tuổi” cuối bài gửi gắm những triết lí, chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ về con người, cuộc đời:

+ Hàng cây đã lớn, đã trải qua bao mùa thay lá sẽ vững vàng hơn trước những tiếng sấm bất ngờ.

+ Như những người từng trải, họ sẽ vững vàng hơn trước những tác động, những sóng gió của cuộc đời.

-> Thiên nhiên sang thu, đời người cũng sang thu. Đây là lúc con người nhìn lại những gì đã qua, có những cái làm được, những cái còn dở dang, những ước mơ đã trở thành hiện thực, có những ước mơ mãi mãi chỉ là ước mơ...

- Hình ảnh thơ còn gửi gắm niềm tin của nhà thơ vào tương lai của đất nước: Đất nước khi đã trải qua những cuộc chiến thì nay đã sẵn sàng để bước vào công cuộc đổi mới, xây dựng cuộc sống mới sau chiến tranh.

3. Kết bài:

- Khẳng định ý kiến đưa ra là một ý kiến đúng đắn, khơi mở con đường tiếp cận tác phẩm.

- Khẳng định tài năng của nhà thơ Hữu Thỉnh qua bài thơ.

-/-

Nguồn đáp án: Tuyensinh247.

Trên đây là toàn bộ nội dung của đề thi vào 10 môn ngữ văn thi vào chuyên của tỉnh Hòa Bình được Đọc Tài Liệu thực hiện sau khi kì thi chính thức diễn ra.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM