Đáp án đề Văn thi vào lớp 10 tỉnh Bạc Liêu năm 2018

Xuất bản: 01/06/2018 - Cập nhật: 29/05/2019

Đọc Tài Liệu xin chia sẻ đến các sĩ tử gợi ý đáp án các câu trong đề thi Văn tuyển sinh vào lớp 10 tỉnh Bạc Liêu năm 2018

Đề thi chính thức vào lớp 10 môn Văn năm 2018 - Tỉnh Bạc Liêu

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TỈNH BẠC LIÊU

ĐỀ CHÍNH THỨC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc


KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT
NĂM HỌC 2018 - 2019
(Gồm 02 trang)
* Môn thi: NGỮ VĂN (Không chuyên)

* Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian giao đề)

* Ngày thi: 01/06/2018

ĐỀ

Câu 1: (6,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:

“Lúc đó nồi cơm sôi lên sùng sục. Nó hơi sợ, nó nhìn xuống, vẻ nghĩ ngợi, nhắc không nổi, nó lại nhìn lên. Tiếng cơm sôi như thúc giục nó. Nó nhăn nhó muốn khóc. Nó nhìn nồi cơm, rồi nhìn lên chúng tôi. Thấy nó luýnh quýnh tôi vừa tội nghiệp vừa buồn cười, nghĩ chắc thế nào nó cũng chịu thua. Nó loay hoay rồi nhón gót lấy cái vá múc ra từng vá nước, miệng lẩm bẩm điều gì không rõ. Con bé đáo để thật.”

a. Đoạn văn trên được trích từ văn bản nào? Tác giả là ai? Văn bản ra đời trong hoàn cảnh nào? (3,0 điểm)

b. Xác định nội dung chính của đoạn văn. (1,0 điểm)

c. Chỉ ra và nêu tác dụng của 2 từ láy trong đoạn văn trên. (2,0 điểm)

Câu 2: (6,0 điểm)

“Sáng 22/2, đường dây nóng của Trung tâm Điều phối tạng Hà Nội nhận một cuộc điện thoại đặc biệt. Đầu dây bên kia tự xưng tên Nguyễn Trần Thùy Dương (33 tuổi, thôn Tân Mỹ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Chị Dương nghẹn ngào đưa lời: “Con tôi-bé gái Nguyên Hải An mới 7 tuổi, 3 tháng đang trong tình trạng hôn mê do tụ cầu não xâm lấn. Gia đình có nguyện vọng hiến tặng nội tạng của cháu cho những bạn nhỏ khác đang bị bệnh chờ ghép tạng, muốn sẽ được nghe tiếng trái tim của con gái mình còn đập trong lòng ngực một bạn trẻ nào đó...”
Bé An nhập viện ngày 15/1/2018. Cũng kể từ ngày đó, chị Dương xin nghỉ việc để đồng hành cùng con gái bé nhỏ. Chị hay kể cho con nghe về chuyện hiến tăng nội tạng cho người bị bệnh. Một lần, khi còn tỉnh táo bé An tâm sự với mẹ “ Con cũng muốn sau này làm thế nào khi mất đi, những bộ phận vẫn còn tồn tại, vẫn sống trên cơ thể của người khác...”

( Theo Kenh 14.vn, ngày 27-2-2018).

Từ nội dung trong đoạn tin trên, hãy viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về câu nói: “Cho đi là còn mãi mãi”.

Câu 3: (8,0 điểm) Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đô.

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...”

(Trích Viếng lăng Bác -Viễn Phương, Ngữ văn 9, Tập 2, NXBGD 2005, tr.58)

--- HẾT --

Gợi ý tham khảo đề thi Văn tuyển sinh vào lớp 10 tỉnh Bạc Liêu năm 2018

Câu 1:

a. Đoạn văn trích từ văn bản "Chiếc lược ngà" của tác giả Nguyễn Quang Sáng.

Hoàn cảnh ra đời:

"Chiếc lược ngà" được viết năm 1966, khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ, trong thời kì kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt và được đưa vào tập truyện cùng tên.

b. Nội dung chính của đoạn văn: sự thay đổi tâm lí của bé Thu khi nồi cơm sôi sùng sục, không có mẹ ở nhà, không làm sao để múc nước cơm ra được nhưng cũng nhất quyết không gọi anh Sáu.

c. 2 từ láy được tìm thấy: sùng sục và loay hoay => thể hiện tâm trạng bối rối, lo sợ của bé Thu khi nồi cơm sôi mà không biết làm sao, cũng nhất quyết không chịu nhờ anh Sáu hay ai khác. Thái độ phản kháng đến cùng, con bé tự tìm cách giải quyết dù trong hoàn cảnh khó khăn chứ nhất quyết không chịu gọi ba để nhờ ba giúp

Câu 2:

1. Giải thích vấn đề

- Mẩu tin nói về chuyện cô bé 7 tuổi Hải An hiến nội tạng của mình cứu sống những bạn nhỏ khác sau khi em mất.

- Câu chuyện gợi lên cho ta bài học sâu sắc về tình yêu thương, cho đi là còn lại mãi mãi.

2. Bàn luận vấn đề

* Vì sao cho đi là còn lại mãi mãi

- Những thứ ta cho đi sẽ ở lại cùng với những người được đón nhận. Quan trọng không phải ta cho đi cái gì mà người nhận sẽ cảm nhận được tấm lòng của người cho đi.

- Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về.

- Người cho có thể không còn trên thế gian nhưng hành động san sẻ yêu thương ấy thì còn mãi vì nó là biểu hiện sáng trong của tình người, tình đời.

* Biểu hiện của việc cho đi là còn mãi

- Cuộc đời luôn có những bất hạnh, cho đi một phần mình có là san sẻ bớt một chút gánh nặng với những người kém may mắn hơn.

- Việc cho đi không nhất thiết phải là hiến tặng một thứ gì đó, đơn giản chỉ là cho đi một lời nói yêu thương, một cử chỉ ân cần, một cái ôm... Giá trị của việc cho đi nằm ở tinh thần.

- Từ việc cho đi của một người, lan tỏa những hành động yêu thương đến những người khác.

3. Mở rộng và liên hệ bản thân

- Chúng ta nhận thức rõ cho đi là còn lại mãi mãi nhưng cũng còn đó những cá nhân con người ích kỉ, chỉ biết nhận về cho mình mà không biết chia sẻ với người khác.

- Là một học sinh, em đã được đón nhận rất nhiều may mắn, hạnh phúc, em cũng phải cho đi để cảm thấy cuộc đời ý nghĩa, đáng sống hơn.

Câu 3:

I. Mở bài

-      Viễn Phương là một nhà thơ tiêu biểu của miền Nam. Tháng 4/1976 sau một năm giải phóng đất nước, khi lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa khánh thành, nhà thơ cùng đoàn đại biểu miền Nam ra thăm Hà Nội vào lăng viếng Bác.

-     Bài thơ Viếng lăng Bác được Viễn Phương viết với tất cả tấm lòng thành kính biết ơn và tự hào pha lẫn nỗi xót đau của một người con từ miền Nam ra viếng Bác lần đầu.

II. Thân bài

1. Khổ thơ thứ nhất

-  Tác giả đã mở đầu bằng câu thơ tự sự: "Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác"

+ Con và Bác là cách xưng hô ngọt ngào thân thương rất Nam Bộ. Nó thể hiện sự gần gũi, kính yêu đối với Bác.

+ Con ở miền Nam xa xôi nghìn trùng, ra đây mong được gặp Bác. Nào ngờ đất nước đã thống nhất, Nam Bắc đã sum họp một nhà, vậy mà Bác không còn nữa.

+ Nhà thơ đã cố tình thay từ viếng bằng từ thăm để giảm nhẹ nỗi đau thương mà vẫn không che giấu được nỗi xúc động của cảnh từ biệt sinh li.

+ Đây còn là nỗi xúc động của một người con từ chiến trường miền Nam sau bao năm mong mỏi bây giờ mới được ra viếng Bác.

-  Hình ảnh đầu tiên mà tác giả thấy được và là một dấu ấn đậm nét là hàng tre quanh lăng Bác: Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát.

+ Hình ảnh hàng tre trong sương đã khiến câu thơ vừa thực vừa ảo. Đến lăng Bác, nhà thơ lại gặp một hình ảnh hết sức thân thuộc của làng quê đất Việt: là cây tre. Cây tre đã trở thành biểu tượng của dân tộc Việt Nam.

+ Bão táp mưa sa là một thành ngữ mang tính ẩn dụ để chỉ sự khó khăn gian khổ. Nhưng dù khó khăn gian khổ đến mấy cây tre vẫn đứng thẳng hàng. Đây là một ẩn dụ mang tính khẳng định tinh thần hiên ngang bất khuất, sức sống bền bỉ của dân tộc.

2. Khổ thơ thứ hai

-     Hai câu thơ đầu:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

+ Hai câu thơ được tạo nên với những hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi. Câu trên là một hình ảnh thực, câu dưới là hình ảnh ẩn dụ.

+ Ví Bác như mặt trời là để nói lên sự trường tồn vĩnh cửu của Bác, giống như sự tồn tại vĩnh viễn của mặt trời tự nhiên.

+ Ví Bác như mặt trời là để nói lên sự vĩ đại của Bác, người đã đem lại cuộc sống tự do cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi đêm dài nô lệ.

+ Nhận thấy Bác là một mặt trời trong lăng rất đỏ, đây chính là sáng tạo riêng của Viễn Phương, nó thể hiện được sự tôn kính của tác giả, của nhân dân đối với Bác.

-  Ở hai câu thơ tiếp theo:

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...

+ Đó là sự hình dung về dòng người đang nối tiếp dài vô tận hàng ngày đến viếng lăng Bác bằng tất cả tấm lòng thành kính và thương nhớ, hình ảnh đó như những tràng hoa kết lại dâng người. Hai từ ngày ngày được lặp lại trong câu thơ như tạo nên một cảm xúc về cõi trường sinh vĩnh cửu.

+ Hình ảnh dòng người vào lăng viếng Bác được tác giả ví như tràng hoa, dâng lên Bác. Cách so sánh này vừa thích hợp và mới lạ, diễn ra được sự thương nhớ, tôn kính của nhân dân đối với Bác.

+ Tràng hoa là hình ảnh ẩn dụ những người con từ khắp miền đất nước về đây viếng Bác giống như những bông hoa trong vườn Bác được Bác ươm trồng, chăm sóc nay nở rộ ngát hương về đây tụ hội kính dâng lên Bác.

III. Kết bài

- Với lời thơ cô đọng, giọng thơ trang nghiêm thành kính, tha thiết và rất giàu cảm xúc, bài thơ đã để lại ấn tượng rất sâu đậm trong lòng người đọc. Bởi lẽ, bài thơ không những chỉ bộc lộ tình cảm sâu sắc của tác giả đối với Bác Hồ mà còn nói lên tình cảm chân thành tha thiết của hàng triệu con người Việt Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

- Em rất cảm động mỗi khi đọc bài thơ này và thầm cảm ơn nhà thơ Viễn Phương đã đóng góp vào thơ ca viết về Bác những vần thơ xúc động mạnh mẽ.

Bài văn mẫu các em tham khảo link sau: https://doctailieu.com/cam-nhan-cua-em-ve-hai-kho-dau-bai-tho-vieng-lang-bac-tac-gia-vien-phuong

Xem thêm : 

Đáp án đề Tiếng Anh thi vào lớp 10 tỉnh Bạc Liêu năm 2018
Đáp án đề thi môn Toán vào lớp 10 tỉnh Bạc Liêu năm 2018

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM