Đáp án đề thi Văn vào lớp 10 Lào Cai 2018

Xuất bản: 02/06/2018 - Cập nhật: 05/06/2019 - Tác giả: Giangdh

Đọc Tài Liệu xin chia sẻ đến các em đề thi và gợi ý đáp án các câu trong đề thi Văn tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 tỉnh Lào Cai hôm nay.

Mục lục nội dung

Xem thêmĐáp án thi vào 10 môn Văn 2019 Lào Cai

Đề thi  Văn vào lớp 10 Lào Cai 2018

I, PHẦN I: ĐỌC HIỂU (2,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Lớp trẻ Việt Nam cần nhận ra những cái mạnh, cái yếu của con người Việt Nam để rèn những thói quen tốt khi bước vào nền kinh tế mới.

Tết năm nay là sự chuyển tiếp giữa hai thế kỉ, và hơn thế nữa, là sự chuyển tiếp giữa hai thiên niên kỉ. Trong thời khắc như vậy, ai ai cũng nói tới việc chuẩn bị hành trang bước vào thế kỉ mới, thiên niên kỉ mới.

Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bàn thân con người là quan trọng nhất. Từ cổ chí kim, bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử. Trong thế kỉ tới mà ai ai cũng thừa nhận rằng nền kinh tế tri thức sẽ phát triển mạnh mẽ thì vai trò con người lại càng nổi trội.

Cần chuẩn bị những cái cần thiết trong hành trang mang vào thế kỉ mới, trong khi chúng ta đã chứng kiến sự phát triển như huyền thoại của khoa học và công nghệ, làm cho tỉ trọng trí tuệ trong một sản phẩm ngày càng lớn. Chắc rằng chiều hướng này sẽ ngày càng gia tăng. Một phần dưới tác động của những tiến bộ khoa học và công nghệ, sự giao thoa, hội nhập giữa các nền kinh tế chắc chắn sẽ sâu rộng hơn nhiều.

(Trích Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, Vũ Khoan, SGK Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục)

Câu 1(0,25 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên?

Câu 2.(0,25 điểm): Phần gạch chân trong câu văn: "Trong thời khắc như vậy, ai ai cũng nói tới việc chuẩn bị hành trang bước vào thế kỉ mới, thiên niên kỉ mới,” thuộc thành phần gì của câu?

Câu 3.(0,75 điểm): Theo tác giả, trong những hành trang chuẩn bị vào thế kỉ mới thì sự chuẩn bị nào là quan trọng nhất? Vì sao?

Câu 4.(0,75 điểm): Là một học sinh, em nhận thấy mình cần phải làm gì để đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước? Trả lời trong khoảng từ 3 đến 5 câu văn.

II. PHẦN II: LÀM VĂN (8,0 điểm) 

Câu 1.(3,0 điểm):

Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về ý kiến được đưa ra trong phần đọc hiểu: Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất.

Câu 2. (5,0 điểm):

Nhận xét về nhân vật Phượng Định trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” (Lê Minh Khuê), có ý kiến cho rằng: Phương Định không chỉ là một cô gái có tâm hồn nhạy cảm, trẻ trung, trong sáng, nhiều mơ mộng mà còn là người có tinh thần trách nhiệm cao luôn hết lòng vì nhiệm vụ.

Hãy phân tích nhân vật Phương Định trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” (Lê Minh Khuê) để làm nổi bật những phẩm chất trên, liên hệ với vẻ đẹp tâm hồn và tinh thần trách nhiệm trong công việc của nhân vật anh thanh niên
(Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa - Nguyễn Thành Long). Từ đó, em có suy nghĩ gì về trách nhiệm của tuổi trẻ ngày nay trong thời đại mới?

Đáp án  đề thi Văn vào lớp 10 Lào Cai 2018

I. PHẦN I: ĐỌC HIỂU

1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

2. Thành phần: Trạng ngữ

3.

- Sự chuẩn bị quan trọng nhất là: con người

- Vì: con người cũng là động lực phát triển của lịch sử.

4.

- Trước hết mỗi học sinh cần có mơ ước, lí tưởng cao đẹp.

- Xác định mục đích học tập, không ngừng cố gắng để vươn lên trong học tập.

- Trước mọi khó khăn, thử thách không chùn bước, nỗ lực không ngừng.

PHẦN II

Câu 1:  Các em có thể tham khảo 2 dàn ý chi tiết sau:

* Dàn ý 1:

1. Mở bài

a/ Giải thích

Giới thiệu xuất xứ: câu nói trích trong bài báo “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” của Vũ Khoan. Đối tượng đối thoại của tác giả là lớp trẻ Việt Nam, chủ nhân của đất nước ta trong thế kỉ XXI.

Sự chuẩn bị bản thân con người (hành trang vào thế kỉ mới) ở đây được dùng với nghĩa là hành trang tinh thần như tri thức, kĩ năng, nhân cách, thói quen lối sống... để đi vào một thế kỉ mới.

b. Tại sao bước vào thế kỉ mới, hành trang quan trọng nhất là sự chuẩn bị bản thân con người?

Vì con người là động lực phát triển của lịch sử. Vai trò con người càng nổi trội trong thế kỉ XXI, khi nền kinh tế tri thức sẽ phát triển mạnh mẽ, sự hội nhập kinh tế, văn hoá toàn cầu diễn ra là cơ hội, thách thức sự khẳng định mỗi cá nhân, dân tộc.

* Phê phán những con người chưa có tinh thần chuẩn bị hành trang…không làm được việc, thành gánh nặng…

- Phê phán những người chưa chuẩn bị hành trang chu đá -> Khó có thể thành công.

- Trong mọi thời đại thì hành trang là vấn đề luôn cần thiết.

c. Làm gì cho việc chuẩn bị bản thân con người trong thế kỉ mới:

- Hành trang tri thức: Tích cực học tập tiếp thu tri thức.

- Hành trang phẩm chất: Rèn luyện đạo đức, lối sống đẹp, có nhân cách, kĩ năng sống chuẩn mực.

- Hành trang kĩ năng, ngoại ngữ, thể chất:

- Phát huy điểm mạnh, từ bỏ thói xấu, điểm yếu.Thấy được trách nhiệm, bổn phận của cá nhân đối với việc chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới.

Dàn ý 2:

+ Mở bài:

– Giới thiệu qua về tác phẩm, tác giả và hoàn cảnh ra đời của bài viết là khi nào?

– “Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới” của tác giả Vũ Khoan là một bài viết hay sâu sắc đó là việc phải đổi mới cách suy nghĩ, những tính xấu của người Việt Nam để có thể đáp ứng kịp sự thay đổi của khoa học công nghệ trong thế kỷ mới.

– Bài viết này được đăng lần đầu trên tạp chí Tia sáng năm 2001 và đã được in thành sách do nhà xuất bản Trẻ TP.HCM xuất bản năm 2002.

+ Thân bài:

– Phân tích luận điểm để thấy rõ sự hợp lý của bài viết từ chỗ “Tết năm thói quen tốt cho mỗi người dân…càng nổi trội” trong luận điểm này tác giả muốn nhấn mạnh sự quan trọng trong việc chuẩn bị hành trang cho thế kỷ mới.

– Bối cảnh của nền kinh tế nước ta, mục tiêu mà chúng ta mong muốn đạt được “Cần chuẩn bị… điểm yếu của nó”

– Phân tích những cái được và cái chưa được trong đức tính của người dân nước ta “cái mạnh của con….đố kỵ nhau”

– Tác giả đã chuyển đổi ngôn ngữ, chuyển tiếp linh hoạt, để phân tích những luận điểm của mình một cách rõ ràng, thấu tình đạt lý.

– Trong mỗi câu văn của mình tác giả đều phân tích rất chi tiết những cái mạnh và cái yếu của người dân Việt Nam. Tác giả đã chỉ rõ cho chúng ta thấy điều chúng ta đã làm được và điều chúng ta còn chưa có, yếu kém thì cần sửa chữa hoặc khắc phục.

– Tác giả cũng chỉ rõ và so sánh một số đặc tính của người nước Nhật với người nước ta. Người dân nước Nhật cũng rất nổi tiếng bởi tính cần cù, chịu khó, nhưng lại thận trọng trong khâu chuẩn bị, không hấp tấp làm gì họ cũng tính toán chi li từ đầu.

– Phân tích những ưu điểm, nhược điểm trong những thói quen nhỏ nhặt của người dân Việt Nam chúng có quan hệ như thế nào với sự phát triển đất nước?

– Trong phần kết của bài viết tác giả Vũ Khoan chỉ rõ “muốn sánh vai cùng các cường quốc năm châu” thì chúng ta nên cương quyết thay đổi để bắt kịp thời đại.

+ Kết bài

– Bài viết này đã nói thẳng lên một vấn đề vô cùng tế nhị, “nhạy cảm” của người dân chúng ta.

– Bằng ngôn ngữ đời thường, dễ hiểu, tác giả đã chỉ cho chúng ta thấy rõ những cái cần khắc phục, để xây dựng tập quán Việt Nam.

– Qua đó chúng ta sẽ có đủ kinh nghiệm, trí tuệ để bước vào thời ký công nghiệp hóa hiện đại hóa trong kỷ nguyên mới.

Câu 2:

1. Giới thiệu chung về tác giả tác phẩm:

- Thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Tác giả tham gia thanh niên | xung phong và bắt đầu sáng tác vào đầu những năm 70.

- Sáng tác của Lê Minh Khuê cuốn hút người đọc nhờ lối viết giản dị, tự nhiên, lối kể chuyện sinh động, khả năng phân tích tâm lí nhân vật chân thực, tinh tế.

- Tác phẩm được viết năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt.

- Truyện ngắn nhằm ngợi ca tinh thần dũng cảm của các cô gái thanh niên xung phong, của thế hệ trẻ trong những ngày mưa bom bão đạn.

- Cô gái Phương Định trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” đó là một nữ chiến sĩ thanh niên xung phong xinh đẹp, trong sáng, giàu tình cảm và dũng cảm, ngoan cường.

2. Phân tích, cảm nhận về vẻ đẹp nhân vật Phương Định

a. Vẻ đẹp dũng cảm, kiên cường:

- Phương Định cùng đồng đội đảm nhận một công việc đầy gian khổ, hiểm nguy trên cung đường Trường Sơn, giữa những năm kháng chiến chống Mĩ ác liệt:

+ Cô thuộc tổ trinh sát mặt đường hàng ngày phải đo khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần phải phá bom.

+ Vì thế, mỗi khi máy bay ném bom phải lao lên mặt đường, đánh dấu đoạn đường bị bom phá hỏng và những quả bom chưa nổ.

+ Không chỉ vậy, cô và tổ trinh sát còn đảm đương việc phá bom nổ chậm. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự bình tĩnh, dũng cảm, quên mình của chiến sĩ vì thần chết luôn lẩn trong ruột những quả
bom.

+ Là công việc mà có làm bao nhiêu lần vẫn không thể quen, vẫn luôn căng thẳng đến mức “thần kinh căng như chão... tim đập bất chấp cả nhịp điệu”

+ Vậy mà, cô vẫn bám trụ 3 năm liền trên tuyến đường Trường Sơn, chứng tỏ vẻ đẹp quả cảm, ý chí kiên cường, lòng yêu nước của Phương Định,

- Diễn biến tâm trạng Phương Định trong một lần phá bom nổ chậm:

+ Nền của tâm trạng là không khí căng thẳng: bầu trời, mặt đất văng lãng phát sợ.

+ Phương Định đã chiến thắng nỗi sợ hãi của mình: Đi thắng người đến bên quả bom, tất cả mọi giác quan của cô trở nên nhạy bén, có ngày cô phá bom đến 5 lần. Tinh thần trách nhiệm, sự quên mình trong công việc khiến cái chết trở nên mờ nhạt. Cô chỉ nghĩ đến “liệu mìn có nổ, bom có nổ không?”

=> Cô là biểu tượng cho vẻ đẹp của lòng quả cảm, kiên cường của thế hệ nữ thanh niên xung phong thời chống Mĩ.

b. Vẻ đẹp tâm hồn nhạy cảm, mơ mộng, giàu yêu thương:

- Nét đẹp trẻ trung, hồn nhiên, mơ mộng:

+ Cô luôn chăm chút cho ngoại hình và rất tự hào về đôi mắt “có cái nhìn sao mà xa xăm” và | cái cổ kiêu hãnh như đài hoa loa kèn => tự thấy mình là một cô gái khá.

+ Cô thích soi gương thích làm điệu trước các anh bộ đội. +Đặc biệt, Phường Định rất thích hát, thích nhiều loại nhạc khác nhau và còn thường bịa lời ra để hát.

+ Cô vui thích cuống cuống trước một cơn mưa đá.

+ Cô cũng hay hồi tưởng về quá khứ, về tuổi học sinh, về căn nhà nhỏ bên quảng trường thành phố. Cô nhớ khuôn cửa sổ, nhớ những ngôi sao trên bầu trời Hà Nội, nhớ bà bán kem với lũ trẻ con háo hức vây quanh. Đó là những kí ức làm tươi mát tâm hồn cô trong hoàn cảnh chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh.

=> Vào chiến trường, phải trải qua nhiều gian khổ, thiếu thốn song Phương Định vẫn giữ vẹn nguyên thế giới tâm hồn mình.

- Tình cảm gắn bó, yêu thương với đồng đội đồng đội:

+ Cô yêu thương, chiều chuộng Nho như một đứa em út trong nhà. Khi Nho bị thương, cô lo lắng, chăm sóc, cảm thấy đau như chính mình bị thương.

+ Với chị Thao Phương Định hiểu tính cách và tình cảm của chị, cô coi chị Thao như người chị cả trong gia đình.

+ Khi đồng đội trên cao điểm, Phương Định ở nơi an toàn trực điện đại, mà chẳng thể yên lòng: cố gắt lên với đội trưởng, cô sốt ruột chạy ra ngoài rồi lo lắng.

=> Tất cả đã làm hiện lên một thế giới tâm hồn tinh tế, trong sáng, nhân hậu và vẻ đẹp nhân cách của một người thiếu nữ, sống giữa hiện thực chiến tranh khốc liệt mà vẫn tràn đầy niềm yêu thương, tin tưởng dành cho con người và cuộc sống.

=> Tác giả đã khắc họa thành công nhân vật Phương Định, người thiếu nữ Hà Nội với tâm hồn phong phú và lòng dũng cảm, tinh thần quên mình vì nhiệm vụ. Nhà văn đã góp cho văn xuôi chống Mĩ một trong những hình tượng sống động và đáng yêu nhất.

c. Những đặc điểm đặc sắc nghệ thuật

- Nghệ thuật miêu tả nhân vật đặc sắc.

- Kể chuyện sinh động.

- Ngôn ngữ trần thuật phù hợp với nhân vật, nhịp kể biến đổi linh hoạt.

- Lựa chọn ngôi kể phù hợp, thể hiện được những nét tinh tế, sâu sắc trong tâm hồn nhân vật.

3. Liên hệ với nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa

Giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long và nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa.

- Vẻ đẹp của anh thanh niên:

+ Anh thanh niên là người giản dị, gần gũi quan tâm với những người xung quanh.

+ Anh có tinh thần lạc quan trong một hoàn cảnh sống nhiều khó khăn, thử thách.

+ Rất say mê công việc đo gió, đo mưa trên đỉnh Yên Sơn

+ Anh làm việc với một tinh thần trách nhiệm rất cao.

+ Anh có lí tưởng sống đẹp.

* Điểm gặp gỡ và khác biệt:

+ Gặp gỡ: Họ đều là những con người có lí tưởng sống đẹp đẽ, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.

+ Khác biệt: Phương Định nổi bật với vẻ đẹp thơ mộng, nữ tính rất đỗi con gái, tình cảm đồng đội sâu nặng và sự gan dạ, dũng cảm sẵn sàng hi sinh cho tổ quốc; Anh thanh niên lại hiện lên với tinh thần lạc quan, sự gần gũi, giản dị với những người xung quanh.

=> Trách nhiệm của thế hệ trẻ:

- Xác định mục tiêu, lí tưởng đúng đắn, phấn đấu vì những mục tiêu mình đã đề ra.

- Học tập tốt, phấn đấu trở thành những con người tốt, con người giỏi để xây dựng đất nước

5. Nhận xét chung

Lê Minh Khuê đã làm nổi bật chân dung của Phương Định một cô gái hồn nhiên, trong sáng, tinh thần dũng cảm, lạc quan trong cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ. Phương Định được xây dựng thành công với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc và là đại diện tiêu biểu của thế hệ trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM