Đáp án đề thi môn Văn vào lớp 10 Kiên Giang năm 2018

Xuất bản: 04/06/2018 - Cập nhật: 07/06/2019 - Tác giả: Giangdh

Xem chi tiết đề thi chính thức và đáp án tham khảo môn Văn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tỉnh Kiên Giang năm 2018

MỚI NHẤT: Đáp án thi vào 10 môn Văn 2019 Kiên Giang

Đề thi chính thức môn Văn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tỉnh Kiên Giang năm 2018

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

KIÊN GIANG

ĐỀ CHÍNH THỨC

(Đề thi có 01 trang)

KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT

NĂM HỌC 2018 - 2019

MÔN THI: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút ( không kể thời gian phát đề)

Ngày thi: 04/6/2018

Câu 1 (1.5 điểm).

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:

Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão nếu như con nít. Lão hu hu khóc...

(Nam Cao, Lão Hạc, Ngữ văn 8, tập một, NXB Giáo dục, 2017, trang 42)

a) Tìm những từ trong trường từ vựng chỉ hoạt động và chỉ bộ phận của cơ thể trong đoạn văn trên?

b) Các câu trong đoạn văn trên được liên kết với nhau bằng phép liên kết nào là chủ yếu?

Câu 2 (1.5 điểm). Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

"...Đất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước."

a) Đoạn thơ được trích từ bài thơ nào? Do ai sáng tác?

b) Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: Đất nước như vì sao

Câu 3 (2.0 điểm)

Anh/ chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) bàn về một thói quen xấu cần phải được thay đổi trong giới trẻ hiện nay.

Câu 4 (5.0 điểm)

Cảm nhận của anh/ chị về hình ảnh người lao động trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của nhà thơ Huy Cận. (SGK Ngữ văn 9 tập 1, NXB Giáo dục, 2017)

-----HẾT-----

Xem thêm: Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2019 Kiên Giang

Gợi ý làm bài: môn Văn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tỉnh Kiên Giang năm 2018

Câu 1.

a) Từ vựng chỉ hoạt động: Co, xô, ép, ngoẹo, mếu, khóc

Từ vựng chỉ bộ phận cơ thể: Đầu, mặt, mắt, miệng (chỉ bộ phận cơ thể)

b) Phép liên kết: Các câu trong đoạn văn được liên kết chủ yếu bằng phép lặp từ: ” lão”

Câu 2.

a) Đoạn thơ được trích từ bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của tác giả Thanh Hải

b) Biện pháp tu từ sử dụng trong câu Đất nước như vì sao là so sánh ("như")

Tác dụng của biện pháp so sánh: giúp câu thơ trở nên sinh động qua đó thể hiện sự tự hào của người dân Việt Nam với đất nước mình, cũng như niềm tin tươi sáng về con đường hướng tới tương lai, phát triển lên một tầm cao mới, sánh vai với các cường quốc năm châu như lời căn dặn của Bác Hồ.

Câu 3. Tham khảo dàn ý sau đây về chủ đề thói quen xấu nghiện Internet trong giới trẻ hiện nay

MỞ ĐOẠN: Giới thiệu vấn đề nghị luận

- Trong suốt dòng lịch sử con người, đã có những người phải vất vả chống lại tính nghiện ngập, nào là nghiện rượu, nghiện ma túy, cũng như những thói quen không thể bỏ được, chẳng hạn như bài bạc.

- Các nhà tâm lý học ở nhiều quốc gia hiện nay lại lưu ý đến tình trạng khẩn cấp phải đối phó của một chứng tật ham mê mới, đó là nghiện Internet.

THÂN ĐOẠN:

1. Thực trạng về căn bệnh nghiện internet trong giới trẻ

- Với nhiều người, Internet là một thứ không thể thiếu; một thói quen không kiểm soát nổi. Riêng tại Mỹ đã có khoảng 15-20 triệu người mắc "bệnh” này.

- Bốn triệu chứng nghiện Internet chính là: quên thời gian, sao lãng ăn uống và ngủ; tức giận, căng thẳng, bồn chồn khi không thể lên mạng; cần trang bị máy tính mạnh hơn, nhiều phần mềm mới; biểu hiện trầm cảm, hay cáu giận và tách biệt với xã hội.

- Nghiện Internet – một hành vi gây căng thẳng cho cuộc sống của chính nạn nhân và cho cả gia đình, bạn bè, đồng nghiệp – là một căn bệnh tâm lý đang lan tràn trên toàn thế giới.

- Chơi game trực tuyến là một dạng của nghiện Internet và đang lan tràn nhanh chóng trong giới trẻ.

2. Hậu quả của việc nghiện Internet

- Internet mang theo cùng nó những lợi ích nhưng cả các tác hại. Trong đó có tình trạng vì quá mê mệt Internet mà các con nghiện xao lãng chuyện học hành, thậm chí bỏ học.

- Họ giảm tiếp xúc với gia đình, bè bạn, sống cô lập trước màn hình máy tính, lặn vào những "chat room" hay chơi những trò chơi bạo lực. Các con nghiện Internet thường đau khổ vì trầm uất, sợ sệt và không sẵn lòng giao tiếp với người khác. Nhiều em mắc bệnh rối loạn giấc ngủ, tê cóng hai tay.

- Tuy nhiên, Internet chỉ là chất xúc tác chứ không phải là nguyên nhân gây nghiện. Hầu hết những em gặp trục trặc trong cách hành xử hay thiếu tự tin chỉ bị cơn nghiện Internet làm trầm trọng thêm, mà trong quá khứ, không có Internet, chúng có thể tìm tới tội ác, ma túy, có khi tự tử để đối phó với những vấn đề của mình.

KẾT ĐOẠN: Có thể đưa ra một số giải pháp trên thế giới đã tiến hành và đề xuất giải pháp cho Việt Nam.

- Xây dựng trung tâm tư vấn về nghiện Internet, cùng với các chương trình điều trị ở các bệnh viện

- Tổ chức các trại "Giải thoát khỏi Internet"

- Giải pháp cho bệnh nghiện internet ở Việt Nam ...

Câu 4. Dàn ý tham khảo

I. Mở bài

- Nêu những nét chính về tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm

- Bài thơ đã khắc họa được vẻ đẹp và sức mạnh của người lao động trước thiên nhiên - vũ trụ kỳ vĩ.

II.Thân bài: Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ: Đẹp, rộng lớn, lộng lẫy

1. Cảm hứng vũ trụ đã mang đến cho bài  thơ  những  hình ảnh thiên nhiên hoành tráng

- Cảnh hoàng hôn trên biển và cảnh bình minh được đặt ở vị trí mở đầu, kết thúc bài thơ vẽ ra không gian rộng lớn mà thời gian là nhịp tuần hoàn của vũ trụ.

- Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi: Không phải là con thuyền mà là đoàn thuyền tấp nập.

=> Con thuyền không nhỏ bé mà kì vĩ, hoà nhập với thiên nhiên, vũ trụ.

- Vẻ đẹp rực rỡ của các loại cá, sự giàu có của biển cả. Trí tưởng tượng của nhà thơ đã chắp cánh cho hiện thực, làm giàu thêm, đẹp thêm vẻ đẹp của biển khơi.

2. Người lao động giữa thiên nhiên cao đẹp

- Con người không nhỏ bé trước thiên nhiên mà ngược lại, đầy sức mạnh và hoà hợp với thiên nhiên

- Con người ra khơi với niềm vui trong câu hát.

- Con người ra khơi với ước mơ trong công việc.

- Con người cảm nhận được vẻ đẹp của biển, biết ơn biển

- Người lao động vất vả nhưng tìm thấy niềm vui, phấn khởi trước thắng lợi.

III. Kết bài

- Hình ảnh người lao động được sáng tạo với cảm hứng lãng mạn cho thấy niềm vui phơi phới của họ trong cuộc sống mới.

- Thiên nhiên và con người phóng khoáng, lớn lao. Tình yêu cuộc sống mới của nhà thơ được gửi gắm trong những hình ảnh thơ lãng mạn đó

Tham khảo thêm bài văn mẫu: Phân tích hình ảnh người lao động trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận.

Truy cập đường dẫn sau để cập nhật trực tiếp lời giải tham khảo của đề thi: https://doctailieu.com/dap-an-de-thi-van-vao-lop-10-kien-giang-2018

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM