Đáp án đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn 2023 mẫu số 12

Xuất bản: 22/03/2023 - Tác giả:

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn 2023 mẫu số 12 với bài nghị luận xã hội trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc giải quyết xung đột trong cuộc sống.

Xin chào các em! Với mong muốn giúp các em luyện tập thật tốt các phương thức giải đề cũng như ôn tập lại các kiến thức đã học thì Đọc tài liệu gửi tới các em mẫu "Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn mẫu số 12 có đáp án sau đây.

Cấu trúc đề thi hoàn toàn không thay đổi nhưng mà có câu "Luyện mãi thành tài, miệt mài tất giỏi.", việc hàng ngày thử sức thêm với một mẫu đề thi khác nhau chính là cách chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp sắp tới hiệu quả nhất. Đề thi mang tính chất tham khảo!

Cùng đi vào tìm hiểu đề thi này nhé:

Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn 2023 mẫu số 12

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Mọi người đều tránh xa xung đột. Nó khiến ta cảm thấy tồi tệ nên ta tránh né và hy vọng bằng cách nào đó xung đột tự hóa giải. Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra. Thay vì vậy nó cứ mưng mủ như một vết thương nhiễm trùng (điều ta né tránh thường lại dai dẳng).

Quan điểm của tôi về nó: xung đột không gì khác hơn là một cơ hội để trưởng thành và kết nối sâu xa hơn với người khác. Mọi xung đột đều ẩn chứa cơ hội học hỏi một bài học quý giá, và cơ hội phát triển bản thân (về hiểu biết, nhận thức và quan điểm). Mỗi xung đột, dù với người thân hay với khách hàng, là cả một cơ hội lớn để tôi rèn mối liên lạc gần gũi hơn với người đó. Bằng cách biến đổi sự bất mãn thành thời khắc thú vị cho cả hai bên.

Vậy đừng trốn chạy xung đột. Đừng chỉ gửi email khi biết mình cần mặt đối mặt để nói rõ sự thật. Vai trò lãnh đạo cũng bao hàm cả sự quân bình giữa lòng trắc ẩn với sự can đảm. Mặc dù bạn có thể cảm thấy xung đột thật rắc rối, nhưng nó thực sự là một món quà. Hãy đón nhận nó. Hãy thưởng thức những tiềm năng mà nó mang theo. Xung đột sẽ phục vụ đắc lực cho bạn.

(Trích Đời ngắn đừng ngủ dài , Robin Sharma, Nhà xuất bản Trẻ, 2014, tr 34)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích (0,5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả, con người có thể né tránh xung đột không? Vì sao? (0,5 điểm)

Câu 3. Theo anh/chị, làm thế nào để xung đột trở thành “thời khắc thú vị cho cả hai bên”? (1,0 điểm)

Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với quan điểm: Đừng chỉ gửi email khi biết mình cần mặt đối mặt để nói rõ sự thật của tác giả hay không? Vì sao? (1,0 điểm)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc giải quyết xung đột trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong chương thơ “Đất Nước” (Ngữ văn 12, tập 1), Nguyễn Khoa Điềm có nhiều cảm nhận về đất nước:

Có lúc:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể.

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Có khi:

Đất Nước là nơi ta hò hẹn

Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

Để rồi:

Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân

Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại

Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”

Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội

Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

Đi trả thù mà không sợ dài lâu

Từ cảm nhận những câu thơ trên, hãy chỉ ra những phát hiện sâu sắc, mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước.

HẾT

Kết thúc đề thi thử thpt quốc gia 2023 môn văn mẫu số 12. Làm bài xong rồi đối chiếu đáp án phía dưới.

Muốn check kĩ lại thang điểm, các em tải file tài liệu bên dưới về nhé!

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp môn Văn 2023 mẫu số 12

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

Câu 2. Theo tác giả, con người không thể né tránh xung đột. Vì xung đột như một vết thương nhiễm trùng đang mưng mủ. Né tránh không thể giúp ta chữa trị vết thương mà trái lại, nó càng khiến ta thêm nhức nhối, khó chịu, đau đớn mà thôi.

Câu 3. 

- Thí sinh có thể đưa ra các giải pháp khác nhau nhưng phải bàn luận trên tinh thần thiện chí, thuyết phục thì mới cho điểm tối đa. Dưới đây là một số gợi ý cơ bản:

- Để xung đột trở thành “thời khắc thú vị cho cả hai bên”:

+ Cần bình tĩnh, chủ động đối diện với xung đột, không bi kịch hóa xung đột cũng không né tránh hoặc hi vọng xung đột tự hóa giải.

+ Tìm cách giải quyết xung đột trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.

+ Rút ra những bài học sau khi giải quyết xung đột và biết áp dụng một cách hợp lí trong cuộc sống,…

Câu 4. 

Thí sinh có thể đồng tình hoặc không đồng tình với quan điểm, nhưng cần đưa ra lí lẽ thuyết phục; bàn luận trên tinh thần nghiêm túc, thiện chí. Dưới đây là gợi ý một số cách trả lời:

- Đồng tình với quan điểm: Khi cần mặt đối mặt để nói rõ sự thật nghĩa là xung đột đã trở nên gay gắt, quyết liệt, không thể trì hoãn và buộc phải tìm cách giải quyết. Nếu chỉ gửi email, không trao đổi trực tiếp, rất có thể không giải quyết được ngọn nguồn xung đột. Mọi người sẽ không hiểu nhau, thậm chí còn bị đánh giá là hèn nhát, yếu đuối, không có thiện chí, thiếu tôn trọng người khác. Hậu quả để lại sẽ rất lớn,…

- Không đồng tình với quan điểm: Email cũng là một cách để trao đổi thông tin. Khi xung đột đang quyết liệt, nếu ta đối mặt trực tiếp để nói rõ sự thật, rất có thể cả hai sẽ không bình tĩnh, kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân; mâu thuẫn, xung đột sẽ trở nên căng thẳng hơn nữa. Gửi email với tất cả sự thẳng thắn, chân thành đôi khi sẽ giúp mọi người bình tĩnh, nhìn nhận sự việc. Khi sự việc lắng xuống ta nói rõ sự thật cũng chưa muộn,… Mỗi người cần có cách ứng xử linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh, bản thân.

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1 

Giải thích: Xung đột là là sự đối lập về nhu cầu, giá trị, lợi ích.  Xung đột có thể mang đến kết quả tiêu cực hoặc tích cực, phụ thuộc vào bản chất và cường độ của xung đột. Giải quyết xung đột là làm cho xung đột không còn nữa, đem lại sự thống nhất cho các bên.

Bình luận về ý nghĩa của việc giải quyết xung đột

- Tại sao phải giải quyết xung đột? Vì nếu không giải quyết thì xung đột ngày càng đẩy lên cao, phát sinh mâu thuẫn phức tạp hơn, lợi ích và mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người rất có thể bị phá hủy…

- Giải quyết xung đột có ý nghĩa gì? Giúp các bên tìm được tiếng nói chung, mối quan hệ trở nên gần gũi, đoàn kết, thống nhất; phát hiện ra những vấn đề quan trọng; tìm ra giải pháp cho vấn đề; xây dựng tinh thần hợp tác,  giúp mọi người hiểu nhau hơn,…

Mở rộng

Cần giải quyết xung đột trên tinh thần thiện chí, tránh đổ dầu vào lửa. Phê phán những người quá đề cao cái tôi hoặc tìm mọi cách đẩy xung đột theo hướng xấu, biến mâu thuẫn nhỏ thành mâu thuẫn lớn.

Câu 2

Nêu vấn đề: Thí sinh có thể mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng cần nêu được những nét chính về tác giả, tác phẩm và đoạn trích.

Cảm nhận

* Nội dung:

- Sự hình thành đất nước: Đất nước có từ rất xa xưa (Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi). Sự hình thành đất nước gắn liền với sự hình thành văn hóa (câu chuyện mẹ kể), phong tục (ăn trầu), tập quán (búi tóc sau đầu), truyền thống (yêu  nước chống giặc ngoại xâm),…

- Trên phương diện không gian: Đất Nước là không gian thiêng liêng gắn liền với tình yêu đôi lứa (nơi ta hò hẹn, nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm).

- Định nghĩa về đất nước: Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân (đất nước được xây dựng, bảo vệ, giữ gìn bằng máu xương của nhân dân qua trường kì lịch sử); Đất Nước của ca dao thần thoại (ca dao thần thoại là tiếng nói tình cảm, tâm hồn nhân dân lao động, qua ca dao thần thoại ta thấy được tinh thần nhân dân, tinh thần đất nước). Đó là say đắm trong tình yêu (yêu em từ thuở trong nôi), quý trọng tình nghĩa (quý công cầm vàng những ngày lặn lội), quyết liệt trong trả thù và chiến đấu (Biết trồng tre đợi ngày thành gậy/Đi trả thù mà không sợ dài lâu),…

* Nghệ thuật:

- Thể thơ tự do, giữa các câu thơ không có vần nhưng chất thơ vẫn thấm đẫm trong dòng cảm xúc, hình ảnh, nhịp điệu. Từ Đất Nước được lặp lại nhiều lần, viết hoa dưới dạng kính ngữ thể hiện thái độ thành kính, trang trọng, thiêng liêng và sự hiện diện của Đất Nước trong muôn mặt đời thường của cuộc sống nhân dân.

- Vận dụng sáng tạo chất liệu văn hóa dân gian tạo nên một không gian nghệ thuật gần gũi, bay bổng, mĩ lệ, phù hợp với tư tưởng Đất Nước của Nhân dân. Giọng điệu suy tưởng, sâu lắng; bút pháp chính luận, trữ tình.

Những phát hiện sâu sắc, mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm

Thơ ca giai đoạn 1945 – 1975 có nhiều sáng tác về đề tài đất nước. Đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm cũng có một đóng góp đặc sắc. Đó là cái nhìn mới mẻ của tác giả về đất nước qua những vẻ đẹp được phát hiện trên nhiều bình diện: lịch sử, địa lí, văn hóa, phong tục, tập quán, truyền thống, lối sống, cái cá nhân và cộng đồng, cái hằng ngày và cái vĩnh hằng, thế hệ này và thế hệ khác…

Đánh giá chung

Bằng giọng thơ trữ tình – chính luận sâu lắng, thiết tha; sử dụng nhuần nhị và sáng tạo các chất liệu văn hóa và văn học dân gian trong câu thơ hiện đại, Nguyễn Khoa Điềm đã có những khám phá mới mẻ về đất nước. Qua đó, làm nổi bật cảm hứng chủ đạo: Đất Nước của Nhân dân.

Các em hãy tham khảo và luyện tập thật nhiều mẫu đề thi thử thpt quốc gia 2023 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM