Đáp án chuyên Văn vào 10 Sư phạm Hà Nội 2019

Xuất bản: 29/05/2019 - Cập nhật: 15/07/2020 - Tác giả:

Xem ngay đề thi và đáp án chính thức đề thi vào 10 chuyên Văn năm 2019 trường Đại học Sư phạm Hà Nội do Đọc tài liệu cập nhật.

Mục lục nội dung

Tham khảo ngay đề thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên Văn vào 10 Sư phạm Hà Nội năm 2019 trong kỳ thi vừa diễn ra chiều nay 29/5/2019.

Đề thi vào 10 chuyên Văn - Sư phạm Hà Nội 2019

Câu 1.

“Ai cũng muốn làm điều gì đó rất lớn lao, nhưng lại không nhận ra rằng cuộc sống được tạo thành từ những điều rất nhỏ”.

(Hành trang vào đời, NXB Tổng hợp TP HCM, 2008, tr.38)

“Tôi đi dạo trên bãi biển khi hoàng hôn buông xuống. Biển đông người nhưng tôi lại chú ý đến một cậu bé cứ liên tục cúi xuống nhặt thứ gì đó lên và ném xuống. Tiền lại gần hơn, tôi thấy cậu đang nhặt những con sao biển bị thủy triều đánh dạt lên bờ và ném chúng trở lại đại dương.

- Cháu đang làm gì vậy? - Những con sao biển này sắp chết vì thiếu nước, cháu phải giúp chúng! 

- Cháu có thấy là mình đang mất thời gian không? Có hàng ngàn con sao biển như vậy. Cháu không thể nào giúp được tất cả chúng. Rồi chúng cũng sẽ phải chết thôi. Cậu bé vẫn tiếp tục nhặt một con sao biển khác và nhìn tôi mỉm cười: 

- Cháu biết chứ! Nhưng cháu nghĩ mình có thể làm được điều gì đó, ít nhất là cứu sống những con sao biển này 

(Theo Hạt giống tâm hồn, Từ những điều bình dị, NXB Tổng hợp TP HCM, 2010, tr.132)

Lấy câu nói và câu chuyện trên làm gợi ý, hãy viết một bài văn ngắn về chủ đề: Ý nghĩa của những điều nhỏ bé.

Câu 2.

Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học của mình, em hãy bàn luận về ý kiến dưới đây của một nhà thơ Mĩ:

“Nhà thơ là người phát ngôn, người đặt tên, người đại diện cái đẹp... Dấu hiệu và bằng chứng của nhà thơ là ở chỗ anh ta nói được những lời người khác chưa từng nói”.

Đáp án đề thi vào 10 chuyên văn - Sư phạm Hà Nội 2019

Câu 1.

1. Nêu vấn đề: Ý nghĩa của những điều nhỏ bé.

2. Giải thích vấn đề 

- Những điều nhỏ bé là những điều giản dị, luôn tồn tại trong cuộc sống của mỗi chúng ta hàng ngày.

=> Mọi thứ đều được tạo nên từ những điều nhỏ bé, và đôi khi những điều nhỏ chính là yếu tố làm nên ý nghĩa của cuộc sống.

3. Bàn luận vấn đề 

- Biểu hiện của những điều nhỏ bé:

+ Biết yêu thương động vật, cỏ cây.

+ Thấy cảm động khi được ai đó lắng nghe, chia sẻ những câu chuyện hay.

+ Thấy thương ba mẹ khi nhìn những giọt mồ hôi rơi.

+ Dắt tay một em nhỏ cho nó qua đường an toàn.

+ Tham gia những tổ chức từ thiện, giúp đỡ những người gặp khó khăn.

- Ý nghĩa của những điều nhỏ bé:

+ Những điều nhỏ bé từng ngày tạo dựng những điều lớn lao trong tương lai.

+ Những điều nhỏ bé mà đẹp đẽ sẽ giúp chúng ta có niềm tin và sống tốt hơn.

+ Những điều nhỏ bé giúp xã hội phát triển văn minh, con người sống chân thành và kết nối với nhau nhiều hơn.

- Làm thế nào để tạo dựng những điều nhỏ bé xung quanh mình:

+ Cần biết sống đẹp và văn minh, biết trau dồi những tình cảm đẹp đẽ.

+ Lan tỏa những điều nhỏ bé, giản dị đến những người thân, người bạn.

+ Yêu cuộc sống của mình và luôn muốn cống hiến cho xã hội.

4. Liên hệ bản thân 

Câu 2:

1. Giới thiệu vấn đề: Nhà thơ là người phát ngôn, người đặt tên, người đại diện cái đẹp ... Dấu hiệu và bằng chứng của nhà thơ là ở chỗ anh ta nói được những lời người khác chưa từng nói.

2. Giải quyết vấn đề 

2.1 Giải thích nhận định 

- Nhà thơ là người phát ngôn, người đặt tên, người đại diện cái đẹp: nhà thơ là người phát hiện, người sáng tạo cái đẹp.

- Dấu hiệu và bằng chứng của nhà thơ là ở chỗ anh ta nói được những lời người khác chưa từng nói: phần còn lại của nhận định đã khẳng định sáng tạo văn chương không phải là những người thợ khéo tay, chỉ làm theo một vài khuôn mẫu đưa cho, mà người nghệ sĩ phải tìm tòi, phát hiện ra những cái mới, nói như Nam Cao chính là: “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”.

=> Nhận định đã nói lên vai trò trách nhiệm của nhà văn đối với việc sáng tạo tác phẩm.

- Lí giải: Vì sao cần phải sáng tạo?

+ Trong bất cứ lĩnh vực nào, đặc biệt là văn chương sáng tạo là điều vô cùng quan trọng, bởi sáng tạo mới làm ra chất riêng, phong cách riêng và từ đó mới làm nên thương hiệu của mình.

+ Nếu văn chương chỉ là sự rập khuôn, sáo rỗng thì đó chỉ là bản sao không hoàn chỉnh.

+ Sáng tạo nghệ thuật là quá trình lão động vất vả, đòi hỏi sự nghiên cứu tỉ mỉ, nghiêm túc của nhà văn. Bởi vậy, không có sáng tạo trong văn chương tức là tác phẩm đó đã chết.

2.2 Chứng minh nhận định 

2.2.1 Sang thu - Hữu Thỉnh 

* Giới thiệu

- Tên thật là Nguyễn Hữu Thỉnh, sinh năm 1942, quê ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông giản dị mà tinh tế, nhẹ nhàng nhưng giàu cảm xúc, thiên về cảm nhận vẻ đẹp tự nhiên, thanh bình của thiên nhiên đất nước và cuộc sống.

- Tác phẩm Sang thu được sáng tác gần cuối năm 1977, thời kì đất nước vừa hòa bình, thống nhất. Bài thơ được in lần đầu trên báo Văn Nghệ, sau đó được in trong tập “Từ chiến hào đến thành phổ” xuất bản năm 1991.

* Sự sáng tạo, nét cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh về mùa thu Trước hết mùa thu được cảm nhận trong không gian gần và hẹp:

- Cảm giác bất chợt đến với nhà thơ, chỉ với một từ “bỗng” mở đầu bài thơ đã khiến ta cảm nhận thu đến thật bất ngờ, đột ngột, không hẹn trước.

- Tín hiệu đầu tiên để tác giả nhận ra mùa thu thật độc đáo: Không phải từ cây ngô đồng (Ngô đồng nhất diệp lạc Thiên hạ cộng tri thu); không phải từ bầu trời xanh (Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt – Nguyễn Khuyến), từ hương cốm mới (Gió thổi mùa thu hương cốm mới – Nguyễn Đình Thi) mà từ hương ổi thứ hương thơm dân dã, muộc mạc, đặc trưng của các làng quê Bắc Bộ lúc cuối hạ đầu thu. Đây chính là nét mới, sự phát hiện độc đáo và đầy tinh tế của Hữu Thỉnh.

- Trong “gió se” gió thu se lạnh hơi khô, thứ hương thơm ấy càng như sánh lại, luồn vào trong gió. Cách sử dụng động từ mạnh “phả” chứ không phải lan, tỏa, bay trong gió, được gió đưa đi, đánh thức cả một không gian làng quê yên bình.

- Cùng với hương ổi, gió se, tín hiệu sang thu còn là sương thu lãng đãng: “sương chùng chình qua ngõ”. Những hạt sương thu ươn ướt mềm mại giăng màn qua ngõ, Mùa thu lại về, mùa thu
mang theo hướng quê và sương mờ ướt lạnh. Sương được nhân hóa qua từ láy “chùng chình” đầy tâm trạng, chùng chình như chờ đợi điều gì đây? “Chúng chình” còn gợi màn sương li ti giăng mắc nơi đường thôn ngõ xóm. Phép nhân hóa còn khiến ta cảm nhận màn sương như dùng dằng, như cố ý chậm lại, nửa sang thu nửa còn như luyến tiếc mùa hạ. “Ngô” ở đây vừa là ngõ thực, vừa có thể là cửa ngõ sang mùa.

- Ta thấy tác giả đã huy động mọi giác quan (khứu giác, xúc giác, thị giác) để cảm nhận những tín hiệu báo thu sang nhưng nó rất mơ hồ, mờ ảo, nhẹ nhàng nên nhà thơ vẫn băn khoăn tự hỏi: “Hình như thu đã về?”. Tinh thái từ “hình như với câu hỏi tu từ khiến ta cảm nhận tâm trạng hoài nghi, cái giật mình bối rối của nhà thơ.

=> Khổ 1 bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh đã diễn tả cảm xúc ngỡ ngàng, bâng khuâng của tác giả khi đón nhận sứ giả đầu tiên của mùa thu.

Không chỉ vậy, ông còn cảm nhận mùa thu trong không gian dài, cao và rộng:

- Cái bỡ ngỡ ban đầu tan biến đi nhường chỗ cho sự rung cảm mãnh liệt trước mùa thu. Nếu như
khổ 1, bài Sang thu của Hữu Thỉnh, tín hiệu thu sang mới chỉ là những gì vô hình, mờ ảo thì sang khổ 2, những dấu hiệu của mùa thu đã rõ nét và hữu hình hơn.

- Bức tranh Sang thu được Hữu Thỉnh miêu tả ở tầm nhìn cao hơn, xa rộng hơn đó là không gian bầu trời, dòng sông.

- 2 câu thơ đầu có cấu trúc đổi, nhịp nhàng với những động thái trái ngược nhau nhưng rất đặc trưng cho mùa thu: “Sông được lúc dềnh dàng Chim bắt đầu vội vã”, thiên nhiên được nhân hóa vừa có hồn, vừa có tình.

+ Dòng sông lúc sang thu không còn cuồn cuộn, gấp gáp như trong những ngày hè mưa lũ mà dềnh dàng thong thả, lững lờ trôi như còn ngẫm ngợi, suy tư.

+ Đối lập với dòng sông ấy là cánh chim, những cánh chim bắt đầu vội vã, chuẩn bị cho chuyến di trú tránh rét hay cũng có thể nó vội vã về tổ lúc chiều hôm chứ không còn nhởn nhơ, rong chơi như những ngày hè.

=> Phải tinh tế lắm, Hữu Thỉnh mới nhận ra được cái “được lúc” của dòng sông và cái “bắt đầu” của cánh chim. Ý thơ thấp thoáng cảm xúc của lòng người sang thu.

- Hai câu thơ sau mới là bức tranh tuyệt đẹp về mùa thu, một sáng tạo của tác giả.

“Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu"

+ Thu đang ở nơi cửa ngõ của mùa vì thế đám mây mùa hạ mới chỉ vắt nửa mình. Cách sử dụng từ “mình” khiến cậu thợ thêm ý vị, nhẹ nhàng, duyên dáng. Đám mây như một dải lụa bồng bềnh vắt nửa mình sang trời thu. Đây có thể xem là hình ảnh liên tưởng sáng tạo, độc đáo nhất trong bài thơ

+ Thật sáng tạo khi Hữu Thỉnh dùng một hình ảnh của không gian để diễn tả sự vận động của thời gian. Mây là thực, còn gianh giới mùa là ảo. Cách diễn đạt này khiến bầu trời như nhuộm nửa sắc thu để đến một lúc nào đó nó sẽ là bầu trời thu

=> Khổ 2, hạ đã nhạt dần, thu đậm nét hơn, phép nhân hóa khiến cảnh vật và lòng người đang bước vào mùa thu và dường như còn quyến luyển mùa hạ.

=> Bằng cảm quan tỉnh tế, bằng sự nghiêm cứu nghiêm cẩn và óc sáng tạo của một người nghệ sĩ, Hữu Thỉnh đã sáng tạo nên một bức tranh mùa thu thật đẹp và cũng thật độc đáo. Lần đầu tiên trong văn học dân tộc, mùa thu lại được cảm nhận ở những thứ bình dị, gần gũi mà cũng hết sức tinh tế đến vậy. Bên cạnh đó là việc sử dụng ngôn từ đặc sắc, các kết hợp từ lạ cũng là điểm làm nên nét đẹp nổi bật cho bài thơ.

2.2.2 Làng - Kim Lân 

* Giới thiệu:

- Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn, thành danh từ trước cách mạng tháng 8. Ông để lại số lượng tác phẩm không nhiều nhưng vẫn được xếp vào hàng những cây bút xuất sắc nhất của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. - Ông có lối viết tự nhiên, giản dị, cách miêu tả chân thực. Đặc biệt ông có biệt tài phân tích tâm lí nhân vật.

- Làng được viết thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ 1948,Là một trong những truyện ngắn thành công nhất của Kim Lân. * Sáng tạo độc đáo của Kim Lân trong tác phẩm “Làng”

- Làng của Kim Lân viết về đề tài vô cùng quen thuộc đó là tình cảm yêu làng, yêu nước của những con người trong thời kì cách mạng. Nhưng điều gì đã làm nên một ông Hai đặc biệt đến vậy, khiến người ta không thể nào quên. Để lại ấn tượng sâu đậm đó phải nói đến sự sáng tạo, công nghiên cứu tìm tòi của nhân văn Kim Lân.

- Ông Hai là người yêu làng tha thiết, ở nơi tản cư ông luôn khoe về cái làng giàu tinh thần chiến đấu, với niềm tự hào sâu sắc.

- Nghe tin làng theo giặc, lòng ông đau đớn đến tột cùng: Cổ nghẹn đắng; Da mặt tê rần rần;...

=> Đau đớn đến mức như không điều khiển được thân thể của chính mình.

- Ông lo lắng, xót xa, trằn trọc cả đêm: ông lo cho số phận của những đứa con sẽ bị khinh bỉ, hắt hủi vì là trẻ con làng Việt gian; Cho bao nhiêu người làng ở nơi tản cư; Cho tương lai cả gia đình.

- Ông sợ hãi khi phải đối diện với cuộc sống xung quanh, lòng ông lúc nào cũng nơm nớp lo sợ.

- Cái tin ấy còn khiến ông day dứt, giằng xé dữ dội:

+ Vì: Ông vừa yêu làng, vừa yêu nước, ông buộc phải lựa chọn giữa hai tình cảm ấy.

+ Cuộc đấu tranh trong tâm hồn ông được biểu hiện qua cuộc nói chuyện của ông với đứa con nhỏ:

• Ông khẳng định: “nhà ta ở làng Chợ Dầu”

=> ông muốn con ghi nhớ Chợ Dầu là quê hương, là gốc gác, không được phép quên

=> là tình cảm gắn bó máu thịt của ông Hai và của hàng triệu người Việt Nam.

• Ông lựa chọn “...làng theo Tây thì phải thù”

=> tình yêu nước và nhiệt tình ủng hộ kháng chiến của ông Hai, Lựa chọn ấy khiến ông vững vàng hơn và tin rằng đồng bào, đồng chí sẽ hiểu cho ông, cụ Hồ sẽ soi xét cho ông.

=> Miêu tả diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, Kim Lân đã phản ánh những nét đẹp mới trong tâm hồn người nông dân sau cách mạng. Cùng với tình yêu làng tha thiết họ còn tràn đầy tình yêu đất nước và nhiệt tình cách mạng.

=> Kim Lân đã miêu tả chân thực, sắc sảo diễn biến tâm trạng ông Hai. Qua đó, nhà văn đã khám phá những nét đẹp nổi bật trong tâm hồn người nông dân Việt Nam:

+ Chất phác, nồng hậu, yêu thiết tha quê hương, đất nước.

+ Lòng nhiệt tình ủng hộ cách mạng, ủng hộ kháng chiến.

=> Ngoài ra những nét đặc sắc về nghệ thuật kể chuyện, cũng làm nên thành công cho tác phẩm.

+ Lối kể chuyện giản dị, tự nhiên, ngôn ngữ mang tính khẩu ngữ.

+ Ngòi bút phân tích tâm lí sắc sảo.

+ Kết hợp hài hòa ngôn ngữ độc thoại, đối thoại.

+ Hình ảnh, chi tiết giàu sức gợi.

3. Tổng kết vấn đề 

- Sáng tạo nghệ thuật là vấn đề muôn thuở của các nhà thơ, nhà văn. Chỉ có sáng tạo mới làm nên một tác phẩm văn học đích thực.

- Điều đó đã đặt ra yêu cầu nơi người sáng tác đó là cần lao động nghiêm túc, không ngừng tìm tòi, đổi mới để không lặp lại chính mình và lặp lại người khác.

Xem thêm:

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn THPT chuyên Sư phạm Hà Nội 2019

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn toán năm 2019 chuyên Sư phạm Hà Nội

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM