Dàn ý phân tích tình huống truyện trong Chiếc thuyền ngoài xa

Xuất bản: 15/11/2018 - Cập nhật: 24/10/2019 - Tác giả:

Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết đề văn phân tích tình huống truyện được Nguyễn Minh Châu xây dựng trong Chiếc thuyền ngoài xa.

Phân tích tình huống truyện trong Chiếc thuyền ngoài xa với dàn ý chi tiết và bài văn mẫu tham khảo giúp các em dễ dàng hình dung cách làm và triển khai bài viết một cách tốt nhất.

Dàn ý phân tích tình huống truyện trong Chiếc thuyền ngoài xa

I. Mở bài

- Giới thiệu tác giả tác phẩm và nêu bật được tình huống truyện độc đáo trong tác phẩm là gì.

II. Thân bài

1. Giới thiệu chung

- Nguyễn Minh Châu là nhà văn giàu tâm huyết, luôn trăn trở về một nền văn học xứng đáng với tầm vóc dân tộc và với sự kì vọng của nhân dân.

- Từ cảm hứng sử thi lãng mạn, huyền ảo đã từng tạo nên vẻ đẹp rực rỡ trong các tác phẩm thời kì chiến tranh, cảm hứng của ông dần dần chuyển sang tính chất triết luận về những giá trị nhân bản đời thường, khám phá ý nghĩa bản chất con người trong cuộc mưu sinh, trong hành trình nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách. Hai tập truyện ngắn “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” (1983) và “Bến quê” (1985) đã đưa Nguyễn Minh Châu lên vị trí “Người mở đường tinh anh và tài năng” (Nguyên Ngọc) của văn học nước ta từ sau năm 1975.

- Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” được in lần đầu tiên trong tập “Bến quê“, sau được tác giả lấy làm tên chung cho cả tuyển tập truyện ngắn của mình, in năm 1987. Trong thiên truyện ngắn này, Nguyễn Minh Châu đã tạo dựng được một tình hưống truyện vô cùng đặc sắc.

2. Phân tích tình huống truyện trong "Chiếc thuyền ngoài xa"

a) Định nghĩa tình huống truyện:

- Là hoàn cảnh được tác giả tạo dựng bằng một sự kiện đặc biệt để từ đó thể hiện được chủ đề, tư tưởng của tác giả.

b) Tình huống truyện trong “Chiếc thuyền ngoài xa” được xây dựng qua việc phát hiện ra những nghịch lí của Phùng, một nghệ sĩ nhiếp ảnh săn tìm cái đẹp ở ngoài bãi biển và ở toà án huyện

– Ở ngoài bãi biển

+ Phát hiện thứ nhất đầy thơ mộng: Bức tranh thiên nhiên toàn bích của chiếc thuyền lưới vó đang tiến gần bờ trong buổi sớm mai “trước mắt tôi là một bức tranh mực tàu... tôi tưởng chính mình vừa khám phá cái chân lí của sự hoàn thiện...”. Trong đôi mắt người nghệ sĩ khát khao cái đẹp thì đó là “cảnh đắt trời cho” chứa đựng chân lí sự hoàn thiện, khiến tâm hồn anh như được gột rửa, thanh lọc.

+ Phát hiện thứ hai đầy nghịch lí, phi nghệ thuật: Cảnh tượng xấu xí: người đàn bà xấu xí, mệt mỏi, người đàn ông cục mịch, hung bạo. Thiếu tính người: người chồng đánh đập vợ thô bạo, đứa con bảo vệ mẹ, đánh lại cha =>  Người nghệ sĩ cay đắng nhận ra: đằng sau cái đẹp cảnh “đắt” trời cho là khung cảnh xấu xí, chứa đựng sự thật tàn nhẫn - nạn bạo hành gia đình.

– Trong toà án huyện

+ Người đàn bà dù bị đánh đập, bị nguyền rủa mỗi ngày bởi người chồng vũ phu nhưng khi tòa khuyên bà bỏ chồng thì bà lại van xin “quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”. Với bà “người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông” là rất khó khăn. Dù người đó có vũ phu thì cũng cần đến những lúc sóng gió ngoài biển khơi.

Niềm vui của bà là được ngắm con cái ăn no, ngủ say và chờ đợi những đôi lúc “vợ chồng con cái hòa thuận vui vẻ”, người đàn bà trên thuyền sống vì con.

+ Câu chuyện người đàn bà khiến Phùng và Đẩu một lần nữa nhận thức sâu hơn về cuộc đời:

++ Cuộc sống mưu sinh có thể làm người hiền lành trở nên thô bạo

++ Đằng sau vẻ xấu xí kia thì người đàn bà lại nhân hậu, vị tha, hiểu đời

++ Vị chánh án nhận ra cuộc sống hôn nhân không dễ dàng giải quyết được bằng cách dứt khoát như anh nghĩ.

++ Nhà nhiếp ảnh nhận ra nghệ thuật thì đẹp đấy nhưng cuộc đời sinh ra nghệ thuật vẫn nhiều khiếm khuyết. Hình thức bên ngoài của người đàn bà không nói lên được lòng vị tha, nhân hậu và nỗi đau bên trong. Người cán bộ đôi khi lại chưa thể thấu hiểu vì còn thiếu trải nghiệm.

3. Ý nghĩa tình huống truyện:

–  Tư tưởng và chủ đề của tác phẩm được thể hiện qua tình huống truyện: Đó là những phát hiện sâu sắc của người nghệ sĩ về cuộc đời, con người, sự gắn kết giữa nghệ thuật và đời sống.

+ Cuộc đời vốn là bức tranh nhiều màu sắc, nhiều nghịch lý mà khi nhìn vẻ bề ngoài khó lòng mà đánh giá. Từ cái nhìn của chánh án Đẩu, tác giả cho ta cái nhìn đa chiều, toàn diện.

+ Đôi khi thiện chí không là chưa đủ để giúp đỡ ai đó, cần phải gắn liền với thực tế để trải nghiệm, thấu hiểu họ.

+ Mỗi chúng ta cần nhìn lại bản thân để hoàn thiện nhân cách.

+ Nghệ thuật không thể tách rời cuộc đời, nó phải có cội rễ từ đời sống và phản ánh đời sống chân thật nhất.

–  Tình huống truyện còn mang ý nghĩa nền tảng để nhà văn xây dựng thành công nhân vật:

+ Người đàn bà hàng chài với nỗi khổ cả thể xác lẫn tâm hồn thế nhưng vẫn ngời lên đức tính tốt đẹp của người phụ nữ.

+ Người chồng là kết quả của cuộc sống túng thiếu, bế tắc

+ Phùng – người nghệ sĩ tha thiết với cuộc đời, Đẩu - chánh án có lòng tốt nhưng cả hai còn thiếu kinh nghiệm sống.

–  Tình huống truyện còn lôi cuốn người đọc bởi nhiều sự vỡ ra, bất ngờ.

–  Tình huống truyện chứa đựng giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc của nhà văn:

+ Giá trị hiện thực: Cuộc sống đói nghèo lạc hậu tăm tối là nguyên nhân dẫn tới nạn bạo hành gia đình. Cuộc chiến đấu bảo vệ quyền sống của cả dân tộc trải qua bao hi sinh gian khổ nhưng cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sống của từng con người còn đầy cam go, lâu dài, cần có sự quan tâm của cách mạng, của cộng đồng

+ Giá trị nhân đạo: Sự chia sẻ cảm thông của tác giả với những số phận đau khổ tủi nhục của những người lao động vô danh đông đảo trong xã hội. Lên án, đấu tranh với cái xấu, cái ác vẫn còn tồn tại trong từng gia đình. Phát hiện, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người lao động.

III. Kết bài

- Tình huống truyện là một thành công lớn của truyện ngắn nói chung và của tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” nói riêng.

- Với tình huống truyện độc đáo sẽ tạo ra tài năng của tác giả.

» Đọc thêm: Top 3 bài văn hay phân tích tình huống truyện Chiếc thuyền ngoài xa

Bài văn mẫu tham khảo phân tích tình huống truyện Chiếc thuyền ngoài xa

Nguyễn Minh Châu là một nhà văn tiên phong trong thời kỳ đổi mới, người được xem là “không thể thay thế” cho giai đoạn văn học này. Hành trình sáng tác của ông trải qua hai thời kì chống Mỹ và thời kì đổi mới sau 1975. Ở thời kì đổi mới Nguyễn Minh Châu được coi là “người mở đường tinh anh và tài năng”, truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là một truyện ngắn đặc sắc của ông. Truyện xoáy sâu vào bức tranh hiện thực đời thường của người lao động ở một vùng ven biển miền Trung sau chiến tranh. Thể hiện cái nhìn sâu sắc của tác giả về cuộc sống và băn khoăn về thân phận con người. Thành công và nghệ thuật nổi bật của Nguyễn Minh Châu trong tác phẩm là xây dựng tình huống truyện vô cùng độc đáo.

Đối với truyện ngắn, tình huống truyện giữ vai trò là hạt nhân của cấu trúc thể loại, nó chính là cái hoàn cảnh riêng (thời gian, không gian, sự việc diễn ra trong thời gian, không gian đó,..) được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt khiến cho tại đó, cuộc sống hiện lên đặc sắc nhất và tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ rõ nét nhất.

Có ba loại tình huống phổ biến trong truyện ngắn: tình huống hành động, tình huống tâm trạng và tình huống nhận thức. Tình huống hành động nhằm hướng tới hành động có tính bước ngoặt của nhân vật, tình huống tâm trạng chủ yếu khám phá diễn biến tình cảm, cảm xúc của nhân vật và tình huống nhận thức chủ yếu cắt nghĩa giây phút “giác ngộ” chân lí của nhân vật. Tình huống trong “Chiếc thuyền ngoài xa” thuộc loại tình huống nhận thức.

Tình huống truyện được xây dựng bởi những nghịch lí, qua con mắt của nghệ sĩ Phùng. Trước tiên là ngoài bãi biển, khía cạnh nghịch lí của tình huống. Bức tranh thiên nhiên thật đẹp dưới con mắt của nhiếp ảnh gia. Một cảnh đẹp trời cho trên một vẻ đẹp mờ sương, toàn bích: hình ảnh chiếc thuyền lướt vó nhạt nhòa trong làn sương mù màu trắng buổi bình minh. Phát hiện ấy khiến người nghệ sĩ cảm thấy sung sướng hạnh phúc, tưởng tâm hồn mình được gột rửa, trở lên trong trẻo, tinh khôi khi bắt găp tận Thiên, tận Mĩ. Trong truyện ngắn, Nguyễn Minh Châu đã tạo ra tình huống truyện hết sức độc đáo: Nghệ sĩ Phùng đến ven biển miền Trung chụp tấm ảnh cho cuốn lịch năm sau, anh thấy cảnh đẹp như tranh vẽ. Phùng đã phục kích mấy buổi sáng mà chưa chụp được bức nào. Sau một tuần lễ suy nghĩ tìm kiếm Phùng quyết định thu vào cuốn lịch năm sau bức ảnh cảnh thuyền đánh cá thu lưới lúc bình minh. Đó là chiếc thuyền ngoài xa trong màn sương sớm đẹp như tranh vẽ cảnh đẹp đến mức Phùng thấy “có lẽ suốt cuộc đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi thấy một cảnh đắt trời cho như vậy"… cái khoảnh khắc đó hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình. Do cái đẹp tuyệt đỉnh ngoại cảnh vừa đem lại “Phùng nhanh chóng bấm máy thu lấy một cảnh không dễ gì gặp trong đời". Nhưng lúc ấy, khi chiếc thuyền đâm thẳng vào bờ Phùng thấy hai vợ chồng làng chài đi xuống, anh chứng kiến những người chồng đánh vợ hết sức dã man, lão đàn ông hùng hổ, mặt đỏ gay, hắn rút trong người ra một chiếc thắt lưng quất tới tấp vào lưng người đàn và lão vừa đánh vừa thở hộc hộc, hai hàm răng nghiến ken két, mỗi phát quất xuống hắn lại nguyền rủa bằng cái giọng đau đớn. Đứa con không thể đứng yên nhìn mẹ bị đánh, đã giằng được chiếc thắt lưng, rướn thẳng người vung chiếc khóa sắt quất vào khuôn ngực trần vạm vỡ cháy nắng. Ba hôm sau, cũng trong màn sương sớm Phùng lại chứng kiến cảnh lão đàn ông đánh vợ, cả chị gái tước đoạt dao găm mà đứa em trai định dùng để bảo vệ người mẹ đáng thương. Phùng không thể ngờ rằng đằng sau bao cảnh đẹp tựa chiêm bao lại là bao ngang trái của đời thường.

Bên cạnh đó là khía cạnh nhận thức của tình huống thể hiện qua những phát hiện về đời sống của hai nhân vật Phùng và Đẩu.

Phùng nhận thấy cái đẹp của ngoại cảnh có khi che khuất cái xấu của đời sống. Lúc đầu, người nghệ sĩ ngây ngất trước vẻ đẹp bề ngoài của hình ảnh con thuyền nhưng sau đó Phùng nhận ra vẻ đẹp ngoại cảnh đó đã che lấp cuộc sống nhức nhối bên trong con thuyền. Cái xấu cũng có thể làm cái đẹp bị khuất lấp. Khi tìm hiểu sâu về gia đình hàng chài, Phùng thấy cuộc sống nhức nhối ấy làm che lấp đi vẻ đẹp của thành viên trong gia đình. Trước đó, anh hàng chài cũng là một người hiền lành, không bao giờ đánh vợ, người đàn ông chính là nạn nhân của đói nghèo lam lũ đã trở thành vũ phu, thô bạo, đánh vợ như để giải thoát tâm lý, nỗi khổ thường ngày. Vẻ đẹp của người phụ nữ yêu chồng, thương con, biết thấu hiểu, cam chịu và hiểu lí lẽ. Chính từ những sự phức tạp ấy, Phùng nhận ra rằng để hiểu được sự thật đời sống không thể nhìn đơn giản, người nghệ sĩ phải có cái nhìn đa chiều và sâu sắc hơn.

Ở nhân vật Đẩu – với tư cách là thẩm phán huyện, ở Đẩu cũng đã đọng lại những phát hiện. Đằng sau cái vô lí là cái có lí, việc người đàn bà bị chồng hành hạ là vô lí nhưng người đàn bà ấy không muốn rời bỏ chồng lại có lí do riêng. Đằng sau cái tưởng chừng đơn giản lại chất chứa nhiều thứ phức tạp. Ban đầu, Đẩu tưởng li hôn là cách giải quyết dứt điểm sự việc, nhưng sau khi nghe những lời phân trần của người đàn bà từng trải anh nhận ra quan hệ của họ có nhiều ràng buộc phức tạp hơn. Từ những điều chiêm nghiệm của Phùng và Đẩu mang lại một bài học: muốn giải quyết những vấn đề của đời sống, không chỉ dựa vào thiện chí, pháp luật hoặc lí thuyết sách vở mà phải thấu hiểu cuộc sống và cần có giải pháp thiết thực.

Thành công trong truyện ngắn chính là việc Nguyễn Minh Châu xây dựng được tình huống truyện đặc sắc, độc đáo, nhấn mạnh mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Người đọc ngộ ra từng điều sau những tình huống truyện mang ý nghĩa sâu sắc, càng thêm thấm thía về lẽ đời. Tác giả đã đem đến cho người đọc những cái nhìn mới mẻ về con người về đời sống.

» Tham khảo thêm:

Dàn ý phân tích tình huống truyện trong Chiếc thuyền ngoài xa

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM