Dàn ý nghị luận về sự im lặng đáng sợ của người tốt

Xuất bản: 22/03/2019 - Tác giả:

[Văn mẫu 12] Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết đề văn nghị luận xã hội bàn về sự im lặng đáng sợ của người tốt, thái độ trước cái xấu của con người hiện nay.

Mục lục nội dung

Dàn ý nghị luận về sự im lặng đáng sợ của người tốt

* Dàn ý tham khảo 1:

I. Mở bài

- Giới thiệu và nêu vấn đề cần nghị luận

- Trích dẫn câu nói của Matin Luther King: “Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu, mà còn vì sự im lặng đáng sợ của cả những người tốt”.

II. Thân bài

1. Giải thích

- "Kẻ xấu": là những kẻ có tâm địa độc ác.

- "Lời nói và hành động của kẻ xấu": những lời phỉ báng, gièm pha, bôi nhọ, vu oan giá hoạ, những hành động côn đồ hung ác làm tổn hại đến người khác.

- "Người tốt": người nhân hậu, không làm gì tổn hại người khác...

- "Im lặng": không hành động, phản ứng gì trước những việc làm của kẻ xấu hoặc thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của những người xung quanh.

- "Sự im lặng của cả người tốt": thái độ bàng quan, thiếu trách nhiệm, lạnh lùng, vô cảm của những người vốn nhân hậu, không biết làm những hành động sai trái.... Đây cũng là một cách ứng xử tiêu cực

=> Nội dung câu nói bày tỏ thái độ phê phán với những kẻ có tâm địa độc ác dùng lời phỉ báng, gièm pha, bôi nhọ, vu oan và có những hành động côn đồ hung ác làm phương hại đến những người khác; những người có thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những bất công, đau khổ của những người xung quanh.

2. Phân tích

- Đây là câu nói đầy tâm huyết của một người suốt đời phấn đấu vì quyền con người. – Câu nói nêu đúng thực trạng đau lòng đang có chiều hướng gia tăng trong xã hội, đặc biệt là thời điểm hiện nay.

- Câu nói cho thấy người nói thấu hiểu sự nghiêm trọng của thực trạng đó với đời sống con người. Vì:

- Những lời vu cáo bịa đặt, những lời mạt sát xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, những lời gièm pha...không chỉ làm tổn thương họ mà cũng làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, gây mất đoàn kết trong tập thể...

- Những hành vi côn đồ độc ác, ném đá giấu tay làm tổn hại tinh thần, thể xác và tài sản của con người, gây tâm lý bất an, hoang mang trong xã hội.

- Thái độ thờ ơ trước những sự việc, những hành động trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, trái pháp luật, sự vô cảm của con người khiến cái ác lộng hành thống trị xã hội, người tốt, người đáng thương không được bênh vực sẽ bi quan, chán nản, thiếu niềm tin, đạo đức con người bị băng hoại, kìm hãm sự phát triển của xã hội.

- Vô cảm, thiếu trách nhiệm trước nỗi đau người khác dần làm mất nhân cách của chính mình, nhân lên căn bệnh vô cảm ở mọi người trong xã hội.

- Câu nói nhắc nhở mọi người hướng đến một lối sống tích cực: sống có trách nhiệm, biết quan tâm chia sẻ với những đau khổ, bất hạnh của người khác cũng như kiên quyết đấu tranh chống lại những hành động làm tổn hại đến nhân phẩm, sức khoẻ, tính mạng, tài sản của những người xung quanh, chống lại bệnh thờ ơ, vô cảm.

3. Bài học về nhận thức và hành động

- Bản thân cần nhận thức sâu sắc về sự nguy hại của những lời nói, hành động của kẻ xấu và sự thờ ơ, vô cảm.

- Rèn luyện cho mình lối sống tích cực, biết quan tâm, chia sẻ, yêu thương, có thái độ kiên quyết đấu tranh chống lại kẻ xấu và lối sống ích kỉ, thiếu trách nhiệm.

III. Kết bài

- Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận

- Liên hệ thực tế bản thân và bài học rút ra

* Dàn ý tham khảo 2:

I. Mở bài

- Giới thiệu hiện tượng cần bàn: Sự đau đớn, thất vọng do lời nói và hành động của kẻ xấu không lớn bằng việc những người tốt không có bất cứ phản ứng gì trước những việc làm của kẻ xấu và căn bệnh cô cảm.

II. Thân bài

* Nêu bản chất của hiện tượng - Giải thích hiện tượng:

- Cuộc sống là tổng hòa các mối quan hệ xã hội nên luôn luôn tồn tại hai loại người: xấu và tốt. Vì thế, ta thấy đau lòng vì hàng ngày, hàng giờ vẫn có những nhiều đáng tiếc xảy ra, chà đạp lên các giá trị.

- Sự im lặng của người tốt là sự im lặng đáng sợ vì đó là phản ứng bất bình thường của người người mà từ trước đến nay ta trân trọng -> bệnh vô cảm

=> Đây là lời cảnh báo nghiêm khắc về sự băng hoại các giá trị đạo đức trong xã hội hiện nay. Ý kiến này khẳng định: sự đau đớn, thất vọng do lời nói và hành động của kẻ xấu không lớn bằng việc những ngườitốt không có bất cứ phản ứng gì trước những việc làm của kẻ xấu.

* Bàn luận thực trạng, nguyên nhân của hiện tượng bằng các thao tác phân tích, chứng minh

- Thực trạng: hiện tượng khá phổ biến trong xã hội

+ Lời nói, hành động của những kẻ xấu (d/c)

+ Sự im lặng đáng sợ của những người tốt - bệnh thờ ơ, vô cảm

- Nguyên nhân của hiện tượng:

+ Những kẻ xấu, những kẻ kém đạo đức. Chúng làm nhiều việc trái với chuẩn mực đạo đức xã hội chỉ mong vụ lợi cho bản thân, không nghĩ đến người khác, không quan tâm tới tập thể (d/c)

- Trước những bất công, vô lí, điều xấu xa đang xảy ra, trước nỗi đau của người khác… người vô cảm không có phản ứng gì bởi vì họ đã không dám lên tiếng, không dám đấu tranh để cho cuộc sống này tốt đẹp hơn. Tại sao họ im lặng? Vì họ thấy bất lực. Họ thấy cô độc. Họ mất niềm tin...

* Hậu quả của hiện tượng

- Lời nói, hành động của kẻ xấu, sự thờ ơ vô cảm làm cho xã hội trở nên bất ổn, con người mất hết niềm tin vào những điều tốt đẹp (d/c)

* Giải pháp khắc phục:

+ Nâng cao nhận thức ở giới trẻ: nhà trường và đoàn thanh niên …cần thường xuyên tổ chức các diễn đàn để tuyên truyền, giáo dục thanh niên về lối sống đẹp.

+ Cần phê phán quyết liệt và nghiêm khắc nhắc nhở những cá nhân có hành vi xấu, vô cảm

III. Kết bài:

- Phải nhận thức rõ nhưng việc làm tốt – xấu xung quanh cuộc sống của mình. Không làm ngơ trước cái xấu, cái ác, không có thái độ sống thờ ơ, vô cảm

- Ủng hộ việc làm của những người tốt, có ý thức bảo vệ người khác để xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Bài văn mẫu hay nhất bàn về thái độ im lặng của người tốt trước những cái xấu

Trong thế giới luôn vận động và thay đổi mỗi ngày, tình cảm, lòng nhân ái và trách nhiệm của con người với cuộc sống ngày càng trở nên cần thiết hơn nữa. Bàn về vấn đề này, một nhà hoạt hoạt động nhân quyền Mĩ gốc Phi, người được nhận giải Nobel về Hòa bình năm 1964: “Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu, mà còn là vì sự im lặng đáng sợ của những người tốt”. Đây không chỉ là một ý kiến cá nhân nữa mà nó đã trở thành một nhận định đúng đắn về xã hội, lương tâm con người.

Những kẻ xấu là những người có bụng dạ xấu xa, âm hiểm, thâm độc. Những kẻ xấu luôn suy nghĩ và hành động một cách ích kỉ, không quan tâm đến hệ lụy hay những ảnh hưởng đến người khác mà luôn toan tính, bằng mọi cách thực hiện hành động, mục đích của mình. Những kẻ xấu sẵn sàng có những lời lẽ đơm đặt, khích bác, những lời lẽ xúc phạm đến mọi người xung quanh và có nội dung không tốt. Họ hành động cũng không quang minh chính đại, không tốt đẹp mà đều chỉ nhằm mục đích xấu. Lời nói và hành động của kẻ xấu đều làm liên lụy và ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người, đến xã hội, khiến con người cảm thấy đáng sợ, ghê tởm, xa lánh. Những người tốt ngược lại là những con người có suy nghĩ lành mạnh, trong sáng, không làm gì hại ai, cũng không ảnh hưởng gì đến người khác. Sự im lặng đáng sợ của những người tốt ở đây muốn nói đến sự vô tâm, thói vô trách nhiệm của họ. Mặc dù họ không làm gì hại ai nhưng họ lại quá vô tâm, hờ hững với những gì xảy ra xung quanh mình, và điều đó suy cho cùng, cũng gây ra những hệ lụy, tác hại vô cùng nghiêm trọng.

Sự im lặng của người tốt khiến cho những mối liên hệ, ràng buộc của con người dần trở nên xa cách, tình cảm con người ngày một rạn nứt, những mối liên hệ trong cộng đồng cũng vì vậy mà không còn trở nên nghĩa tình, thắm thiết. Con người vô tâm, vô trách nhiệm thường có suy nghĩ đèn nhà ai nhà nấy rạng, thân ai nấy lo. Bất cứ việc gì không liên quan đến họ, họ đều chẳng mảy may quan tâm. Gặp những số phận bất hạnh, những mảnh đời thương tâm, họ cũng quay lưng làm ngơ vì rằng đó không phải là việc của họ. Nhìn thấy sự sai trái, phạm lỗi ngay trước mắt nhưng họ cũng không lên tiếng đưa sự thật ra ánh sáng không phải vì không liên quan gì đến họ. Họ bàng quan với tất cả mọi thứ và chỉ thực sự để ý đến những gì liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ. Sự im lặng của họ đã cổ xúy cho những hành vi sai trái, khuất tất, những kẻ xấu thừa cơ làm càn. Sự im lặng của họ cũng khiến cho biết bao sự chờ mong, niềm hi vọng của nhiều người bị dập tắt. Nó khiến cho tình cảm giữa người với người trở nên nguội lạnh, vô cảm, khiến con người ngày càng cách xa nhau hơn.

Đừng nghĩ rằng người tốt im lặng sẽ không ảnh hưởng đến ai, kì thực vì sự im lặng của họ đã kéo theo sự xuống dốc trong đức hạnh, nhân cách, phẩm chất của con người, làm mất đi nét đẹp trong tâm hồn con người. Sự im lặng của họ khiến cho những lời nói và hành động của kẻ xấu được đà lấn tới và làm biến chất nét nhân văn của xã hội. Chính vì vậy mỗi con người cần phải biết đấu tranh với cái xấu, loại bỏ sự im lặng làm chúng ta trở thành những con người vô cảm, vô trách nhiệm.

--------------------------------------------------------------------

Trên đây là phần hướng dẫn lập dàn ý chi tiết cho bài văn nghị luận bàn về sự im lặng đáng sợ của người tốt trong xã hội hiện nay. Mời các bạn truy cập mục tài liệu Văn mẫu 12 để tham khảo thêm nhiều bài văn hay khác do Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn. Chúc các bạn học tốt môn Ngữ Văn !

Dàn ý nghị luận về sự im lặng đáng sợ của người tốt

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM