Dàn ý phân tích truyện Tấm Cám, truyện cổ tích thể hiện ước mơ cháy bỏng về khát vọng hạnh phúc và công lí của nhân dân thông qua câu chuyện về cuộc đời cô Tấm. Cùng tham khảo dàn ý chi tiết cùng bài mẫu trong tài liệu dưới đây để nắm được cách làm dạng bài này em nhé!
Đề bài: Phân tích truyện cổ tích Tấm Cám
Dàn ý phân tích truyện cổ tích Tấm Cám
I. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về đặc trưng thể loại truyện cổ tích.
- Giới thiệu về truyện cổ tích Tấm Cám: Thuộc thể loại cổ tích thần kì kể về cuộc đời của Tấm thông qua đó thể hiện ước mơ cháy bỏng về khát vọng hạnh phúc và công lí của nhân dân.
II. Thân bài
1. Diến biến mâu thuẫn xung đột giữa Tấm và mẹ con Cám
- Chặng 1: Con đường đến với hạnh phúc của Tấm.
+ Cám lừa Tấm, trút hết giỏ tép của Tấm vào giỏ của mình để cướp phần thưởng.
Tấm ôm mặt khóc, bụt hiện lên cho Tấm một con cá bống
+ Mẹ con Cám lừa Tấm đi chăn trâu ở cánh đồng xa để giết thịt cá bống. Tấm khóc. Bụt hiện lên bảo Tấm cho xương cá đựng vào bốn chiếc lọ chôn ở bốn chân giường.
+ Dì ghẻ trộn thóc lẫn gạo, bắt Tấm nhặt không cho đi trẩy hội. Tấm khóc. Bụt hiện lên, sai một đàn chhim sẻ xuống nhặt giúp.
+ Tấm không có quần áo đẹp mặc đi hội. Tấm tủi thân khóc. Bụt hiện lên cho Tấm quần áo, khăn, giày, xe ngựa. Tấm đến gặp vua, đánh rơi chiếc hài và may mắn trở thành hoàng hậu
→ Ở chặng này, mâu thuẫn chủ yếu xoay quanh hơn thua về vật chất và tinh thần. Tấm bị mẹ con Cám cướp đoạt trắng trợn công sức lao động, phần thưởng, niềm vui tinh thần.
→ Tấm luôn trong thế bị động, không thể tự giải quyết xung đột mà phải nhờ đến Bụt. Sự xuất hiện đúng lúc của Bụt cho thấy sự bênh vực của nhân dân đối với kẻ yếu.
→ Quá trình giải quyết mâu thuẫn theo hướng thiện thắng ác, ở hiền gặp lành
⇒ Tấm hiện lên là một cô gái mồ côi, đau khổ, tội nghiệp, hiền lành, chỉ biết khóc mỗi khi bị ức hiếp. Mẹ con Cám lười biếng, đố kị, nhẫn tâm nhưng ở chặng này mới dừng lại ở đố kị, ghen nghét, chưa có hành động tiêu diệt.
- Chặng 2: Con đường đấu tranh giành lấy hạnh phúc của Tấm.
+ Tấm về giỗ cha, bị mẹ con Cám dụ trèo lên cây cau, sau đó chặt gốc cau. Tấm ngã chết, Cám được đưa vào cung thay thế.
+ Tấm chết hóa thành chim vàng anh, báo hiệu sự có mặt trên đời. Mẹ con Cám giết thịt chim
+ Tấm hóa thành cây xoan đào, tỏa bóng mát cho nhà vua. Mẹ con Cám chặt cây, đốt làm khung cửi.
+ Tấm hóa thành con ác trên khung cửi, trực tiếp tuyên chiến với kẻ thù . Mẹ con Cám đốt khung cửi.
+ Tấm hóa thành quả thị, ngày ngày chui ra quét dọn, nấu cơm cho bà hàng nước, sau đó gặp lại nhà vua và trở về làm hoàng hậu. Mẹ con Cám ngỡ ngàng và chết một cách thảm khốc
→ Chặng 2, mâu thuẫn xung đột dữ dội, một mất một còn xoay quanh ngôi vị hoàng hậu
→ Tấm luôn trong thế chủ động, đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt. Tấm không còn khóc, không còn Bụt giúp đỡ, những lần hóa thân của Tấm cho thấy sự chiến đấu không khoan nhượng, sức sống mãnh liệt không thể tiêu diệt của cái thiện.
→ Mâu thuẫn cũng được giải quyết theo hướng thiện thắng ác.
⇒ Tấm từ một cô gái nhu mì, yếu đuối trở nên mạnh mẽ, can đảm, kiên cường đấu tranh để giành lấy hạnh phúc, diệt trừ cái ác. Mẹ con Cám là những kẻ tham lam, độc ác truy sát Tấm đến tận cùng.
2. Bản chất của mâu thuẫn, xung đột
- Xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình phụ hệ: Dì ghẻ - con chồng
+ Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ
+ Tấm và dì ghẻ là con chồng dì ghẻ
→ Đây là mâu thuẫn phổ biến trong xã hội.
- Phản ánh mâu thuẫn xã hội giữa cái thiện và cái ác.
+ Tấm đại diện cho các nhân vật ở tuyến thiện: Hiền lành, nhu mì, đau khổ, tội nghiệp luôn nhận được sự giúp đỡ, dám đứng lên chống lại cái ác
+ Mẹ con Cám lười biếng, nhẫn tâm, độc ác
→ Thể hiện quan niệm của nhân dân ở hiền gặp lành, ác giả ác báo và ước mơ về một xã hội công bằng.
3. Hành động trả thù của Tấm
- Tấm trở về cung, làm hoàng hậu và trẻ đẹp hơn trước
- Cám ngỡ ngàng, khát khao được đẹp như chị. Tấm bày cách cho Cám xuống hố, dội nước sôi cho trắng đẹp rồi chết
- Mẹ Cám ăn lọ mắm làm từ thịt con gái, kinh khiếp lăn đùng ra chết.
→ Hành động này phù hợp với quá trình trưởng thành trong đấu tranh của Tấm: Từ hiền lành cam chịu, yếu đuối đến mạnh mẽ quyết liệt chống lại cái ác và cuối cùng ra tay trừng phạt cái ác
→ Phù hợp với quan niệm của nhân dân: Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo
4. Đặc sắc nghệ thuật
- Xây dựng những mâu thuẫn, xung đột theo hướng tăng tiến
- Xây dựng hai tuyến nhân vật thiện ác rõ rệt
- Sử dụng những mô típ truyền thống: mô típ vật duy nhất còn sót lại (con cá, chiếc giày, quả thị, trầu têm cánh phương), mô típ hóa thân,...
- Sử dụng các yếu tố thần kì: nhân vật thần kì (Bụt), vật thần kì (Xương cá bống, bầy chim sẻ), những lần hóa thân của Tấm.
III. Kết bài
- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện cổ tích Tấm Cám
- Mở rộng: Kiểu truyện Tấm Cám có mặt ở hầu hết các truyện kể dân gian ở các nước như “Cô bé Lọ lem”, “Cô Tro bếp”. Hình tượng cô Tấm và cốt truyện Tấm Cám cũng xuất hiện nhiều ở các loại hình nghệ thuật khác như truyện thơ, trèo. Từ đó cho thấy sự hấp dẫn và phổ biến của kiểu truyện Tấm Cám.
Bài văn mẫu phân tích truyện cổ tích Tấm Cám
Tấm Cám là một trong những truyện cổ tích đặc sắc nhất trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Tác phẩm kể về cuộc đời và quá trình đấu tranh của Tấm để giành lại sự sống, hạnh phúc cho bản thân. Qua tác phẩm còn thể hiện những quan điểm, triết lí của ông cha ta.
Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ, Tấm sớm mồ côi và sống cùng dì ghẻ và cô em tên Cám. Tấm luôn bị đày ải, hành hạ, còn Cám chỉ biết rong chơi. Tấm chăm chỉ làm lụng, hiền lành được bụt giúp đỡ và trong ngày hội đã trở thành hoàng hậu. Đến ngày giỗ cha nàng về nhà thì bị mẹ con Cám bức hại, và từ đó nàng phải trải qua hết kiếp hóa thân này đến kiếp hóa thân khác mới được trở về sống cùng nhà vua, hưởng hạnh phúc trọn đời. Còn mẹ con Cám bị trừng phạt thích đáng.
Ta có thể thấy mâu thuẫn chính, chủ yếu trong tác phẩm là mâu thuẫn mẹ ghẻ, con chồng. Ông cha ta vẫn thường có câu: “Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”, đây là mâu thuẫn cơ bản dẫn đến hàng loạt các xung đột biến cố phía sau. Từ đó nâng lên thành xung đột giữa thiện – ác, tốt – xấu mang ý nghĩa xã hội to lớn.
Trước hết mâu thuẫn nảy sinh là do sự đối xử bất công của dì ghẻ với Tấm. Hàng ngày Tấm phải làm lụng vất vả từ sáng đến tối, ngày nàng chăn trâu, cắt cỏ, đêm thì giã gạo, xay thóc,… cô phải luôn chân luôn tay làm việc, không có lúc nào nghỉ ngơi. Còn Cám lại suốt ngày rong chơi, hái hoa bắt bướm. Và đỉnh điểm của sự việc là khi Tấm bị Cám lừa lấy hết giỏ tép vào giỏ mình về nhà trước nhận phần thưởng là chiếc yếm đỏ. Chiếc yếm đỏ không đơn thuần chỉ là một phần thưởng mà nó còn tượng trưng cho sự trưởng thành, là khát khao của cô gái mới lớn. Mẹ Cám hoàn toàn biết sự thật nhưng vẫn mặc kệ trao thưởng cho Cám, Tấm bất lực chỉ biết ngồi khóc. Như vậy, Tấm trước hết bị Cám tước đoạt quyền lợi về mặt vật chất. Ông bụt xuất hiện, ban thưởng cũng là bù đắp cho số phận của những người con gái bị lừa gạt.
Cá bống xuất hiện làm bạn, xua tan những cô đơn, tủi cực của Tấm. Nhưng đồng thời, chính lúc này Tấm phải đối diện với lần lừa gạt thứ hai. Cá bống là người bạn duy nhất tâm tình cùng Tấm, Tấm “nhường cơm sẻ áo” cho người bạn ấy. Mẹ con Cám khi biết chuyện đã lừa Tấm “đi chăn trâu đồng xa, chớ chăn gần nhà người ta bắt mất trâu” để giết cá bống. Không chỉ tước đoạt phần thưởng vật chất, mẹ con Cám còn tước đoạt niềm vui tinh thần của Tấm. Mâu thuẫn tiếp tục đẩy lên cao hơn, trong ngày hội mẹ Cám trộn một đấu thóc với một đấu gạo, bắt Tấm nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo nhằm ngăn Tấm không được hưởng niềm vui tinh thần – dự hội cùng mọi người. Mẹ con Cám hết lần này đến lần khác đối xử bất công với Tấm, ngăn cản niềm vui, hạnh phúc của Tấm. Đó là biểu hiện của sự độc ác, tàn nhẫn và bất công.
Trước sự đối xử bất công, Tấm chỉ có duy nhất một phản ứng chính là ôm mặt không, cô chỉ mới dừng lại ở việc ý thức được sự đau khổ, chứ chưa có hành động quyết liệt để thoát nỗi đau khổ đó. Tâm luôn cam chịu, nhẫn nhục một cách thụ động. Và để giải quyết những nỗi ấm ức, bất hạnh của Tấm, Bụt xuất hiện sau mỗi tiếng khóc của cô, Bụt ban cho Tấm: cá bống – làm bạn, quần áo – dự hội, đây đồng thời cũng là cơ hội để Tấm có được hạnh phúc. Và kết quả cô đã trở thành hoàng hậu. Đây là motip quen thuộc trong văn học dân gian thể hiện quan điểm “Ở hiền gặp lành” của nhân dân ta.
Nhưng nếu câu chuyện mới chỉ dừng lại ở đó thì Tấm Cám sẽ nhòe mờ trong vô vàn truyện cổ tích có motip tương tự, câu chuyện tiếp tục phát triển với những mâu thuẫn mới xuất hiện. Khi trở thành hoàng hậu, nàng vẫn giữ trọn vẹn đạo hiếu, ngày giỗ cha trở về nhà làm giỗ. Và cũng chính từ đây hàng loạt biến cố trong đời nàng tiếp tục xảy ra. Dì ghẻ bảo Tấm trèo lên cây hái cau. Dì ghẻ ở dưới chặt cây, Tấm thấy động, hỏi thì dì ghẻ bảo đuổi kiến, nhưng kì thực mẹ Cám đang chặt cây cau, cây đổ, Tấm chết và Cám vào cung thay chị làm hoàng hậu. Như vậy Tấm bị cướp đoạt mạng sống và ngôi vị, đây là sự tước đoạt cả về quyền lợi vật chất lẫn tinh thần. Nhưng ở giai đoạn này không còn là cô Tấm cam chịu, Tấm không cam lòng và trở về hoàng cung với nhiều hình dạng khác nhau: chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi và đều bị mẹ con Cám sát hại dã man. Qua hai chặng từ Tấm bị đối xử bất công đến bị mẹ con Cám hại chết cho thấy mâu thuẫn giữa hai tuyến nhân vật càng ngày càng quyết liệt hơn, gay cấn hơn.
Không còn là một nàng Tấm cam chịu trước những bất công, ở chặng thứ hai này, Tấm đã vùng lên phản kháng, đấu tranh một cách quyết liệt. Bởi Tấm không chỉ bị tước quyền lợi vật chất, tinh thần mà còn bị cướp đi cả mạng sống hết lần này đến lần khác, nó đã quá giới hạn chịu đựng của con người. Bởi vậy nàng phải vùng lên đấu tranh, quay trở về tuyên chiến với Cám bằng lời đe dọa: “Cót ca cót két/ Lấy tranh chồng chị/ Chị khoét mắt ra”. Không chỉ tuyên chiến mà Tấm còn trừng trị Cám một cách thích đáng và quay lại ngôi vị hoàng hậu hưởng hạnh phúc bên nhà vua. Câu chuyện đến đây còn thêm nhiều ý nghĩa, đó là bài học về “Ác giả ác báo”, khẳng định cái thiện sẽ luôn giành chiến thắng. Đồng thời qua quá trình đấu tranh của Tấm cũng cho thấy hạnh phúc chỉ thực sự bền lâu khi mỗi chúng ta biết đấu tranh và giữ lấy nó.
Thành công của tác phẩm không chỉ ở nội dung đặc sắc mà còn ở hình thức nghệ thuật. Tấm Cám xây dựng tình huống truyện hấp dẫn, giàu kịch tính theo chiều tăng tiến. Sử dụng linh hoạt các yếu tố thần kì: ông bụt là nhân vật trợ giúp; sự góa thân liên tiếp của Tấm thể hiện ý thức đấu tranh giành hạnh phúc. Nhân vật không đơn nhất một chiều mà có sự phát triển tính cách.
Tấm Cám là câu chuyên hấp dẫn, đặc sắc ở cốt truyện lôi cuốn, có sự phát triển. Qua tác phẩm các tác giả dân gian gửi gắm những quan niệm sâu sắc: Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo. Đồng thời truyện cũng phản ánh những mâu thuẫn xung đội trong gia đình thời cổ.
Tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu hay: Phân tích truyện Tấm Cám
**********
Từ dàn ý phân tích truyện Tấm Cám mà Đọc tài liệu đã hướng dẫn trên đây, các em hãy vận dụng kiến thức đã học, kết hợp với cách hành văn của mình để làm thành một bài viết hoàn chỉnh nhé. Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên cập nhật những bài văn mẫu lớp 10 hay nhất phục vụ việc học văn của các em. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!