Dàn ý phân tích nhân vật cụ Mết trong truyện Rừng xà nu

Xuất bản: 31/08/2018 - Cập nhật: 03/06/2020 - Tác giả:

[Văn mẫu 12] Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết cho đề văn phân tích nhân vật cụ Mết trong tác phẩm Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành).

Tài liệu hướng dẫn lập dàn ý phân tích nhân vật cụ Mết trong Rừng xà nu chi tiết và cụ thể của Đọc Tài Liệu với hệ thống luận điểm, luận cứ, sơ đồ tư duy kèm theo bài văn mẫu hay và chất lượng giúp các em tham khảo mở rộng vốn từ ngữ cũng như cách trình bày.

Hướng dẫn lập dàn ý phân tích nhân vật cụ Mết trong Rừng xà nu

1. Phân tích đề

- Kiểu đề: thuộc dạng đề nghị luận văn học (phân tích nhân vật trong tác phẩm văn học)

- Vấn đề nghị luận: Hình tượng nhân vật cụ Mết (Các em cần phải nhớ những chi tiết, sự kiện liên quan đến nhân vật và ý nghĩa của nhân vật trong tác phẩm).

- Phạm vi dẫn chứng, tư liệu: các chi tiết, câu văn, từ ngữ thuộc phạm vi văn bản Rừng xà nu, mà chủ yếu là nhân vật cụ Mết.

2. Xác lập luận điểm, luận cứ

- Luận điểm 1: Đặc điểm ngoại hình

- Luận điểm 2: Vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất

+ Quắc thước và nghiêm nghị

+ Tình yêu sâu sắc, gắn bó máu thịt với quê hương

+ Giàu tình yêu thương đối với dân làng

+ Kiên cường, vững chãi, là chỗ dựa tin cậy của dân làng

3. Sơ đồ tư duy

Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật cụ Mết trong truyện Rừng xà nu

Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật cụ Mết (Rừng xà nu)

4. Chi tiết dàn ý phân tích nhân vật cụ Mết trong Rừng xà nu

a) Mở bài

- Nguyễn Trung Thành là nhà văn gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, với nhiều tác phẩm đặc sắc.

- Rừng xà nu là khúc sử thi văn xuôi hiện đại tái hiện vẻ đẹp tráng lệ, hào hùng của núi rừng, con người và truyền thống văn hóa Tây Nguyên.

- Một trong những nhân vật mang đậm chất sử thi là cụ Mết.

b) Thân bài

* Ngoại hình:

- Quắc thước: “râu dài đến ngực mà vẫn đen bóng”, “vết sẹo ở má phải láng bóng”, cụ là người đã trải qua nhiều thăng trầm.

- “bàn tay nặng trịch như kìm sắt”, “ngực căng như một cây xà nu lớn”,... mang dáng dấp của anh hùng trong sử thi Tây Nguyên.

* Phẩm chất, tính cách

- Cụ là người quắc thước và nghiêm nghị:

+ Giọng nói “ồ ồ dội vang trong lồng ngực”: vừa thể hiện sức mạnh thể chất vừa thể hiện sức mạnh quyền uy của người chỉ huy.

+ Mỗi câu nói như một chân lí “không có gì mạnh bằng cây xà nu trên đất ta”, “cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn”, “chúng nó cầm súng mình phải cầm giáo”.

- Cụ Mết có tình yêu quê hương sâu sắc:

+ Dẫn Tnú ra máng nước đầu làng gội rửa, để nhắc nhở những ai đi xa nhớ về nguồn cội, quê hương.

+ Tự hào về tất cả mọi thứ trên quê hương: “Không có gì mạnh bằng cây xà nu đất ta”, “Gạo người Strá mình làm ra ngon nhất rừng núi này”.

+ Vì muốn bảo vệ quê hương nên luôn tìm hướng đi đúng đắn cho buôn làng: “Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn”.

- Là người giàu tình yêu thương:

+ Hết lòng thương yêu và tin tưởng Tnú - chàng trai trẻ có số phận bi tráng: nồng hậu đón Tnú trở về, xót thương khi nhìn những ngón tay còn hai đốt của Tnú, luôn động viên anh: “Ngón tay còn hai đốt cũng bắn súng được”.

+ Xúc động khi kể lại cho dân làng nghe câu chuyện của Tnú, cụ “vụng về trở bàn tay lau một giọt nước mắt”

+ Nhận được muối, dù ít ỏi cụ vẫn chia đều cho mọi người trong buôn làng.

- Cụ Mết là người biết nhìn xa trông rộng: dự trữ lương thực đủ ăn để đánh giặc, biết rõ được sức mạnh chưa đủ khi chưa có vũ khí nên không liều mạng xông ra cứu Tnú,...

- Cụ chính là người chỉ đường dẫn lối, là chỗ dựa tinh thần cho dân làng.

=> Nhận xét: Cụ Mết là biểu tượng thế hệ anh hùng đi trước, hiện thân cho truyền thống thiêng liêng, hội tụ vẻ đẹp con người Tây Nguyên, mang dáng vẻ của người anh hùng với sức mạnh phi thường trong sử thi.

c) Kết bài

- Nêu cảm nhận của bản thân về hình ảnh cụ Mết.

- Khái quát nghệ thuật: với kết cấu truyện lồng trong truyện, đầu cuối tương ứng đặc sắc, ngôn ngữ đậm chất sử thi, nhưng cũng mộc mạc giản dị, xây dựng hình tượng, ...

- Thông qua câu chuyện của dân làng Xô Man, tác giả đã đặt ra vấn đề có ý nghĩ lớn lao với dân tộc: Để cho sự sống của đất nước và nhân dân mãi trường tồn thì không có cách nào hơn là đoàn kết đứng lên cầm vũ khí chống lại kẻ thù.

    Sau khi tham khảo mẫu dàn ý phân tích nhân vật cụ Mết đã được Đọc Tài Liệu biên soạn ở trên, các em có thể đọc bài văn mẫu sau đây về hình tượng nhân vật cụ Mết để mở rộng vốn từ ngữ và học hỏi cách trình bày.

Bài văn tham khảo phân tích nhân vật cụ Mết

Nguyễn Trung Thành là nhà văn trưởng thành qua những cuộc kháng chiến của dân tộc. Ông viết rất nhiều tác phẩm gắn liền với những con người và mảnh đất núi rừng Tây Nguyên hoang sơ hùng vĩ. Thể hiện sự gắn bó của nhà văn với những con người nơi đây.

Tiêu biểu cho phong cách của tác giả chính là truyện ngắn "Rừng xà nu" được xuất bản năm 1965 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Truyện ngắn thể hiện sự anh hùng kiên cường quả cảm của những người dân Tây Nguyên.

Hình ảnh những người dân làng Xô Man mà đứng đầu chính là cụ Mết chính là hình tượng cây xà nu anh hùng đại thụ vượt qua nhiều trận bom rơi, đạn nổ nhưng vẫn kiên cường hiên ngang trong gió bão.

Cụ Mết chính là linh hồn của người dân làng Xô Man, là người soi đường cho những thế hệ trẻ đi theo con đường yêu nước, con đường cách mạng của dân làng.

Nhân vật cụ Mết được coi như già làng trưởng bản của làng Xô Man, cụ Mết không xuất hiện ở ngay đầu tác phẩm nhưng mỗi lần xuất hiện đều toát lên vẻ oai hùng, của một người lãnh đạo cầm đầu, để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc. Một bàn tay chắc nịch nắm lấy vai Tnú như một kìm sắt, khi anh nhìn cảnh Mai và con mình bị hành hạ, Tnú định từ gốc cây chạy ra nhưng bàn tay cụ Mết đã giữ anh lại.

Ông cụ có khuôn mặt quắc thước ấy râu dài tới ngực, đen bóng đôi mắt ông sáng lên, những vết sẹo trên người cũng láng bóng, ngực căng lên như một cây xà nu lớn trưởng thành qua gió bão. Nhà văn Nguyễn Trung Thành đã miêu tả cụ Mết bằng những câu văn miêu tả một vị anh hùng, một già làng tộc trưởng được vạn người kính trọng. Qua những nét vẽ đó ta thấy được cụ Mết là người vô cùng cường tráng, khỏe mạnh có diện mạo quắc thước, minh mẫn thể hiện sự nhanh nhẹn trong hành động lời nói và trí tuệ.

Trong nhân vật này chứa đựng sự trưởng thành của một con người từng trải đã trải qua nhiều nắng gió của thời gian, của những khó khăn vất vả tạo thành một con người kiên cường bất khuất không sợ gì. Trong giọng nói của cụ Mết tác giả Nguyễn Trung Thành miêu tả cụ có giọng nói ồ ồ vang rộn cả núi rừng Tây Nguyên. Những lời nói của cụ tựa như sấm truyền. Mỗi lần cụ nói như ra lệnh không bao giờ khen tốt hay giỏi với bất kỳ ai mà chỉ nói những lời nói mang tính chất khích lệ như "Được". Nhưng mỗi lời ông cụ nói đều chắc nịch thể hiện một mệnh lệnh.

Trong lúc Tnú bị bọn thằng Dục tay sai bắt và tra tấn dã man lúc chúng tẩm nhựa xà nu vào mười đầu ngón tay Tnú và đốt trong khoảnh khắc ấy từ "Giết" của cụ Mết vang lên như một lời sấm truyền. Cụ đã chính tay giết chết tên Dục rồi cùng dân làng Xô Man cứu Tnú thoát khỏi vòng vây sự tra tấn của kẻ thù. Khi Tnú cùng quẫn, bất động vì vợ con bị giết chết, mười đầu ngón tay bị thiêu đốt còn hai nhưng cụ Mết chính là người đã cho anh sức mạnh, cho anh thêm nghị lực để tiếp tục đứng lên chiến đấu với kẻ thù. Cụ Mết nói "Không có tay cũng có thể dùng súng giết giặc".

Cụ Mết luôn trung thành với Đảng với cụ Hồ Chí Minh đó là tình cảm sâu sắc mà cụ dành cho quê hương thể hiện sự trung thành của một người con dân tộc. Tác giả Nguyễn Trung Thành khi nói tới nhân vật cụ Mết đều dùng những từ ngữ vô cùng thành kính sâu sắc thể hiện sự yêu mến quý trọng của tác giả với nhân vật này. Đối với Tnú hay những đứa trẻ trong làng Xô Man thì cụ Mết luôn là một tấm gương sáng để cho thế hệ sau phải noi theo. Tình yêu quê hương, trung thành với cách mạng của Tnú, của bé Heeng, bé Dít đều do cụ Mết truyền lửa. Cụ Mết chính là người cha già của dân làng Xô Man, là người soi sáng tinh thần, truyền ngọn lửa tự do cho những người dân nơi đây.

Hình ảnh cụ Mết tuy xuất hiện không nhiều trong tác phẩm Rừng xà nu nhưng lại là nhân vật vô cùng quan trọng, thông qua những gì mà nhà văn miêu tả về nhân vật này thì cụ Mết chính là già làng với tinh thần yêu nước sâu sắc một lòng tin tưởng vào cách mạng, vào Bác Hồ. Cụ Mết đã đọng lại trong lòng người đọc bởi hình ảnh mạnh mẽ, anh hùng, một người truyền lửa cho những người dân làng Xô Man, cụ tựa như cây xà nu trưởng thành hiên ngang, kiên cường trong gió bão.

>>> Tham khảo thêm:

Như vậy là Đọc Tài Liệu đã vừa giới thiệu tới các em tham khảo mẫu dàn ý phân tích nhân vật cụ Mết kèm theo bài văn mẫu chi tiết giúp em nắm được cách làm và mở rộng vốn từ ngữ trước khi làm bài. Ngoài ra, để củng cố kĩ năng viết văn của mình các em có thể tìm đọc những bài văn mẫu hay lớp 12 do chúng tôi tuyển chọn và biên soạn nhé!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM