Dàn ý phân tích đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

Xuất bản: 12/03/2019 - Tác giả:

Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết đề văn phân tích trích đoạn Mã Giám Sinh mua Kiều trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.

Dàn ý chi tiết phân tích Mã Giám Sinh mua Kiều

I. Mở bài

- Giới thiệu đôi nét về tác giả Nguyễn Du và đoạn trích:

+ Nguyễn Du (1765 – 1820), là người có hiểu biết sâu rộng, có vốn sống phong phú. Sự ngiệp văn học rất phong phú và đồ sộ.

+ Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều: nằm ở phần đầu kiếp đoạn trường của người con gái họ Vương.

II. Thân bài

- Nghệ thuật sử dụng từ ngữ, bút pháp miêu tả của Nguyễn Du.

+ Mã Giám Sinh được Nguyễn Du miêu tả đúng với bản chất của một tên buôn người.

- Nhân vật Mã Giám Sinh

+ Diện mạo và cử chỉ

  • Sinh viên trường Quốc Tử Giám
  • Người khách ở xa
  • Tên: Mã Giám Sinh
  • Quê: huyện Lâm Thanh
  • Tuổi: ngoại tứ tuần
  • Cách ăn mặc: mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao
  • Nói năng: thô lỗ, vô lễ
  • Hành động: ghế trên ngồi tót sỗ sàng

⇒ Vẻ ngoài chải chuốt, không phù hợp với lứa tuổi, cử chỉ và thái độ bất lịch sự, trơ trẽn, hỗn láo.

+ Bản chất

  • Giả dối từ lai lịch đến tướng mạo, tính danh
  • Bản tính con buôn, lưu manh

⇒ Bút pháp tả thực, cùng các từ tượng hình, tượng thanh làm cho Mã Giám Sinh hiện lên là một kẻ giả dối, vô học, con buôn, mất lịch sự.

- Hình ảnh tội nghiệp của Thúy Kiều

+ Tình cảnh tội nghiệp của Thúy Kiều

  • Nàng là một món hàng để người ta trao đổi, mua bán.
  • Ý thức được nhân phẩm.

+ Nỗi đau đớn, tái tê

  • Buồn rầu, tủi hổ, ngại ngùng
  • Ê chề trong cảm giác thẹn với lòng.
  • Đau đớn khi tình duyên tan vỡ.
  • Uất hận khi gia đình bị vu oan.

⇒ Tâm trạng đau khổ, xấu hổ, đan đớn.

- Tấm lòng của tác giả

+ Khinh bỉ, căm phẫn tố cáo thế lực vì đồng tiền mà chà đạp lên nhân phẩm của con người.

+ Tác giả có cái nhìn mỉa mai, châm biếm, lên án diện mạo và cử chỉ thô lỗ, sỗ sàng của Mã Giám Sinh.

⇒ Tác giả thể hiện niềm cảm thương sâu sắc trước thực trạng con người bị hành hạ, bị chà đạp.

⇒ Hóa thân vào nhân vật để nói lên nỗi tủi hổ, đau đớn của Kiều.

III. Kết bài

- Nội dung: Bằng nghệ thuật tả ngoại hình, cử chỉ và ngôn ngữ đối thoại để khắc họa tính cách nhân vật, bóc trần bản chất xấu xa, đê tiện của Mã Giám Sinh. Qua đó lên án những thế lực tàn bạo đã chà đạp lên tài sắc và nhân phẩm của người phụ nữ.

- Nghệ thuật:

+ Sử dụng hình ảnh tượng trưng, ước lệ.

+ Dùng bút pháp tả thực để khắc họa, miêu tả và xây dựng nhân vật.

Bài văn mẫu
tham khảo

Bài số 1:

Truyện Kiều là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”. Bằng ngôn ngữ thơ Nôm điêu luyện, Nguyễn Du đã làm nên một kiệt tác nghệ thuật bất hủ. Một trong những bút pháp tả nhân vật rất ấn tượng trong Truyện Kiều đó là hiện thực hóa nhân vật phản diện. Hãy đến với đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” để khám phá điều đó.

Đoạn thơ thuộc phần Gia biến và lưu lạc, mở đầu cho kiếp đoạn trường lưu lạc của người con gai họ Vương. Gia đình Kiều bị thằng bán tơ vu oan, Kiều phải đem lên bàn cân hai thứ tình cảm để rồi quyết định bán mình cứu cha và em. Đọc đoạn thơ, người đọc không chỉ khinh bỉ căm phẫn trước chân tướng của một tên buôn thịt bán người mà còn xót xa cho nỗi đau khổ của người con gái tài hoa bị chà đạp. Ngòi bút của Nguyễn Du thấm đẫm tình cảm nhân văn.

Trước hết, ta hãy đến với cảnh mua bán người theo kiểu thời trung cổ. Người mua ở đây là Mã Giám Sinh, kẻ bán là mụ mối, còn người bị bán là Thúy Kiều. Đây là kiểu mua bán diễn ra thường xuyên dưới xã hội phong kiến. Nhân vật Mã Giám Sinh hiện lên thật đặc biệt:

“Quá niên trạc ngoại tứ tuần

Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”

Hắn chỉ là một tên buôn thịt bán người nhưng mập mờ đánh lận con đen. Tự xưng mình là sinh viên Quốc Tử giám một tri thức quý tộc hẳn hoi. Nhưng từ cái diện mạo trải chuốt quá đáng hắn tự biến mình thành một kẻ lố lăng trai lơ đàng điếm. Nhân cách hắn ngày càng hé lộ dần:

“Hỏi tên rằng: Mã Giám Sinh

Hỏi quê rằng: Huyện Lâm Thanh cũng gần”

Nói năng thì cộc lốc thô lỗ không buồn thưa gửi thật không đúng với cái “danh” mà hắn giới thiệu. Thế rồi cử chỉ thái độ của hắn ngày càng chứng tỏ hắn đóng kịch. Người đọc đến giật mình trước cử chỉ hắn đến nhà Kiều:

“Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”

Thật là một cử chỉ bất lịch sự đến trơ trẽn và hỗn láo. Hắn đã ngồi nhầm “vào vị trí của các bậc cao niên, các bậc huynh trưởng đáng kính, chỉ một chữ “tót” thôi đủ lột tả chân tướng của một kẻ săn mồi đã quá quen.

Tiếp đến màn kịch bộc lộ bản chất dã thú của một con buôn lưu manh giả dối bất nhân vì tiền:

“Đắn đo cân sắc cân tài

Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ”

Hắn biến Kiều như một đồ vật đem bán, cân đong đo đếm cả nhan sắc lẫn tài hoa lạnh lùng vô cảm trước tình cảnh của Kiều. Lại còn cái kiểu “Cò kè bớt một thêm hai” đã chứng tỏ hắn là con buôn lọc lõi lươn lẹo trên cả mức giả dối.

Bằng bút pháp hiện thực hóa nhưng hơn thế là thái độ căm phẫn khinh bỉ kẻ đê tiện, Nguyễn Du đã khắc họa chân tướng Mã Giám Sinh tương đối hoàn chỉnh cả về diện mạo tính cách. Dù có cố tình che đậy bức màn đen tối dần dần được mở ra, hắn hiện nguyên hình là loài người giả dối vô học bất nhân, loại người như hắn đầy rẫy trong xã hội bấy giờ. Một kiểu đạo đức giả ở cái thời xã hội phong kiến đã suy tàn thối nát. Đồng tiền đã ngự trị xã hội là công cụ của áp bức, biến chúng thành những kẻ bất nhân tính.

Nguyễn Du đã mất biết bao công sức và tâm huyết để vẽ nên một Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn. Trời cho nàng bao nhiêu điều tốt đẹp và rồi trời đang lấy dần đi tất cả. Nguyễn Du đã chẳng từng dự đoán số mệnh này:

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

Và điều đáng sợ ấy đã đến với Kiều. Trong cảnh gia đình tai biến Kiều bỗng chốc trở thành món hàng đem bán. Nhưng càng tội nghiệp hơn khi nàng ý thức được nhân phẩm câm lặng đến tái tê, giọt lệ đã kết thành giọt sầu:

Ngại ngùng dợn gió e sương

………………………………………….

Nét buồn như cúc điệu gầy như mai”

Vì là người đẹp nên cả khi đau khổ nhất Nguyễn Du vẫn dùng bút pháp lý tưởng hóa, ẩn dụ tượng trưng “thềm hoa, lệ hoa, cúc, mai”. Thêm một lần nữa người đọc nhận ra bút pháp rất rạch ròi khi miêu tả hai tuyến nhân vật của đại thi hào Nguyễn Du. Và cái “mặn mà” trong tình cảm không chỉ với Kim Trọng với Đạm Tiên mà qua đoạn trích chữ “hiếu” trong Kiều thể hiện lên rất rõ lòng hiếu thảo đức hy sinh, sự cam chịu chính là phẩm chất truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Nguyễn Du xót thương khi Kiều ứa lệ đau đớn khi nàng tủi nhục ê chề, hết lời ca ngợi một giai nhân “tài – sắc – hạnh – tình”.

Bằng nghệ thuật miêu tả xen lẫn tự sự, kết hợp bút pháp hiện thực và ước lệ, ngôn ngữ sắc bén gợi cảm, đoạn thơ là bức tranh hiện thực về xã hội phong kiến đương thời, đồng thời thể hiện tấm lòng nhân đạo chan chứa của Nguyễn Du. Đồng tiền cùng những thế lực tàn bạo đã trà đạp lên tất cả. Nhà thơ thương cảm xót xa trước số phận éo le của người con gái bạc mệnh.

Bài số 2:

Truyện Kiều là một tác phẩm kiệt tác của nền văn học Việt Nam, đây là tác phẩm lớn và có giá trị cao về mặt nội dung cũng như nghệ thuật của đại thi hào Nguyễn Du. Truyện Kiều không chỉ là tác phẩm lớn của văn học trung đại Việt Nam mà đây còn là tác phẩm góp phần đưa nền văn học Việt Nam đến với độc giả trên thế giới. Truyện Kiều là tác phẩm thơ Nôm viết về nhân vật Thúy Kiều, một con người “tài sắc vẹn toàn”, một con người tài hoa xuất chúng, nhưng càng tài hoa bao nhiêu thì cuộc đời của cô gái này càng bất hạnh, thăng trầm bấy nhiêu. Vốn là một tiểu thư đài các sang trọng, cao quý nhưng những biến cố bất ngờ ập đến với gia đình Thúy Kiều đã vô tình đẩy nàng vào biến cố lớn nhất của cuộc đời mình. Đoạn trích đánh dấu chuyển biến của cuộc đời Thúy Kiều từ một tiểu thư cao quý sang cuộc sống đầy cay đắng của một cô gái lầu xanh, đó chính là đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều”.

Đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” là đoạn trích miêu tả cảnh Thúy Kiều bán mình cho Mã Giám Sinh để lấy tiền cứu cha và cả gia đình. Qua cuộc ngã giá mua bán ấy ta thấy được tâm trạng đau khổ của Thúy Kiều cũng như lột trần bản chất xấu xa, giả dối của Mã Giám Sinh, lên án thế lực đồng tiền đã chèn ép, bức con người vào bước đường cùng của sự đau khổ. Mở đầu bài thơ là không gian của cuộc mua bán, đó chính là hình ảnh của mụ mối khi dắt vào một người khách xa lạ, người sẽ mua Kiều:

“Gần miền có một mụ nào

Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh

Hỏi tên rằng Mã Giám Sinh

Hỏi quê rằng Huyện Lâm Thanh cũng gần”

“Mụ nào” ở đây ta có thể hiểu là bà mối, trước yêu cầu Thúy Kiều thì bà mối này đã dắt đến một người khách lạ “Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh”, hỏi ra thì hắn tên là Mã Giám Sinh, cái tên này thể hiện hắn ta là một người có học, mà cụ thể hơn là một nho sinh của trường Quốc Tử Giám, người ở Lâm Thanh. Nghe lời giới thiệu đầy nhiệt tình, tha thiết của mụ mối thì Mã Giám Sinh có vẻ là một người đàng hoàng, có gốc gác lại còn là một nho sinh có học, nhưng không để cho người đọc tò mò lâu, ngay những câu thơ sau đó thì Nguyễn Du đã cho người đọc biết trọn vẹn về bản chất của con người ngỡ như là tử tế, có học này:

“Quá niên trạc tuổi tứ tuần

Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao

Trước thầy sau tớ lao xao

Nhà băng đưa lối rước vào lầu trang”

Khác với cái tên đầy thư sinh, gốc gác rõ ràng để chứng minh là người tử tế thì những mô tả ngoại hình lại mang đến một cảm giác trái ngược hẳn, đó là một người đàn ông đã “trạc tuổi tứ tuần” có nghĩa là đã hơn bốn mươi tuổi, hơn thế nữa “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”. Trong xã hội phong kiến xưa thì tứ tuần có thể xem là người trung niên, với một độ tuổi như vậy mà vẫn còn là một nho sinh trường Quốc Tử Giám thật khiến cho người khác có cảm giác khó tin, hơn nữa sự chải chuốt quá đà ở diện mạo, trang phục lại gợi ra hình ảnh của một con người có phần lố lăng, kệch cỡm, vì dù đã nhiều tuổi nhưng vẫn cố tỏ ra rằng mình còn trẻ. Chỉ xét ngoại hình thôi cũng thể hiện được sự giả tạo đáng coi thường ở nhân vật này.

“Ghế trên ngồi tót sỗ sàng

Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra

Nỗi mình thêm tức nỗi nhà

Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng”

Quả nhiên như ta dự đoán, không chỉ có diện mạo trơ trẽn, lố lăng mà ngay cả hành động cũng thể hiện sự vô học, vô giáo dục, khác hẳn với cái mác thư sinh mà hắn ta giới thiệu “Chỗ trên ngồi tót sỗ sàng”. “Chỗ trên” ở đây là để dành cho những người trên ngồi, tức những bậc sinh thành, những bậc tiền bối, nhưng ở đây Mã Giám Sinh đã không hề biết đến phép tắc cơ bản ấy, hoặc cũng có thể biết nhưng vẫn cố tình ngồi, vì hắn ta vẫn đang tự cho mình là người có thế chủ động, bởi hắn ta sẽ bỏ tiền ra để mua Kiều. Hắn tự cho mình cái quyền được lộng hành, thể hiện một cách vô giáo dục như vậy. Không chỉ chủ là Mã Giám Sinh mà những tên đầy tớ của hắn ta cũng tỏ rõ là những người đi thuê, đi mượn, bởi nếu đúng là đầy tớ của hắn thì sẽ không có cái cảnh lao xao, lộn xộn như thế “Trước thầy sau tớ lao xao”. Trái với sự ngỗ ngược, hống hách của chủ tớ Mã Giám Sinh thì nàng Kiều lại vô cùng đau khổ.

“Nỗi mình thêm tức nỗi nhà”, lúc này đây Thúy Kiều đang mang nặng những tâm trạng, suy tư cùng với sự đau khổ bởi nàng biết rồi sau đó nàng sẽ phải trải qua những đắng cay, đau khổ vì cuộc hôn nhân được mua bằng tiền mà không hề có tình yêu này. Lúc này nàng vừa buồn, vừa tủi cho mình nhưng cũng lại chồng chất thêm nỗi lo lắng cho bố mẹ và các em. “Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng” những bước chân của nàng giờ đây mới thật đau đớn, nặng nề làm sao, bởi trên đôi vai nàng nặng trĩu những đau khổ cũng như những trách nhiệm lớn lao mà bổn phận của một người con phải làm, những giọt nước mắt của nàng rơi xuống làm cho người đọc cảm thấy xót xa, thương cảm.

“Ngại ngùng dợn gió e sương

Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày

Mối càng vén tóc bắt tay

Nét buồn như cúc điệu gầy như mai”

Trước tương lai đầy bất định,Thúy Kiều dường như đã có những dự cảm về cuộc đời mình, những dự cảm ấy làm cho Kiều cảm thấy lo sợ, ngại ngùng, bởi đó sẽ là những ngày tháng đầy đau khổ “Ngại ngùng dợn gió e sương”, đây cũng là tâm trạng tất yếu của con người khi đứng trước những sóng đó, những dự cảm không lành. Nét buồn bã, đau khổ không thể kiềm nén mà thể hiện ra hết trên gương mặt của nàng Kiều “Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày”. Trước dự đau khổ, u uất của nàng thì mụ mối vẫn đang rất chuyên tâm, nhiệt tình với công việc của mình “mối càng vén tóc bắt tay”, gương mặt buồn bã của nàng Kiều được Nguyễn Du so sánh với nét buồn của cúc và sự mỏng manh, yếu gầy như những cánh mai “Nét buồn như cúc điệu gầy như mai”.

“Đắn đo cân sắc cân tài

Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ

Mặn nồng một vẻ một ưa

Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu”

Đến câu thơ này, hình ảnh của Thúy Kiều hiện lên thật đáng thương, bởi họ coi nàng như một món hàng dùng để trao đổi, buộc nàng phải trổ tài đánh đàn, làm thơ “Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ”, khi đã rất hài lòng với người mà mình sẽ mua thì Mã Giám Sinh và mụ mối bắt đầu cuộc ngã giá của mình “Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu”. Một con người tài sắc như vậy, tài năng trời phú ấy không phải thể hiện ở một dịp nào khác hơn mà dùng để làm vừa lòng người mua mình, sự tình ấy thật xót xa làm sao, đau đớn làm sao.

“Rằng mua ngọc đến Lam Kiều

Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường

Mối rằng đáng giá ngàn vàng

Dớp nhà nhờ lượng người thương dám nài”

Vậy là cuộc ngã giá đầy căng thẳng giữa mụ mối và tên buôn Mã Giám Sinh đã diễn ra. Đến đây, Mã Giám Sinh thể hiện rõ bản chất của một con buôn nhưng đầu tiên hắn ta vẫn cố khoác lên mình cái vẻ trí thức đầy giả tạo “Rằng mua ngọc đến Lam Kiều” nhưng cũng chỉ ngay sau đó thôi thì bản chất con buôn cũng được thể hiện ra rõ mồn một, với sự sành sỏi vốn có, hắn ta đã cò kè “bớt một thêm hai”, và cuối cùng thì sự lọc lõi ấy đã mang lại cho hắn ta một món hời khi trả giá từ “ngàn vàng” xuống còn “ngoài bốn trăm”.

Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều là một đoạn trích vạch trần đến tận cùng của cái xã hội “ăn thịt người”, khi con người bị mang ra mua bán như một thứ hàng hóa ở chợ. Đoạn trích này cũng thể hiện được bản chất xấu xa, giả dối của Mã Giám Sinh cũng như tâm trạng đầy đau khổ, bế tắc của nàng Kiều trước bước ngoặt của cuộc đời mình.

--------------------------------------------------------------------

Trên đây là phần hướng dẫn lập dàn ý chi tiết cho đề văn phân tích đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Hi vọng các bạn đã nắm được cách làm đề văn này cũng như có thêm những ý văn hay để bổ sung cho nội dung bài viết của mình thêm hấp dẫn. Chúc các bạn học tốt và đạt điểm cao !

Tham khảo thêm những bài văn hay lớp 9 khác do Đọc Tài Liệu sưu tầm và biên soạn để tự củng cố thêm kiến thức về các tác phẩm cũng như nâng cao kỹ năng làm văn.

Dàn ý phân tích đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM