Dàn ý phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong truyện Rừng xà nu

Xuất bản: 21/03/2019 - Cập nhật: 23/09/2020 - Tác giả:

Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết đề văn phân tích ý nghĩa của hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành).

Tài liệu hướng dẫn lập dàn ý phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú, làm rõ ý nghĩa của hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành).

Dàn ý phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú

I. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả tác phẩm và chi tiết nghệ thuật đặc sắc là hình ảnh đôi bàn tay Tnú

- Hình ảnh bàn tay Tnú là chi tiết ấn tượng nhất, thể hiện rõ nhất con người Tnú nằm ở đôi bàn tay.

II. Thân bài:

1. Sơ lược về tác phẩm, tác giả và hình ảnh đôi bàn tay Tnú

- Nguyễn Trung Thành mang đến cho chúng ta tác phẩm Rừng xà nu để chúng ta thấy được thêm những nét đẹp Tây Nguyên mà cụ thể ở đây chính là nét đẹp thiên nhiên và con người. Nổi bật cho những phẩm chất nhân vật Tnú và tiêu biểu cho hình ảnh Tnú phải kể đến hình ảnh đôi bàn tay. Có thể nói chi tiết hình ảnh đôi bàn tay của Tnú mang đến những ấn tượng rất lớn trong lòng người đọc.

2. Phân tích những ý nghĩa của đôi bàn tay Tnú

a) Đôi bàn tay của người chiến sĩ rất đỗi trung thành, thủy chung với cách mạng

- Phân tích Tnú hồi bé lúc hai bàn tay còn lành lặn

+ Đôi bàn tay chú bé mồ côi nắm lấy tay cô bé Mai chăm chỉ chặt củi, xách nước, lên rẫy trồng tỉa, xách xà lét giấu gạo đi nuôi cán bộ Quyết

+ Đôi bàn tay cầm viên phấn bằng đá trắng lấy từ núi Ngọc Linh về tập viết chữ, mở dần cánh cửa cuộc đời để đến với cách mạng.

+ Đôi bàn tay bé nhỏ đã dũng cảm mang công văn đi làm liên lạc vì căm thù thằng giặc vô ngần. Bọn giặc bắt được Tnú, tra tấn dã man, hỏi cộng sản ở đâu, Tnú đặt tay lên bụng mình và nói: “Ở đây này”.

=> Bàn tay Tnú chỉ rõ và khẳng định lý tưởng cách mạng không ở đâu xa mà ở ngay trong tâm hồn mình. Đây chính là nét đẹp thứ nhất của bàn tay Tnú: bàn tay của sự tín nghĩa, thủy chung.

b) Đôi bàn tay của nghĩa tình

- Đôi tay đã không ngại ngần gì mà xé tấm vải che cho mẹ con Mai, che chở mẹ con Mai và vốc nước suối, cảm nhận cái tình quê hương.

- Bàn tay ấy cũng đã được Mai nắm chặt mà khóc những giọt nước mắt nóng bỏng yêu thương, đồng cảm khi Tnú vượt ngục trở về.

- Không bắt được Tnú, chúng bắt Dít rồi tới mẹ con Mai tra tấn dã man bằng gậy sắt hòng để anh ra mặt. “Hai cánh tay như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai”.

c) Đôi bàn tay là hiện thân của mất mát đau thương, ghi lại chứng tích tội ác mà kẻ thù đã gây ra.

- Mẹ con Mai chết còn Tnú thì bị giặc bắt tra tấn. Bọn thằng Dục tàn nhẫn tẩm dầu xà nu vào giẻ rồi quấn giẻ lên mười đầu ngón tay anh, đốt cháy rừng rực.

- Cả mười đầu ngón tay Tnú đều bị cụt một đốt.

d) Cuối cùng đó là bàn tay cầm vũ khí chiến thắng kẻ thù, đôi bàn tay của ý chí quật cường, tinh thần dũng cảm, bất khuất của người cộng sản

- Lửa hận dâng lên ngút ngàn, đốt cháy tâm can Tnú, truyền từ đôi tay lên đôi mắt “ở chỗ hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn”.

- Mỗi ngón tay anh như nóng bỏng lên bởi tình thương, và sự căm hờn. “Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc”. Nhưng “Tnú không thèm, không thèm kêu van”.

-> Ngọn lửa của âm mưu thâm độc, của tội ác dã man đã không đốt cháy được chất vàng mười trung thành, bất khuất của người chiến sĩ trẻ tuổi Tây Nguyên.

- Đôi bàn tay với ngón tay chỉ còn lại hai đốt vẫn có thể cầm giáo, cầm súng để Tnú lên đường chiến đấu.

- “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!”, chân lý này giúp người ta ý thức được tầm quan trọng của vũ khí, không thể không cầm vũ khí, nhưng cũng không nên ỷ lại vào vũ khí, cái quyết định cuối cùng vẫn là đôi bàn tay con người.

- Tnú dùng hai bàn tay không, cụt đốt, đôi bàn tay quả báo để xiết cổ tất cả những thằng Dục tàn ác hơn cả dã thú.

=> Có thể nói, bàn tay Tnú biểu tượng cho sức mạnh của khối đoàn kết cộng đồng, sự gắn bó mạch sống của mảnh đất, rừng cây và sức sống con người. Đó là đôi bàn tay huyền thoại, vô địch trước sức mạnh của mọi kẻ thù.

III. Kết bài:

- Khẳng định lại sự thành công của tác giả là đã xây dựng được một chi tiết, hình ảnh đầy ám ảnh là đôi bàn tay Tnú.

Tham khảo thêm hướng dẫn lập dàn ý chi tiết phân tích hình tượng Tnú trong Rừng xà nu

Một số bài văn hay tham khảo phân tích đôi bàn tay Tnú

Phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú bài số 1:

Truyện ngắn Rừng xà nu là câu chuyện kể về cuộc đời của nhân vật Tnú, tiêu biểu cho số phận và con đường đến với cách mạng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong thời kì chống Mĩ cứu nước, giải phóng miền Nam. Tính cách nổi bật của Tnú đã được bộc lộ ngay từ lúc còn nhỏ: gan góc và táo bạo dũng cảm và chất phác; đặc biệt là sự gắn bó và trung thành tuyệt đối với Ií tưởng cách mạng. Hình ảnh đôi bàn tay thể hiện cuộc đời giản dị và tính cách anh hùng của nhân vật Tnú – người con và niềm tự hào của dân làng Xô Man kiên cường, bất khuất.

Mở đầu là hình ảnh hai bàn tay lúc Tnú còn nhỏ. Ngày ngày, Tnú cùng cô bé Mai lên rẫy trồng tỉa, mang gạo nuôi cán bộ Quyết hoạt động bí mặt trong rừng sâu. Công việc hết sức nguy hiểm nhưng Tnú không hề sợ hãi. Khi anh Quyết hỏi: Các em không sợ giặc bắt à ? Nó giết như anh Xút, như bà Nhan đó; Tnú đã trả lời ngay: Cụ Mết nói: Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn. Sự hiểu biết về Đảng, về cách mạng của Tnú tuy hồn nhiên, mộc mạc nhưng không kém phần đúng đắn và sâu sắc.

Bàn tay Tnú vụng về, ngượng nghịu cầm viên phấn làm bằng đá trắng lấy từ núi Ngọc Linh về để tập viết chữ lên tấm bảng đen đan bằng nứa hun khói xà nu. Tnú đã cầm đá đập vào đầu chảy máu vì giận mình học bài mãi không thuộc, hay quên cái chữ. Hành động ấy thể hiện quyết tâm của Tnú, bởi Tnú nghĩ: Không học chữ sao làm được cán bộ giỏi.

Bàn tay Tnú khéo léo giấu cái thư bí mật của anh Quyết mang về huyện theo đường giao liên để nộp cho cấp trên. Khi bị giặc bắt, Tnú đã kịp nuốt luôn cái thư. Giặc giải Tnú về làng, bắt Tnú khai ra người nào là cộng sản? Cộng sản ở đâu? Tnú đã dũng cảm đặt tay lên bụng mình rồi nói: Ở đây này! Bị giặc bỏ tù, ba năm sau, Thú vượt ngục trở về làng, đôi tay anh cần mẫn lấy đá trên đỉnh núi Ngọc Linh về để dân làng mài giáo mác giết giặc.

Lớn lên, đôi bàn tay Tnú thể hiện tình yêu thủy chung với vợ con và quyết tâm chiến đấu chống quân thù. Trong cái đêm lũ giặc hèn hạ dùng mẹ con Mai để nhử bắt Tnú nhằm triệt phá phong trào cách mạng của dân làng Xô Man, hai bàn tay của anh bất lực bíu chặt lấy gốc cây, bứt đứt hàng chục trái và khi từ chỗ nấp cắn răng nhìn cảnh vợ con bị giặc tra tấn: Cây sắt thứ hai đập vào trước ngực Mai, chị lật đứa bé ra sau lưng. Nó lại đánh sau lưng, chị lật thằng bé ra trước ngực. Trận mưa cây sắt mỗi lúc một dồn dập. Không nghe thấy tiếng thét của Mai nữa. Chỉ nghe đứa bé khóc ré lên một tiếng rồi im bặt. Chỉ còn tiếng cây sắt nện xuống hừ hự.

Mặc dù cụ Mết ra sức ngăn cản nhưng trước cảnh vợ con bị giặc đánh đập tàn bạo, Tnú không thể chịu nổi: …hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn. Tình yêu thương vợ con tha thiết và căm thù giặc sôi sục khiến Tnú thà chết xông ra để cứu vợ con: Một tiếng hét dữ dội. Tnú đã nhảy xổ vào giữa bọn lính. Anh không biết đã làm gì. Chỉ thấy thằng lính giặc to béo nằm ngửa ra giữa sân, thằng Dục tháo chạy vào nhà ưng. Tiếng lên đạn lách cách quanh anh. Hình ảnh hai mẹ con Mai chui vào ngực anh, hai cánh tay rộng lớn như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai và hai mẹ con chết trong vòng tay ấy như đẩy nỗi đau đớn lên đến tột cùng.

Tnú có sức mạnh, có lòng gan dạ và quả cảm, nhưng anh không cứu được vợ con. Cuối cùng, anh bị giặc bắt vì chỉ có đôi bàn tay không giữa lũ giặc hung tàn lăm lăm súng đạn. Câu chuyện bi thương của Tnú đã thành một bài học xương máu mà cụ Mết mong Tnú và con cháu sau này luôn luôn ghi nhớ: Nghe rõ chưa, các con, rõ chưa. Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo! Đó là chân lí giản dị mà vô cùng đúng đắn của thời đại đấu tranh giải phóng dân tộc. Chân lí ấy mang đến cho tác phẩm một ý nghĩa khái quát rất cao.

Ấn tượng không thể phai mờ trong lòng người đọc chính là hình ảnh đôi bàn tay Tnú bị giặc quấn giẻ tẩm nhựa xà nu rồi đốt cháy trong cái đêm anh bị bắt. Hình ảnh ấy vừa có ý nghĩa tố cáo tội ác dã man của kẻ thù, vừa thể hiện lòng dũng cảm, khí phách kiên cường của Tnú. Đây là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc, giàu tính tạo hình, được nhà văn Nguyễn Trung Thành chủ ý tô đậm và nhấn mạnh. Bọn giặc đốt mười ngón tay Tnú nhằm khủng bố và tiêu diệt ý chí phản kháng của dân làng Xô Man. Thằng ác ôn Dục đã giơ cao ngọn đuốc, cười sằng sặc và dọa: Đứa nào muốn cầm rựa, cầm giáo thì coi bàn tay thằng Tnú đây ! Kẻ thù tìm mọi cách để tiêu diệt lòng yêu nước của dân làng Xô Man. Chúng tra tấn Tnú ngay trước sân nhà rông, trong không khí căm thù sôi sục của dân làng.

Tác giả miêu tả rất kĩ hình ảnh mười ngón tay Tnú bị giặc đốt cháy bằng những câu văn gây xúc động mạnh mẽ: "Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc. Tnú nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra, trừng trừng."

"Trời ơi! Cha mẹ ơi! Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi. Anh không kêu lên. Anh Quyết nói: “Người cộng sản không thèm kêu van…”. Tnú không thèm, không thèm kêu van. Nhưng trời ơi ! Cháy, cháy cả ruột đây rồi Ị Anh Quyết ơi ! Cháy ! Không, Tnú sẽ không kêu ! Không !".

Hình ảnh đôi bàn tay cháy rừng rực của Tnú thể hiện phẩm chất dũng cảm phi thường của người anh hùng thời đại. Tuy da thịt bị thiêu đốt đau đớn tột cùng nhưng anh không hề khóc lóc, kêu van. Thái độ căm thù giặc mãnh liệt hiện rõ trong đôi mắt mở trừng trừng, trên đôi môi bị chính anh cắn nát, trong vị máu mặn chát ở đầu lưỡi. Nỗi đau nén lại trong lồng ngực để rồi òa vỡ ra thành một tiếng thét dữ dội. Tnú đã thét lên tiếng thét căm hờn, khinh bỉ vào mặt lũ tay sai tàn ác. Tiếng thét ấy làm cho dân làng Xô Man bừng tỉnh, thôi thúc dân làng vùng dậy cầm giáo cầm mác giết chết cả tiểu đội lính ngụy:

"Tnú thét lên một tiếng. Chỉ một tiếng thôi. Nhưng tiếng thét của anh bỗng vang dội thành nhiều tiếng thét dữ dội hơn. Tiếng “Giết!”. Tiếng chân người đạp trên sàn nhà ưng ào ào. Tiếng bọn lính kêu thất thanh. Tiếng cụ Mết ồ ồ: “Chém! Chém hết Ị”. Cụ Mết đúng rồi, cụ Mết đã đúng đấy, lưỡi mác dài trong tay. Thằng Dục nằm dưới lưỡi mác của cụ Mết. Và thanh niên, tất cả thanh niên trong làng, mỗi người một cây rựa sáng loáng, những cây rựa mài bằng đá Ttú mang từ đỉnh Ngọc Linh về…"

Nỗi đau đớn tột cùng và lòng căm thù sôi sục của Tnú đã truyền sang dân làng Xô Man. Trong khoảnh khắc, cụ Mết đã lãnh đạo dân làng dùng giáo mác giết sạch bọn thằng Dục có trang bị vũ khí đầy đủ. Mười ngọn đuốc cháy rừng rực trên hai bàn tay Tnú không làm cho lòng người Xô Man nao núng, khiếp sợ như kẻ thù mong muốn; ngược lại, hình ảnh đó càng nung nấu căm thù và tiếp thêm sức mạnh cho mọi người dũng cảm vùng lên giết giặc. Sự man rợ của kẻ thù là một trong những nguyên nhân thúc đẩy hành động quật khởi của dân làng Xô Man trong cái đêm đáng nhớ ấy.

Sau đêm đó, Tnú rời làng tham gia lực lượng vũ trang. Đôi bàn tay với các ngón bị cụt như một chứng tích tội ác của quân thù. Thời gian dần dần làm lành vết thương trên mười ngón tay Tnú nhưng nỗi đau mất vợ mất con vẫn còn nguyên đó, anh không thể nguôi quên. Đôi bàn tay cụt mỗi ngón chỉ còn hai đốt của Tnú tiếp tục cầm súng chiến đấu với kẻ thù. Trong một trận đánh.Tnú đã dùng đôi bàn tay không còn nguyên vẹn của mình bóp chết tên chỉ huy giặc Khi nó cố thủ trong hầm. Đôi bàn tay Tnú là dấu ấn khắc ghi quá khứ đau thương, mất mát cũng như sự trưởng thành của anh. Giống cánh rừng xà nu với sức sống bất diệt, đôi bàn tay bị giặc đốt cháy của Tnú vẫn giúp anh đạt danh hiệu dũng sĩ diệt Mĩ, diệt ngụy và anh đã trở thành niềm tự hào to lớn của dân làng Xô Man bất khuất, kiên cường.

Bằng bút pháp sử thi, với những hình ảnh đặc tả giàu khả năng gợi cảm, tác giả Nguyễn Trung Thành đã xây dựng nhân vật Tnú thành hình tượng tiêu biểu cho con người Tây Nguyên dũng cảm, kiên cường trong thời đại chống Mĩ cứu nước. Hình ảnh đôi bàn tay Tnú được nhắc đi nhắc lại trong tác phẩm như một biểu tượng đầy ý nghĩa về cuộc đời đau thương, mất mát, hờn căm; là chứng tích tội ác của kẻ thù, thể hiện tính chất khốc liệt của cuộc chiến tranh giải phóng và vẻ đẹp của chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng. Hình ảnh đôi bàn tay Tnú tượng trưng cho sức sống mãnh liệt không bạo lực nào có thể tiêu diệt được của con người Tây Nguyên. Hai bàn tay Tnú đã trở thành một chi tiết nghệ thuật đặc biệt có giá trị thẩm mĩ và ý nghĩa khái quát lớn lao, sâu sắc.

Tham khảo thêm các bài văn hay khác phân tích tác phẩm Rừng xà nu để cảm nhận rõ vai trò, ý nghĩa của hình ảnh đôi bàn tay Tnú.

Phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú bài số 2:

Bên cạnh các nhân vật nổi bật như Tnú, Cụ mết, Mai trong tác phẩm Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành sáng tác trong giai đoạn toàn đảng toàn dân đang chung tay chiến đấu trong thời kì chống Mĩ. Một trong những điểm sáng và gây ấn tượng nhất đối với độc giả chắc hẳn là hình ảnh đôi bàn tay của nhân vật Tnú với biết bao ý nghĩa.

Mở đầu câu chuyện, nhà văn đã vẽ nên hình ảnh hai bàn tay Tnú lúc còn nhỏ. Tnú mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được dân làng Xô-man cưu mang nuôi dưỡng. Đôi bàn tay của Tnú đã cùng lớn lên cùng cô bé Mai tham gia chặt củi, xách nước, lên rẫy làm nương. Ta cũng chẳng thể nào quên hình ảnh đôi bàn tay bé nhỏ cầm những viên phấn đá trắng lấy từ núi Ngọc Linh về tập viết con chữ. Khi học mãi mà chẳng thể nhớ được mặt chữ, Tnú đã cầm đá đập vào đầu đến chảy máu, trách cứ cho sự dốt nát của mình. Hành động ấy thể hiện quyết tâm của Tnú bởi anh muốn mình lớn lên được trở thành một người cán bộ thật tài giỏi.

Đôi tay ấy đã dũng cảm mang những tấm thư, thông tin liên lạc cho các anh làm cách mạng. Khi bị giặc bắt, dù bị tra tấn dã man hỏi cộng sản ở đâu, anh hiên ngang kiên cường đặt tay lên bụng và nói “Ở đây này”. Đôi tay ấy vững chãi như chính tinh thần của anh vậy, lý tưởng cách mạng đã gắn liền, thấm nhuần vào trong tư tưởng, máu thịt của anh như đôi bàn tay ấy.

Bàn tay Tnú cũng đã một tay gây dựng nên một gia đình yên ấm. Lớn lên, Tnú đã nắm chặt tay Mai - cô bạn thuở thiếu thời để tạo nên một gia đình, một nơi chứa chan tình yêu thương. Đau đớn thay, đôi bàn tay ấy đã phải bất lực bíu chặt lấy gốc cây, bứt đứt hàng chục trái khi anh phải nhìn cảnh vợ con anh bị kẻ thù giết hại. Hình ảnh đôi bàn tay gồng lên, truyền lên đôi mắt “ở chỗ hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn” càng khiến cho lòng căm thù giặc của anh trở nên hừng hực, cao ngút hơn bao giờ hết. Không gậy không súng, đôi bàn tay trống trơn ấy đã phải rời bỏ những người thân yêu nhất của cuộc đời anh.

Sau khi vợ con anh bị giết, anh cũng đã không thoát khỏi đòn roi của giặc. Nghiệt ngã thay, chúng quấn giẻ tẩm nhựa xà nu lên mười đầu ngón tay anh. Đây chính là chi tiết đắt giá nhất trong tác phẩm của Nguyễn trung Thành. Khi mười đầu ngón tay bị đốt, rực sáng như mười ngọn đuốc sống, nó như soi sáng tố cáo những tội ác dã man của quân thù. Anh vẫn cam chịu, kiên cường chịu đựng nỗi đau mà không hé ra một nửa lời. Nỗi đau sợ, xót xa, thương cảm rồi xen lẫn cả nỗi căm giận đã được truyền sang cả tâm trí của độc giả. Đối với anh, những nỗi đau về thể xác ấy vẫn chẳng thể nào quật ngã được đức tính kiên cường bất khuất của anh. Ngọn lửa của kẻ thù cũng không thể đốt cháy được dòng máu anh hùng đang chảy quanh, cuộn trào trong lồng ngực của Tnú. Hai bàn tay đuốc lửa ấy đã trở thành ngòi châm cho phong trào đứng dậy đấu tranh của dân làng Xô man. Sau khi hay tin Tnú bị giặc tra tấn, cụ mết đã hạ lệnh “Chém! Chém hết”, “chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo” là những tuyên thệ, bài học mà cụ Mết đã giảng dạy cho dân làng Xô man.

Tác giả đã dành rất nhiều lời lẽ, từ ngữ miêu tả cảnh tay Tnú bị giặc đốt. Từng ngón tay cứ thế cháy. Cháy mãi, cháy cho hết da thịt. Nỗi đau nén lại trong lồng ngực rồi được xé toang trong một tiếng hét căm hờn. Tnú căm thù lũ giặc man rợ, anh khinh bỉ những kẻ đã giết dân, giết đồng bào, giết người thân của anh. Cùng với những nỗi đau ấy, anh cùng dân làng Xô man dưới sự lãnh đạo của cụ Mết đã giết chết sạch bọn thằng Dục. Đôi bàn tay của anh tuy đã hỏng, nhưng những đôi tay khác vẫn tiếp bước anh chiến đấu chống lại giặc thù. Những vết thương còn đó, đôi bàn tay lành lại, mỗi ngón tay cụt một đốt là minh chứng hùng hồn cho tội ác chiến tranh. Thế nhưng, dù như vậy anh vẫn luôn sẵn sàng chiến đấu, “tàn nhưng không phế”. Tnú đã dùng hai bàn tay không để xiết cổ tất cả quân thù.

Với sức sống mãnh liệt như những cây xà nu, cùng tinh thần bất khuất của người dân Tây Nguyên, Tnú đã vẫn luôn đứng vững trong công cuộc diệt tan Mỹ ngụy. Bằng bút pháp sử thi giàu tính gợi hình, tác giả đã xây dựng thành công vang dội hình ảnh đôi bàn tay của Tnú. Đôi bàn tay ấy tuy chằng chịt vết sẹo, vết thương nhưng nó là tượng trưng cho cái đẹp của sự hi sinh cao cả, anh hùng của những người chiến sĩ.

-/-

Qua phần hướng dẫn lập dàn ý cùng một số bài văn mẫu phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong truyện Rừng xà nu trên đây, hi vọng sẽ giúp các bạn xây dựng được một bộ khung sườn chi tiết cho nội dung bài phân tích của mình.

Xem thêm tuyển tập Văn mẫu lớp 12 hay nhất do Đọc Tài Liệu sưu tầm, tổng hợp để tự rèn luyện kỹ năng làm văn. Chúc các bạn học tốt !

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM