Dàn ý phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong Chuyện người con gái Nam Xương

Xuất bản: 26/02/2019 - Cập nhật: 25/08/2022 - Tác giả:

[Văn mẫu 9] Hướng dẫn lập dàn ý phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.

Dàn ý giá trị hiện thực và nhân đạo trong Chuyện người con gái Nam Xương được Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn với mục đích giúp các em có cơ sở luận điểm luận cứ chi tiết phục vụ việc triển khai bài viết phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm.

Dàn ý phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong Chuyện người con gái Nam Xương

Hướng dẫn lập dàn ý  phân tích giá trị nhân đạo và hiện thực của Chuyện người con gái Nam Xương

1. Hệ thống luận điểm

Luận điểm 1: Giá trị hiện thực: Truyện tố cáo xã hội phong kiến bất công, gây nhiều đau khổ cho người phụ nữ.

- Chiến tranh, loạn lạc gây ra đau khổ cho con người

- Số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa

Luận điểm 2: Giá trị nhân đạo: Truyện đề cao phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ: đảm đang, hiếu nghĩa, chung thủy.

Luận điểm 3: Giá trị nghệ thuật của tác phẩm

2. Lập dàn ý

I. Mở bài

- Giới thiệu vài nét về tác giả Nguyễn Dữ: Là cây bút kì tài của văn học cổ Việt Nam, sống ở thế kỉ XVI, trong tình hình xã hội Việt Nam không còn ổn định. Con người, nhất là phụ nữ, phải chịu nhiều đau khổ do chế độ phong kiến bất công gây nên.

- Tác phẩm: Truyền kì mạn lục là một tập truyện viết bằng chữ Hán của Nguyễn Dữ phản ánh những mặt xấu xa của chế độ phong kiến đương thời một cách có ý thức, qua đó tỏ bày thái độ của tác giả.

Tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương cũng như nhiều truyện trong tập Truyền kì mạn lục có giá trị về nhiều mặt, trong đó nổi bật các giá trị hiện thực, nhân đạo, nghệ thuật dựng truyện.

II. Thân bài

1. Giá trị hiện thực: Truyện tố cáo xã hội phong kiến bất công, gây nhiều đau khổ cho người phụ nữ.

- Phóng tác một câu chuyện xảy ra và được lưu truyền trong dân gian hàng trăm năm về trước (cuối đời Trần đến đời Hồ, tức từ cuối thế kỉ XIV đến đầu thế kỉ XV), Nguyễn Dữ muốn mượn chuyện xưa để nói chuyện nay (thế kỉ XVI, thời Nguyễn Dữ sống).

* Chiến tranh, loạn lạc gây ra đau khổ cho con người

- Trương Sinh ra lính, phải xa cách mẹ già, vợ trẻ.

+ Buổi chia li thật ngậm ngùi xót xa. Bà mẹ dặn con: “… nhưng trong chỗ binh cách, phải biết giữ mình làm trọng, gặp khó nên lui, lường sức mà tiến, đừng nên tham miếng mồi thơm để lỡ mắc vào cạm bẫy”. Người vợ tiễn chồng: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”.

+ Xa con, bà mẹ nhớ con sinh ra ốm. Người vợ trẻ Vũ Thị Thiết vừa nuôi con thơ, vừa tận tình thuốc thang chạy chữa cho mẹ chồng. Nhưng không cứu nổi, mẹ chồng mất, nàng một mình lại lo liệu việc ma chay.

- Người dân chạy loạn, đắm thuyền, chết đuối cả.

- Lễ giáo phong kiến bất công khiến cho người đàn ông có được quyền hành hạ, ruồng rẫy người phụ nữ, dẫn đến cái chết đầy oan khuất của người vợ chung thủy, hiếu nghĩa. Đọc truyện, ta phẫn uất trước cái chết của Vũ Nương, một người phụ nữ tiết hạnh, chỉ có công chứ không có một chút tội lỗi nào.

- Vì đâu gây nên nỗi oan khuất đó ?

+ Có phải do thói ghen tuông của Trương Sinh bởi cả tin ở lời của một đứa trẻ ? - Đúng là có điều đó.

+ Nhưng căn nguyên sâu xa là do sự bất công của lễ giáo phong kiến: trong quan hệ vợ chồng dưới chế độ phong kiến, chỉ có người chồng là có toàn quyền đối với người vợ, bất kể đúng sai, như trong truyện: Trương Sinh nghi oan cho vợ, không nói thẳng với vợ, không thèm nghe lời thanh minh, nên đã dẫn đến cái chết thảm thương của người vợ vô tội.

+ Giá trị tố cáo càng cao khi Vũ Nương tuy oan đã được giải, nhưng nàng không thể nào trở lại cõi trần với chồng con được nữa; Vũ Nương thà trở về sống dưới thủy cung còn hơn sống trên cõi đời đầy oan khuất, đầy đau khổ của chế độ phong kiến đương thời.

>> Xem thêm bài văn phân tích Chuyện người con gái Nam Xương

2. Giá trị nhân đạo: Truyện đề cao phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ: đảm đang, hiếu nghĩa, chung thủy.

* Truyện đã xây dựng nên hình tượng Vũ Nương, một hình tương phụ nữ đẹp với những đức tính đáng quý:

- Đảm đang

+ Khi chồng ra lính, Vũ Nương đã một mình: nuôi dạy con thơ, nuôi dưỡng mẹ chồng, thuốc thang khi ốm đau, lo liệu ma chay khi mẹ chồng mất.

- Hiếu nghĩa

+ Với mẹ chồng, Vũ Nương giữ tròn chữ hiếu của người con đối với cha mẹ, thay chồng nuôi mẹ chồng, coi mẹ chồng như mẹ đẻ của mình.

- Với chồng, Vũ Nương trước sau vẫn giữ trọn vẹn nghĩa tình:

+ Biết chồng vốn tính đa nghi, “nàng cũng giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa”.

+ Khi xa chồng, nàng không để xảy ra điều tai tiếng gì.

+ Khi bị nghi oan, không thể giãi bày được, nàng lấy cái chết để chứng thực nghĩa tình của mình.

+ Sau khi tự vẫn, được “cứu sống” (“sống” ở thủy cung), tuy cuộc sống thanh thản, sung sướng, nàng vẫn nhớ đến chồng, mong được chồng biết đến nỗi oan và giải oan cho mình.

- Trong trắng, thủy chung

+ Vũ Nương hoàn toàn vô tội (giữ trọn nghĩa tình vợ chồng) nhưng lại bị nghi oan, dù có giãi bày cũng không gỡ ra được nên nàng phải chết với lời thề: “Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ”. Vũ Nương tin ở tấm lòng chung thủy, trong trắng của mình. Nên sau khi chết đã được như lời nguyền: “Các nàng tiên trong cung nước thương tôi vô tội, rẽ một đường nước cho tôi thoát chết, nếu không thì đã vùi vào bụng cá…”, rồi được Linh Phi cho sống sung sướng trong cung…

+ Tiết nghĩa của Vũ Nương là như vậy, nhưng như trên đã nói: oan được giải, gặp lại chồng nhưng nàng không thể trở lại sống ở cõi đời được. Câu chuyện càng thương tâm. Và tấm lòng nàng càng sáng tỏ.

3. Giá trị nghệ thuật: Truyện có nhiều thành công về nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật dựng truyện giàu kịch tính, tập trung làm nổi bật nỗi oan của Vũ Nương, gây xúc động đối với người đọc

- Xuyên suốt câu chuyện, trong mọi tình tiết, chi tiết, có dịp là tác giả giới thiệu, khẳng định, ca ngợi phẩm chất của Vũ Nương. Để nhân vật (Vũ Nương) nói nhiều lần trong tác phẩm, giọng nói khi thì thắm thiết, khi thì thống thiết khiến người đọc càng xúc động.

- Cách xây dựng tình tiết, thắt nút, gỡ nút đẩy bất ngờ, đầy kịch tính, càng làm cho nỗi oan nổi rõ lên với tất cả cái bi thảm của nó:

+ Thắt nút bằng yếu tố bất ngờ: Một câu nói ngây thơ nghe như thật của một trẻ thơ mà gây nên bão táp trong cuộc đời vợ chồng Trương Sinh, Vũ Nương: chồng nghi kị vợ, hạnh phúc gia đình tan vỡ và cuối cùng là cái chết bi thảm của người vợ trong trắng.

+ Gỡ nút cũng bằng yếu tố bất ngờ: Bấy nhiêu bão tố, bi kịch, oan khiên bỗng được làm sáng tỏ cũng bằng một câu nói ngây thơ của một trẻ thơ (“Cha Đản lại đến kia kìa !”), hay nói cho đúng hơn là lời nói đùa của người mẹ với con khi vắng chồng.

III. Kết bài

- Chuyện người con gái Nam Xương là một chuyện tình yêu đầy oan khuất. Người phụ nữ đẹp người, đẹp nết đã phải lấy cái chết để minh oan. Thật là vô lí và bất công khi toàn bộ bi kịch đó là do một lời nói đùa của người mẹ mà đứa con thơ dại đã ngây thơ nói lại. Người đọc càng thương cảm, phẫn uất khi hiểu ra rằng: Vũ Nương chỉ là một nạn nhân của lễ giáo phong kiến bất công đối với người phụ nữ mà Nguyễn Dữ đã phản ánh một cách khá chân thực trong tác phẩm của mình.

- Vũ Nương là một hình tượng nhân vật phụ nữ đẹp trong văn chương Việt Nam, thế kỉ XVI. Cái chết bi thảm của Vũ Nương, ngoài giá trị lên án xã hội phong kiến đương thời, còn sáng ngời tiết nghĩa của một người phụ nữ đức hạnh, phù hợp với cách đánh giá của dân gian đối với hình tượng nhân vật và câu chuyện đầy xúc động này.

Xem thêm văn mẫu hay khácCác đề văn về Chuyện người con gái Nam Xương

Ngoài dàn ý phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong Chuyện người con gái Nam Xương, các em có thể tham khảo bài văn mẫu dưới đây để có thêm ý tưởng hoàn thành bài văn của mình nhé!

Bài mẫu tham khảo  phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong Chuyện người con gái Nam Xương

Trong xã hội cũ, thân phận nữ nhi vẫn luôn ở mức dưới đáy của xã hội. Dù họ có tốt đẹp, có trong sáng đến mấy cũng không có quyền được sống tự do, được hưởng trọn vẹn niềm vui và hạnh phúc. Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ đã bày tỏ những niềm xót xa, đồng cảm với thân phận bọt bèo, nổi trôi của người phụ nữ qua nhân vật Vũ Nương. Giá trị nhân đạo và hiện thực mà tác phẩm đã để lại trong lòng người đọc bao niềm xót thương và đồng cảm.

Nguyễn Dữ là một trong những nhà văn đương thời có tấm lòng thương cảm sâu sắc với những người cùng khổ trong xã hội, đặc biệt là người phụ nữ. Vì thế, trong những áng văn của ông vẫn luôn nêu rõ giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo rất sâu sắc.

Đối với tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương cũng vậy, Nguyễn Dữ đã dựng nên hình ảnh một người thiếu phụ hoàn hảo mang tên Vũ Thị Thiết, thường gọi là Vũ Nương. Nàng vừa đẹp người lại đẹp nết. Trái tim nàng cũng khao khát một cuộc sống bình yên và hạnh phúc nhưng sự éo le và khổ hạnh vẫn luôn ập đến khi nàng sống dưới chế độ xã hội phong kiến đầy bất công. Số phận hẩm hiu và những ngang trái trong cuộc đời người thiếu phụ trẻ cũng là số phận chung của bao người phụ nữ đương thời trong xã hội ấy. Xây dựng nên nhân vật Vũ Nương, Nguyễn Dữ đã cho nàng hội tụ đầy đủ những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: hiền lành, ngoan ngoãn, công dung ngôn hạnh đều đủ cả. Và rồi, Vũ Nương cũng bước vào cuộc sống làm vợ, làm dâu. Vốn tính thùy mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp, nên dù Trương Sinh – chồng nàng có đa nghi đến mấy cũng không bao giờ nàng để gia đình phải thất hòa. Không những thế, khoảng thời gian Trương Sinh đi lính đánh giặc, Vũ Nương một mình ở nhà vừa chăm con nhỏ vừa đỡ đần mẹ chồng già yếu bệnh tật. Nàng vừa là mẹ mà cũng là cha, vừa là con dâu mà cũng là con trai an ủi mẹ già không khác gì mẹ ruột của mình. Khi bà ốm, Vũ Nương hết lòng chăm sóc, thuốc thang, cúng bái cầu xin thần phật nhưng bà vẫn không qua khỏi. Nàng lại hết lời thương xót, làm ma chay chu đáo cho mẹ.

Vũ Nương đã tận tụy hi sinh cả tuổi xuân đang phơi phới của mình cho chồng cho con nhưng những gì nàng nhận lại được hoàn toàn trái ngược lại với lẽ tự nhiên. Bởi lẽ ra nàng sẽ hạnh phúc vô cùng khi chồng bình yên từ chiến trận trở về. Nhưng tai họa đã ập đến. Trương Sinh nghe theo lời con nhỏ mà kết án vợ hư hỏng, đã thất tiết khi mình đi vắng. Chàng đánh đuổi vợ ra khỏi nhà, một mực không cho nàng giải thích, có giải thích chàng cũng không nghe. Vũ Nương – một người phụ nữ chân yếu tay mềm, lại sống trong xã hội phong kiến với chế độ nam quyền, nàng không thể nào minh chứng cho sự trong sạch của mình được. Bất đắc dĩ, Vũ Nương đã phải tìm đến cái chết. Tấm lòng thủy chung son sắt, một người con dâu hiếu thảo, một người vợ chung thủy nay đã bị chính người chồng của mình, người mà ngày đêm nàng mong nhớ, sỉ nhục nàng, làm tổn thương sâu sắc đến nàng. Không gì tủi hổ hơn khi người mà mình đã hết lòng thương yêu và nhung nhớ nay cầm con dao cứa thẳng vào trái tim mình. Nàng ôm đau thương và ai oán đến bến Hoàng Giang gieo mình tự vẫn. Có lẽ chỉ có cái chết mới minh chứng được sự trong sạch của nàng.

Cái chết của Vũ Nương đã một lần nữa nói lên một cách chân thực về thân phận của người phụ nữ trong xã hội cũ. Họ luôn khát khao hạnh phúc, khát khao một tổ ấm gia đình nhưng khi sóng gió ập đến, họ không thể nào được làm chủ cuộc đời mình. Lúc ấy, chỉ có cái chết mới có thể giải thoát được họ khỏi những đau thương. Qua đó, Nguyễn Dữ đã gián tiếp tái hiện lại sự bất công của xã hội cũ đã đẩy người phụ nữ vào cái chết, chết oan ức, chết bi thương.

Nhưng sau đó, Nguyễn Dữ đã sáng tạo thêm những tình tiết ly kỳ khiến câu chuyện vừa hấp dẫn vừa mang kết thúc có hậu và thỏa đáng, khiến người đọc cũng cảm thấy được an lòng. Đây cũng chính là niềm đồng cảm và sự xót thương của tác giả với những thân phận hẩm hiu của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Sau khi chết, Vũ Nương đã được các nàng tiên cứu giúp vì bản tính đức hạnh và phẩm giá cao quý của nàng. Chính cái chết đã giúp nàng được hồi sinh, được sống lại và thoát khỏi cảnh khổ đau, ai oán của trần gian. Nhưng nỗi oan trong lòng nàng vẫn chưa nguôi ngoai nếu không được làm sáng tỏ. Nhân việc Phan Lang lạc vào địa hải, nàng được dịp nhờ Phan chuyển lời đến Trương Sinh lập đàn giải oan cho mình. Trương Sinh ban đầu vẫn nghi ngờ nhưng khi Phan đưa chiếc trâm của vợ mình ra chàng đã tin và làm theo ước muốn của nàng. Quả nhiên, Vũ Nương hiện về trên dòng sông, nàng ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, theo sau đến năm mưới chiếc xe cờ tán, võng lạc rực rỡ đầy sông, lúc ẩn lúc hiện. Hình ảnh này thật đẹp, thật xứng đáng với một con người đức hạnh như Vũ Nương. Và đó cũng chính là những gì mà nàng xứng đáng được nhận. Nhưng nàng không thể trở về nhân gian được nữa, nỗi oan được giãi bày, được sáng tỏ, nàng đã yên lòng mà ra đi.

Câu chuyện đã kết thúc nhưng giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực của tác phẩm đã khiến người đọc xúc động và nhận ra những ý nghĩa, những quy luật bất biến của cuộc đời: ở hiền gặp lành. Và rồi nhất định chế độ phong kiến cũ cũng sẽ tàn lụi, trả lại cuộc sống tự do và công bằng cho người phụ nữ, cho những con người cùng khổ dưới chế độ nam quyền bất công. Đồng thời, khi xây dựng lên nhân vật Vũ Nương hoàn hảo đẹp cả người lẫn nết, nhà văn đã ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ truyền thống Việt Nam, qua đó ông muốn gửi đến người phụ nữ thế hệ sau một tấm gương sáng về đạo làm vợ, làm mẹ, làm con dâu hiền thảo, nết na.

>> Xem thêm nhiều bài văn mẫu phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong Chuyện người con gái Nam Xương

-----------------

Hy vọng rằng dàn ý phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong Chuyện người con gái Nam Xương trên đây sẽ giúp các em hoàn thành bài làm của mình một cách hoàn thiện và thuận lợi. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!

» Tham khảo thêm:

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM