Dàn ý phân tích cảm hứng thu sâu sắc và tinh tế qua bài thơ Sang thu

Xuất bản: 21/02/2019 - Cập nhật: 05/06/2019 - Tác giả:

Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết đề văn phân tích cảm hứng thu sâu sắc và tinh tế của Hữu Thỉnh qua bài thơ Sang Thu (SGK Ngữ Văn 9 tập 2)

Dàn ý phân tích cảm hứng thu của Hữu Thỉnh qua bài Sang thu

I. Mở bài

- Giới thiệu về mùa thu trong thơ ca nói chung

- Giới thiệu tác giả Hữu Thỉnh và tác phẩm Sang Thu

+ Bài thơ thể hiện cảm nhận tinh tế và sâu sắc của tác giả trước cảnh đất trời trong khoảnh khắc sang thu

II. Thân bài

1. Khái quát hoàn cảnh sáng tác và mạch cảm xúc chủ đạo của bài thơ

+ Tác phẩm được viết năm 1977, in lần đầu trên báo Văn nghệ, sau đó được in rất nhiều lần trong các tập thơ

+ Mạch cảm xúc: Bài Sang thu là bức thông điệp trong khoảnh khắc giao mùa, nổi bật với hai mạch cảm xúc: Cảm nhận về thiên nhiên lúc sang thu và suy ngẫm, chiêm nghiệm của tác giả về đời người trước hình ảnh tự nhiên

2. Phân tích cảm nhận thu tinh tế, sâu sắc của tác giả

a) Cảm nhận thu tinh tế của tác giả (từ cảm nhận về thiên nhiên)

- Thiên nhiên được cảm nhận từ những thứ tưởng chừng như vô hình (hương ổi, gió) dần dần hữu hình, rõ nét (sương, ngõ)

+ Thiên nhiên mang trạng thái, xúc cảm của con người: chùng chình, lưu luyến, bâng khuâng

- Tác giả cảm thấy bất ngờ, ngạc nhiên “bỗng nhận ra hương ổi” trước khoảnh khắc sang thu diệu kì “hình như thu đã về”

+ Tác giả cảm nhận tự nhiên bằng tất cả các giác quan của mình như thị giác, khứu giác, xúc giác – thể hiện sự giao hòa, thấu hiểu tự nhiên

+ Tâm hồn thi sĩ cũng biến điệu nhịp nhàng với bước chuyển giao mùa

- Cảm nhận thu trong không gian cao và xa hơn

+ Hai câu thơ “Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vã” gợi không gian rộng mở, cao vời vợi của tự nhiên

+ Mọi sự vật, hiện tượng của đất trời như chuyển biến thật tinh tế

+ Tác giả phải là người tinh tế mới có thể cảm nhận được sự chuyển biến của thiên nhiên trong lúc “bắt đầu” ấy

- Hai câu thơ cuối là đỉnh cao của nghệ thuật gợi tả, mang lại nhiều liên tưởng thú vị cho người đọc:

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

+ Thiên nhiên đang ở cửa ngõ của mùa: cửa ngõ không gian và thời gian. Nghệ thuật nhân hóa thể hiện trí tưởng tượng phong phú, khả năng đồng điệu và thấu hiểu của tác giả trước tự nhiên

- Khổ thơ cuối hình ảnh thu sang nhẹ nhàng, rõ rệt gắn với chiêm nghiệm của tác giả về cuộc đời, con người

+ Nắng cuối hạ vẫn còn oi nồng nhưng đã “vơi dần những cơn mưa” bất ngờ, ào ạt của mùa hạ.

+ Những từ ngữ “vơi”, “bớt”, “dần” gợi tả thiên nhiên mùa hạ nhạt dần, thu tới đậm nét và bất ngờ hơn

b) Cảm nhận thu sâu sắc, những suy ngẫm và chiêm nghiệm của tác giả

- Hai câu thơ cuối bài kết tinh những chiêm nghiệm, suy ngẫm sâu sắc của tác giả về con người, cuộc đời

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi

- Nghĩa thực: tả thiên nhiên trong mùa thu, sấm thưa thớt dần và nhỏ dần, ít có giông bão, biến cố “sấm cũng bớt bất ngờ”

- Nghĩa ẩn dụ: “sấm” là những biến động bất thường của hoàn cảnh và cuộc đời. “Hàng cây đứng tuổi” là con người từng trải

→ Thu sang nhưng gợi liên tưởng tới đời người: con người khi đi qua những thăng trầm, bất ngờ của cuộc đời sẽ không cảm thấy sợ sệt, bất ngờ trước những sóng gió của cuộc đời

III. Kết bài

- Khoảnh khắc sang thu vừa mong manh, hư ảo vừa rõ rệt cụ thể. Thiên nhiên trong thời điểm giao mùa thơ mộng qua cảm nhận tinh tế của nhà thơ trước những biến chuyển của trời đất trong thời khắc sang thu và cả những biến động trong lòng người

- Cảm nhận sang thu được chuyển tải bằng thể thơ năm chữ, ngôn ngữ giàu sức biểu cảm, hình ảnh thơ lãng mạn, lối nhân hóa liên tưởng thú vị

Bài văn mẫu tham khảo

Khoảnh khắc giao mùa có lẽ là đẹp nhất của tự nhiên. Nó gieo vào lòng người những rung động nhịp nhàng khiến ta cũng như giao hoà, đồng điệu. Biết bao nhà thơ, nhà văn đã cảm nhận và ghi lại một cách rất tinh tế sự chuyển biến nhẹ nhàng mà rõ rệt đó. Khi chúng ta chưa hết ngỡ ngàng bởi một Xuân Diệu bâng khuâng, tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì thì đã gặp một Hữu Thỉnh tinh tế, sâu sắc đến vô cùng. Bài Sang thu của thi sĩ Hữu Thỉnh là sự cảm nhận như thế.
Bài thơ là sự chuyển động rất tinh tế của sự sống khi hạ dần qua và thu đang đến. Không như những nhà thơ khác cảm nhận mùa thu qua sắc vàng của hoa cúc, của lá ngô đồng hay qua tiếng lá khô xào xạc, Hữu Thỉnh đón nhận mùa thu bằng một hương vị đặc biệt - đó chính là hương ổi:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Giữa những âm thanh, màu sắc và hương vị đặc trưng của mùa thu đang lan toả, chỉ có hương ổi làm nhà thơ bất chợt xao lòng. Đó là một thứ hương vị không dễ dàng nhận ra. Bởi lẽ hương ổi không phải một hương thơm ngào ngạt, nồng nàn, mà nó thoảng đưa êm dịu trong gió đầu thu nhưng cũng đủ đánh thức xúc cảm trong lòng. Hữu Thỉnh gợi thật đúng, thật hay. Hương ổi không chỉ lan toả mà còn vận động rất mạnh trong không gian. Có lẽ đó là sức sống dạt dào mà mùa hạ muốn tặng cho mùa thu chăng?

Màn sương thu hình như cũng muốn tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc đó mà chùng chình chưa muốn tan đi:

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

Không gian có sự hoà hợp giữa hương ổi dịu dàng, gió thu nhẹ nhẹ và sương thu mơ màng tạo nên một ấn tượng đặc biệt mà ta khó lòng quên được. Chùng chình là sự rung rinh, lay động của làn sương hay cũng chính là sự rung động trong tâm hồn nhà thơ Hữu Thỉnh? Có lẽ là cả hai. Vạn vật trong thời khắc chuyển mùa vì thế càng trở nên duyên dáng, nhịp nhàng. Cảm quan tinh tế của nhà thơ đã phát hiện ra vẻ đẹp rất riêng, rất duyên đó để rồi xao xuyến: Hình như thu đã về. Lời reo vui cũng thì thầm nhỏ nhẹ, bâng khuâng vang lên trong lòng Hữu Thỉnh như bước đi của mùa thu.

Để dòng cảm xúc trôi theo thời gian, cảm nhận rõ hơn bước đi của sự sống, nhà thơ lại tiếp tục quan sát:

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã 

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Nếu như khổ thơ thứ nhất, thu mới chỉ là sự đoán định (Hình như thu đã về) thì ở khổ thơ này nó đã trở thành sự khẳng định. Đó là hình ảnh đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu. Mùa thu đã đến thật rồi! Thu không còn là sự mong đợi, đoán định. Thu hiển hiện trong cuộc sống, trên cỏ cây hoa lá và trong lòng người. Cũng như sương thu, dòng sông dường như cũng thong thả, chậm chạp hơn. Như hút vào lòng mình tất cả niềm sung sướng, thoả thê của cuộc sống để dềnh lên những con nước mát lành. Mọi chuyển động có vẻ rất đều đều, rất nhẹ, riêng có cánh chim là vội vã cuống quýt. Sự vội vàng đó phải chăng cũng là sự vội vàng trong tâm hồn Hữu Thỉnh, muốn được mở rộng lòng mình đón nhận mọi rung động dù là nhỏ nhất? Điểm nhìn của nhà thơ như được nâng dần từ dòng sông, cánh chim đến bầu trời cao rộng:

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Lại một sự biến chuyển khác trong khoảnh khắc giao mùa khiến lòng ta rung động. Đó không phải là lớp lớp mây cao đùn núi bạc hay mây biếc về đâu bay gấp gấp mà lại là đám mây mùa hạ - vắt nửa mình sang thu. Có thể là một đám, hai đám hay nhiều hơn nữa nhưng có lẽ trong Sang thu mây không thể nào lớp lớp mây cao dược. Vì mùa thu mới bắt đầu chưa thể nhuốm đượm lên lớp lớp sự vật. Hình ảnh đám mây là một phát hiện rất mới lạ và độc đáo của Hữu Thỉnh. Bức tranh chuyển mùa vì thế càng trở nên sinh động, giàu sắc gợi cảm.

Mỗi khổ thơ là một sự chuyển biến rất rõ của không gian. Bài thơ có tựa đề là Sang thu mà sao vẫn thấy phảng phất dấu hiệu mùa hè:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Dấu hiệu đó là nắng, mưa, sấm, nhưng đã là nắng, mưa, sấm cuối mùa. Ánh nắng chói chang ngày nào nay đã vơi dần cơn mưa trở nên mát mẻ, dễ chịu hơn nhiều. Hai câu thơ cuối cùng gợi cho ta nhiều suy nghĩ liên tưởng thú vị.

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Giọng thơ trầm hẳn xuống, câu thơ không đơn thuần chỉ là giọng kể, là sự cảm nhận mà còn là sự suy nghĩ chiêm nghiệm về đời người. Mùa thu của thiên nhiên hay mùa thu của mỗi đời người? Nhìn cảnh vật biến chuyến khi thu mới bắt đầu, Hữu Thỉnh nghĩ đến cuộc đời khi đã đứng tuổi. Phải chăng mùa thu của đời người là sự khép lại những tháng ngày sôi nổi, với những bất thường của tuổi trẻ và mở ra một mùa mới, một không gian mới, yên tĩnh, trầm lắng hơn? Hai hình ảnh sấm và hàng cây đứng tuổi vừa có ý nghĩa tả thực vừa có ý nghĩa tượng trưng cho thấy một Hữu Thỉnh rất đỗi tinh tế, nhạy bén trong cảm nhận và liên tưởng. Mùa thu thường không rạo rực, ấm áp như mùa xuân, không sôi động rộn ràng như mùa hạ, hay lạnh lẽo, thê lương như mùa đông. Thu đến rất nhẹ nhàng và đi rất lặng lẽ. Thu không đánh thức ta bằng những âm thanh vang động, màu sắc lộng lẫy, hương vị ngạt ngào mà reo vào lòng ta những thoáng xao động, mơ màng, gợi trong ta những suy nghĩ sâu xa về cuộc sống. Có lẽ vì thế mà thơ thu, trong đó có Sang thu của Hữu Thỉnh rất giàu ý nghĩa.

Mùa thu và thi sĩ từ lâu đã có duyên nợ nhưng không phải thu nào cũng như nhau, ví như bài Sang thu vậy. Nhà thơ Hữu Thỉnh nắm bắt hồn thu ngay trong khoảnh khắc chuyển mùa. Đó là những chuyển biến rất tinh vi mà phải có một tâm hồn thật tinh tế mới cảm nhận được. Có thể ta chưa thấy được hết vẻ đẹp của mùa thu trong bài thơ và thấu hiểu những gì mà nhà thơ muốn nhắn gửi nhưng Sang thu đã cho ta thấy sự vận động của cuộc sống quanh ta mà bấy lâu nay ta không hề biết tới. Càng yêu thơ thu ta càng trân trọng và cảm phục tâm hồn thi sĩ của Hữu Thỉnh và biết yêu quý hơn cuộc sống này.

» Xem thêmPhân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh để thấy được những cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh về mùa thu

--------------------------------------------------------------------

Trên đây là một số bài văn mẫu hay phân tích cảm hứng thu sâu sắc và tinh tế của Hữu Thỉnh trong bài thơ Sang Thu (chương trình Ngữ Văn 9), các bạn có thể tham khảo để hoàn thiện bài phân tích của mình. Chúc các bạn học tốt môn Văn !

Những bài văn mẫu 9 hay nhất tuyển chọn / Đọc Tài Liệu

Dàn ý phân tích cảm hứng thu sâu sắc và tinh tế qua bài thơ Sang thu

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM