Dàn ý phân tích bài thơ số 28 - Ta-go

Xuất bản: 25/04/2019 - Cập nhật: 07/09/2020 - Tác giả: Giangdh

Hướng dẫn lập dàn ý phân tích bài thơ số 28 của Ta-go bao gồm cả dàn ý chung và dàn ý chi tiết từ đó các em học sinh dễ dàng triển khai các ý cho bài phân tích bài thơ số 28 hoàn chỉnh

Lâp dàn ý phân tích bài thơ số 28 của Ta-go, các em học sinh cần lưu ý tới cách chia đoạn trong bài thơ để có thể nắm được các nội dung chính từng đoạn và cảm xúc xuyên suốt cả bài thơ. Chuyên mục Văn mẫu 11 của Đọc tài liệu đã tổng hợp những dàn ý từ chung tới chi tiết cho đề bài phân tích Bài thơ số 28 - Tago để cho các em học sinh tham khảo.

Dàn ý chung
Phân tích bài thơ số 28 - Ta-go

I. Mở bài: giới thiệu tình yêu trong bài thơ số 28 của Ta- go

Ví dụ:

Ra- bin Đra-nát Ta-go là một nhà văn, nhà văn hóa lớn của đất nước Ấn Độ, ông cũng là người Châu Á đầu tiên nhận giải Nô-ben văn học vào năm 1913. Ta-go có những đóng góp to lớn cho nền văn học thế giới. Một trong những tác phẩm nổi tiếng đáng chú ý của ông là Bài thơ số 28 trong tập thơ Người làm vườn. Bài thơ thể hiện tình yêu không có sự dung tục, tầm thường có sự hòa hợp giữa hai tâm hồn. Chúng ta cùng tìm hiểu bài thơ để hiểu rõ hơn về cảm xúc, tư tưởng cũng như phong cách thơ của Ra- bin Đra-nát Ta-go.

II. Thân bài: phân tích tình yêu trong bài thơ số 28 của Ta- go

1. Sáu câu đầu:

  • Hình ảnh đôi mắt được lặp đi lặp lại trong sáu câu thơ đầu
  • Người ta nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nơi thể hiện tình cảm của con người
  • Nhà thơ lấy hình ảnh đôi mắt để diễn tả tâm trạng của mình
  • Sự khát vọng hòa quyện giữa hai tâm hồn, thể hiện tâm hồn của nhà thơ.
  • Sự hòa hợp giữa trăng và biển, sự hòa hợp mà tác giả mong muốn

2. 15 câu tiếp theo:

  • Trái tim con người là một thế giới bí ẩn, con người không thể khám phá được
  • Tác giả nói rằng trái tim nhỏ bé những con người không thể tìm được ranh giới của nó
  • Trái tim thể hiện sự to lớn, rộng lớn vô cùng

3. Hai câu cuối:

  • Tình yêu vô hạn
  • Khẳng định rằng chúng ta không bao giờ biết được giới hạn của tình yêu.

III. Kết bài: nêu cảm nhận của em về tình yêu trong bài thơ số 28 của Ta- go

Ví dụ:

Qua bài thơ số 28 của Ta- go chúng ta cũng có thể thấy được tình yêu và sự khẳng định tình yêu, quan niệm tình yêu của tác giả.

Với dàn ý chung phân tích bài thơ số 28, các em học sinh hoàn toàn có thể từ đó xây dựng lên cho mình một bài phân tích tình yêu của Tago gửi gắm trong từng lời thơ. Nhưng để chi tiết hơn, định hướng bài viết rõ ràng hơn, các em có thể tham khảo thêm dàn ý chi tiết phân tích bài thơ số 28 của Ta go trong phần nội dung dưới đây.

>>> Tham khảo thêm: Soạn bài thơ số 28 - Tago

Dàn ý phân tích bài thơ số 28 - Ta-go
"Anh không giấu em một điều gì
Chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh”

Dàn ý chi tiết phân tích bài thơ số 28 của Tago

Áp dụng phương pháp tổng - phân - hợp để phân tích bài thơ số 28, chi tiết dàn ý như sau

A. MỞ BÀI - TỔNG

1. Bài thơ không có nhan đề, được đánh số 28, trích trong tập thơ Người làm vườn (The Gardener). Tập thơ gồm 85 bài thơ do Ta-go sáng tác bằng tiếng Ben-gan và tự dịch sang tiếng Anh năm 1914. Nhà thơ chính là người giữ gìn, vun trồng khu vườn tình yêu, kêu gọi hãy tin tưởng vào cuộc sống và tình yêu, tình yêu giữa con người với con người, với cuộc đời và với thiên nhiên vũ trụ.

2. Đây là bài thơ trữ tình giàu chất triết lí. Tác giả đặt vấn đề (nếu đời anh…. nếu trái tim anh…), rồi nêu phản đề (nhưng em ơi…, nhưng em ơi.,.) để khẳng định chân lí (nó sẽ trở thành một nụ cười nhẹ nhõm, nó sẽ tan ra thành lệ trong…).

Giọng điệu triết lí còn thể hiện trong đoạn cuối của bài thơ (Nhưng em ơi, trái tim anh lại là tình yêu…).

B. THÂN BÀI - PHẦN

1. Đoạn câu 1-6

– Mở đầu bài thơ là hình ảnh đôi mắt được sử dụng như một hình ảnh so sánh và tượng trưng:

Như trăng kia muốn vào sâu biển cả.

Đôi mắt có thể ví như ánh sáng kì diệu của trời đất chiếu rọi chốn sâu thẳm của trái tim người, như trăng kia muốn vào sâu biển cả. Trăng lặn xuống biển, hòa nhập vào cõi mênh mông, tỏa ánh sáng lung linh. Chính đó là sự biểu hiện nỗi khát khao hoa hợp tâm hồn.

Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em. Anh không giấu em một điều gì Nghịch lí xảy ra: cái mà em biết về anh chỉ là cái bề ngoài, còn tận đáy sâu thẳm của tâm hồn anh, con tim anh, em dễ đâu nắm bắt được.

2. Đoạn câu 7 – 16

– Những từ nếu, nhưng trong những câu 7, 8 và 9 được sử dụng để khẳng định nguyện ước cao quý của chàng trai là hiến dâng cho người yêu:

Nếu đời anh chỉ là viên ngọc
(if it were only a gem)
Nếu đời anh chỉ là một đóa hoa
(if it were only fllower)

– Viên ngọc, đóa hoa là những vật vừa quý giá, vừa đẹp mà tạo hóa ban cho con người. Đời anh cũng đẹp và quý giá như vậy. Nhưng nếu cần làm cho em xinh đẹp hơn, quý giá hơn, anh cũng nguyện ước hiến dâng cho em.

Em là nữ hoàng của vương quốc đó

– Cái quý giá nhất của chàng trai là một trái tim một vương quốc mà em là nữ hoàng, người làm chủ nó cũng không thể biết được biên giới của nó. Đây chính là khoảng cách không bao giờ vượt qua nổi, một đỉnh cao không bao giờ chinh phục nổi của tình yêu.

– Những từ nếu, nhưng trong câu 13, 16 và 19 được tiếp tục sử dụng để tiếp tục khẳng định, lí giải những đòi hỏi tưởng như nghịch lí mà ngẫm ra lại rất có lí: trái tim chàng trai có nhũng phút giây lạc thú. Chỉ là khổ đau thì người yêu cũng dễ chia vui bằng nụ cười nhẹ nhõm, cùng cảm thông bằng hạt lệ trong.

3. Đoạn câu 17-21

Nhưng chàng trai tự biết mình có một trái tim phức tạp hơn nhiều. Trái tim anh lại là tình yêu, trong đó tiềm ẩn mầm mống đối lập, mâu thuẫn: vừa sung sướng vừa đau khổ, vừa thiếu thốn, vừa giàu sang. Sự đối lập này mãi mãi tồn tại trong tình yêu, do đó tình yêu đòi hỏi phải thống nhất sự đối lập này như một quy luật. Cho nên chàng trai khẳng định:

Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy.
Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu.

C. KÊT BÀI - HỢP

1. Sự trọn vẹn trong tình yêu là vô hạn. Dù khẳng định:

Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu

Tình yêu vẫn luôn luôn khát khao được biết trọn nó. Nếu mỗi người yêu đều biết hướng về cái trọn vẹn để nắm bắt, khám phá, sáng tạo, chính là đạt đến hạnh phúc. Muốn có hạnh phúc trong tình yêu, hãy nhân lòng tin yêu lên, nhân sự hiểu biết hòa hợp như rút đầy cốc rượu nồng, mà Ta-go đã từng ví:

Tình yêu là cuộc đời trong trạng thái tràn đầy như cốc rượu chăng?

2. Giàu chất trí tuệ, thơ Ta-go đồng thời cũng đậm nét trữ tình. Nghệ thuật thơ ông thật đặc sắc với hình ảnh thơ sinh động, cấu trúc chặt chẽ, thủ pháp tượng trưng, so sánh, ẩn dụ được vận dụng, tạo sức rung cảm mạnh mẽ cho bài thơ.

Với dàn ý chi tiết phân tích bài thơ số 28 trên, các em học sinh có thể hình dung được chi tiết, gần như đầy đủ nội dung sẽ triển khai trong bài. Từ đó các em sẽ tìm những cách biểu đạt, sử dụng từ ngữ riêng của mình để xây dựng lên một bài văn phân tích hoàn chỉnh.

Hoặc các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu phân tích bài thơ số 28 của Tago dưới đây được triển khai nội dung dựa vào dàn ý phía trên. 

Bài văn mẫu phân tích bài thơ số 28 của Tago

Ta-go được xem là một nhà thơ lớn của Ấn Độ, trong sự nghiệp của ông đã có nhiều cống hiến quan trọng cho sự nghiệp phục hưng văn hóa Ấn Độ, giải phóng nhân dân Ấn Độ khỏi ách thực dân, và đã góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân loại vì độc lập, hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Tác giả Ta-go để lại một gia tài khổng lồ là các tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau mà lĩnh vực nào cũng xuất sắc trong đó đặc sắc là số lượng 52 tập thơ. Một trong số đó phải kể đến là tập thơ “Người làm vườn”. Có thể nói tập thơ như tiêu biểu cho giọng thơ giàu chất trữ tình và triết lí, vừa thể hiện tâm hồn Ấn Độ vừa lại như bao quát tinh thần nhân loại. Các bài trong tập thơ “Người làm vườn” rất đặc biệt đó là các bài thơ không có nhan đề mà chỉ được đánh số thứ tự. Nhận xét chung thì ta thấy “Bài thơ số 28” được biết đến là một trong những bài thơ hay nhất của Ta-go và bài thơ này đã xuất hiện trong nhiều tuyển tập thơ tình của thế giới.

Có lẽ tình yêu luôn luôn là một đề tài muôn thuở không bao giờ vơi cạn khơi nguồn cảm hứng cho biết bao tâm hồn thi sĩ. Và có thể xem “Bài thơ số 28” là lời tỏ tình của một chàng trai muốn gửi đến cô gái mà chàng trai yêu. Qua lời tỏ tình của chàng trai tanhận ra rằng tình yêu là sự vô tận, mãi mãi không có giới hạn trong trái tim của những ai đang yêu, và như một lời nhắn nhủ đối với những ai đã, đang và sẽ chìm đắm trong men say tình ái rằng: muốn có được hạnh phúc trong tình yêu thì luôn luôn phải tìm hiểu, khám phá và thấu hiểu sâu sắc về nhau. Và chỉ có như vậy thì tình yêu mới bền đẹp được.

Mở đầu bài thơ đó chính là tâm trạng băn khoăn, bồn chồn, lo lắng và thoáng có chút buồn của cô gái ẩn chứa một khát khao cháy bỏng muốn nhìn vào sâu tận trong tâm tưởng của chàng trai:

“Đôi mắt băn khoăn của em buồn
Đôi mắt em muốn nhìn vào tâm tưởng của anh
Như trăng kia muốn vào sâu biển cả”

Trong tình yêu, thì sự tin tưởng lẫn nhau là một yếu tố rất quan trọng, nhưng dường như ở đây cô gái chưa thật sự tin tưởng chàng trai nên muốn nhìn sâu vào tâm tưởng của anh để tìm hiểu, khám phá mọi bí mật. Đôi mắt được ví như lăng kính của cuộc sống mà qua đó ta có thể nhìn thấy mọi vật, nhưng ở đây đã có một sự cường điệu hóa, đôi mắt chỉ có thể nhìn được những vật thuộc phạm vi về hình ảnh bên ngoài, nhưng trong câu thơ, cô gái muốn dùng đôi mắt của mình để nhìn thấu trái tim chàng trai, muốn biết anh đang nghĩ gì, điều lẽ ra mà chỉ có con tim mới cảm nhận được.

Tác giả sử dụng hình ảnh so sánh khát khao của cô gái như “trăng” muốn vào sâu “biển cả”. Đây là một hình ảnh ẩn dụ rất lãng mạn, trăng chìm xuống biển như hòa nhập vào mặt biển vô tận mênh mông, đem ánh sáng của mình làm lấp lánh mặt nước biển, qua hình ảnh này cô gái thể hiện rõ khát khao của mình , muốn tâm hồn của mình hòa nhập vào tâm hồn của chàng trai.

Biết rõ khát khao của cô gái, chàng trai bày tỏ hết lòng mình mong rằng cô gái sẽ hiểu:

“Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em
Anh không giấu em một điều gì
Chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh”

Chàng trai ở đây dường như đã giãi bày tất cả thể hiện ở hành động “không giấu em một điều gì”, thế nhưng nghịch lí là chàng trai đã giãi bày tất cả nhưng cô gái lại “không biết gì tất cả về anh”. Đây chính là sự bí ẩn và tính khó lí giải trong tình yêu.

Chàng trai đã thể hiện sự chân thành của mình để cô gái tin tưởng bằng một loạt các hình ảnh so sánh đến mãnh liệt. Nhân qua đây anh muốn nói với cô gái rằng: Anh có thể sẵn sàng dâng hiến cả cuộc đời của anh cho em đó.

“Nếu đời anh chỉ là viên ngọc
anh sẽ đập nó ra làm trăm mảnh
và xâu thành một chuỗi
quàng vào cổ em.
Nếu đời anh chỉ là một đóa hoa,
tròn trịa, dịu dàng và bé bỏng
anh sẽ hái nó đặt lên mái tóc của em”

Tác giả đã ví cuộc đời anh với “viên ngọc” điều này đã như thể hiện sự trang trọng, cao quý còn “đóa hoa” tượng trưng cho vẻ đẹp, nhưng anh sẵn sàng “đập” viên ngọc làm trăm mảnh và “hái” bông hoa để dành tặng cho cô gái mà chàng trai yêu, thể hiện sự dâng hiến của anh dành cho em.

“Nhưng em ơi, đời anh là một trái tim
Nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó
Em là nữ hoàng của vương quốc đó
Ấy thế mà em có biết gì về biên giới của nó đâu”.

Chàng trai dường như đã tiếp tục lại bộc bạch và thể hiện sự dâng hiến, dâng hiến cả trái tim của mình. Trái tim yêu nhiệt thành, yêu mãnh liệt là vô tận, cũng như đại dương mênh mông không ai biết được chiều sâu và bến bờ của nó. Nhưng cũng có khi nơi sâu trong trái tim lại như chỉ là một vương quốc nhỏ bé mà cho dù em là nữ hoàng, chủ của vương quốc trái tim anh mà cũng không thể biết biên giới của nó kéo dài đến đâu.

Có thể thấy rằng khoảng cách của tình yêu là rất lớn vì vậy cần phải thu hẹp rút ngắn khoảng cách đó lại bằng sự hòa hợp đồng cảm lẫn nhau:

“Nếu trái tim anh chỉ là một phút giây lạc thú
Nó sẽ nở ra thành một nụ cười nhẹ nhõm
Và em thấu suốt rất nhanh
Nếu trái tim anh chỉ là khổ đau
Nó sẽ tan thành lệ trong
Và lặng im phản chiếu nỗi niềm u uẩn”

Nếu yêu thì hãy đồng cảm, chia sẻ với nhau. Và nếu như chàng trai vui thì cô gái cũng nở nụ cười trên môi, chàng trai buồn, cô gái  cũng rơi những giọt nước mắt điều này đã thể hiện sự đồng cảm chân thành với nhau.

Tình yêu thật phức tạp và khó giải thích, nó như ẩn chứa nhiều mâu thuẫn như chàng trai nói:

“Nỗi vui sướng, khổ đau của nó là vô biên
Những đòi hỏi của sự giàu sang là trường cửu
Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy
Nhưng sẽ chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu”.

Trong tình yêu có rất nhiều cảm xúc, lúc thì vui sướng lúc thì khổ đau và những cảm xúc này là vô tận không biết đâu là giới hạn. Trong tình yêu cũng rất nghịch lí và mâu thuẫn, mặc dù anh luôn ở bên em, gắn bó khăng khít với em, cùng nhau chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn nhưng anh vẫn khẳng định không bao giờ em có thể hiểu hết được trái tim anh.

“Bài thơ tình thứ 28” dường như đã sử dụng rất nhiều hình ảnh so sánh, ví von và cách nói nghịch lí cho thấy trong tình yêu còn nhiều điều khó hiểu, không thể lí giải được. Và trong tình yêu cần phải có sự thấu hiểu, hòa nhập vào nhau, như vậy mới có được tình yêu vĩnh cửu.

----

Với những dàn ý phân tích bài thơ số 28 của Tago, cùng với 1 bài văn mẫu triển khai dựa trên dàn ý đó, hi vọng các em học sinh sẽ làm được bài văn phân tích bài thơ tình số 28 thật đầy đủ, chi tiết và độc đáo. Chúc các em học tốt môn văn mẫu lớp 11.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM