Dàn ý nghị luận về việc chọn nghề trong tương lai

Xuất bản: 14/04/2019 - Tác giả:

Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết đề văn nghị luận bàn về việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai của thanh niên hiện nay.

Dàn ý nghị luận về việc lựa chọn nghề của thanh niên hiện nay

Dàn ý ngắn gọn nhất

1. Mở bài:

- Giới thiệu tầm quan trọng của nghề nghiệp? Nó là một thứ không thể thiếu ở bất cứ con người nào, bởi con người không thể tồn tại nếu không có lao động, lao động tạo nên nghề nghiệp.

- Nghề nghiệp là thứ mà con người lựa chọn, chính vì thế: Không phải nghề nghiệp làm danh giá cho con người, mà chính con người làm danh giá cho nghề nghiệp.

2. Thân bài:

a) Nghề nghiệp là gì?

- Nêu lên tầm quan trọng của nghề nghiệp trong xã hội hiện nay, nghề nghiệp có quyết định lên tính cách của con người hay không, hay con người quyết định nghề nghiệp.

- Nghề nghiệp tạo nên điều gì trong cuộc sống, nếu không có nghề nghiệp con người có tồn tại được không ?

- Khẳng định lại tầm quan trọng của nghề nghiệp từ xưa đến nay : Ông cha ta đã coi trọng trong việc lựa chọn nghề nghiệp, nghề nghiệp là do con người lựa chọn, chính vì vậy mỗi người sẽ có cơ hội để phát huy khả năng cũng như trình độ của chính mình trong cuộc sống.

b) Việc lựa chọn nghề nghiệp phải chú ý tới những đặc điểm gì?

- Chọn nghề nghiệp theo năng lực

- Chọn nghề nghiệp được ưa chuộng

- Chọn nghề minh yêu thích

c) Những tấm gương chọn nghề nghiệp?

. Tấm gương Bác Hồ.

. Tấm gương Lỗ Tấn.

d) Làm thế nào để lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn ?

3. Kết bài

- Nêu cảm nghĩ của bản thân về việc chọn nghề.

» Có thể bạn quan tâm: Dàn ý bàn về quan điểm vào đại học có phải con đường tiến thân duy nhất

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

- Dẫn dắt, đưa ra vấn đề cần nghị luận:

+ Với học sinh lớp 12 - những học sinh cuối cấp, chúng ta sắp phải đưa ra một quyết định hệ trọng, một quyết định ảnh hưởng lâu dài tới tương lai của chính bản thân đó là quyết định lựa chọn một nghề nghiệp cho tương lai.

+ Mỗi chúng ta cần phải có một quan điểm rõ ràng, đúng đắn về việc lựa chọn nghề nghiệp để có thể thành công trong cuộc sống và tránh được sự ân hận sau này.

2. Thân bài:

* Giải thích: “Nghề“ là một lĩnh vực lao động mà trong đó, nhờ được đào tạo, con người có được những tri thức, những kỹ năng để làm ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần nào đó đáp ứng được những nhu cầu xã hội và đem lại lợi ích thiết thực, lâu dài cho bản thân.

* Bàn luận về việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai:

- Nghề nghiệp là vấn đề gắn bó lâu dài với cuộc sống mỗi người:

+ Nếu lựa chọn đúng nghề, ta sẽ có niềm say mê, hứng thú với công việc, có cơ hội phát huy năng lực …

+ Nếu lựa chọn sai nghề ta sẽ mất cơ hội, công việc trở thành gánh nặng …

- Thuận lợi, khó khăn trong việc lựa chọn nghề hiện nay:

+ Thuận lợi: xã hội ngày càng phát triển, ngành nghề ngày càng đa dạng, mở ra nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp cho thanh niên.

+ Khó khăn: Nhu cầu xã hội ngày càng cao đòi hỏi chất lượng tay nghề của người lao động phải giỏi; Một số ngành được xã hội đề cao hứa hẹn mức thu nhập tốt thì lại có quá nhiều người theo học dẫn tới tình trạng thiếu việc làm …

- Quan điểm chọn nghề: (trình bày quan điểm kết hợp với phân tích, đưa dẫn chứng)

+ Phải phù hợp với năng lực và niềm say mê, sở thích của bản thân

+ Có đủ các điều kiện để có thể theo học nghề mà mình chọn: (chiều cao, sức khỏe, tài chính, lý lịch,...)

+ Không nên chạy theo những công việc thời thượng bởi nhu cầu xã hội biến đổi không ngừng, không chọn nghề theo sở thích của người khác.

+ Khi đã chọn được nghề thì phải có ý thức trau dồi nghề nghiệp của mình

=> Giỏi nghề sẽ không bao giờ lo thất nghiệp mà ngược lại sẽ có cuộc sống sung túc, ổn định “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.

- Em sẽ chọn nghề gì? Lý do vì sao lại chọn nghề đó? (Học sinh tự do trình bày tuy nhiên phải mang ý nghĩa tích cực, phù hợp với đạo đức và sự tiến bộ của xã hội)

* Bài học nhận thức và hành động:

- Mỗi người cần nhận thức được khả năng thật sự của bản thân để lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp.

- Khi lựa chọn nghề nghiệp chúng ta cần có sự kết hợp hài hoà giữa năng lực và sở thích. Trong đó năng lực đóng vai trò quyết định.

3. Kết bài:

Khái quát lại vấn đề: Cảm nghĩ của bản thân về việc chọn nghề

>> Hướng dẫn cách lập dàn ý chi tiết đề văn nghị luận về tuổi trẻ và tương lai đất nước

Tham khảo bài văn mẫu bàn về việc chọn nghề trong tương lai của thanh niên hiện nay

Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, các bạn trẻ ai cũng mong muốn có một nghề nghiệp ổn định, trước hết là để kiếm sống, rồi để thể hiện năng lực, khẳng định vị trí của bản thân. Song, trước mắt kì thi Đại học, Cao đẳng, kì thi vào các trường dạy nghề đang đến gần, nhiều người vẫn đang băn khoăn lo nghĩ không biết nên chọn nghề như thế nào: Chọn nghề phù hợp với năng lực thực tế của bản thân, chọn nghề đang được ưa chuộng trong đời sống xã hội hay nhất quyết theo đuổi nghề bản thân thiết tha yêu thích?

Vấn đề này thật khó khăn đối với thế hệ chúng ta bởi tuổi trẻ còn thiếu kinh nghiệm, bồng bột, nông nổi dễ đưa ra những quyết định thiếu chín chắn, làm phí đi nhiều thời gian, sức lực. Nghề nghiệp là vấn đề gắn bó lâu dài với đời sống mỗi cá nhân, chỉ cần chọn sai nghề ta sẽ phải trả giá. Vậy phải lựa chọn nghề nghiệp như thế nào?

Nghề nghiệp trước hết đòi hỏi con người phải có khả năng làm công việc đó. Tức là phải có hệ thống tri thức, kỹ năng kĩ xảo về công việc bạn lựa chọn. Có như vậy bạn mới làm việc có sản phẩm (vật chất hay phi vật chất). Hơn nữa, nghề nghiệp đòi hỏi sự ổn định. Bạn khó có thể nay làm nghề này mai làm nghề khác. Đặc biệt ngày nay, khi vấn đề chuyên môn hoá đang được chú trọng thì việc ổn định việc làm đi sâu tìm tòi, sáng tạo trong lao động càng được khuyến khích. Thay đổi việc làm, bạn sẽ bắt đầu lại những kiến thức mới, kĩ năng kĩ xảo mới, những quan hệ mới, ... Chừng ấy việc tiêu hao quá nhiều thời gian sức lực của bạn. Chưa kể những khả năng ấy sẽ giảm dẫn theo tuổi tác, bạn cũng sẽ không có nhiều thời gian để lao động, hoặc lao động không có hiệu quả. Bên cạnh đó, tình cảm nghề nghiệp cũng là yếu tố quan trọng. Nó trở thành động lực để bạn say mê với việc làm của mình.

Như vậy, nếu chọn nghề dựa vào tiêu chí nghề nghiệp đang được ưa chuộng trong đời sống thì ta tưởng tượng xem? Ta biết rằng xã hội ngày nay đang vận động biến đổi không ngừng. Yêu cầu xã hội mỗi ngày mỗi khác. Mới cách đây khoảng hai chục năm, công nghiệp nặng còn thu hút sự tập trung khai thác của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng thì ngày nay xã hội đem thành quả và tiềm năng công nghệ thông tin, dịch vụ xã hội, khoa học công nghệ,... làm tiêu chí đánh giá sự phát triển của mỗi quốc gia, khu vực. Nói như vậy để thấy được sự lựa chọn này quá mạo hiểm! Bạn có chắc rằng mình sẵn sằng thay đổi nghề nghiệp theo chu kì 20 năm, 15 năm, 10 năm,... hay thậm chí là 5 năm, 4 năm,... không? Đó là chưa kể đến việc liệu bạn có khả năng hoàn thành tốt công việc đó? Bạn có thực sự say mê với lựa chọn của mình? Thực tế, không ít người chạy theo nhu cầu của xã hội, thay đổi công việc cho hợp với thời thế. Hậu quả là việc cũ chưa đem về lãi đã mất rất nhiều thời gian, sức lực, tiền bạc cho công việc mới. Mong bạn nhớ rằng: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh!

Còn nếu bạn nhất quyết theo đuổi nghề mà mình thiết tha yêu thích thì phải tính đến năng lực của bản thân mình. Tình cảm nghề nghiệp là yếu tố không thể thiếu song năng lực lại là yếu tố cần cho mọi công việc. Bạn yêu thích thơ văn, bạn mong muốn trở thành nhà văn nhưng những gì bạn viết ra người đọc không thể hiểu; hay nó nhạt nhẽo vô vị. Khi ấy, bạn bị lạc lõng, bất lực bên bờ cát dài của con chữ. Bạn bế tắc hoàn toàn. Lựa chọn con đường này, bạn sa vào tình cảnh “lực bất tòng tâm” đau khổ vô cùng. Chẳng những đời sống kinh tế bị khốn cùng, mà tâm hồn bạn cũng bị chất vấn day dứt không yên. Lúc đó, tình yêu nghề nghiệp trở thành gánh nặng ghìm bước chân bạn trên đường đời.

Chốt lại mọi con đường, hướng lựa chọn nghề phù hợp với năng lực thực tế, hợp lí và khả thi hơn cả. Có năng lực, điều đó hứa hẹn thành công trong công việc của bạn. Cũng có nghĩa nó mở ra khả năng đạt mức cao trong đời sống vật chất. Hội tụ lại mọi điều, bạn được xã hội tôn vinh và trở thành người thành đạt. Một chút nhạy bén với thị trường, một chút khả năng tính toán, ngoại giao, quan hệ,... bây nhiêu điều đủ tạo nên năng lực một nhà kinh doanh có tài. Năng động, sắc sảo, tinh tế, thẳng thắn cộng với khả năng “viết lách” và vốn sống phong phú - đó là những gì cần có ở một nhà báo tài ba,... Nhắc đến nghề nghiệp là nhắc đến công việc; nhắc đến công việc là nhắc đến khả năng làm việc. Vậy là gì nếu không phải là yếu tố năng lực khi lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai?

Cũng có thể nghề nghiệp bạn có khả năng không “thịnh hành” lắm trong xã hội. Giới sinh viên từng “lưu truyền” câu nói: nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, bỏ qua Sư phạm. Như vậy không có nghĩa xã hội không cần đến nghề của bạn cũng như cuộc sống không thể thiếu những người thầy. Quan trọng là bạn biết nỗ lực giành lấy những thành công trong lĩnh vực của mình. Xã hội có thể “bỏ qua” nhưng là bỏ qua những kẻ bất tài, kém chí. Thực tế, mỗi ngành nghề đóng một vai trò khác nhau trong đời sống, thiếu đi một trong số đó xã hội sẽ khủng hoảng rối loạn. Vậy bạn cần khẳng định mình là ai trong giới của mình?

Tình cảm là thứ không thể gò ép, bắt buộc. Song cũng cần nhìn nhận rằng bất cứ nghề nào cũng có cái hay, cái đẹp, cái cao quý riêng của mình. Chẳng có nghề nghiệp chân chính nào hèn kém cả. Bất cứ nghề nào ta bỏ ra mồ hôi, công sức, thì đều đáng trân trọng. Bỏ ra một chút thời gian để tìm hiểu về nghề ta sẽ thấy được vẻ đẹp và tầm quan trọng của nó. Từ đó sẽ nảy sinh tình cảm mến yêu quý trọng. Có ai không tự hào khi mình là giáo viên - là những kĩ sư tâm hồn đi gieo những mầm sống cho đời? Có ai không tự hào khi mình là người công nhân xây cầu, bắc những nhịp yêu thương, đi nối những bờ ánh sáng?.... Và ai ai cũng tự hào khi mình lao động, kiếm sống bằng đôi bàn tay chân chính, bằng khối óc trong sạch của bản thân mình.

Cũng cần nói rằng, trong thực tế có rất nhiều bạn khi lựa chọn nghề nghiệp phải chịu những sức ép từ phía gia đình. Lại có bạn lựa chọn mà không hề suy nghĩ hay suy nghĩ viển vông, vượt quá tầm khả năng,... Những điều ấy cũng chẳng khác gì lựa chọn theo yêu cầu của xã hội hay chạy theo ham muốn cá nhân. Chúng chỉ khiến ta thoả mãn tâm lí trong một thời gian ngắn để rồi phải trả giá cả cuộc đời lao động của mình.

Công việc, nghề nghiệp cần được định hướng sớm để mỗi cá nhân có hướng chuẩn bị hành trang về tri thức, kĩ năng kĩ xảo. Đó là những yếu tố sẽ tạo nên những thành công bứt phá trong sự nghiệp mỗi con người. Lựa chọn nghề mghiệp cần dựa trên sự kết hợp hài hoà giữa năng lực và sở thích trong đó năng lực đóng vai trò quyết định.

Sưu tầm và tuyển chọn Văn mẫu lớp 12 hay nhất / Đọc Tài Liệu

Dàn ý nghị luận về việc chọn nghề trong tương lai

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM